Một số nghiên cứu phát triển nông nghiệp trên đất cát biển

Một phần của tài liệu 2.HoKhacMinh_NoiDung (Trang 25 - 26)

4. PHẠM VI GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI

1.2.4. Một số nghiên cứu phát triển nông nghiệp trên đất cát biển

Các nhà khoa học Việt Nam có nhiều công trình về phát triển nông nghiệp trên đất cát biển. Các công trình nghiên cứu đầu tiên của Lâm Công Định cho rằng muốn sử dụng đất cát biển vào mục đích trồng cây nông nghiệp ngắn ngày phải trồng rừng phòng hộ. Những người Pháp khi vào Việt Nam đã đưa cây phi lao vào trồng rừng chắn gió trên đất cát biển [34]. Còn Nguyễn Văn Trương (1992) cho rằng để khai thác đất cát biển vào trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, biện pháp tốt nhất là hình thành các ô sinh thái (xung quanh trồng cây lâm nghiệp và ở giữa trồng cây nông nghiệp) đất cát biển trồng trọt theo ô sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao [93]. Xen canh là một biện pháp tăng hiệu quả sử dụng đất và đất cát biển ẩm. Các công thức trồng xen phổ biến là lạc xen sắn, khoai lang xen đậu đỗ, ớt, lạc xen ngô sau đó trồng đậu đen hoặc đậu đỏ, lạc xen ngô sau đó trồng khoai lang, ớt xen lạc và rau vụ đông xuân [67]. Đặc biệt điển hình nhất là xây dựng thành công mô hình làng sinh thái tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế vùng cát, hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp về nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với kỹ thuật áp dụng là các hộ nông dân trong làng thiết lập vành đai rừng phòng hộ bên ngoài, bên trong cải tạo đất cát để trồng ngô nếp, lạc, dưa hấu, hành, ớt,…; đào kênh tiêu úng, đào ao nuôi cá; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm [31].

Tác giả Hoàng Kim (1992) nghiên cứu trồng sắn trên đất cát biển Thừa Thiên Huế và đã chọn được một số giống tốt [57]. Lê Thanh Bồn (1998) nghiên cứu thành

phần và một số đặc điểm của nguyên tố lân ở đất cát biển cho thấy đất cát biển Thừa Thiên Huế là loại đất chua, nghèo mùn và các nguyên tố dinh dưỡng, đất trồng lúa có hàm lượng sắt, nhôm trao đổi và dung tích hấp phụ cao hơn đất lạc. Cây lạc có khả năng hút lân mạnh hơn cây lúa [13]. Theo Trần Thị Tâm (2004) sử dụng phụ phẩm nông nghiệp bón cho cây trồng trên đất cát biển đem lại hiệu quả kinh tế cao và tăng được hàm lượng mùn ở trong đất [76]. Theo Dương Viết Tình (2005), bón các dạng phân hữu cơ cho cây lạc trên đất cát biển khô và ẩm đã có tác dụng cải tạo đất, rễ lạc đã để lại trong đất khoảng 79 - 96 kg nốt sần/ha và đã làm tăng hàm lượng đạm trong đất từ 0,04 - 0,05% so với đất trước khi trồng lạc [78].

Đối với vùng đất cát ven biển như tại các cồn cát và bãi cát nên trồng các cây trồng ở vùng đồng bằng đất cát nằm sâu trong nội đồng để cây trồng đạt năng suất cao nhất. Trong quá trình sử dụng nên phối hợp linh hoạt mô hình nông lâm kết hợp để đạt hiệu quả cùng một lúc [47].

Như vậy, qua nghiên cứu các đặc điểm của đất cát biển Việt Nam và một số nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về phát triển nông nghiệp trên đất cát biển đã cho thấy hướng đầu tư nghiên cứu nhằm khắc phục các yếu tố hạn chế, phát huy khai thác có hiệu quả những tiềm năng của đất cát biển trong sản xuất nông nghiệp bảo đảm hiệu quả và bền vững gồm bốn nhóm biện pháp kỹ thuật như sau: Thứ nhất là, biện pháp tăng cường cố định cát; Thứ hai là, biện pháp tăng cường khả năng giữ nước, giữ phân của đất bằng việc bổ sung chất hữu cơ cho đất cùng với bón phân vô cơ cân đối hợp lý, kết hợp với nghiên cứu biện pháp phủ đất; Thứ ba là, biện pháp cơ cấu loại cây trồng và chọn giống cây trồng thích hợp cho từng loại đất và mùa vụ; Thứ tư là, biện pháp kỹ thuật tưới tiêu nước hợp lý.

Một phần của tài liệu 2.HoKhacMinh_NoiDung (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w