4. PHẠM VI GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI
1.4.1. Nghiên cứu chọn tạo giống lạc
Trên thế giới, công tác phát triển giống lạc trong những thập niên qua đã đạt nhiều thành tựu nổi bật như: ICRISAT đã chọn tạo thành công hàng ngàn giống lạc và đã giới thiệu để phát triển sản xuất ở các quốc gia khác nhau trên thế giới,
[137]. 1.4.
Trung Quốc chọn tạo được trên 200 giống lạc mới đã được giới thiệu và sử dụng trong sản xuất (như Xuzhou 68-4, Fuhuasheng, Shixuan64, Luhua9, Luhua14, Yuhua6, Tianfu9,…[100]), còn ở Mỹ đã giới thiệu được các giống lạc mới để phục vụ sản xuất (như: Dixie Runer, Floruner, NC Floria 14, Andru 93, SunOleic 97R, C-99R, GP-1, DP-1, Georgia 02C, AP-3, VA98R,…[115] [141]).
Các phương pháp chọn tạo được ứng dụng chủ yếu gồm:
+ Nhập nội và thu thập là hai phương pháp được sử dụng trong công tác chọn tạo giống lạc được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Ví dụ như: từ nguồn giống nhập nội của ICRISAT Trung Quốc đã chọn được các giống lạc Zhonghua6, Yuanza9102 và Yueyou200 có khả năng kháng với bệnh héo xanh [119]; Thái Lan đã chọn lọc hai giống lạc chịu hạn ICGV98348 và ICGV98353 [140]; East Timor đã chọn lọc được giống ICGV86590 đạt năng suất 3,92 tấn/ha và kháng cao với bệnh héo xanh, giống ICGV86564 đạt năng suất 3,8 tấn/ha và thuộc kiểu hình hạt lớn, giống ICGV88438 đạt năng suất 4,61 tấn/ha và có khả năng chịu mặn, … [133]; Úc đã chọn được các giống giống ICGV93059, ICGV94049, ICGV96470 đạt năng suất từ 33,5 đến 4,64 tấn/ha và ICGV94341, ICGV94299 đạt năng suất từ 4,4 đến 5,9 tấn/ha thích hợp với khí hậu cao nguyên Papua New Guinea [121], [124]; Nam Phi đã chọn lọc được giống lạc ICGV 98369 và ICGV 96294 thích nghi với vùng canh tác nhờ nước trời, giống ICGV 98369 đạt năng suất 2,48 tấn/ha, cao hơn 27,8% so với giống đang sản xuất đại trà và kháng với bệnh đốm lá [126], [127].
+ Tạo giống bằng phương pháp lai hữu tính cũng được cũng được sử dụng phổ biến và hiệu quả. Ví dụ như: từ phương pháp lai đơn ICRISAT đã chọn tạo thành công các giống lạc mới TLG45 thuộc kiểu hình hạt lớn, năng suất vỏ là 3,14 tấn/ha, giống TG51 là giống ngắn ngày, chịu hạn [122], Trường Đại học Nông nghiệp Dharwad đã tạo ra giống R8808 năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, giống Dh40 ngắn ngày và thịt hạt đỏ [90]; từ phương pháp lai xa tạo ra giống R106 có khả năng kháng cao với bệnh héo xanh vi khuẩn [106], giống lạc GPBD4 năng
suất cao, kháng với bệnh đốm lá và hàm lượng dầu trên 45% [100], giống lạc TxAG-6 kháng tuyến trùng [116],….
+ Ngoài ra tạo giống lạc mới bằng phương pháp đột biến cũng được áp dụng như: giống lạc 96CG010 đạt năng suất từ 2,41 đến 4,1 tấn/ha, kháng với bệnh đốm lá và được mệnh danh là giống lạc vàng tại Pakistan [107]; giống lạc Mutants 28-2 có kiểu hình hạt lớn, kháng với sâu và bệnh đốm lá, hàm lượng dầu đạt 47% [100].
Ở Việt Nam, trước năm 1990, các giống lạc được sử dụng phổ biến trong sản xuất là Sen Nghệ An, Chùm Nghi Lộc, Cúc Nghệ An, Giấy Nam Định, Bạch Sa, Trạm Xuyên, Mỏ Két, Lỳ, Giấy Kim Long...Các giống trên tuy có ưu thế là mỏng vỏ, tỷ lệ nhân lớn, hàm lượng dầu cao và một số giống có khả năng chịu hạn, nhưng lại có nhược điểm là năng suất thấp và khả năng kháng sâu, bệnh hại kém. Riêng chỉ có giống lạc Sen Lai là có nhiều đặc điểm nổi trội nhất, giống có năng suất từ 1,6 đến 2,4 tấn/ha, thâm canh đạt 3,5 tấn/ha, tỷ lệ nhân/quả khoảng 72%, hàm lượng dầu 54%, vỏ quả dày trung bình và nhiễm với các bệnh hại lá [9]. Từ năm 1990 đến nay, hàng chục giống lạc mới đã được công nhận các cấp, bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực của các địa phương và góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lạc trong cả nước. Cũng như xu hướng chọn tạo giống của các nước trên thế giới, phần lớn các giống công nhận là giống được tuyển chọn từ nguồn giống nhập nội từ Trung Quốc, ICRISAT hoặc Úc như: giống có năng suất cao LVT [9], L14 [79], L18 [82], L23 [83]; giống có thời gian sinh trưởng ngắn HL25, L05, VD7 [9]; giống có chất lượng xuất khẩu cao L08 [53]; giống kháng bệnh héo xanh vi khuẩn MD7 [51], MD9 [52], giống kháng bệnh lá cao JL24, TL1, L02, L18 [9]. Một số giống nhập nội góp phần quan trọng trong công tác cải tiến giống trong nước. Một số giống khác đã được tuyển chọn trực tiếp và hiện nay đang phát triển rộng ngoài sản xuất trên quy mô hàng vạn ha như: L02, L14, LVT, L05, MD7,... Hiện nay các giống nhập từ Trung Quốc tỏ ra có nhiều ưu điểm nổi bật như: có tiềm năng năng suất cao, khả năng chịu thâm canh cao và chống chịu sâu bệnh khá. Trong đó, từ nguồn vật liệu nhập nội, nhiều giống mới đã được cải tiến thông qua việc lai tạo và đột biến L12, L16 [68], VD6, V79, 4329 [9].