Tin xấu từ Việt Nam

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 30 - 32)

Trong thời gian rất bận bịu với công việc này, các sự kiện diễn ra ở Việt Nam dồn dập hơn, khiến tôi ngày càng lo lắng. Đó là vào đầu tháng 3 năm 1975. Báo chí thông báo, một lượng lớn quân đội Bắc Việt đã vượt qua vĩ tuyến 17, vĩ tuyến chia đất nước thành hai, tiến vào Nam Việt Nam và tung ra một cuộc tấn công lớn. Tại căn hộ của mình ở Pasadena, tôi ngồi hàng giờ dán mắt vào màn hình ti vi, bồn chồn theo dõi những tin tức đáng lo ngại. Ngày qua ngày, các bản tin càng trở nên thảm hại: quân Bắc Việt ồ ạt tiến vào phía bắc của Nam Việt Nam, các thành phố miền Trung - Huế, Đà Nằng - lần lượt thất thủ hầu như không có kháng cự, vô số người tị nạn tràn ra đường cố gắng thoát khỏi cuộc chiến, cơ cấu quân sự của miền Nam sụp đổ, quân đội Bắc Việt tiến không ngừng, trong vòng chưa đầy hai tháng đã chiếm hai phần ba của Nam Việt Nam. Sau đó là sự sụp đổ hoàn toàn: quân đội Bắc Việt có mặt tại cửa ngõ Sài Gòn, pháo đài cuối cùng đầu hàng, không thể diễn tả nỗi hoảng sợ của người dân Sài Gòn. Và tôi hoàn toàn không có tin tức gì từ gia đình nữa! Một tuần trước khi thành phố thất thủ, tôi đã cố gắng liên lạc với cha mẹ bằng điện thoại để thúc giục họ ra đi, nhưng vô ích. Các mạng điện thoại đã hoàn toàn tắc nghẽn bởi tất cả người Việt ở nước ngoài đều cố gắng liên lạc với thân nhân của họ.

Vô cùng lo lắng về số phận của gia đình, tôi chứng kiến một cách bất lực các sự kiện diễn ra. Hình ảnh xe tăng của quân đội Bắc Việt Nam xô đổ cánh cổng dinh tổng thống và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh tổng thống sẽ mãi mãi khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Tôi sẽ còn nhớ mãi cảnh hoảng loạn của đường phố thủ đô vào cái ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975 ấy. Mọi người chạy tán loạn, tìm mọi cách rời khỏi Sài Gòn trước khi những người Cộng Sản tới. Sân bay đã rơi vào tay của đối phương. Trừ phi lên một chiếc tàu cũ nát, và chấp nhận mọi mối nguy hiểm của nó, còn thì hi vọng duy nhất vẫn là những máy bay trực thăng Mỹ. Một đám đông rất lớn vây quanh đại sứ quán Hoa Kì. Các máy bay trực thăng liên tục đến và đi, vận chuyển hàng ngàn công dân Mỹ và dân thường Việt Nam từng làm việc cho chế độ cũ tới tàu sân bay Mỹ đậu ngoài khơi biển Đông - đó là một cuộc di tản bằng máy bay trực thăng lớn nhất trong lịch sử. Xung quanh đại sứ quán, hàng ngàn người Việt Nam tuyệt vọng cố trèo qua bức tường tua tủa dây thép gai bao quanh tòa nhà, với hi vọng được di tản. Sự hỗn loạn này không thể diễn tả bằng lời. Người dân cố bám vào các máy bay, trong khi những người lính Mỹ (GI) tìm mọi cách dùng báng súng đẩy họ xuống để máy bay có thể cất cánh.

Ba mươi năm chiến tranh liên miên đã kết thúc như thế. Một kết thúc rất buồn và không vẻ vang gì cho cuộc phiêu lưu của người Mỹ ở Việt Nam. Sự thống nhất đất nước mà lẽ ra có thể được thực hiện từ 19 năm trước đó, vào năm 1956, nếu Hoa Kì chấp nhận tổ chức cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, thì đã không phải trả giá bằng vô số đau thương, mất mát và tàn phá như thế này.

