Quy trình cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: HOẠT ĐỘNG CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH THÁI BÌNH (Trang 28 - 31)

Quy trình cho vay là trình tự các bước mà ngân hàng thực hiện cho vay đối với khách hàng. Quy trình cho vay phản ánh thủ tục, nguyên tắc cho vay, phương pháp cho vay, trình tự giải quyết các công việc, thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng.

Quy trình cho vay KHCN được bắt đầu từ khi cán bộ tín dụng nhận hồ sơ khách hàng và kết thúc khi tất toán khoản vay (thanh lý hợp đồng tín dụng).

Quy trình cho vay cụ thể như sau:

Bước 1: Thiết lập hồ sơ cho vay

* Tiếp nhận và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn:

Đối với khách hàng quan hệ lần đầu CBTD hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin và các sản phẩm tiền vay, điều kiện vay vốn,…

Đối với khách hàng đã có quan hệ tín dụng, CBTD hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn và bổ sung thông tin nếu có.

Bước 2: Phân tích cho vay

* Thẩm định các điều kiện vay vốn;

CBTD kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ do khách hàng gửi đến như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, mục đích sử dụng vốn vay; tính khả thi và hiệu quả của phương án, dự án xin vay; hồ sơ về tài sản đảm bảo tiền vay (nếu có).

* Xác định phương thức cho vay: Căn cứ vào quy định hiện hành của NHNo&PTNT Việt Nam, CBTD xác định phương thức cho vay phù hợp.

* Xem xét nguồn vốn và lãi suất cho vay:

- Xem xét nguồn vốn: Căn cứ mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, CBTD áp dụng loại nguồn vốn phù hợp với kế hoạch được giao.

- Xác định lãi suất cho vay: Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, thời hạn xin vay của khách hàng để áp dụng lãi suất cho phù hợp.

* Lập báo cáo thẩm định:

Trên cơ sở thẩm định các nội dung trên, CBTD lập báo cáo thẩm định nêu rõ ý kiến đồng ý cho vay hoặc không cho vay (nêu lý do).

* Tái thẩm định khoản vay:

Đối với món vay vượt quyền phê duyệt của Giám đốc. CBTD trình hồ sơ xin vay vốn cùng báo cáo thẩm định, tổ tái thẩm định tiến hành thẩm định lại toàn bộ hồ sơ vay vốn và có báo cáo tái thẩm định nêu ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cho vay trình Lãnh đạo phê duyệt.

- CBTD hoàn thiện đầy đủ hồ sơ vay vốn trình trưởng phòng Tín dụng kiểm tra toàn bộ hồ sơ và ghi ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cho vay (lý do) sau đó trình Giám đốc (hoặc người được uỷ quyền) phê duyệt.

- Nhận được hồ sơ vay vốn do trưởng phòng Tín dụng trình, Giám đốc kiểm tra và phê duyệt cho vay. Trường hợp từ chối khoản vay Giám đốc ghi rõ lý do và chuyển trưởng phòng Tín dụng soạn thảo văn bản trả lời khách hàng.

Bước 3: Quyết định cho vay

* Ký kết hợp đồng tín dụng/sổ vay vốn, hợp đồng bảo đảm tiền vay: - Soạn thảo hợp đồng: Khi khoản vay được Giám đốc chi nhánh (hoặc người được uỷ quyền phê duyệt cho vay. CBTD soạn thảo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay theo mẫu của NHNo&PTNT Việt Nam trình trưởng phòng Tín dụng kiểm soát và ký trên chân các trang của hợp đồng sau đó trình Giám đốc chi nhánh (hoặc người được uỷ quyền phê duyệt.

- Công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm: Tài sản thế chấp phải được đăng ký giao dịch bảo đảm và công chứng theo quy định của pháp luật và NHNo&PTNT Việt Nam.

* Giải ngân:

Căn cứ hồ sơ đã được phê duyệt bộ phận kế toán kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp của bộ hồ sơ và tiến hành giải ngân theo các điều khoản của hợp đồng tín dụng.

Bước 4: Giám sát và quản lý khoản vay

* Kiểm tra, giám sát khoản vay:

Sau khi phát tiền vay trong khoảng thời gian theo quy định, CBTD kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng vốn vay và chấp hành các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng của khách hàng. Trường hợp kiểm tra phát hiện khoản vay có vấn đề phải báo cáo lãnh đạo và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Trước ngày đến hạn 10 ngày ngân hàng nhắc khách hàng trả nợ qua hệ thống SMS để khách hàng thu xếp nguồn thu trả nợ theo kế hoạch đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

Trường hợp khách hàng có khó khăn xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ, CBTD phải kiểm tra nếu do nguyên nhân khách quan và khách hàng thiện chí thì hướng dẫn khách hàng làm thủ tục theo quy định của NHNo&PTNT Việt Nam trình Giám đốc phê duyệt.

* Thanh lý hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay:

Khi khách hàng trả hết nợ gốc và lãi của khoản vay thì hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay đương nhiên hết hiệu lực, các bên không cần lập biên bản thanh lý hợp đồng.

* Giải chấp tài sản bảo đảm:

Bộ phận kế toán làm thủ tục xuất kho tài sản bảo đảm để CBTD soạn thảo công văn gửi đến cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đề nghị xoá đăng ký giao dịch bảo đảm cho khách hàng theo quy định.

* Lưu giữ hồ sơ tín dụng và hồ sơ bảo đảm tiền vay:

Đây là khâu cuối cùng của quy trình cho vay, CBTD lưu trữ hồ sơ khách hàng, kế toán lưu trữ toàn bộ hồ sơ vay vốn và hồ sơ bảo đảm tiền vay.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: HOẠT ĐỘNG CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH THÁI BÌNH (Trang 28 - 31)