Quan niệm về thơ

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 50 - 53)

6. Cấu trúc của luận án

2.2.1.Quan niệm về thơ

Từ trước đến nay đã có rất nhiều quan niệm về thơ. Với Xuân Quỳnh thơ có ý nghĩa thiêng liêng, bởi chính thơ giúp chị có cái nhìn, cảm nhận, có cuộc sống phong phú, tinh tế, nhạy cảm trước cuộc đời. Nếu không có thơ tâm hồn sẽ chai sạn, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo: “… Ngày nối nhau trên đường phố êm

đềm/Không nỗi khổ không niềm vui kinh ngạc/… Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau/Không xôn xao khi nắng hè đến sớm/… Em không còn nhớ những sân ga/Những nơi đã đi, những nơi chưa hề đến” (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa). Nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ thì quan niệm: “Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một

quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Một khi ta tự lừa dối chính ta thì thơ không còn là thơ nữa” [166].

Ta có thể thấy điểm chung trong các quan niệm về thơ của các nữ sĩ truyền thống là đều coi thơ mang giá trị tinh thần thiêng liêng, là tiếng nói chân thật của tình cảm, đều lấy thơ ca là nơi trú ngụ cuối cùng của trái tim. Tuy nhiên, ngoài quan niệm đó, từ sáng tác của họ : Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, Sợi nhớ sợi

thương - Thúy Bắc, Khoảng trời và hố bom, Chuyện cổ nước mình - Lâm Thị Mĩ Dạ, … ta còn thấy rõ ảnh hưởng của quan niệm về thơ trong kháng chiến, tiêu biểu như: quan niệm của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh, … về đặc trưng, bản chất, tác dụng của thơ: “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà nhiều khi thông qua tình cảm đó, nói lên niềm hi vọng của cả dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và Xu hướng chung của lịch sử loài người” (Trường Chinh). Thơ mang chức năng, nhiệm vụ chính trị: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường

xung phong” (Hồ Chí Minh), “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”, “Thơ là cái nhụy của cuộc sống” (Tố Hữu)…

Những quan niệm trong thơ hiện đại nói chung và trong thơ nữ truyền thống nói riêng có sự tiếp nối từ quan niệm về thơ trong truyền thống thi ca Việt Nam (Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, …). Thơ là để nói cái chí, để giữ gìn bảo vệ đạo lí: “Chở bao nhiêu đạo thuyền

không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu), là kết

quả của tấm lòng, của con tim: “thơ khởi phát từ trong lòng người ta” (Lê Quý Đôn), sáng tạo ra thơ là những giây phút thiêng liêng, sáng tạo nên những giá trị tinh thần vĩnh cửu: “Hãy xúc động để hồn thơ, ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm).

Như vậy, từ quan niệm về thơ, ta có thể thấy tư duy thơ nữ truyền thống vẫn nằm trong tư duy nghệ thuật của kháng chiến chống Mĩ: Thơ là vũ khí chiến đấu chống quân xâm lược, là phương diện giãi bày tâm trạng một cách chân thật và điển hình. Thơ phải gắn với chất thơ. Trong tư duy của các nhà thơ nữ truyền thống chưa có sự vượt thoát, phá cách để đưa đến những định nghĩa mới trong cách nhìn nhận thơ ca.

Theo quan niệm truyền thống, thơ có những khả năng kì diệu, những sứ mệnh cao cả - là một ngôi đền thiêng. Từ những góc nhìn mới so với các bậc tiền bối, với cảm quan hiện thực tỉnh táo, sau chiến tranh, đặc biệt từ sau đổi mới, nhiều nhà thơ đã nhận thức ra giới hạn của thơ ca. Nhà thơ Chế Lan Viên cay đắng nhận ra sự bất lực của thơ mình trước thực tế chua xót: “ Người lính cần

một câu thơ giải đáp về đời/Tôi ú ớ/Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong/Mà tôi xấu hổ/Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay/Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ/Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười” (Ai? Tôi !). Cái nhìn

giải thiêng đối với thơ đã thức tỉnh thơ, nhà thơ và cả bạn đọc, đưa tất cả vào cuộc trong tư thế chủ động với đối tượng và chủ động với chính mình.

Ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện đại và đặc biệt là tinh thần hậu hiện đại, các nhà thơ nữ cách tân ngày càng có xu hướng khước từ những sứ mệnh cao cả mà lịch sử đã giao phó cho thơ (như trong giai đoạn chiến tranh). Với các nhà thơ trẻ cách tân, viết với họ chỉ như một cách giải tỏa tâm trạng, để phiêu lưu trong cuộc

chơi thú vị với ngôn từ. Thơ không còn rõ nghĩa, hiển tình, là phiên bản của hiện thực như trước nữa mà thơ như gương mặt ẩn chìm, có khả năng ẩn chứa, khơi mở, ám gợi. Các nhà thơ trẻ quan niệm: thơ cần có nhiều tìm tòi để nói được những điều sâu kín nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người, thơ phải thực nhưng cũng phải ảo, có ý thức và cả vô thức, tiềm thức, tâm linh, có cảm và có nhận.

Khác với thơ truyền thống về cơ bản là mực thước, trang nhã, thơ của thế hệ nhà thơ nữ cách tân đương đại có nhiều phá cách mới lạ và độc đáo. Quan niệm thơ - trò chơi (ngôn ngữ) khá phổ biến là biểu hiện cao nhất sự thay đổi quan niệm về chức năng, sứ mệnh của thơ, được nhiều người đồng tình, tán thưởng. Quan niệm thơ là một trò chơi đã cấp cho thơ những phẩm chất mới: sự phóng khoáng, tự do, … tạo nên tính ngẫu hứng, lôi cuốn, bất ngờ. Các nhà thơ nữ cách tân Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, … quan niệm thơ là chơi với chữ - lao động với chữ một cách nghiêm túc. Với nhiều thủ thuật co kéo, giãn, cách bài trí chữ, … họ đã đem lại cho thơ những hình dạng khác nhau, khơi gợi những cảm xúc mới mẻ. Khác với tính duy lí trong thơ truyền thống, thơ Phan Huyền Thư nổi bật với kiểu tư duy đứt đoạn, tính liên tục của dòng cảm xúc và mạch liên tưởng trong bài thơ bị phá vỡ: “Men

theo mùa hạ/ Trăng non cong nỗi thượng tuần/ Lòe loẹt a - dua/ Hoa dại học đòi ven ray ga xép/ Trên nóc toa tàu bỏ quên/ Mùi nắng ngủ mê mệt/ Vì lý tưởng du dương bất tử/ Con dế thất tình vấp phải giọt sương/ Chiến binh Thạch sùng tặc lưỡi uốn đêm/ Mơ giấc mơ mỏng tang cánh muỗi/ Giăng mắc niềm tin con nhện cái/ Ôm bọc trứng bão hòa” (Men theo mùa hạ - Phan Huyền Thư). Mỗi câu thơ

có một tư cách độc lập, tự nó có tính chất như những phác thảo xuất thần của những ý tưởng vụt hiện, ngẫu hứng. Mỗi câu thơ như bị tháo rời khỏi những chỉnh thể khác nhau rồi được cấy ghép lại tạo thành chỉnh thể mới. Xâu chuỗi những hình ảnh, ấn tượng đó lại, ta nhận thấy bài thơ vẽ ra bức tranh một thế giới đứt gãy, vụn vỡ, … Với lối tư duy phân mảnh, đứt đoạn này nhà thơ có thể đem hài hòa vào bài thơ nhiều mạch cảm xúc, liên tưởng khác nhau, tạo ra sự giao thoa giọng điệu, điểm nhìn, khiến bài thơ có xu hướng đa tuyến và phức điệu. Với sự thay đổi trong quan niệm về thơ, Vi Thùy Linh quyết tránh xa những “mô

phạm và sáo mòn, ngụy tạo và hèn nhát, tư duy thơ Vi Thùy Linh là lối tư duy đa

chiều phong phú, tư duy hướng nội có chiều sâu, thiên về tình yêu với khát vọng tràn đầy, sinh sôi, bất diệt, luôn vươn tới cái tuyệt đích, cái tận cùng. Đặc biệt, có sự kết hợp tư duy điện ảnh vào thơ tạo nên những hình ảnh, cấu trúc thơ độc đáo, ấn tượng. ViLi đã sử dụng kĩ thuật quay hình của điện ảnh trong thơ, hỗ trợ rất lớn cho việc dàn cảnh, dựng cảnh. Có lúc ống kính máy quay trải dài vô tận:

“Ngỏ tình dọc Hùng Vương đại lộ? Bốn hướng bốn phương dồn vũ trụ/ 4000 số nhà 4000 ngày thiết tha 4000 năm tình sử/ Đại lộ dài như một cơn hôn”, có lúc

cận cảnh, ống kính như ngưng lại: “Chậm …/ Thật chậm …/ Thật chậm …/ Hợp

linh/ Cúi xuống hôn Việt Trì lần nữa …” (Hôn Việt Trì - Vi Thuỳ Linh).

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 50 - 53)