Khái lược về thơ nữ Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 29 - 32)

6. Cấu trúc của luận án

1.2.2. Khái lược về thơ nữ Việt Nam đương đại

Thơ nữ Việt Nam đương đại là bộ phận thơ vừa bám sát, vận động theo tiến trình của thơ Việt Nam hiện đại vừa có nét đặc sắc riêng. Với một lực lượng sáng tác đông đảo và xông xáo, quyết liệt trên hành trình đổi mới, cách tân, thơ nữ Việt Nam đương đại những năm gần đây đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, đóng góp cho thi đàn những thành tựu mới. Những cá thể thơ với bản sắc riêng khó trộn lẫn, đang dần định hình phong cách và cá tính sáng tạo. Những tác giả này “dù ít hay nhiều họ đã tự tạo cho mình một lối đi riêng. Tinh tế hay bộc trực. Nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Gai góc, dữ dội hoặc dịu êm. Thách thức hoặc khiêm nhường. Thách thức hoặc làm xiếc câu chữ. Tất cả đã tạo cho thơ một dòng chảy liên tục không ngắt quãng” [147].

Hiện nay, nhìn vào đội ngũ cũng như tác phẩm, có thể chia thơ nữ Việt Nam đương đại thành hai xu hướng - hai bộ phận sáng tác chính:

Thứ nhất là những cây bút tiếp nối từ truyền thống, sáng tác theo khuynh hướng truyền thống (sáng tác theo khuynh hướng truyền thống là những sáng tác tuân thủ theo thi pháp thơ thời chống Pháp và chống Mĩ, chưa hoặc ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học thế giới, có một số những đổi mới ở hệ thống thi ảnh nhưng hầu hết chưa có những tìm tòi cách tân thực sự về tư duy nghệ thuật, quan niệm và bút pháp nghệ thuật). Xu hướng này được thể hiện ở sáng tác của một số nhà thơ như: Bùi Tuyết Mai, Bùi Kim Anh, Phạm Dạ Thuỷ, Đoàn Thị Ký, Lê Khánh Mai, Chử Thu Hằng, Hoàng Việt Hằng, Bình Nguyên Trang, ... Đặc điểm chung của họ là sáng tác theo tư duy nghệ thuật của thơ kháng chiến và đầu đổi mới, nhuần nhị cả về mặt cấu trúc, thể loại, ngôn

từ lẫn nội dung phản ánh. Thơ theo xu hướng này có thể cảm nhận được ngay khi đọc tác phẩm bằng tư duy và cảm xúc của bản thân nên dễ được bạn đọc đồng cảm, ủng hộ. Điều đáng chú ý là những cây bút này đang ngày càng vận động theo xu hướng cách tân, thơ họ xuất hiện ngày càng nhiều những phá cách trong cả nội dung và hình thức thể hiện.

Xu hướng/bộ phận thơ thứ hai là những cây bút cách tân, phá cách ở cả nội dung và hình thức thơ. Đây là xu hướng nổi trội và ngày càng phát triển trong thơ nữ Việt Nam đương đại. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như: Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Lê Sơn Ý, Chiêu Anh Nguyễn, Vi Thùy Linh, Khương Bùi Hà, Trương Quế Chi, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Du Nguyên, Trần Hạ Vi, ... Đây là những gương mặt tiêu biểu, đã có những thành tựu nhất định trong khuynh hướng cách tân nghệ thuật thơ Việt Nam đương đại. Họ là những người có trình độ học vấn cao, đa tài và hoạt động trong nhiều lĩnh vực xã hội. Là những người thuộc thế hệ 8X, 9X có điều kiện giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa của nhiều luồng văn hóa Đông Tây nên thơ họ mang hơi thở của thời đại mở cửa hội nhập, mang vẻ đẹp hiện đại, cách nói hiện đại, có những nét phá cách và có nhiều thể nghiệm mới mẻ. Các nhà thơ theo xu hướng này đều cố gắng đi sâu khai thác và khẳng định bản ngã một cách mãnh liệt với lối thơ tự do phóng khoáng, mạnh bạo về ngôn từ, lạ về giọng điệu. Những nhà thơ theo xu hướng này đề cao đời sống cá nhân, đề cao cái tôi với cá tính độc đáo, khác biệt. Họ dám sống thật với chính mình và có thể coi thơ họ là tiếng nói mạnh mẽ về giải phóng phụ nữ: “Em giải phóng em trong thế giới tâm

hồn/Hỡi những người phụ nữ, hãy yêu và sống đến cùng như mình muốn/Đừng mặc cảm giấu che! Nín đi! Bắt đầu cuộc sống không cần chịu đựng, chờ chiếu cố” (Yêu cùng George Sand - Vi Thùy Linh). Sáng tác theo xu hướng này chịu

ảnh hưởng và mang dấu ấn đậm nét của các trường phái thuộc chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, điện ảnh, … nên kết cấu, hình ảnh, ngôn từ trong thơ có những phá cách độc đáo, mới lạ. Cũng bởi đặc điểm đó nên thơ cách tân thường khó cảm nhận, thậm chí là khó hiểu, khó nhớ, khó thuộc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hình thành xu hướng cách tân trong thơ nữ Việt Nam đương đại. Thứ nhất là do sự quy định và đòi hỏi của thời đại. Hoàn cảnh lịch sử thay đổi (từ hoàn cảnh chiến tranh chuyển sang thời bình, thế giới từ đơn cực với hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa chuyển sang đa cực). Từ hoàn cảnh đất nước có chiến tranh chuyển sang hoà bình với tất cả sự đa tạp, trộn hòa mọi yếu tố tích cực và tiêu cực. Xã hội đang trong hành trình vận động tới công bằng, dân chủ, văn minh, không khí dân chủ ngày càng được đẩy mạnh tạo ra “áp lực thời đại” tác động đến văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Từ “áp

lực thời đại ” - những đòi hỏi mới, những vấn đề mới của xã hội xuất hiện khiến cho các nhà văn, nhà thơ không thể sáng tác như trước đây. Cùng với đó, công chúng cũng có thị hiếu thẩm mĩ mới, đòi hỏi mới trong tiếp nhận, thưởng thức văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Việc giới thiệu, dịch thuật các công trình lí luận nghiên cứu văn học, các tác phẩm thơ hiện đại của thế giới được đưa vào Việt Nam cũng có tác động mạnh mẽ đến cả 3 chủ thể: Chủ thể định hướng sáng tác văn học (các nhà nghiên cứu - Lí luận phê bình văn học); Chủ thể sáng tác (Các nhà văn, nhà thơ); Chủ thể tiếp nhận (Công chúng văn học). Với sự phân chia phong phú đến phức tạp về thị hiếu thẩm mĩ, năng lực cảm thụ văn học, quan niệm thẩm mĩ, không chỉ trong công chúng văn học mà cả trong giới nghiên cứu, phê bình văn học. Nguyên nhân thứ hai là do nhu cầu tự thân đòi hỏi phải liên tục đổi mới của các văn nghệ sĩ. Tác phẩm văn học là sáng tạo nghệ thuật độc đáo, không lặp lại. Lặp lại người khác và lặp lại chính mình là “cái chết” của sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy các văn nghệ sĩ luôn luôn có nhu cầu mãnh liệt phải tự đổi mới.

Với tất cả các lí do kể trên, xu hướng cách tân trong thơ nữ Việt Nam đương đại xuất hiện như một “sản phẩm nghệ thuật” có tính tất yếu của thời đại hôm nay, vừa như một kết quả tốt đẹp của một tập hợp các nhà thơ nữ có chung khát khao đổi mới thơ Việt Nam đương đại. Họ gặp gỡ nhau ở khát vọng đổi mới, cùng chịu tác động từ “áp lực thời đại” nhưng vẫn có cá tính sáng tạo độc đáo in đậm dấu ấn tài năng của từng nhà thơ, hiện diện trong từng tác phẩm của từng thi sĩ với cả ưu điểm và nhược điểm.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w