6. Cấu trúc của luận án
4.2. Một số giọng điệu nghệ thuật nổi bật trong thơ nữ Việt Nam đương đạ
Giọng điệu nghệ thuật là phương thức cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm, là yếu tố thể hiện phong cách tác giả. Người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu giọng điệu một cách sâu sắc, hệ thống là M.Bakhtin. Theo ông giọng điệu cũng góp phần thể hiện lập trường của chủ thể. Ông cũng tiến hành so sánh đặc trưng của tư duy tiểu thuyết và thơ ca đi đến khẳng định thơ ca luôn mang tính chủ quan cao độ và thơ ca là loại hình nghệ thuật đơn thanh. Đây là nhận xét quan trọng, có ý nghĩa phương pháp luận khi tìm hiểu giọng điệu thơ trữ tình. Sau ý kiến của M. Bakhtin, các ý kiến của G.N.Pospllov trong Dẫn luận nghiên cứu văn học, ý kiến của M.B. Khravchko trong Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học đã xác định: giọng điệu là yếu tố cơ bản của phong
cách nghệ thuật và thơ ca bao giờ cũng có tính chủ quan trong giọng điệu. Ở Việt Nam, GS Trần Đình Sử là người đầu tiên nhìn nhận giọng điệu bằng cái nhìn hệ thống theo tinh thần thi pháp học. Trong Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) ông đã phân biệt hiện tượng giọng điệu trong đời sống và giọng điệu trong nghệ thuật, coi giọng điệu là phương diện cấu thành hình thức của văn học và giọng điệu thơ là sự biểu hiện lập trường, tư tưởng, cảm xúc của chủ thể, nguyên tắc lí giải và chiếm lĩnh hiện thực của thi nhân. Cùng đề cập đến vấn đề giọng điệu còn có những ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Lê Lưu Oanh, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Huy Bắc, ... Gần đây nhất, Nguyễn Đăng Điệp với cuốn chuyên luận Giọng điệu trong thơ trữ tình đã nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống, khá đầy đủ về lí thuyết giọng điệu như một hiện tượng nghệ thuật. Tác giả tiến hành phân chia, tìm hiểu các loại hình giọng điệu thơ trên nhiều cấp độ. Theo Nguyễn Đăng Điệp: “một mặt, giọng điệu cá nhân chịu sự quy định/ảnh hưởng
của giọng điệu thời đại, mặt khác, giọng điệu cá nhân, nhất là những cá nhân tài năng, góp phần làm phong phú, thậm chí làm thay đổi cấu trúc giọng điệu thời đại” [40]. Vì vậy, giọng điệu là yếu tố bộc lộ chủ thể một cách trung thực, cho
thấy cảm xúc, tư thế của chủ thể, nét riêng của từng nghệ sĩ. Giọng điệu thơ - một yếu tố quan trọng của hình thức nghệ thuật thơ đồng thời là biểu hiện cụ thể nhất về cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ.
Chúng ta đều biết đặc điểm của thơ truyền thống là có nhạc tính - cơ sở quan trọng nhất tạo nên giọng điệu. Có 4 yếu tố tạo thành nhạc tính: cách hiệp vần, phối thanh bằng - trắc; cách ngắt nhịp; các biện pháp láy từ. Vì thế, phân tích giọng điệu trong thơ phải phân tích nhạc tính được tạo ra từ sự kết hợp của bốn yếu tố kể trên. Nhạc tính phối hợp với sắc thái biểu cảm của từ ngữ để tạo thành một giọng điệu nghệ thuật nhất định. Nhưng với thơ cách tân Việt Nam đương đại, cùng với những đổi mới ở tư duy nghệ thuật, cái tôi trữ tình, biểu tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, … giọng điệu nghệ thuật cũng thay đổi theo phương thức phi truyền thống. Khảo sát tác phẩm của một số tác giả xuất sắc trong xu hướng sáng tác này, chúng tôi thấy đại đa số là thơ tự do không vần hoặc có vần nhưng được sáng tạo theo một phương thức nghệ thuật mới. Đó là phương thức hiệp vần “nhảy cóc” - phi tuyến tính, cắt nhịp tự do, phá quy chuẩn, loại bỏ các quan hệ từ quen thuộc như nhân quả, đẳng lập, tương phản, … Nhiều nhà thơ nữ cách tân chỉ tạo giọng điệu từ cắt nhịp cộng với sắc thái biểu cảm của từ ngữ, từ đó tạo ra nhịp điệu bên trong của bài thơ, khổ thơ. Nhịp điệu ấy là cơ sở nghệ thuật để tạo dựng giọng điệu nghệ thuật. Ví dụ như bài thơ sau của Phan Huyền Thư:
