Chính với tư cách một người phổ biến kiến thức mà tôi đã được trở lại Việt Nam cùng Tổng thống François Mitterrand. Vào một ngày năm 1993, tại văn phòng của tôi ở trường Virginia, tôi nhận được cuộc gọi từ điện Élysée. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó là một trò đùa. Tổng thống Pháp mời tôi tham dự phái đoàn nhà nước đi cùng ông trong chuyến thăm quê hương tôi. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên nối lại mối quan hệ với Việt Nam sau thời kì dài đóng cửa với phương Tây. Tại sao tổng thống lại mời tôi? Không một ai cho tôi câu trả lời cụ thể. Có lẽ ông muốn làm vinh dự cho nước chủ nhà bằng cách mời một đứa con nổi tiếng quốc tế. Cũng có thể cuốn Giai điệu bí ẩn đã làm hài lòng vị tổng thống có học thức, ưa tập hợp quanh mình các triết gia và trí thức này.
Lời mời của Tổng thống Pháp đã làm tôi khó xử: tôi có nên trở lại một đất nước đã giam giữ cha tôi ở trại cải tạo năm 1975, nơi ông khó mà sống nổi nếu không có sự can thiệp bất ngờ của một người bạn? Tôi đã hỏi cha tôi câu hỏi đó và ông đã không phản đối chuyến đi này: ông khuyên tôi hãy đi để xem tận mắt hiện trạng ở Việt Nam, và tự phán xét lấy. Đối với ông, một người nhân hậu từ trong tâm khảm và thấm đẫm triết lí Phật giáo, thì sự thù hằn, oán hận và trả thù là những thứ thuốc độc của tinh thần cần phải loại bỏ.
Không cần phải nói chuyến trở về thành phố quê hương Hà Nội, nơi tôi chưa từng đặt chân trở lại từ năm 1954, đã làm tôi xúc động tới mức nào. Tôi đã thăm lại những nơi cũ chốn xưa của thuở ấu thơ và gặp gỡ một số thành viên trong gia đình mà tôi đã mất liên lạc từ hơn bốn thập kỉ. Sự nghèo khổ và đau thương do nhiều năm chiến tranh vẫn còn hiển hiện. Cùng phái đoàn của tổng thống, tôi đã được gặp mặt nhiều nhân vật huyền thoại của Việt Nam như cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người đã giải thoát cho cha tôi) hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất từ lâu. Ngay cả khi tôi không tán đồng với nền chính trị của ông đã hạn chế các quyền tự do và cách họ đối đãi với tù binh, như cha tôi, tôi vẫn ngưỡng mộ dân tộc anh hùng này đã chiến thắng được hai cường quốc là Pháp và Mỹ, mặc dù đã phải trả giá bằng nhiều máu và nước mắt. Để gìn giữ nền độc lập của mình, họ đã chứng tỏ với thế giới rằng các công nghệ chiến tranh dù có tiên tiến tới đâu chăng nữa cũng không thể khuất phục được tinh thần con người. Sau chuyến đi cùng Tổng thống Mitterrand, tôi đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần, và tôi luôn tự hỏi liệu mình có thể giúp được gì cho đất nước trong công cuộc tái thiết. Là một giáo sư và một nhà nghiên cứu, câu trả lời đã tự xuất hiện: tôi cần phải chia sẻ và truyền đạt những gì tôi biết cho giới trẻ. Việt Nam đang trong thời kì phát triển kinh tế. Một nửa dân số trong độ tuổi dưới 30 và không biết tới chiến tranh, cần phải cung cấp cho họ một hành trang khoa học và kĩ thuật cần thiết để một ngày nào đó Việt Nam sẽ trở thành một con hổ nữa của châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bất chấp những biến động bất ngờ của lịch sử, và do sự ảnh hưởng của Khổng giáo, Việt Nam, như tôi đã nói, vẫn có một sự tôn trọng sâu sắc đối với các giá trị tinh thần, giáo dục và tri thức. Tôi đã trở về giảng dạy vật lí thiên văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tham dự các hội thảo về thiên văn học. Tôi nhận thấy một sự khát khao học tập cháy bỏng từ các sinh viên. Chắc chắn vấn đề không phải do thiếu chất xám mà là thiếu một sự dẫn dắt tốt cùng với các phương tiện học tập. Việc thiếu các phòng thí nghiệm, máy tính và địa điểm là rất trầm trọng. Tôi cũng có một loạt các buổi thuyết trình về lịch sử của vũ trụ. Từ Sài Gòn tới Hà Nội, mọi người đều muốn tới nghe tôi nói. Công chúng đã tỏ rõ sự tò mò ham hiểu biết một cách mãnh liệt, được thổi bùng lên với sự xuất hiện của Internet đã đưa các phát minh mới tới tầm tay mỗi người. Nhiều câu hỏi đặt ra về Big Bang, lỗ đen và các pulsar. Rất nhiều thính giả đã đọc sách của tôi, đa số đều đã được dịch sang tiếng Việt.
