Hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 26 - 29)

6. Cấu trúc của luận án

1.2.1.2. Hành trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại

Cách tân trong thơ là quy luật tất yếu, là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Trong dòng chảy thi ca luôn luôn có sự tiếp thu, kế thừa, phát triển. Cái cũ bao giờ cũng làm nền cho cái mới, truyền thống là cơ sở cho hiện đại và cách tân thơ không phải chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà nó là cả một quá trình đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực đổi mới của nhiều nhà thơ, nhiều thế hệ cầm bút.

Trong suốt tiến trình văn học, thơ Việt Nam luôn luôn nỗ lực đổi mới. Từ thời trung đại các thi nhân xưa đã học tập thơ Đường cả ở mặt chất liệu và kĩ thuật, đồng thời sử dụng vốn văn hóa dân tộc để sáng tạo ra chữ Nôm, sáng tác thơ Nôm - Việt hóa thơ Đường.

Sang đến thời hiện đại cùng với những biến chuyển dữ dội của lịch sử, văn học nước ta cũng có những bước phát triển, đổi thay, cụ thể là ba cuộc cách tân thơ Việt Nam hiện đại:

Cuộc cách tân Thơ mới (1932-1945) là bước tiến đầu tiên trong hành trình hiện đại hóa thơ Việt. Ở cuộc cách tân này các thi nhân Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa và văn học phương Tây (nhất là văn học Pháp) đã đem đến cho thi đàn dân tộc một luồng gió mới. Với số lượng tác giả tác phẩm khá đông đảo (trong

Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh, Hoài Chân đã kể ra 45 gương mặt nhà thơ và

trích dẫn những bài thơ tiêu biểu của họ), Thơ mới đã làm một cuộc cách mạng về thi pháp, phá vỡ toàn bộ tính quy phạm của thơ ca trung đại.

Nếu thơ trung đại quan niệm thơ là con thuyền chở đạo lí; thơ phải đúng niêm, luật, vần điệu mới là thơ hay; trong thơ cái tôi trữ tình thường không được bộc lộ trực tiếp mà ẩn khuất sau những nhân vật khác hoặc sau những hình ảnh ước lệ: trăng, tuyết, hoa, … thì Thơ mới quan niệm thơ là tiếng nói của cảm xúc với cái tôi ở vị trí trung tâm, bộc lộ những khát vọng tự do cá nhân. Tự do trong thể hiện cảm xúc, Thơ mới khước từ tính quy phạm của thơ trung đại, không tuân theo cấu trúc của các thể thơ cổ với những quy định chặt chẽ về niêm, luật, đối…, mạch thơ là mạch của cảm xúc, cấu trúc thơ tự do, linh hoạt. Hình ảnh, ngôn ngữ thơ không mang tính ước lệ tượng trưng, sử dụng điển cố điển tích mà là những hình ảnh, từ ngữ gợi hình, gợi cảm, giàu nhạc tính, miêu tả chân thực,

sống động bức tranh cuộc sống và con người ở thời hiện đại. Đặc biệt trong cảm nhận có sự chuyển đổi giữa các giác quan cùng cách nói tân kỳ, mới mẻ - một đặc điểm thể hiện sự ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng Pháp. Các thi nhân ưu tú của thời kỳ này có thể kể đến: Xuân Diệu với Thơ Thơ, Giử hương

cho gió, Huy Cận với Lửa Thiêng, Chế Lan Viên với Điêu tàn, Hàn Mạc Tử, Vũ

Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Vỹ, …

Đến giai đoạn 1945 - 1975 thơ ca Việt gắn với yêu cầu phục vụ kháng chiến lại tự làm mới mình so với Thơ mới. Ở giai đoạn này, thơ Việt thực sự nở rộ với một đội ngũ sáng tác hùng hậu gồm đủ mọi lứa tuổi, thế hệ “cùng chung chí hướng” như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Trần Mai Ninh, Quang Dũng, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, … Trong sáng tác thơ giai đoạn này có sự cách tân, đổi mới về quan điểm sáng tác: Đề cao tinh thần tập thể, tình cảm cộng đồng, nhấn mạnh cái ta chung, coi nhẹ cái tôi cá nhân trong thơ. Đó là nền thơ gắn tư duy nghệ thuật trong sáng tác thơ với tư duy chính trị, quan niệm thơ luôn gắn với chức năng xã hội: Phản ánh cho hay, hùng hồn hiện thực cách mạng để nêu gương, giáo dục tinh thần cách mạng. Lấy hiện thực cách mạng làm đối tượng nhận thức, tư duy thơ thiên về hướng ngoại. Đại bộ phận sáng tác thơ theo khuynh hướng sử thi hiện đại, lấy cảm hứng lãng mạng cách mạng làm cảm hứng trung tâm, ngôn ngữ giọng điệu thơ có tính đơn thanh.

