Nhân vật hoàng đế thiền nhân trong những suy tư mang màu sắc tôn giáo

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 69 - 76)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.2. Nhân vật hoàng đế thiền nhân trong những suy tư mang màu sắc tôn giáo

Phật giáo với tư tưởng vô ngã, vô thường, nhân quả nghiệp báo và triết lí nhân sinh từ, bi, hỉ, xả… gần gũi với đời sống tình cảm người Việt, đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Phật giáo không chỉ khẳng định được tầm quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hoá chính trị và xã hội Đại Việt. Phật giáo đạt cực thịnh ở nước ta dưới triều đại Lý – Trần với các thiền phái: Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo giai đoạn này được các hoàng đế Đại Việt tôn sùng, có địa vị như là quốc giáo. Bên cạnh vận dụng đường lối đức trị, thân dân, các hoàng đế Đại Việt xem lễ nhạc, văn chương là phương tiện trị quốc. Đó là những căn rễ hình thành nên loại hình nhân vật hoàng đế – thiền sư – thi sĩ. Sáng tác của các hoàng đế trong giai đoạn này mang đậm màu sắc diễn ngôn đế vương, đồng thời chứa chan những chiêm nghiệm cuộc đời và hướng thiền một cách sâu sắc.

Loại hình hoàng đế thiền sư – thi sĩ phổ biến trong văn học Việt Nam thời Lý – Trần, tiêu biểu trong các sáng tác của Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… Trước thời Lý, các hoàng đế hầu như chưa tham gia sáng tác thơ văn, hoặc có sáng tác nhưng đã thất truyền theo thời gian. Đầu thời Lý, Lý Thái Tổ có Thiên đô chiếu nhưng phải đến Lý Thái Tông mới định hình tương đối rõ nét kiểu tác gia hoàng đế thiền sư – thi sĩ. Hoàng đế thiền sư – thi sĩ là ba loại hình nhân vật khác nhau. Tuy nhiên trong giai đoạn Lý – Trần, các loại hình nhân vật này có sự giao thoa, quan hệ biện chứng với nhau trong chủ thể hoàng đế.

Trong xã hội chịu ảnh hưởng của Phật giáo, các hoàng đế Lý triều chủ yếu dùng văn chương để truyền đạo, chú trọng tôn giáo, đề cao thần quyền như một cách phục vụ vương quyền. Lý Thái Tông có thể coi là người đặt nền móng cho loại hình nhân vật hoàng đế thiền sư – thi sĩ. Ngoài việc thực hiện các hành động hướng Phật, qua những sáng tác văn chương Lý Thái Tông còn cho thấy hình ảnh về một vị hoàng đế gắn bó với đời sống, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc, một

con người hành động và có tinh thần nhập thế. Ông có những bài chiếu, lời bàn luận, kệ, truy tán in đậm dấu ấn của văn học chức năng và chứa đựng những nội dung của Phật giáo. Trong các sáng tác của mình, ông thường đề cập đến “bát nhã”:

“Bát nhã chân vô tông,/ Nhân không ngã diệc không./ Quá, hiện, vị lai Phật,/ Pháp tính bản tương đồng.” (Ánh sáng của trí tuệ thật không có nguồn gốc nào cả,/ Người là không mà ta cũng là không./ Các vị Phật quá khứ, hiện tại và tương lai,/ Tính Phật vốn giống nhau.) (Thị chư thiền lão tham vấn thiền chỉ - Lý Thái Tông) [209; 242]. Bát nhã nghĩa là trí tuệ siêu việt. Hoàng đế Lý Thái Tông xác định “bát nhã chân vô tông”. Trí tuệ siêu việt vì không thể giải thích bằng khái niệm như cách nhận thức thông thường mà phải qua các ngôn ngữ tỷ dụ, hình ảnh. “Không” ở đây được hiểu mọi thứ đều là hư ảo, mọi sự vật hiện tượng đều có tính phật và bình đẳng như nhau.

Còn có thể gặp tinh thần Bát nhã trong sáng tác khác của hoàng đế Lý Thái Tông:“Hạo hạo lăng già nguyệt,/ Phân phân Bát nhã liên./ Hà thời lâm diện kiến,/

Tương dữ thoại trùng huyền.” (Trăng Lăng già sáng vằng vặc,/ Sen Bát nhã ngát hương thơm./ Bao giờ được gặp mặt nhau,/ Để cùng đàm luận về lý lẽ vô cùng huyền diệu.) (Truy tán TỳNi Đa Lưu Chi thiền sư – Lý Thái Tông) [209; 243]. Hoàng đế Lý Thái Tông hứng khởi với tinh thần Bát nhã. Ông ca ngợi đức hạnh của sư tổ Thiền phái đầu tiên của nước ta và bày tỏ được gặp mặt đàm luận. Từ đó có thể thấy được yếu tố Phật giáo trong tư tưởng của Phật Mã.

Đến thời Trần, Nho giáo đã bắt đầu có vị thế trong xã hội. Chế độ khoa cử sản sinh ra ngày càng đông đảo tầng lớp nho sĩ và tầng lớp này có sức ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị. Mặc dù vận dụng Nho giáo vào việc trị nước nhưng nhiều hoàng đế triều Trần đã cũng quan tâm nghiên cứu Phật giáo. Các đế vương đã nới rộng đường biên tư tưởng thẩm mĩ bằng việc dùng văn chương để xây dựng chế độ quân chủ và con đường truyền bá Phật pháp. Điểm đặc biệt của triều Trần là xuất hiện nhiều hoàng đế nhường ngôi cho con lui về làm Thái thượng hoàng: “Gia pháp của nhà Trần lại khác thế, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thánh từ, xưng là thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra chỉ truyền ngôi để yên việc sau, phòng khi thảng thốt mà thôi, chứ mọi việc đều do ở thượng hoàng quyết định cả. Vua nối không khác gì hoàng thái tử cả” [97; 286]. Việc nhường ngôi đã

giúp các hoàng đế triều Trần tránh chuyện tranh giành ngôi báu trong hoàng tộc, đồng thời tạo cơ hội cho vị tân vương trẻ tuổi tập làm quen việc trị nước. Thái thượng hoàng trên danh nghĩa giữ vai trò cố vấn, song thực tế vẫn là người quyết định công việc quốc gia, có quyền thay đổi người kế vị. Các hoàng đế triều Trần nhường ngôi và tiếp tục con đường tu hành đạo Phật. Tiêu biểu là hoàng đế Trần Nhân Tông, trên cơ sở kế thừa những nền tư tưởng trước đó ông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn và bản sắc Việt Nam.

Tiếp nối hoàng đế triều Lý, các hoàng đế triều Trần đã thể hiện được phẩm chất thiền sư qua những sáng tác văn học chức năng: các bài kệ, bài giảng, hành trạng; văn hoc hành chính: văn, thơ bang giao; văn học nghệ thuật: thơ, phú... Các tác phẩm văn học của các hoàng đế triều Trần đã chứa đựng những nét từ cơ bản đến sâu sắc thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo với các khái niệm tâm, hữu – vô, sinh – diệt, pháp, thân… Điểm đặc biệt, các hoàng đế triều Trần mang tư tưởng “hòa quang đồng trần”, đem Phật giáo gắn với đời sống xã hội, kêu gọi tích cực nhập thế. Tư tưởng “hòa quang đồng trần” của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hướng con người hòa nhập với cuộc sống trần tục. Đặt trong tương quan giữa đời và đạo, mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền, các hoàng đề triều Trần luôn có cách thức ứng xử linh hoạt trước cuộc đời, xác định khi nào cần "hòa quang đồng trần" gắn bó với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, khi nào có thể chuyên tâm với kinh sách và hoằng dương Phật pháp. Mặc dù Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã đi theo con đường tu hành nhưng khi đất nước lâm nguy họ sẵn sàng trút áo cà sa để mặc áo bào xung trận. Khi đất nước giành thắng lợi, họ lại quay về với cánh cửa thiền môn. Tư tưởng này đã đưa Phật giáo thoát khỏi những yếu tố tư tưởng ngoại lai như dưới triều Lý. Hoàng đế triều Trần vẫn tiếp tục phát triển về mẫu hình hoàng đế – thiền sư – thi sĩ, tiêu biểu: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông. Đặc biệt, tư tưởng "hòa quang đồng trần" xuất hiện trong nhiều sáng tác của Trần Nhân Tông. Những sáng tác của ông không chỉ in đậm dấu ấn Thiền học mà còn xuất lộ các hình ảnh, điển tích Nho giáo. Trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông vẫn nhắc đến "Ơn Nghiêu khoáng cả", "Ngay thờ chúa, thảo thờ cha", "Gác ngọc lầu vàng"...; trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ông vẫn đề cập đến "Công danh chăng trọng - Phú quý chăng màng", "Tần Hán xưa kia", "An thân lập

mệnh"... nhìn chung, ở Trần Nhân Tông luôn có sự hiện diện hình ảnh một hoàng đê – thiền sư – thi sĩ.

Về văn học, thời Trần nở rộ các sáng tác mang đậm các nội dung Phật giáo. Tiêu biểu trong giai đoạn này là các tác phẩm: Thiền tông chỉ nam tự, Kim cương

Tam muội kinh tự – Trần Thái Tông, Cư Trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền

thành đạo ca, Thượng sĩ hành trạng – Trần Nhân Tông… Trần Thái Tông là vị hoàng đế mở đầu cho loại hình tác gia hoàng đế – thiền sư – thi sĩ triều Trần. Ông lên ngôi trong giai đoạn diễn ra nhiều biến động của lịch sử: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi; ông lấy chị dâu là Thuận Thiên vợ của Trần Liễu làm hoàng hậu. Mặc dù đó là những lỗi lầm không tự gây ra nhưng đã khiến ông luôn sống trong ray rứt. Có lẽ vì thế mà ông từ bỏ ngai vàng tìm đến Yên Tử để hướng về Phật pháp. Chưa có nhân duyên với nhà Phật, ông đã trở lại ngai vàng nhưng lòng vẫn hướng về Phật. Bài Tựa Thiền Tông chỉ nam tự đã thể hiện những mối chiêm nghiệm sâu sắc của Trần Thái Tông về quan hệ giữa đạo và đời, hữu và vô, sinh và tử: “Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh” [143; 38]. Trần Thái Tông nhấn mạnh mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền, giữa nhập thế và xuất gia. Tiên thánh - chỉ Thánh của nhà nho tức Khổng - Mạnh, đức Phật thuộc Phật giáo. Trong tư tưởng của Trần Thái Tông có sự dung hoà giữa hai học thuyết Nho – Phật. Trước những ưu tư cuộc đời, ông muốn tìm cõi Phật để tu hành: “Trẫm tự bảo mình: trên đã không có cha mẹ để nương tựa, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào? Suy đi nghĩ lại không gì hơn lui về chốn núi rừng tìm học đạo Phật” [143; 39]. Ông tìm gặp nhà sư và ngộ ra chân lí: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là thần Phật” [143; 40].

Phật giáo chủ trương con người tự lực, bằng nội lực mà tu hành đạt đến giác ngộ, không có ngoại lực (tha lực) nào giúp được. Chẳng cần phải đi tìm Phật ở đâu xa mà hãy tìm Phật ở tại chính tâm mình. Đây chính là tiền đề tư tưởng để Tuệ Trung thượng sĩ và sau đó là Trần Nhân Tông tiếp tục phát triển quan niệm Phật

chính tâm: “Vậy mới hay!/ Bụt ở trong nhà;/ Chẳng phải tìm xa/ Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;/ Đến cốc hay chỉn Bụt là ta” (Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông) [211; 506]. Phật hoàng Trần Nhân Tông trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Tuệ Trung thượng sĩ và hoàng đế Trần Thái Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông cho rằng Bụt ở trong bản thân mình chẳng phải tìm xa. Tâm thanh tịnh hay Phật tính là biểu hiện của cảnh giới giác ngộ, giải thoát. Xuất thân trong hoàng tộc vốn tôn sùng đạo Phật, bản thân là người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, song Trần Nhân Tông vẫn chủ trương tam giáo đồng nguyên. Trần Nhân Tông cai trị trong giai đoạn hưng thịnh của Đại Việt. Tuy nhiên ông không tham quyền cố vị mà hướng đến cửa Phật.

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,/ Cơ tắc xa hề khốn tắc miên./ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” (Cõi trần vui đạo hãy tuỳ duyên,/ Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên./ Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm,/ Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền.) (Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông) [211; 510]. Nội dung bài phú được gói gọn trong những câu cuối: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” - Thiền là đối cảnh vô tâm, không cần hỏi thiền là gì nữa. Vô tâm là trạng thái tâm tịch mịch, trống rỗng, đã diệt trừ tất cả hỷ - nộ - ai - cụ - ái - ố - dục. Đây là cảnh giới tâm lý cao nhất, nhà tu hành đạt đạo, giác ngộ. Thế nào là “đối cảnh vô tâm”? Cảnh là toàn bộ ngoại giới. Nhà tu hành đạt đạo khi đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, danh lợi, sự mua chuộc hay đe dọa, trước cái chết… đều bình thản, không mảy may xúc động, sợ hãi, ham muốn, thế là “vô tâm”. Phật giáo quan niệm người như vậy mới có dũng khí, có trí tuệ, có sức mạnh tinh thần để đảm đương đại nghiệp. Hơn ai hết, hoàng đế phải đạt đến cảnh giới “đối cảnh vô tâm”.

“Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát,/ Bất phàm, hà tất mịch thần tiên./ Viên nhàn, mã quyện nhân ưng lão,/ Y cựu vân trang nhật tháp thiền.” (Ai trói buộc mà tìm phương giải thoát,/ Chẳng phàm tục cần gì tìm thần tiên./ Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già,/ Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ.) (Sơn phòng mạn hứng I – Trần Nhân Tông) [211; 469]. Hoàng đế hiện lên trong bài thơ với tâm thế ung dung, tự tại không ràng buộc, để đi tìm giải thoát; bởi vạn vật vô thường, hữu hạn, lợi danh rồi cũng tựa phù vân. Cuộc đời cùng những thị phi, toan tính, lợi danh rồi cũng sẽ hữu hạn như cảnh xuân tàn: “Thị thi niệm trục trêu hoa lạc,/ Danh lợi tâm tuỳ dạ

vũ hàn./ Hoa tận vũ tinh sơn tịch tịch,/ Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.” (Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,/ Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm./ Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch,/ Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.) (Sơn phòng

mạn hứng II – Trần Nhân Tông) [211; 469]. Vạn vật trong thế giới tự nhiên luôn không ngừng biến đổi theo thời gian. Tác giả dùng những biểu tượng thiên nhiên để biện luận cho hiện tượng hư ảo, vô thường.

Tinh thần vô uý của triết lý nhà Phật đưa Trần Thái Tông đến nhận thức chung về sự hiện hữu – sinh diệt của đời người. Theo quan điểm nhà Phật, chết chưa phải là hết mà chỉ là một sự chuyển tiếp trong vòng luân hồi. Nếu chưa đạt đến giới hạn của sự giác ngộ thì vẫn không giải thoát được ngả luân hồi và rơi vào cảnh địa ngục: “Phi mao đới giác, hàm thiết phụ yên; dĩ nhục cung nhân, dụng mệnh

toàn trái” (Khoác lông đeo sừng; mang yên ngậm sắt. Đem thịt dâng người; lấy thân trả nợ) (Phổ khuyết phát Bồ Đề tâm – Trần Thái Tông) [211; 64]. Các hoàng đế theo đạo Phật có điểm chung là dự đoán được cái chết của mình. Đại Việt sử kí

toàn thư ghi chép Lý Thánh Tông: “Năm trước có một hôm thượng hoàng chợt bảo các người hầu cận rằng: Đến tháng tư sang năm ta tất chết. Đến đây quả nhiên như thế” [97; 296]. Thực chất của việc tu hành là trải qua khổ hạnh, tẩy rửa dục vọng để đạt đến thể tâm thanh tịnh. Cũng giống như các thiền sư Khuông Việt, Ngộ Ấn, Trần Nhân Tông đọc bài kệ rồi nhập cõi tịch diệt. Được tin công chúa Thiên Thuỵ bệnh nặng muốn gặp mặt, Phật hoàng chống gậy xuống núi, chỉ đem một thị giả theo hầu. Thăm chị xong, ông lên đường về núi và được Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu thỉnh về am Bình Dương. Trúc Lâm vui vẻ nói: “Có lẽ đây là buổi cúng dường cuối cùng”. Ông về núi và gọi Bảo Sát đến gặp nói lời từ biệt, đọc bài kệ rồi viên tịch. Đứng trước cái chết cận kề, Phật hoàng vẫn ung dung, tự tại truyền giao lại những giác ngộ chân lí cho đệ tử. Đó là trạng thái thiền định, an nhiên tự tại, trái với trạng thái âu lo, sợ hãi của người bình thường trước cái chết. Đó là cách mà cách mà hoàng đế - thiền sư đắc đạo ứng xử với thân thể theo quan điểm đạo Phật.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)