Vật lí thiên văn là chuyên ngành chưa có trong các trường đại học của Việt Nam, và ở đây cũng chưa có các kính thiên văn lớn. Câu hỏi đặt ra là: liệu một nước đang phát triển như Việt Nam có nên dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học cơ bản, tức là để đạt được tri thức vì tri thức, chứ không phải vì mục tiêu ứng dụng ngay lập tức? Việc tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, các thiên hà và các ngôi sao chắc chắn sẽ không làm tăng mức sống của dân chúng cũng như không kích thích trực tiếp sự phát triển kinh tế của đất nước. Tôi hiểu được việc chính phủ thích đầu tư vào các khoa học ứng dụng như công nghệ nano, tin học hay công nghệ sinh học hơn. Tôi cũng ý thức được rằng Việt Nam trước hết cần phải phát triển hạ tầng (nhất là giao thông đường bộ và đường sắt) để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và công nghiệp, và giáo dục phổ thông để chuẩn bị cho giới trẻ.
Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng kinh tế của tất cả các cường quốc. Người Trung Quốc đã hiểu được điều đó. Để đạt và giữ được thứ hạng cường quốc của mình, họ đã nhận ra rằng nghiên cứu và sáng tạo là không thể thiếu, và một nước mạnh phải là nước dẫn đầu trong nghiên cứu ở tầm quốc tế. Tôi đã rất ngạc nhiên với sự phát triển hết sức nhanh chóng của chương trình không gian của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một trong số ít các quốc gia có khả năng đưa con người vào không gian. Tham vọng hiện tại của họ là Mặt Trăng, đúng vào lúc NASA đã rút khỏi cuộc đua do thiếu ngân sách. Thực sự ở Trung Quốc đã có một quyết tâm chính trị về nghiên cứu cơ bản. Thanh niên Trung Quốc được gửi ra đào tạo ở nước ngoài tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu tốt nhất, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Họ cũng có chiến lược thực sự để đón các sinh viên này trở về sau khi học xong. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rõ rằng muốn chặn được sự chảy máu chất xám cần phải có các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại cho phép các sinh viên mới tốt nghiệp phát huy được tài năng của họ. Lương của các nhà nghiên cứu cũng đã được tăng lên, trong một số trường hợp thậm chí còn ngang tầm thế giới. Điều này đã thu hút nhiều giáo sư Hoa kiều từ bỏ vị trí ở các trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ và Âu trở về phục vụ đất nước.
Xa hơn nữa, Nhật Bản là một tấm gương nổi bật. Quyết định mở cửa với phương Tây của Nhật hoàng Minh Trị cuối thế kỉ 19 và gửi các thanh niên Nhật đi đào tạo ở các trường đại học của phương Tây đã là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có ở đất nước mặt trời mọc. Khi trở về quê hương, người Nhật đã bắt chước những người thầy của họ trong một khoảng thời gian trước khi vượt lên ở nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc cũng đi theo con đường như thế. Tôi tin rằng với sự quản lí tốt của những người lãnh đạo, Việt Nam một ngày nào đó sẽ đứng ngang hàng với những con hổ châu Á này. Nhưng cũng cần chú ý rằng phát triển nhưng vẫn phải tôn trọng môi trường. Việt Nam có rất nhiều địa điểm tuyệt đẹp, có nơi vẫn còn những động thực vật duy nhất sinh sống mà không nơi nào khác trên thế giới có được. Thế nhưng sự phát triển du lịch và khách sạn đang làm biến dạng và ô nhiễm một số địa điểm giàu màu sắc huyền thoại, như vịnh Hạ Long, nổi tiếng với vô số những núi đá vôi nổi trên mặt đại dương vươn lên bầu trời. Vào kỉ nguyên của sự toàn cầu hóa, mang lại nhiều hứa hẹn hi vọng nhưng cũng coi đồng tiền là vua, Việt Nam cần phải phát triển mà không đánh mất các giá trị truyền thống của Phật giáo và Nho giáo, luôn tôn trọng tự nhiên, lòng trắc ẩn và trách nhiệm.
Tướng Giáp đã từng tâm sự với tôi: “Việt Nam đã cho thế giới thấy được sự anh hùng trên chiến trường. Giờ hãy cho họ thấy đất nước này cũng có thể chiến thắng trên mặt trận kinh tế”. Tôi muốn thêm câu này: “Và hãy làm điều đó mà không mất đi linh hồn của đất nước”.