“Nằm nghiêng ở trần thương kiếp nàng Bân - 2/2/2/2 ngón tay rỉ máu. Nằm nghiêng - 4/2
khe cửa ùa ra một dòng ấm - 2/2/3 Cô đơn. Nằm nghiêng - 2/2
cùng sương triền đê đôi bờ - 2/2/2/2 ỡm ờ nước lũ. - 2/2
Nằm nghiêng lạnh - 3
hơi lạnh cũ. Ngoài đường khô tiếng ngáy - 3/2/3 Nằm nghiêng. Mùa đông - 2/2
Nằm nghiêng trên thảm gió mùa. Nằm nghiêng nứt nẻ khóe môi - 2/2 đã lâu không vồ vập răng lưỡi - 2/3/2
Nằm nghiêng - 2
sau làn áo lót có đệm mút dày - 4/4 Nằm nghiêng - 2
về đây” - 2
(Nằm nghiêng - Phan Huyền Thư)
Chủ đề của bài thơ là nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc lứa đôi. Nghĩa hàm ẩn và sắc thái biểu cảm của hai thi ảnh sau đã kín đáo biểu hiện chủ đề ấy: “Nằm
nghiêng/ khe cửa nước ra một dòng ấm” cô đơn, “sau làn áo lót có đệm mút dầy/ nằm nghiêng/ về đây”. Để diễn tả tâm trạng của chủ thể trữ tình, 6 thi ảnh
liên tiếp xuất hiện gắn với tư thế “Nằm nghiêng”. Những thi ảnh này mang sắc thái biểu cảm vừa cô đơn vừa đợi chờ khắc khoải cả trong tâm trạng và tư thế hình thể (nàng Bân; khe cửa; triền đê; mùa đông; khóe môi; xứ sở bốn mùa
nhiệt đới; ngực của người con gái được gợi tả “sau làn áo lót có đệm mút dầy”).
Câu kết bài thơ chỉ có hai từ “về đây” như một tiếng gọi thầm thăm thẳm. Hệ thống thi ảnh mang sắc thái tâm trạng cô đơn, khát khao hạnh phúc lứa đôi kết hợp với cách cắt nhịp lạ (hầu hết các dòng chỉ được cắt nhịp ngắn 2/2/2 hoặc 2/2/3, 2/2/4) tượng thanh cho nhịp hơi thở đều đều và dòng suy nghĩ miên man. Thi thoảng xuất hiện cách ngắt nhịp 2/5, 4/4 gợi tả sự trào dâng của hơi thở - suy nghĩ như sóng vọt lên trên dòng sông yên bình, để rồi cuối bài lại trở về nhịp 2/2 quen thuộc. Cách ngắt nhịp ấy kết hợp với 6 thi ảnh mang sắc thái biểu cảm cô đơn và nỗi kháu khao thầm kín đã tạo nên giọng điệu khát cháy về tình yêu, tình dục và hạnh phúc lứa đôi của chủ thể trữ tình. Đây cũng là bài thơ tự do không vần, tạo nhịp điệu bên trong để neo giữ chất thơ.
Trong thơ nữ Việt Nam đương đại, không chỉ có trường hợp tạo giọng điệu bằng cắt nhịp và sắc thái biểu cảm như bài Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư. Khảo sát hàng loạt thi phẩm của các nhà thơ khác như: Vi Thùy Linh, Phan Thị Vàng Anh, Khương Hà, Phương Lan, … chúng tôi nhận thấy các nhà thơ ấy không quan tâm đến hiệp vần, cắt nhịp mà chỉ còn những “con sóng” cảm xúc tạo ra “nhịp điệu tâm hồn” để từ đó bộc lộ giọng điệu kiêu hãnh tự hào, mỉa mai giễu nhại, hay là giọng điệu trung tính dấu kín cảm xúc mang tính khách quan
(thậm chí lạnh lùng như tập thơ Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh). Bởi vậy có thể khẳng định rằng: kiểu tư duy nghệ thuật mới gắn với cái tôi trữ tình khác lạ với thơ nữ truyền thống đòi hỏi phải có hệ thống thi ảnh - biểu tượng mới. Các thi ảnh - biểu tượng ấy đòi hỏi/ đã có loại hình ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật của riêng nó. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ nữ Việt Nam đương đại - các yếu tố cấu thành nó cũng mang tính cách tân, thậm chí khước từ mô hình nghệ thuật quen thuộc đã có.
Tìm hiểu các sáng tác thơ nữ Việt Nam đương đại theo xu hướng cách tân, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số giọng điệu chủ đạo sau: Giọng điệu kiêu hãnh tự tôn về vẻ đẹp trí tuệ - tâm hồn của người phụ nữ mới; Giọng điệu trào lộng; Giọng điệu trung tính - vô âm sắc. Những giọng điệu này đều được thể hiện sinh động trong thơ nữ đương đại, tuy nhiên ở mỗi tác giả, tác phẩm lại có những sắc thái thẩm mỹ khác nhau do cá tính sáng tạo và dụng ý nghệ thuật của từng tác giả. Ở mỗi loại giọng điệu chúng tôi chỉ đi vào phân tích một số trường hợp cụ thể tiêu biểu mang đặc trưng nổi bật nhất của loại hình giọng điệu ấy.