“Hãy xem xét sự đúng đắn trong các lời dạy của ta…”

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 71 - 72)

Mục tiêu của tôi, khi mong muốn đối chiếu các phương pháp tiếp cận khoa học và Phật giáo, không phải để đem lại cho khoa học những dáng vẻ huyền bí, hay chứng tỏ sự đúng đắn của Phật giáo bằng các phát kiến khoa học. Khoa học vận hành rất tốt và đạt được những mục tiêu mà nó đề ra - tri thức về các hiện tượng và phát hiện ra các định luật vật lí chi phối hành vi của chúng - mà không cần bất cứ sự hỗ trợ triết học hay tâm linh nào. Phật giáo là khoa học về sự giác ngộ - đạt được tri thức tối cao - và việc Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời hay ngược lại, hay vũ trụ khởi nguồn từ một vụ Big Bang, hay nó đã tồn tại mãi mãi, thì cũng chẳng có gì thay đổi. Do khoa học và Phật giáo đều đại diện cho việc tìm kiếm chân lí, với các tiêu chuẩn đích thực, chặt chẽ và lôgic, nên cách chúng xem xét thực tại không thể dẫn tới một sự đối lập không thể giải quyết, trái lại, sẽ là một sự hài hòa bổ trợ cho nhau. Với tôi, khám phá sự hội tụ và phân kì của chúng trước hết là một cuộc nghiên cứu sự gắn kết chặt chẽ về mặt trí tuệ: nếu như hai hệ thống tư tưởng đúng đắn này định mô tả cùng một thực tại, thì chúng nhất định sẽ phải gặp nhau tại đâu đó; nếu như không tồn tại điểm hội tụ nào, thì một trong hai hoặc cả hai đều sai lầm. Như nhà vật lí người Đức Werner Heisenberg đã viết: “Tôi coi rằng tham vọng vượt qua những mâu thuẫn, bao gồm sự táng hợp thâu tóm cả sự hiểu biết lí tính lẫn trải nghiệm huyền bí về tính thống nhất, là mythos, cuộc kiếm tìm, dù được thể hiện ra hay không được thể hiện ra, của thời đại chúng ta”.

Thông qua cuộc đối thoại của tôi với Matthieu Ricard, phải nói rằng tôi càng thêm ngưỡng mộ cách mà Phật giáo phân tích thế giới hiện tượng, một cách sâu sắc, độc đáo và không giáo điều. Bất chấp cách thức nghiên cứu thực tại rất khác biệt, Phật giáo, cũng như khoa học, đều dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Trong khoa học, chúng ta phải từ bỏ hay thay đổi mọi quan điểm hay lí thuyết không phù hợp với các dữ liệu thực nghiệm. Cũng vậy, Phật giáo cần chấp nhận mọi sự thực, dù nó được phát hiện bởi khoa học hay trực giác nhập định, ngay cả khi chúng trái ngược với những giáo lí của nó. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói rằng, nếu khoa học chứng tỏ rằng Phật giáo sai lầm ở một số phương diện nào đó thì ông cũng sẽ chấp nhận sự phán quyết của nó.

Phật giáo trước hết dựa trên kinh nghiệm trực tiếp. Nó không bị đông cứng trong các giáo điều, đồng thời, có thể gạt bỏ nếu nó không đe dọa phải xem xét lại tận gốc những nền tảng của nó. Phật giáo sẵn sàng chấp nhận mọi quan điểm về thực tại miễn là thỏa mãn những tiêu chuẩn của chân lí đích thực. Đích thân Đức Phật cũng đã cảnh báo các đồ đệ của mình nguy cơ về một đức tin mù quáng và giáo điều: “Hãy kiểm chứng, Ngài nói, sự chân thực của những lời dạy của ta giống như các ngươi kiểm chứng chất lượng của một cục vàng, bằng cách cọ xát với đá, dùng búa đập hay nung chảy. Đừng

chấp nhận những gì ta nói chỉ vì lòng kính trọng đối với ta”. Điều đó có nghĩa không phải là tin mà là biết. Phật không phải là Chúa Trời, mà là một con người đã đạt giác ngộ. Ngài coi mình là người dẫn đường. Ngài chỉ cho chúng ta con đường và mỗi chúng ta phải tự đi trên con đường đó để đạt được giác ngộ và trạng thái phật tính. Ngài không thể làm hộ chúng ta. Lời dạy của Ngài như vậy không phải là giáo điều, mà giống như một cuốn sách chỉ đường.

