Tháng 9 năm 1976, tôi bận rộn chuẩn bị cho khóa học đầu tiên và bắt đầu các nghiên cứu thiên văn mới. Môn học của tôi, mang tên “Thiên văn học cho các nhà thơ”, không phải dành cho các nhà khoa học mà là cho các nhà thơ. Ở cấp độ đại học, bốn năm để lấy bằng cử nhân sinh viên được dành hai năm đầu để học các môn thuộc các lĩnh vực rộng nhất có thể, và chỉ học chuyên ngành vào hai năm cuối. Do đó, một nhà vật lí phải học các môn về văn học, và ngược lại, một triết gia phải ghi danh học các môn khoa học. Ý tưởng này phù hợp với ý tưởng về một “chính nhân”, nhằm đào tạo các cá nhân, khi ra trường, có được kiến thức văn hóa chung về nhiều lĩnh vực khác nhau. Lớp học của tôi gồm hơn 100 sinh viên. Giới trẻ rất tò mò và ham hiểu biết về những khám phá của vật lí thiên văn đương đại. Ngay cả trong trường hợp họ không có ý định chọn nghề làm khoa học, họ vẫn ham muốn tìm hiểu tất cả thông tin về vụ nổ Big Bang, các quasar, pulsar, lỗ đen, và các hiện tượng ngoạn mục khác thường được nói đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với tôi, giảng dạy vật lí thiên văn cho những người không có căn bản khoa học và bằng ngôn ngữ dễ hiểu, không cần dựa vào toán học - đó là niềm vui mà cũng đầy thách thức. Trách nhiệm của tôi là giải thích các phương pháp khoa học và chứng tỏ cho sinh viên thấy được tại sao khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng lại là một bộ phận hợp thành của văn hóa nhân loại, và nó đã soi sáng cho quan điểm của chúng ta về thế giới như thế nào.
Trong thời gian đó, tình hình của cha tôi vẫn chẳng có gì sáng sủa hơn. Khi đã ổn định ở Charlotteville, tôi nhận được thư của mẹ năn nỉ tôi hãy hành động nhanh chóng để cứu ông ra. Sức khỏe của ông đã xấu đi từng ngày. Tôi đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu can thiệp, nhưng những nỗ lực của tôi là vô ích, vì Hoa Kì và Việt Nam đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ ngoại giao kể từ khi Sài Gòn sụp đổ. Không còn một kênh thông tin nào nữa. Khi tất cả dường như đã bế tắc thì một loạt các sự kiện dồn dập xảy ra khiến tôi luôn kinh ngạc, mỗi khi nghĩ lại, cứ như là có phép lạ vậy.
Một nhà vật lí thiên văn đồng nghiệp mời tôi tới làm việc sáu tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1978, tại Viện Thiên văn Paris, nơi ông mới nhận chức giám đốc. Cơ hội thật bất ngờ và tôi chấp nhận ngay lập tức, bởi nghĩ rằng các mối quan hệ ngoại giao mà Pháp vẫn luôn duy trì với Việt Nam có thể sẽ là một sự trợ giúp lớn cho tôi. Đến Paris, ngay lập tức tôi làm đơn đề nghị tới Đại sứ quán Việt Nam, nhưng, như tôi đã dự liệu trước, chẳng mang lại kết quả gì. Đại sứ quán chắc đã nhận được hàng ngàn đề nghị như vậy và có lẽ tất cả đã kết thúc ở thùng rác. Không có gì nhúc nhích cả, mà cha tôi thì sắp chết.
Và rồi, số phận đã đưa tới một đồng nghiệp và cũng là bạn của tôi, cô đã giới thiệu tôi với Henry Van Regemorter, một nhà vật lí thiên văn làm việc ở Đài thiên văn Meudon, người có mối liên hệ chặt chẽ với ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là Thủ tướng Việt Nam, một trong những tác giả làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Van Regemorter đã ân cần lắng nghe tôi trình bày một cách đầy cảm thông. Không ngần ngại, ông đã đề nghị giúp tôi bằng cách viết một bức thư cho vị thủ tướng, bạn ông, yêu cầu vì những lí do nhân đạo và gia đình, hãy tha cho cha tôi và cho phép ông sang Pháp cùng với mẹ và em gái tôi. Sau đó ông đưa cho tôi bức thư và nói tôi tìm cách chuyển tới tận tay thủ tướng. Ông giải thích sở dĩ ông thân với thủ tướng là bởi vì nhiều năm ông phụ trách việc trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Pháp và Việt Nam. Bản thân ông đã nếm trải rất sâu sắc sự chiếm đóng của quân Đức ở Pháp trong Thế chiến thứ hai, nên ông đã tìm cách giúp đỡ Việt Nam, theo lối riêng của mình, một đất nước đã bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh liên tiếp. Đúng vào thời điểm đó, một người cô của tôi trở về Hà Nội. Tôi đưa bức thư cho cô, tuy trong lòng không hi vọng lắm là nó sẽ tới đúng địa chỉ. Và thậm chí nếu nó có đến được tận tay thủ tướng, thì chắc gì ông đã chấp nhận lời đề nghị của Van Regemorter. Rồi chuyến công tác của tôi ở Viện Vật lí Thiên văn Paris cũng kết thúc, lòng nặng trĩu, tôi trở về Virginia, với tâm trạng không gì phấn chấn hơn.
Nhiều tháng trôi qua tôi vẫn không nhận được tin tức gì. Cuộc sống cứ trôi đi với công việc giảng dạy và nghiên cứu thường nhật. Rồi vào một ngày đẹp trời tháng 3 năm 1979 - ngày đó đã khắc sâu
trong tâm trí tôi - tôi nhận được một bức điện từ cha mẹ thông báo rằng, theo lệnh của thủ tướng, nhà chức trách Việt Nam vừa cấp cho họ Visa để sang Pháp, và tôi sẽ đón họ tại sân bay Roissy vào tháng sau. Tôi suýt ngất vì vui sướng. Thật không thể tin được! Cơn ác mộng cuối cùng đã kết thúc, số phận đã cho tôi gặp được người duy nhất có thể giúp mình. Cha tôi đã được cứu sống vào phút chót. Khi nhìn thấy ông ở sân bay, tôi hầu như không còn nhận ra ông nữa. Gầy gò đến cùng cực (ông bị sụt mất 32 kg), tóc bạc trắng và hầu như không còn sức lực để bước đi, nhìn ông thật mong manh ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tôi khẩn cấp đưa ông tới bệnh viện Boucicaut, và phải mất ba tháng các bác sĩ mới giúp ông hồi sức trở lại được.
Cha tôi mất năm 1994. Tôi rất mừng vì cha tôi có thể trải qua 15 năm cuối đời một cách yên bình, trong một đất nước và một nền văn hóa mà ông rất ngưỡng mộ, bởi ông cũng được giáo dục theo kiểu Pháp. Cho tới tận phút cuối cùng của đời mình, ông đã sống một cuộc sống giản dị và thanh thản, không chút hận thù những người đã làm cho ông đau khổ, và cũng không hề cảm thấy cay đắng vì những gì ông đã mất. Tôi ngưỡng mộ sự minh triết của ông.