“Thất bại” đầu tiên trong lịch sử này đã gây ra một chấn thương sâu sắc ở Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu, người Mỹ đã không hiểu rằng cuộc chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo chủ yếu được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc - cần phải đánh đuổi người nước ngoài bằng mọi giá - hơn là chủ nghĩa Cộng Sản. Hồ Chí Minh dựa vào Liên Xô và Trung Quốc, không phải bởi ý thức hệ, mà vì ông cần viện trợ quân sự và kinh tế để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Ông cũng đã hướng về phía Washington, và tôi thường tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kì đồng ý ủng hộ ông. Nhưng đây là một điều không tưởng, bởi vì Pháp là một đồng minh mới bắt đầu hồi phục sau sự tàn phá nặng nề của Thế chiến thứ hai. Một sai lầm to lớn khác của Mỹ là nghĩ rằng chỉ cần nhập khẩu các giá trị dân chủ, không cần tính đến một nền văn hóa có hàng ngàn năm lịch sử, là những giá trị này có thể đơm hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam. Nền dân chủ cần được học hỏi, được vun trồng và thích ứng với văn hóa bản địa. Thật bất hạnh là bài học ở Việt Nam đã không được rút ra, bằng chứng là cuộc xâm lược Irắc vào năm 2005.

Trong khi những hình ảnh khủng khiếp về sự thất thủ Sài Gòn diễn ra trước mắt, một câu hỏi dai dẳng ám ảnh tôi: liệu cha mẹ và em gái tôi có kịp rời khỏi đất nước? Tôi đã rất lo lắng bởi vì tất cả báo chí đều dự đoán về sự trả thù một cách tàn nhẫn đối với các quan chức và những người cộng tác của chế độ cũ nếu đối phương giành chiến thắng.

Cha tôi, chủ tịch của Tối cao Pháp viện, một trong những quan chức cao cấp nhất của chính phủ, hẳn sẽ đặc biệt có nguy cơ cao. Trong chuyến về thăm nhà của tôi vào mùa hè năm 1974, khi tôi đặt vấn đề này, cha tôi đã trấn an tôi rằng chẳng có gì phải lo sợ cả: Đại sứ quán Mỹ đã đảm bảo sẽ đưa ông cùng với mẹ và em gái tôi đi di tản, nếu tình hình xấu đi. Để đảm bảo chắc chắn hơn, tôi cũng đã yêu cầu chủ tịch của Caltech, người có nhiều mối quan hệ ở Washington, can thiệp và liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Tôi không bao giờ biết được thư đề nghị giúp đỡ của ông có đến đứng nơi cần đến không. Trong khi đó, nhiều tuần lễ, tôi hoàn toàn không có tin tức gì của gia đình. Tất cả thông tin liên lạc đều bị gián đoạn. Tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Truyền hình chiếu cảnh kinh hoàng của các thuyền nhân chạy trốn bằng đường biển, nhồi nhét trên những con tàu may rủi, thường rất mong manh, lại còn phải đương đầu với bão tố và cướp biển hoạt động ngoài khơi với hi vọng được một con tàu nào đó của nước ngoài cứu sống. Với một trái tim nhức nhối, tôi luôn tự hỏi, liệu gia đình tôi có thuộc số những kẻ bất hạnh ấy không.

Tin xấu đến từ một lá thư của mẹ của tôi: ngày 30 tháng 4, cha tôi đã đến Đại sứ quán Hoa Kì để được đi di tản, nhưng sự hỗn loạn và nhốn nháo của đám đông dày đặc đã ngăn ông không thể đến gần được tòa nhà. Bên thắng cuộc đã lấy ngôi nhà của chúng tôi tại Sài Gòn (ngay lập tức đã được những người chiến thắng đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh). Mẹ và em gái tôi bị giam giữ trong một căn phòng, phần còn lại của ngôi nhà được phân chia cho các gia đình khác. Cha tôi đã bị đưa tới trại “cải tạo”. Lúc đó ông đã 62 tuổi, và ông đã phải trải qua 32 tháng khủng khiếp: công việc tay chân vô cùng

nặng nhọc trên các cánh đồng lúa, hằng ngày tự phê bình và “thú nhận tội ác” chống đối, tẩy não và học tập chủ nghĩa Mác- Lê-nin, điều kiện vệ sinh tồi tệ và khẩu phần duy nhất là một bát cơm một ngày. Không giống như Pol Pot và Khmer đỏ ở Campuchia, những người của chế độ mới đã không xử lí các nhà trí thức và lãnh đạo của chế độ cũ bằng một viên đạn vào đầu, nhưng họ đã bị giam cầm trong các trại cải tạo với những điều kiện rất khắc nghiệt. Phần lớn các đồng nghiệp tư pháp của cha tôi, những người cùng chịu chung số phận, đã chết vì suy dinh dưỡng và bệnh tật, còn cha tôi thoát ra được nhưng trong tình trạng thật đáng thương.

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)