6. Cấu trúc của luận án
4.1.3. Ngôn ngữ văn xuôi mang đậm tính đời thường
Một số nhà thơ nữ đương đại đã thành công trong nỗ lực cách tân, tìm tòi đổi mới, đưa chất văn xuôi vào thơ. Ngôn ngữ hiện trên trang giấy với cả chất thơ thanh cao và chất đời xù xì thô nhám. Phan Thị Vàng Anh là một trong những nhà thơ nữ trẻ ghi được dấu ấn trên những trang thơ với ngôn ngữ đời thường giản dị, sống động mà ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm, suy tư. Mỗi bài thơ trong tập Gửi VB của chị tựa như một bức tranh, một câu chuyện về cuộc sống. Những sự vật dù nhỏ bé trong thơ chị đều có hồn vía, có cuộc sống riêng của nó: Cái cây trong vườn nhà cũng có đời sống, có thân phận, ước mơ: “Mơ ước của
đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa ?/Hay trăm năm ẩm áp gói da thịt giữa đất đen ? Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ/Không một cây nào uốn mình thành khung cửa/Kém rèm/Mỗi bài thơ tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng/Thành bột giấy” (Hành trình của cây - Phan
Thị Vàng Anh). Ngôn ngữ thơ giàu chất tự sự, những câu thơ văn xuôi thích hợp cho việc thể hiện những suy tư, những cảm trạng hiện sinh của con người trong đời sống đương đại. Câu chuyện về giấc mơ kì lạ của Phan Huyền Thư trở nên chân thực, chi tiết, sống động nhờ hình thức thơ văn xuôi và ngôn ngữ đời thường đậm chất tự sự: “Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi, tôi là người
đã chết/Những người tình của tôi xếp hàng lần lượt, những người không hề biết nhau và những người từng định giết nhau. Họ đến xếp hàng rồi gật đầu chào
mời nhau hút thuốc, đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh tôi” (Giấc mơ), Khúc lêu hêu mùa hè của Du Nguyên hỗn độn nhiều hoang mang, ám ảnh bởi
tuổi trẻ cô đơn: “nửa đêm gặp ngay bóng mình treo trên một cành cây khô/cô
gái đó bị chứng nghiện nỗi buồn/đời sống chỉ là chất xúc tác để cô thêm cô độc rồi ra đi/mang theo những điều buồn nhất” (Khúc lêu hêu mùa hè - Du Nguyên)
...
Bài thơ học yêu như đàn ông của Trần Hạ Vi viết theo thể tự do, gồm bốn khổ. Nếu hiểu chất thơ theo quan niệm truyền thống thì nó hoàn toàn vắng mặt trong thi phẩm này. Mới đọc qua, ta sẽ nghĩ đây là trích đoạn của một bài báo, có đầy đủ thông tin mang tính thời sự, không có bất cứ từ ngữ nào bộc lộ cảm xúc, tình cảm chủ quan của chủ thể trữ tình với đối tượng đang được miêu tả. Khổ 1 đặt ra một yêu cầu “hãy tưởng tượng” về ba sự kiện: Bạn hôn một người, ngủ với một người khác và nhớ về một người khác nữa. Khổ 2 với thủ pháp so sánh lại “nhảy cóc” sang một lĩnh vực khác: “Yêu cũng như đi siêu thị mua hàng”. Ý tưởng này thật xa lạ với quan niệm về tình yêu thiêng liêng, cao cả trong thơ Việt truyền thống. Nhà thơ đã đưa những hình ảnh so sánh lạ lùng: “Bạn xếp những
thứ tủn mủn li ti/ Vào đáy tim phân kỳ/Mở ngăn kéo nào ra/Yêu đúng ngay người ấy.” (học yêu như đàn ông - Trần Hạ Vi). Vẫn không xuất hiện một tính từ nào
biểu lộ trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình với thực trạng kể trên, nhưng nhan đề bài thơ (học yêu như đàn ông) đã mách ngầm cho bạn đọc: - Đàn ông yêu như thế đấy! Và từ chủ đề kia, một sợi dây vô hình xuyên nối khổ 1, khổ 2 đến khổ 3: khổ thơ vừa phản ánh tục đa thê của vua chúa và đàn ông hồi giáo vừa liên hệ tạt ngang mang sắc thái mỉa mai: “Các Giai Việt dấm dúi/đánh số/đổi trao/bồ nhí”. Chỉ duy nhất một lần xuất hiện sắc thái mỉa mai ở 4 dòng thơ này, để rồi khổ 4 xuất hiện với một mệnh lệnh thức: “bạn chờ gì/không dám yêu như đàn ông?”. Bài
thơ như một bản tin được rút gọn tối đa về ngôn từ, chỉ cung cấp thông tin về hiện tượng. Không bình luận, không phân tích, chỉ có một nụ cười châm biếm, kín đáo và chất thơ mới mẻ ẩn sau nụ cười này!
Trong sáng tác của một số nhà thơ nữ đương đại theo xu thế cách tân, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ văn xuôi mang đậm tính đời thường. Đi theo hướng này, các nhà thơ khước từ kiểu ngôn từ “mỹ hóa”, cách điệu, ước lệ, trau chuốt truyền thống, họ đời thường hóa, văn xuôi hóa ngôn ngữ thơ. Sự đổi mới còn thể hiện ở việc thơ trẻ hôm nay ngày càng dung nạp lớp ngôn từ mới của đời sống hiện đại: Tiếng Anh, ngôn ngữ Internet, email, … - những ngôn từ dường như hết sức xa lạ với thơ ca lại đi vào địa hạt thơ ca như một tất yếu. Loại ngôn ngữ này chủ yếu xuất hiện ở những nhà thơ trẻ thế hệ @ - những người sinh ra, lớn lên trong thời đại công nghệ số: “đàn bò đi ăn đêm/đàn bò ăn tàn sương/đàn bò ăn càn
khôn/đàn bò ăn mini juyp/đàn bò ăn non - fiction” (Nguyễn Thị Thúy Hạnh), “Đất nở phồn sinh/Điệp hồ linh…link” (Vi Thùy Linh).
Như vậy, các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại đã có những đổi mới, cách tân về ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ trong thơ của họ giàu màu sắc nhục cảm - ngôn từ đậm chất “sex”. Họ đã sáng tạo những từ ngữ mới bằng thủ thuật sắp xếp, co giãn từ ngữ tạo nên ngôn ngữ thơ giàu tính ẩn dụ, đa nghĩa, gợi nhiều liên tưởng. Ngôn ngữ văn xuôi đậm tính đời thường cũng được sử dụng nhiều trong thơ. Điều này đã mang đến cho thơ nữ đương đại một luồng gió mới, khẳng định những đóng góp của họ cho tiến trình phát triển của thơ đương đại Việt Nam. Những sáng tạo trong ngôn ngữ nghệ thuật kể trên có ý nghĩa sâu sắc cả về lí luận và thực tiễn. Về phương diện lí luận, sự cách tân trong tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật vừa đòi hỏi, vừa thúc đẩy một loại hình ngôn ngữ nghệ thuât mới ra đời, phù hợp với nó. Về phương diện thực tiễn, đời sống xã hội hôm nay chuyển động và thay đổi chóng mặt với lối sống mới, quan niệm thẩm mỹ mới của giới trẻ trong xu thế toàn cầu hóa. Ngôn ngữ nghệ thuật của thơ nữ truyền thống không còn đủ sức ôm chứa một “biển khơi” đang nổi bão tố. Ngôn ngữ nghệ thuật mang tính cách tân ra đời như một hệ quả tất yếu mang theo âm vang của thời đại, hơi thở trẻ trung của giới trẻ hôm nay đồng thời phản ánh xu thế giao thoa thể loại diễn ra ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn học đương đại.