Trong giai đoạn này, với nỗ lực cách tân, hiện đại hóa, thơ Việt đã tập trung vào xu hướng tự do hóa hình thức thơ. Chúng ta có thể kể đến sáng tác của Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, … Xét riêng thành tựu cách tân về thi pháp thơ có nhóm Sáng tạo ở miền Nam với: Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng (Có thể coi đây là một ví dụ đặc biệt, bởi sự khác biệt về ý thức hệ). Bên cạnh đó còn có sự thể nghiệm, cách tân thơ của một số tác giả sáng tác theo tinh thần chủ nghĩa siêu thực như: Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, … Trần Dần được đánh giá là người cách tân thơ cả về hình thức (với lối thơ bậc thang) lẫn tư tưởng (đa diện, triết lí, ...). Với quan niệm thơ chuyển từ lập ý sang lập từ,“lao

động thơ trước hết là lao động chữ” và lối viết tự động hóa, ông được nhiều nhà

thơ gọi là “phu chữ”, “nhà cách tân số 1” (Dương Tường). Tuy nhiên, khuynh hướng cách tân của một số nhà thơ tiên phong như Trần Dần, Lê Đạt, … chỉ là một dòng chảy nhỏ khác biệt trong dòng sông thơ sáng tác theo cảm hứng sử thi hiện đại.

Cuộc cách tân thơ thứ ba của thơ Việt Nam hiện đại (sau đổi mới 1986) là cuộc cách tân đạt được nhiều thành tựu, bước tiến quan trọng, có tính chất sâu rộng và ảnh hưởng toàn diện. Tính chất đa kênh trong quan hệ không gian văn học đã hình thành. Bên cạnh văn học trong nước còn có văn học của người Việt ở nước ngoài. Đất nước bước vào thời bình, cơ chế thị trường đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy và tình cảm của con người hiện đại ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Hệ thống thẩm mĩ có nhiều thay đổi: nhiều giá trị cũ không còn phù hợp với thời đại mới, những giá trị mới nhanh chóng được xác lập. Nước ta mở rộng giao lưu quan hệ hợp tác với nhiều nước theo nguyên tắc đa phương hoá. Chính điều này đã tác động lớn đến văn học trong đó có cả thơ ca.

Sự thay đổi của cơ chế xã hội đã kéo theo sự thay đổi của các quan niệm nghệ thuật, tư duy nghệ thuật trong sáng tác văn học. Quan niệm về thơ, về nhà thơ, về mối quan hệ giữa nhà thơ và công chúng đều có sự thay đổi: Xu hướng giải thiêng thơ, coi làm thơ như một trò chơi ngôn từ; nhà thơ là những con người bình thường tự mang bản thân mình ra mổ xẻ, phân tích; gia tăng tính bình đẳng, dân chủ và đối thoại trong sáng tác và tiếp nhận văn học.

Tư duy thơ không còn thuần nhất, một chiều hướng đến cộng đồng và những điều lớn lao mà rộng mở, đa chiều, phức tạp hơn, thiên về cái đời thường, thiên về hướng nội. Bước ra khỏi cái ta chung, ra khỏi ánh hào quang của cảm hứng sử thi hào hùng, cái tôi trữ tình trở về vị trí vốn có và bình thường của nó. Đó là cái tôi cá nhân, cái tôi thế sự với bao trăn trở, vui buồn, khát vọng, hạnh phúc riêng tư. Sự thay đổi trong tư duy, đề tài, cảm hứng thơ kéo theo sự thay đổi về giọng điệu, ngôn ngữ, phương thức xây dựng, biểu tượng nghệ thuật trong thơ, …

Các tác giả tiêu biểu cho giai đoạn này bao gồm một số nhà thơ đã có sáng tác và trưởng thành trong chiến tranh. Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Hoàng Trần Cương viết những khúc ca bi tráng về số phận dân tộc. Nguyễn

Trọng Tạo, Ý Nhi, Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị Hoàn có xu hướng trở về cái tôi cá nhân với những lo âu thường nhật. Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm lại đi sâu khai thác những vùng mờ của tâm linh vô thức đậm chất tượng trưng siêu thực. Và các nhà thơ trẻ như Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm, … mang đậm dấu ấn hiện đại và hậu hiện đại trong sáng tác lại thể hiện xu hướng tìm tòi, cách tân thơ mạnh mẽ, quyết liệt.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w