Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa học và các ứng dụng công nghệ đã đem lại vô số lợi ích, nhưng nó cũng là nguồn gốc của nhiều tàn phá không kém. Mặc dù những tri thức mà khoa học đã đem lại cho chúng ta - không một mô tả có giá trị nào về thế giới tự nhiên ngày nay có thể bỏ qua những thành tựu của thuyết tương đối, cơ học lượng tử và thuyết tiến hóa của các loài - nhưng khoa học lại không có gì để nói về cách chúng ta tồn tại và sống trong xã hội. Nó không đủ để mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Chỉ cần quan sát dân chúng của các nước tiên tiến nhất về khoa học kĩ thuật: nếu như tiện nghi vật chất ở đó rất đầy đủ, thì tiện nghi ấy cũng không ngăn chặn được những bất hạnh về tình cảm và tâm lí. Điều này có khi lại nghiêm trọng hơn ở các nước phát triển nhất. Khoa học hiện đại đã góp phần to lớn làm giảm nỗi vất vả nhọc nhằn thường nhật của chúng ta, nhưng nó không giúp chúng ta có được hạnh phúc tinh thần. Chỉ khi làm chuyển biến được từ bên trong ta mới hi vọng đạt được sự thanh thản và hạnh phúc. Chỉ một mình khoa học thôi thì không đủ khả năng phát triển trong chúng ta những phẩm chất nhân văn mà một cuộc sống hạnh phúc cần phải có, bởi bản thân khoa học không thể sinh ra đạo lí.
Để chứng minh cho điều đó, tôi muốn nêu dẫn chứng về sự chênh lệch rất lớn đôi khi tồn tại giữa thiên tài khoa học và những giá trị nhân văn của một cá nhân, một sự chênh lệch đã khiến tôi băn khoăn rất nhiều khi tôi tới Caltech ở tuổi 19. Rất ngây thơ, tôi đã tin rằng sự tinh thông và sáng tạo của các đỉnh cao khoa học mà tôi được gặp sẽ biến họ thành các siêu nhân ở mọi phương diện, đặc biệt là trong quan hệ con người. Tôi đã thất vọng một cách cay đắng. Ta có thể là một nhà khoa học lớn, một thiên tài trong lĩnh vực của mình, nhưng vẫn chỉ là một con người tầm thường nhất trong cuộc sống thường nhật. Các nhà khoa học cũng không khá hơn hay tồi tệ hơn mức trung bình của con người.
Lịch sử khoa học đầy rẫy những ví dụ về các trí tuệ lớn nhưng lại có hành vi không mấy vẻ vang về mặt nhân văn. Chẳng hạn như Newton, người cùng với Einstein, là nhà vật lí lớn nhất từ trước tới nay. Thế nhưng trong khi trí tuệ của Newton rộng lớn như vũ trụ, tâm hồn ông ôm trọn được toàn bộ vũ trụ, thì con người ông lại thật hẹp hòi và tầm thường. Ông đã buộc tội một cách sai lầm nhà bác học người Đức Gottfried Leibniz đánh cắp phát minh về phép vi tích phân, trong khi ông này đã nghĩ ra nó một cách hoàn toàn độc lập. Thống trị một cách chuyên quyền ở Hội Hoàng gia London, viện hàn lâm khoa học của Anh, ông đã đối xử một cách đáng xấu hổ với các đối thủ, như nhà vật lí Robert Hook và nhà thiên văn Hoàng gia John Flamsteed. Trong khi làm sáng tỏ được sự hài hòa và mối tương liên của vũ trụ, thì ông lại chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có thể được áp dụng vào các vấn đề của con người. Trầm trọng hơn: hai nhà vật lí đoạt giải Nobel người Đức là Philipp Lenard và Johannes Stark, đã ủng hộ nhiệt thành cho chủ nghĩa Phát xít và chính sách bài Do Thái, tôn xưng sự ưu việt của “khoa học Đức” so với “khoa học Do Thái”.
Thi thoảng, nhưng đáng tiếc là rất hiếm, cũng có người kết hợp được cả thiên tài khoa học với tình cảm sâu sắc về đạo lí. Đó là trường hợp Einstein. Đối diện với sự nổi lên của chủ nghĩa Phát xít ở Đức, ông trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc Do Thái nhiệt thành nhưng vẫn đặt ra vấn đề về quyền của người dân Ả Rập khi thành lập nhà nước Do Thái. Khi đã nhập cư sang Mỹ, mặc dù là người đấu tranh tích cực cho hòa bình, nhưng chính bức thư ông gửi cho Tổng thống Roosevelt là căn nguyên của dự án “Manhattan” tạo ra trái bom nguyên tử đầu tiên, bởi cần phải nhanh tay hơn bọn Hitler. Nhưng sau sự tàn phá kinh hoàng của Hiroshima và Nagasaki, Einstein đã đấu tranh một cách kịch liệt để cấm trang bị vũ khí hạt nhân. Ông đã chống lại chủ nghĩa McCarthi và sử dụng uy tín to lớn của mình để tấn công chủ nghĩa cuồng tín và phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức. Thế nhưng, vẫn có những khoảng tối trong cuộc sống riêng tư của ông: là người cha thờ ơ với gia đình và người chồng đôi khi thay lòng đổi dạ, ông đã li dị người vợ đầu có với ông một người con gái tật nguyền mà ông đã bỏ rơi. Chính ông đã từng thú nhận: “Đối với loại người như tôi, trong cuộc đời có một khúc ngoặt quyết định, khi dần mất đi sự quan tâm tới những gì cá nhân và nhất thời để dành mọi nỗ lực trí tuệ cho việc tìm hiểu về vạn vật”.
Ý định của tôi ở đây không phải là kết tội nhà khoa học này hay ca ngợi nhà khoa học kia. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, mặc dù khoa học là một công cụ truyền tải mạnh mẽ của tri thức, nhưng nó không nhất thiết làm thay đổi con người từ bên trong. Đưa nó lên mây hay dìm nó xuống bùn cũng không có ý nghĩa gì hơn việc tán tụng hay chỉ trích sức mạnh của một cánh tay có thể giết người hay
cứu người. Bản thân khoa học không xấu cũng không tốt. Chính những ứng dụng kĩ thuật của nó mới có khả năng, tùy theo từng trường hợp, cải thiện hay làm tồi tệ đi phúc lợi bên ngoài của chúng ta: phát minh của Einstein rằng vật chất có thể được chuyển hóa thành năng lượng đã cho chúng ta biết tại sao Mặt Trời lại phát sáng và cung cấp cho chúng ta năng lượng và ánh sáng để nuôi dưỡng sự sống trên Trái Đất, nhưng nó cũng là nguồn gốc của hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
Khoa học đã chứng tỏ rằng nó có thể tác động tới thế giới. Ngày nay, không lĩnh vực nào của đời sống mà nó không ảnh hưởng. Nếu tất cả chúng ta đều nhất trí về vai trò căn bản của nó, thì chúng ta lại chưa đồng thuận các chuẩn mực cần thiết để định hướng cho các ứng dụng khoa học. Bản thân khoa học không thể trao cho chúng ta những phẩm chất nhân văn cần thiết để hướng dẫn việc sử dụng thế giới của chúng ta. Các phẩm chất này chỉ có thể đến từ một “khoa học của tinh thần” hay tâm linh. Nó thậm chí sẽ soi sáng cho chúng ta trong các lựa chọn có ý nghĩa tinh thần và đạo đức để tri thức phục vụ tốt cho mọi người. Không còn là thứ đứng hàng hai hay là thừa so với khoa học, tâm linh phải có phần gắn kết với khoa học.