Cái tôi vô thức, tâm linh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 67 - 69)

6. Cấu trúc của luận án

2.3.2.3. Cái tôi vô thức, tâm linh

Vô thức, tâm linh là miền sâu của tâm hồn, được ví như phần chìm của “tảng băng” tâm trí con người. Vô thức là vấn đề chính trong Phân tâm học được Sigmund Freud khảo sát và sáng lập năm 1880. Chú trọng đến thế giới vô thức, tâm linh là một nỗ lực nhằm nhận thức về con người một cách toàn diện hơn. Thơ ca trước đây có nói tới vô thức, tâm linh nhưng không nhiều. Một số câu thơ mang bóng dáng tâm linh của Nguyễn Du “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”,

“Mờ mờ nhân ảnh đi đêm”, ... Những câu thơ đó mới chỉ chạm đến chứ chưa đi

sâu khám phá “vùng mờ của tâm linh”. Cuối những năm 1930 đầu 1940, Thơ mới với cái tôi “mất bề rộng, đi tìm bề sâu” thì ý niệm cái tôi ở một số nhà thơ đã có những đổi khác. Nhóm Xuân Thu nhã tập quan niệm về thơ như: “một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên triết lí, nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ,

hồn nhiên, nó hoà hợp ta trong cái đẹp và ấp ủ ta trong cái thật” [173]. Nhóm Dạ Đài trong Tuyên ngôn tượng trưng cũng nhấn mạnh: “Thơ không còn là lý luận, và cũng không còn phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt ... Thơ chỉ cần nắm bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền mặc. Rồi cứ theo những định luật dan díu dị kỳ, những hình ảnh sẽ đua nhau đẩy xô trong một bản khiêu vũ mơ hồ” [174]. Những nhà thơ ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng siêu thực đã chủ trương khai phá vùng vô thức, tiềm thức, nhấn mạnh đến vai trò của nó trong quá trình sáng tạo thơ. Tuy nhiên quan điểm thẩm mĩ của họ lại không được chứng minh một cách thuyết phục bằng sáng tác. Ba mươi năm chiến tranh đã không cho phép các nhà thơ đi sâu khám phá, thể nghiệm thế giới không thể lí giải bằng logic thông thường nằm sâu trong tâm hồn con người. Sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới 1986 cùng với sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân, sự tự do dân chủ trong văn nghệ và đời sống, các nhà thơ mới có điều kiện và cơ hội tiếp tục đi khám phá, thể nghiệm con người tâm linh, vô thức. Hoàng Hưng khẳng định: “Cổ điển là lí trí … Hiện tại là tâm linh”, Thanh Thảo thì cho rằng: “Thơ hiện đại buộc tiềm thức, vô thức của tôi phải làm việc, buộc ta phải ngụp lặn và giấc mơ của chính ta” [159].

Tiếp tục hành trình khám phá, thể nghiệm “cõi sâu thẳm của tâm hồn”, các nhà thơ nữ trẻ đương đại đề cập và thể hiện cái tôi tâm linh, trực giác, vô thức trong thơ ngày càng đậm nét. Đó là sự xuất hiện hàng loạt tổ hợp hình ảnh để tạo dựng một không - thời gian phù hợp để cõi vô thức, yếu tố tâm linh xuất hiện: “đêm”, “căn phòng trống”, “giấc mơ”, “giấc ngủ”, “cái chết”, “linh hồn”, … trong Thánh giá, Những ngôi nhà (Vi Thuỳ Linh), Giấc mơ, Giấc mơ của lưỡi,

Rỗng ngực (Phan Huyền Thư). Đây là cánh cửa dẫn đến những suy tư, tưởng

tượng, khám phá thế giới tâm linh vô thức của con người - cách để các nhà thơ mở rộng chiều kích của đời sống (chiều thứ tư của không gian: hư vô, siêu hình), nhìn sâu vào những phần khuất lấp, sâu kín của tâm hồn, làm giàu có và phong phú hơn tâm hồn con người. Tâm linh là nơi các nhà thơ trẻ dễ dàng nhìn ra bản ngã của mình. Trong bài thơ Cáo phó, Phan Huyền Thư đã viết bằng cảm thức

một người cáo phó mình qua đời trong tình yêu: “Tôi muốn tự mình/lồng ảnh

vào khung/Đóng vào không/tìm treo nơi trang trọng? Như đã qua đời”, chị viết

bằng một trái tim rỗng ngực lạnh lẽo đến vô cảm của những con người hiện đại:

“Em thở dài/Buốt mùa đông rỗng ngực/Buồn xa xa thương nhớ cũng xa xa/Thoát xác vọt lên trần nhà/Nhìn thi thể co ro/Góc giường than khóc” (Rỗng ngực - Phan Huyền Thư) - nhà thơ mượn hiện tượng “hồn thoát xác” để tự đối

thoại (giữa hồn và xác), soi ngắm, cật vấn chính mình. Có lúc cái tôi trữ tình trầm mình “chèo thuyền vớt xác trên sông” (Huế - Phan Huyền Thư), thấy mình đã chết, những người tình, những kẻ thù yêu, những bạn bè, tất cả tụ về tiễn đưa, rồi nhân vật “tôi” nằm trong áo quan cười xúc động: “duy chỉ có một người cả

đời tôi đơn phương yêu thầm nhớ trộm là đương nhiên chẳng thấy đâu” (Giấc mơ - Phan Huyền Thư).

Như vậy, cái tôi vô thức tâm linh là một kiểu loại cái tôi trữ tình độc đáo trong thơ nữ Việt Nam đương đại. Đây là “công cụ” đắc lực cho các tác giả đi sâu khám phá và thể hiện “cõi sâu thẳm, vô biên” của tâm trí con người, đồng thời góp phần làm phong phú, hấp dẫn hơn nội dung của thơ đương đại Việt.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w