4. PHẠM VI GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI
1.5. NHỮNG VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU TÀI LIỆU
Lạc là cây công nghiệp ngắn ngày thích nghi với điều kiện khí hậu ở nước ta nói chung, các tỉnh Bắc Trung bộ và Quảng Bình nói riêng, đồng thời là cây thực phẩm quan trọng. Toàn bộ cây lạc đều có giá trị sử dụng. Trong đó, hạt lạc là nguồn bổ sung quan trọng các chất đạm, chất béo cho con người.
Trước năm 2000, sản lượng lạc hàng năm trên thế giới tăng là nhờ tăng diện tích gieo trồng, sau năm 2000 diện tích lạc có xu hướng tăng chậm, có nơi còn có xu hướng giảm nhưng sản lượng vẫn tăng chủ yếu nhờ tăng năng suất. Năng suất lạc trên thế giới và Việt Nam tăng dần từ năm 2000 đến nay là do nhiều nước trồng lạc đã tập trung nghiên cứu cải tiến đồng bộ các yếu tố kỹ thuật, tạo nên một sức mạnh đồng bộ, tổng hợp làm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lạc với bước nhảy đột phá về lượng cũng như về chất.
Các nghiên cứu tăng năng suất lạc góp phần thu được thành công trên chủ yếu tập trung vào các biện pháp kỹ thuật trồng trọt sau:
- Chọn tạo được các giống lạc mới vừa cho năng suất vừa chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường hoặc vừa cho năng suất vừa phù hợp với cơ cấu mùa vụ và tập quán sản xuất, hoặc vừa cho năng suất vừa kháng sâu bệnh hại… đã được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam chọn tạo thành công. Ở Việt Nam, đây chính là thành tựu nổi bật trong thời gian qua, đã tạo điều kiện cho các địa phương chọn lựa đưa vào cơ cấu bộ giống sản xuất cho riêng từng địa phương phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái góp phần quan trọng trong nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lạc.
- Về sử dụng phân bón ở các nước, vùng miền khác nhau là khác nhau. Hiện nay, ở các vùng thâm canh lạc người ta thường dựa vào kết quả xét nghiệm đất và thực nghiệm trên từng loại giống lạc để xác định công thức bón phân cân đối và hợp lý. Cụ thể như:
+ Về lượng bón:
Đối với đạm, ở một số nước khác trên thế giới bón lượng lớn trên 50 kg N/ha, nơi cao lượng bón lên đến trên 100 kg N/ha. Ở Việt Nam thì lượng bón hiện nay thường 30 – 40 kg N/ha. Các chân đất giữ phân kém (như đất cát biển) lượng bón trong những năm gần đây thường áp dụng mức 40 kg N/ha.
Đối với lân lượng bón dao động rất lớn từ 30 – 150 kg P2O5/ha tùy thuộc vào hàm lượng lân trong đất và nhu cầu của giống lạc sản xuất, riêng ở Việt Nam lượng bón được xác định tối thiểu phải là 60 kg mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế.
Đối với kali, lượng bón dao động rất lớn từ 30 – 97 kg K2O/ha, bón lượng lớn hơn sẽ không hiệu quả, ở Việt Nam lượng bón cho năng suất và hiệu quả được xác định trong khoảng 60 – 90 kg K2O/ha.
Đối với canxi được xác định lượng bón từ 300 - 500 kg vôi/ha. Ngoài ra, các loại dinh dưỡng trung và vi lượng cũng phải bảo đầy đủ.
Đối với phân hữu cơ: Bón phân hữu cơ cho lạc được xác định rất quan trọng trong sản xuất thâm canh lạc bảo đảm tăng độ phì nhiêu của đất. Lượng bón thích hợp khoảng 5 - 15 tấn/ha phân chuồng, phân xanh hoặc 300 – 2000 kg/ha phân hữu
cơ vi sinh. Ngoài ra, các loại phân hữu cơ vi sinh, nước phân chuồng các loại cũng đã được dùng.
+ Về tỉ lệ N:P:K cung cấp cho lạc ở một số nước khác trên thế giới thì tỉ lệ đạm và kali thường cao hơn lân. Còn ở Việt Nam thì tỉ lệ hợp lý nhất chung cho tất cả các vùng miền trong những năm qua được xác định là 1N: 3 P2O5: 2 K2O.
- Mật độ gieo trồng để lạc phát huy tiềm năng năng suất cho các giống lạc mới có tiềm năng năng suất cao phải bảo đảm khoảng 40 cây/m2 áp dụng cho hầu hết các phương thức bố trí và gieo hạt.
- Sử dụng biện pháp kỹ thuật phủ đất trong sản xuất lạc đã được các nước trên thế giới khẳng định có tác dụng giữ nhiệt, giữ ẩm, chống rữa trôi, làm điều hòa môi trường đất hơn tạo điều kiện thuận lợi cho lạc sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn hẳn so với không che phủ. Kỹ thuật này đặc biệt có hiệu quả khi áp dụng vào sản xuất lạc ở trên các loại đất có khả năng giữ nước, giữ phân kém như đất bạc màu, đất cát biển.
- Bố trí thời vụ hợp lý là khâu kỹ thuật rất quan trọng luôn được các địa phương trồng lạc chú ý nghiên cứu để đảm bảo bố trí thời vụ thích hợp nhất cho cây lạc sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Các yếu tố được quan tâm xem xét khi nghiên cứu thời vụ là nhiệt độ và ẩm độ đất trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lạc.
Tổng quan vấn đề nghiên cứu được trình bày ở trên đã cung cấp cơ sở khoa học khá đầy đủ để xây dựng các nội dung nghiên cứu của đề tài nhằm tập trung xác định các yếu tố hạn chế năng suất lạc trồng trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình, từ đó đi sâu nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp áp dụng vào thực tiễn sản xuất, bảo đảm vừa nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lạc, vừa bảo đảm sản xuất bền vững trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
CHƯƠNG 2
VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU