6. Cấu trúc của luận án
1.2.3. Lý thuyết liên văn bản
Liên văn bản là khái niệm xuất hiện từ những năm 60 của thế kỉ XX. Liên văn bản được xem là một thủ pháp, một phương thức tồn tại của tác phẩm văn
học. Nguyễn Văn Thuấn nhận định: “Tính liên văn bản vì vậy có thể được hiểu là mối quan hệ tương hỗ, tương giao, đan cài vào nhau giữa hai hay nhiều văn bản” [182; 7]. Ông cho rằng: “Tính liên văn bản là quan hệ tương giao, cộng sinh giữa các văn bản, được thực hiện trong sự sản xuất văn bản của tác giả và tiêu thụ văn bản của người đọc. Nó chống lại mọi định kiến về cội nguồn, sự độc sáng, tính tự trị, tính biệt lập của các tác giả, văn bản, độc giả” [182; 8].
Lý thuyết liên văn bản góp phần đổi mới cách tiếp cận văn học. Sự ra đời của mỗi tác phẩm văn học là một quá trình kết nối, đối thoại với các văn bản khác. R. Barthes cho rằng: “Bất kì văn bản nào cũng là liên văn bản”. Bất kì tác phẩm văn học nào đều có thể trở thành chất liệu để sản sinh ra một tác phẩm văn học khác ra đời sau nó. Không có tác phẩm nào đứng riêng lẻ mà nó luôn có sự tương đồng với một số tác phẩm khác. Vì thế, để có một góc nhìn đầy đủ về một văn bản văn học cần đặt nó trong cùng mạng lưới với các văn bản liên quan để tìm ra những kết nối về ngôn từ, hình tượng, các thủ pháp...
Lý thuyết liên văn bản đưa văn bản vào mạng lưới thể loại của nó để khám phá ra những tương đồng, những đặc điểm ngôn ngữ, các yếu tố hình thức và các biện pháp nghệ thuật gắn với từng thể loại văn học cụ thể. Ngoài ra, lý thuyết liên văn bản còn hướng đến việc đặt văn bản văn học vào bối cảnh lịch sử, xã hội. Thao tác này giúp người nghiên cứu tìm hiểu được các xu hướng chính trị, tư tưởng triết học, tôn giáo chi phối đến tác giả trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm.
Từ những cơ sở trên có thể thấy lý thuyết liên văn bản góp phần quan trọng trong việc giải quyết các nhiệm vụ và mục tiêu nghiên cứu của luận án. Các tác phẩm trong văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV phần lớn gắn liền với đời sống chính trị và văn hoá. Do đó, việc tìm hiểu các văn bản văn học không thể tách rời với các văn bản có liên quan, nhất là những ghi chép sử học. Việc nghiên cứu liên văn bản sẽ góp phần tìm hiểu sâu hơn từng tác phẩm trong mối quan hệ liên văn bản với văn hoá, chính trị, lịch sử và trong cùng một hệ thống thể loại để tạo nên sự phong phú, đa diện, đa chiều về đặc điểm nhân vật hoàng đế trong văn học giai đoạn này từ nội dung và hình thức thể hiện.