6. Cấu trúc của luận án
2.3.2.1. Cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, khẳng định cá tính độc đáo riêng biệt
Thơ nữ Việt Nam đương đại đi sâu khai thác và khẳng định bản ngã một cách mãnh liệt với lối thơ tự do phóng khoáng, mạnh bạo về ngôn từ, lạ về giọng điệu. Những nhà thơ theo xu hướng này đề cao đời sống cá nhân, đề cao cái tôi với cá tính độc đáo và khác biệt.
Các cây bút nữ trẻ đương đại đầy mạnh mẽ, quyết đoán trong việc đi tìm cái mới, đi tìm một nguồn thơ dào dạt chảy đòi hỏi được giải tỏa, được dấn thân, được sáng tác với lối viết, cách thể hiện bạo dạn, tự do. Và đặc biệt là khát khao thể hiện “cái tôi” cá nhân của mình một cách thành thật nhất, dù sự thành thực ấy có bị phê phán. Vi Thùy Linh từ năm 1999 đến năm 2011 cho ra đời hàng loạt sáng tác: “Khát”, “Linh”, “Đồng tử”, “ViLi in love”, … đã “khuấy đảo không
khí thi đàn Việt”, được không ít dư luận quan tâm với những ý kiến khen, chê
trái chiều. Linh luôn khát khao biểu hiện cái tôi trước cuộc đời - một cái tôi bản thể mang tính khác biệt. Chị tâm sự rằng: “Tôi luôn muốn tạo sự độc đáo riêng
làm, hoặc không ai làm được, khó “nhái” được … buộc mình không được lặp lại, không giống người khác trong nghệ thuật” và dõng dạc tuyên ngôn trong thơ
mình: “Tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai người khác” (Tôi). Phan Huyền Thư xuất hiện trên thi đàn như một Thị Mầu đời mới, không chịu ràng buộc vào những khuôn khổ định sẵn, muốn phá vỡ đối xứng để tìm chỗ đứng cho riêng mình: “Tự phá vỡ đối xứng/bằng nón nghiêng/quanh gánh lệch/mắt nhìn
ngang” (Huế). Thơ Khương Bùi Hà trước đây đã từng có lúc yếu đuối đầy tòng
thuộc thì nay ngày càng mạnh mẽ, bộc trực, cá tính hơn khi chị đã dám “là mình”, dám “một mình” gây sự, nổi loạn và dám mơ giấc mơ của chính mình:
“một ngày thấy mình nằm ngủ khi đang bay trên trời/giấc ngủ thật cạn/mơ được chết trôi trên sông Sài Gòn/ngược về đồng hoang/về rừng/về núi/không cần trăng xanh/không cần ai mai táng” (Rất thình lình).
Cái tôi độc đáo, riêng biệt được các nhà thơ trẻ thể hiện ngay trong cách đặt nhan đề các tập thơ, bài thơ. Trong thơ Vi Thùy Linh, thể hiện một cái tôi không nguôi đam mê, dám yêu và sống hết mình. Cái tôi ấy thể hiện ngay trong nhan đề các tập thơ: Khát, Linh, Đồng tử, ViLi in Love, Phim đôi - Tình tự chậm, … Nhà thơ Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi thì gây sự chú ý với Nằm nghiêng, Rỗng
ngực, Tôi đang lớn, ... Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Du Nguyên, Chiêu
Anh Nguyễn và một số nhà thơ nữ khác lại chọn nhan đề tập thơ khác lạ: Lô lô,
Di chữ, Mục: Xó xỉnh. Cười, C.A.N, Yellow light, ...
Cái tôi trữ tình trẻ trung, tự chịu trách nhiệm trước biến thiên của đời sống, với những dằn vặt, suy tư tự vấn, muốn “lột xác” câu chữ, bỏ đi lớp vỏ cũ kĩ, tìm một hình thức mới cho mình, thoát khỏi những đơn điệu thường ngày: “Thỉnh
thoảng nhạt miệng/Nếm chữ mình/Ngâm muối/Những con dế hát nhiều/Có ngày đồng loạt/Lột xác ... /Gội đầu mỗi tối/Rửa trôi/Tiếng bước chân đơn điệu” (Tản mạn tuổi 19 - Trương Quế Chi). Thơ nữ trẻ có nhu cầu thể nghiệm những trải
nghiệm của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống, khẳng định cái tôi hiện hữu trong trời đất với những buồn đau, yêu đương, là cái tôi hòa vào mạch chảy đương đại những rung động cá nhân. Cái tôi cá nhân trước đời sống muôn vẻ không chịu đánh mất mình, không chịu hát “đồng ca” mà nhất quyết hát “đơn ca” bằng giọng điệu riêng biệt không trộn lẫn với bất cứ ai trong thế giới này:
“Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ/Thức dậy và tung bờm cất vó/Phóng như điên ... Thức dậy, dẫm chân và lắc đầu kiêu hãnh/Trước những yên cương rực rỡ sắc màu/Thức dậy để uống sương mai/Đón mặt trời mỗi sớm/Thức dậy đi ơi chú ngựa/Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng” (Bài ca ngựa non - Trần Lê Sơn Ý). Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ là cái tôi chủ động,
tự chịu trách nhiệm trước những thể nghiệm của bản thân: “Thắt bụng mình vào
chiếc ghế xa lạ/Và lơ lửng trên trời/Đâm đâm tầng mây/Mọi người trên hành tinh di chuyển/Một cách thụ động/Và ngớ ngẩn đần độn” (Bay - Ly Hoàng Ly),
hăng hái trên con đường mới chọn: “Đoạn tuyệt ngày hôm qua/đầu giường sằng
sặc giấc mơ/đông cứng nỗi buồn/ngọ nguậy trong đầu mọt nghiến răng/thèm ý mới” (Mưa - Phan Huyền Thư), đó còn là cái tôi “nổi loạn”, phá cách, vượt
thoát khỏi những quy chuẩn khô cứng đến sáo mòn: “Nhưng thỉnh thoảng/đi đôi
giầy chẳng giống ai/tôi mặc áo quần trông thật tức mắt/vượt đèn đỏ giữa ngã tư dù chẳng vội” (Lịch sự - Phan Huyền Thư).
Như vậy, cái tôi trữ tình trong thơ nữ cách tân đương đại là cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ và dữ dội. Đó là cái tôi cá nhân tự ý thức về cá tính, tài năng cùng những khát vọng riêng tư và thành thực của mình, đồng thời luôn mở lòng trước những biến thái tinh vi của xã hội. Cái tôi ấy luôn khát khao đổi mới thơ ca, muốn khẳng định mình với tư cách một cá thể sống và đặc biệt với tư cách người nghệ sĩ, in dấu ấn cá nhân độc đáo của mình vào thơ Việt Nam đương đại. Cái tôi bung phá, khát khao đổi mới ấy như một dòng thác trẻ trung, muốn phá tung những “đôi bờ” quy phạm lâu đời đã thành sáo mòn, cũ kĩ. Dòng thác ấy khát khao hoá biển chứ không muốn làm con sông chảy giữa “đôi bờ” mực thước, khuôn khổ. Khi thơ nữ trẻ “va đập” vào những quy chuẩn đạo đức ngàn đời cho người phụ nữ thì có lúc, có nơi bị dư luận “ném đá” cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế, những thất bại, cái tôi cá nhân trong thơ nữ trẻ vẫn có đóng góp nhất định vào sự phát triển của thơ ca đương đại, tạo ra một dòng chảy mới, sức sống và động lực mới cho thơ ca Việt Nam đương đại.