Phật giáo là truyền thống tinh thần đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi. Tôi vẫn nhớ về một đời sống tôn giáo rất sâu đậm ở Việt Nam. Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số, song song tồn tại cùng với Nho giáo, Lão giáo và tục thờ cúng tổ tiên được đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc trong các giai đoạn bị đô hộ. Thiên Chúa giáo được các nhà truyền giáo người Pháp đưa vào ngay từ thế kỉ 17, cũng có mặt nhưng chỉ chiếm thiểu số. Tôi còn nhớ những Chủ nhật đi chùa cùng mẹ, các ngày lễ lớn của Phật giáo như ngày Phật Đản hay ngày Tết. Ngày Tết là dịp trọng đại để tới lễ Phật cầu xin sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Ở nhà, có hẳn một phòng dành riêng để thờ cúng. Mỗi tối mẹ tôi cầu kinh tại đó, và tôi rất thích ngồi đọc kinh cùng bà ngay cả khi tôi không hiểu được hết. Điều đó với tôi giống như một kiểu bài tập thiền, cho phép tôi loại bỏ những ý tưởng vẩn vơ trong đầu. Tôi đã phát hiện những lễ nghi Phật giáo như thế là nhờ mẹ tôi. Nhưng triết lí của nó thì sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới lĩnh hội được nhờ đọc sách và nhất là nhờ cuộc gặp gỡ với nhà sư Matthieu Ricard.
Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở một trường mùa hè tại Andorre năm 1997, khi cả hai được mời tới để thuyết trình về chủ đề “Khoa học và xã hội”. Đó thực sự là sự run rủi của số phận, bởi vì Matthieu là người thích hợp nhất để trao đổi những câu hỏi mà tôi đã đặt ra từ rất lâu về quan điểm của Phật giáo đối với thực tại và những mối quan hệ mà nó có thể có với quan điểm của khoa học. Là một nhà vật lí thiên văn nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, công việc của tôi luôn dẫn tới những câu hỏi về các khái niệm vật chất, thời gian và không gian. Và là người Việt Nam lớn lên trong truyền thống Phật giáo, tôi không thể không tự hỏi Đức Phật đã xem xét các khái niệm này thế nào khi Ngài đạt giác ngộ, cách đây 2.500 năm. Nhưng tôi không dám chắc liệu việc đối chất giữa khoa học và Phật giáo có ý nghĩa gì không.
Tôi chủ yếu chỉ biết về phương diện “thực hành” của Phật giáo nhằm giúp cho việc tự ý thức, rèn luyện nghị lực và trở thành người tốt hơn. Với tôi Phật giáo chủ yếu là con đường nhập định để đạt được giác ngộ, với cái nhìn trước hết hướng vào nội tâm trong khi cái nhìn của khoa học lại chủ yếu hướng ra thế giới bên ngoài. Hơn nữa, Phật giáo và khoa học sử dụng những cách nghiên cứu thực tại hoàn toàn khác biệt. Khoa học sử dụng công cụ là trí tuệ và lí tính. Bằng cách chia, phân loại, phân tích, so sánh và đo đạc, nhà khoa học biểu thị các định luật của tự nhiên bằng ngôn ngữ được xây dựng chặt chẽ là toán học. Trực giác không phải không hiện diện trong khoa học, nhưng nó chỉ có ích khi nó có thể được biểu diễn bằng một cấu trúc toán học chặt chẽ. Ngược lại, trực giác - kinh nghiệm nội tâm - có vai trò hàng đầu trong phương pháp nhập định. Phật giáo không cố phân mảnh thực tại như trong khoa học (cái mà người ta gọi là phương pháp “quy giản luận”), mà cố gắng hiểu được một cách tổng thể, trong tính toàn vẹn của nó. Phật giáo không sử dụng các công cụ đo đạc tinh vi - như kính thiên văn, máy gia tốc hạt hay các kính hiển vi - cơ sở thực nghiệm của khoa học. Những phát biểu của Phật giáo thường có bản chất định tính hơn định lượng, khác xa với ngôn ngữ tinh vi và chính xác của toán học. Tôi e rằng Phật giáo có ít điều để nói về bản chất của thế giới hiện tượng, bởi đó không phải là mối quan tâm hàng đầu, trong khi nó lại là mối quan tâm cơ bản của khoa học. Với Phật giáo, việc thụ đắc tri thức trước hết là vì mục tiêu “điều trị”: làm nhẹ bớt đi nỗi đau khổ của con người.
Những mối băn khoăn này làm bận tâm trí tôi, nhưng do bận bịu việc giảng dạy và nghiên cứu nên tôi không có thời gian và chuyên môn để đào sâu hơn. Để trả lời một số câu hỏi mà tôi đặt ra, cần phải có hiểu biết về những kinh sách quan trọng của Phật giáo như của các sư phụ người An Nagarjuna, Shantideva hay Dharmakirti viết vào khoảng từ thế kỉ 2 tới thế kỉ 7. Do được viết bằng tiếng Phạn và chưa từng được dịch ra, nên tôi khó có thể tiếp cận được. Cuộc gặp gỡ với Matthieu là do thiên ý về nhiều phương diện. Trước hết, ông được đào tạo để làm khoa học - ông có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử tại Viện Pasteur, dưới sự hướng dẫn của François Jacob, người từng đoạt giải Nobel về y học - nên tôi không cần phải giải thích gì cho ông về phương pháp khoa học. Tiếp nữa, do thông thạo tiếng Phạn, ông có một kiến thức uyên thâm về triết học và các kinh sách Phật giáo, ông đã từ bỏ môi trường trí thức tư sản Paris sau khi lấy bằng tiến sĩ (cha ông - Jean-François Revel - là triết gia và viện sĩ viện hàn lâm) để trở thành nhà sư ở Nepal, ông sống ở đó đến nay đã hơn 30 năm. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi sôi nổi trong các cuộc đi dạo dài trong khung cảnh hùng vĩ của dãy núi Pyréné. Cuộc đối thoại đã làm giàu thêm cho cả hai bên. Ông đã đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi của tôi, nhưng đồng thời cũng gợi thêm nhiều câu hỏi mới, những quan điểm chưa ai đề cập tới, những tổng hợp bất ngờ đòi hỏi phải đào sâu hơn nữa và cần làm sáng tỏ thêm. Trong những cuộc trao đổi đó, chúng tôi đôi khi thống nhất, nhưng cũng có khi đối lập nhau. Một cuốn sách đã ra đời từ các cuộc trao đổi thân ái này[5], giữa một nhà vật lí thiên văn sinh ra trong môi trường Phật giáo mong muốn đối chiếu những tri thức khoa học của mình với nội dung triết lí của truyền thống tâm linh của mình và một nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư với kinh nghiệm của bản thân dẫn tới sự so sánh hai phương pháp tiếp cận thực tại.