Như vậy, giống như khoa học, Phật giáo dựa trên cơ sở thực nghiệm. Điều có vẻ đáng ngạc nhiên này sẽ không còn như thế nếu ta ý thức được rằng khái niệm “cơ sở thực nghiệm” không hẳn có cùng ý nghĩa ở hai lĩnh vực này.

Với Phật giáo, nó có ý nghĩa rộng lớn hơn. Khi Phật giáo nói về “bằng chứng thực nghiệm”, nó không chỉ muốn nói tới những quan sát được nhận thức bởi các giác quan và các dụng cụ đo đạc của chúng ta, như trong khoa học, mà còn bao gồm cả những quan sát nhận được từ thiền định và nhập định. Nói cách khác, lĩnh vực nghiên cứu của Phật giáo không chỉ giới hạn trong thế giới khách quan, nó bao gồm cả thế giới chủ quan của vốn sống và kinh nghiệm nội tâm. Với khoa học tự nhiên, chỉ có tri thức khách quan với người thứ ba mới có ý nghĩa. Nó loại trừ tất cả những trải nghiệm theo cách chủ quan cũng như các hiện tượng phi vật chất, trong khi với Phật giáo sự trải nghiệm chủ quan và phi vật chất lại rất trọng yếu. Trong khi khoa học tự nhiên dựa vào những đo đạc các hiện tượng vật lí ở thế giới bên ngoài và vào các phương trình toán học, thì với cả khoa học tâm linh là Phật giáo, một giả thiết có thể được khẳng định hay phủ định dựa vào kinh nghiệm nội tâm. Chẳng hạn, bằng cách này, chúng ta có thể kiểm chứng rằng sự ác tâm, lòng ghen tị, ham muốn hay thói đố kị sẽ không mang lại sự thỏa mãn lâu dài nào, ngược lại, chỉ đem đến sự đau khổ. Trái lại, ta cũng có thể nhận thấy những tác dụng tốt của một số tình cảm như lòng độ lượng, tính kiên nhẫn hay tình yêu.

Phương pháp của Phật giáo khởi đầu bằng cách phân tích và thường xuyên sử dụng cái gọi là “các thí nghiệm tưởng tượng” không thể phản bác được về mặt logic và khái niệm, mặc dù nó không được tiến hành trong thực tại vật lí. Chẳng hạn, Phật giáo phân tích các đặc điểm của cái tôi cho tới khi hiểu được đó chỉ là một cái nhãn tinh thần.

Các thí nghiệm tưởng tượng cũng hay được sử dụng trong khoa học. Chúng thường do Einstein và các nhà vật lí lớn đặt ra, không chỉ để chứng cho một nguyên lí vật lí mà còn để làm sáng tỏ các kết quả có tính nghịch lí trong việc giải thích một số tình huống vật lí. Chẳng hạn, để nghiên cứu bản chất của không gian và thời gian, Einstein đã tự hỏi thế giới sẽ trông như thế nào nếu ông cưỡi trên một hạt ánh sáng, phóng đi trong vũ trụ với vận tốc 300 ngàn km trong một giây; để suy ngẫm về bản chất của hấp dẫn, ông tưởng tượng mình đang ở trong một cabin thang máy rơi tự do. Để chứng tỏ các nghịch lí xuất hiện do cách giải thích có tính xác suất về thực tại của cơ học lượng tử, nhà vật lí người Áo Erwin Schrodinger đã tưởng tượng ra cảnh con mèo nổi tiếng vừa sống vừa chết.

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 71 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)