Quan niệm về vị trí, vai trò và sứ mệnh của nhà thơ

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 53 - 55)

6. Cấu trúc của luận án

2.2.2.Quan niệm về vị trí, vai trò và sứ mệnh của nhà thơ

Đối với các nhà thơ hiện đại giai đoạn trước 1986, trong đó có những nhà thơ nữ truyền thống: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Thúy Bắc, Phan Thị Thanh Nhàn, … thì người làm thơ đồng nghĩa với việc nói lên tiếng nói, tâm sự của cả cộng đồng, có khi là “nói hộ cho người khác” (Lâm Thị Mỹ Dạ), hay nói chung cho cả phái mình (Thơ vui về phái yếu - Xuân Quỳnh). Xét trên mặt trận văn hóa thì họ là những chiến sĩ, những đại biểu của nhân dân. Trong thời chiến họ vừa cầm súng vừa cầm bút, ra khỏi chiến tranh trở về với cương vị của những người vợ, người mẹ nhưng ta vẫn tìm thấy trong thơ họ tiếng nói chung với công chúng - tâm lí chung của con người thời đại. Vì vậy, có thể nói rằng: quan niệm về nhà thơ của các nhà thơ nữ truyền thống vẫn nằm trong quan niệm chung của thời đại chống Mỹ, chịu sự chi phối gần như tuyệt đối của mĩ học Macxit, cả quan niệm về thơ và nhà thơ đều mang tính duy vật biện chứng, với những tiêu chỉ cao nhất là tính thẩm mĩ, tính điển hình, tính chân thật. Vì thế, yếu tố tính dục hoặc không được nhắc đến hoặc được mĩ lệ hóa trong thơ, yếu tố tâm linh vô thức vắng mặt, yếu tố nữ tính (ở phương diện tòng thuộc Nam quyền) được đề cao quá mức, nhẫn nại, hi sinh nhiều khi thành khắc kỉ (ví dụ trong thơ Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, … Xuân Quỳnh nói về sự hạn chế, vị trí khiêm nhường của giới mình trong các lĩnh vực cần đến sức mạnh thể lực hoặc tư duy logic: “Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa/Có tình yêu và có lời

ru/… Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn/Vượt ô cửa cỏn con, căn phòng chật hẹp hàng ngày …” (Thơ vui về phái yếu- Xuân Quỳnh).

Không còn là những chiến sĩ, những “người hướng đạo”, nhà thơ đương đại là những “thảo dân”, là những con người bình thường. Các cây bút nữ xuất hiện trong khoảng 15 năm trở lại đây là những người trẻ nhưng hầu hết họ có chí hướng cách tân sâu sắc. Vi Thùy Linh khẳng định: “Tôi là một nhà thơ solo. Tôi không cần dàn đồng ca. Tôi sẵn sàng là một chiến binh có thể bị tử nạn để tạo nên làn sóng mới trong thi ca”, Phan Huyền Thư chia sẻ: “Nếu như khoảng 10 năm trước đây, nhắc đến nhà thơ là nhắc đến một khái niệm đi mây về gió, nghèo kiết xác và hay mơ mộng hão huyền thì giờ đây chúng tôi nổi loạn, cứng đầu, lập dị, ... Nhà thơ bây giờ đồng nghĩa với cá tính và khác lạ” [167]. Vì vậy Phan Huyền Thư luôn khẳng định cái tôi nghệ sĩ khao khát đổi mới mãnh liệt, hăng hái trên con đường cách tân thơ, với chị sáng tạo nghệ thuật là hành trình không hề đơn giản, dễ dàng. Ly Hoàng Ly thì cho rằng: “Với tôi, làm nghệ thuật là công việc đường dài, càng làm càng mê, càng làm càng thấy đuối sức. Như người bắt đầu từ con đường mòn và đi mãi, đi mãi, thấy mình lạc vào mê lộ. Rồi sau những lúc đuối, mệt, kiệt lực, lại là những phút giây sung sướng khi phát hiện ra một điều mới, dù là nhỏ nhoi. Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình” [167].

Là một cây bút trẻ với những sáng tác đi theo lối riêng độc đáo, dù viết truyện hay làm thơ, Phan Thị Vàng Anh đều không ngừng nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, tìm cách thể hiện, cách nói mới, chị không chấp nhận sự mòn sáo, cũ kĩ đơn điệu. Quan điểm ấy thể hiện rõ trong bài Tập làm thơ: “Rướn lên nào, cầu

kỳ vào nào, con lừa già chỉ biết/ gặm cỏ thực tế/ Rồi phun ra cũng chỉ những dòng thực tế/ Mắt chỉ thấy cây là cây, hoa là hoa/ Cái đầu đập tung ra để moi thử nằm đâu cái hạt tí hon tưởng tượng…” (Tập làm thơ - Phan Thị Vàng Anh).

Những cây bút trẻ này, quan niệm sáng tác luôn hướng tới cái tôi bản thể tận hiến. Dám sống thật với chính mình, trung thành với thực tại, đương đầu với những thử nghiệm mới, cho dù biết con đường phía trước của họ còn nhiều chông gai, thử thách. Ở họ có sự sôi nổi, ồn ào, nhiều lúc to tát, đại ngôn nhưng nhìn chung dễ thông cảm và đáng được ghi nhận. Các nhà thơ trẻ đã và đang “chối bỏ sự minh họa

hay tuyên cáo những đường viền kẻ sẵn cho nghệ thuật” (Nguyễn Hữu Hồng Minh), ý thức xem xét lại, chống lại cái đã ổn định, cái có sẵn của các nhà thơ trẻ theo xu hướng cách tân không phải vì phủ nhận giá trị của truyền thống mà vì truyền thống không còn phù hợp với xã hội đương đại đầy biến động hôm nay.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ xu hướng cách tân nghệ thuật trong thơ nữ việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu) (Trang 53 - 55)