Trong khuôn khổ đánh giá năng lực cạnh tranh thương mại, một đánh giá hiệu quả chuỗi cung ứng các sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp chế biến chính đã được thực hiện. Kết luận chung được đưa ra là tuy hiệu quả các dịch vụ logistics trong nước có tác động lên năng lực cạnh tranh, nhưng cơ cấu chuỗi cung ứng còn có ảnh hưởng mạnh hơn. Thêm vào đó, tác động chính không chỉ liên quan đến thương mại
hiện tại mà đến sự phát triển thương mại trong tương lai. Sự phát triển đó bao gồm việc nâng giá trị sản
phẩm, nâng giá trị gia tăng, và đa dạng hóa cả sản phẩm và thị trường.
Trách nhiệm tái cơ cấu chuỗi cung chủ yếu thuộc về khu vực tư nhân, nhưng khu vực công cũng giữ vai trò cần thiết trong việc tạo ra môi trường thuận lợi và khuyến khích sự dịch chuyển này. Trong các cuộc thảo luận với các nhà xuất khẩu, một loạt các sáng kiến khu vực công và tác động tiềm năng của những sáng kiến này lên tái cơ cấu chuỗi đánh giá đã được đề cập và đánh giá. Các sáng kiến này được chia thành ba nhóm, dựa trên tác động của chúng đối với phát triển thương mại trong tương lai.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chính phủ giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Mục tiêu chủ yếu là tăng cường liên kết giữa nhà cung cấp, cơ sở chế biến và thị trường. Đối với xuất khẩu gạo, điều đó có nghĩa là giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, và đặc biệt việc bán hàng giữa chính phủ với chính phủ bởi cách làm này sẽ khuyến khích sản xuất gạo kém chất lượng, và không tạo được sự khác biệt. Đối với thủy sản, cần áp dụng các quy định an toàn thực phẩm và y tế hiệu quả hơn nữa, quản lý các khâu từ cơ sở nuôi trồng đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Đối với cà phê, cần tạo và phát triển tiêu chuẩn chất lượng và thương hiệu. Chính phủ cũng giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp chế biến.
Thứ hai, tăng giá trị gia tăng,chính phủ có thể ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước
tham gia vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn, và thông qua gia công trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong nông nghiệp, điều đó có nghĩa là tăng cường sản xuất theo hợp đồng và chuyển hàng xuất khẩu trực tiếp đến người bán lẻ. Trong công nghiệp chế biến, điều này có nghĩa cần nâng cao chất lượng các nguyên liệu đầu vào sản xuất tại địa phương và sản xuất sản phẩm phục vụ các thị trường cụ thể. Nếu làm theo cách này, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi thời gian thu hồi tiền mặt dài hơn và nhiều biến động giá hơn. Vì vậy, chính phủ có thể hỗ trợ vốn lưu động trong thời gian dài hơn, với cơ chế tự bảo hiểm chống biến động giá, và thực thi hợp đồng giữa các doanh nghiệp, giữa họ với nhà cung cấp và khách hàng của họ. Chính phủ cũng có thể đóng góp thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp không những giúp tăng quy mô sản xuất mà còn khuyến khích sử dụng các nhà cung ứng trong nước.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, ở đây vai trò của chính phủ bao gồm cấp kinh phí nghiên cứu
chung và đào tạo về phát triển sản phẩm, đàm phán các hiệp định thương mại nhằm xâm nhập các thị trường mới, nâng cao xâm nhập các thị trường hiện tại và hỗ trợ các chương trình thúc đẩy thương mại.