Giai đoạn từ sau thế kỉ XV đến thế kỉ XIX

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 50)

6. Cấu trúc của luận án

2.3.2.Giai đoạn từ sau thế kỉ XV đến thế kỉ XIX

Nếu như thế kỉ thứ X đến thế kỉ XV, qua thơ văn, kẻ sĩ bộc lộ một niềm tin dường như tuyệt đối vào chế độ quân chủ thì giai đoạn sau thế kỉ XV, niềm tin ấy từng bước suy giảm, ngược lại gia tăng sự hoài nghi về nền cai trị đức trị. Họ Trịnh phò tá nhà Lê đánh bại nhà Mạc. Đất nước tồn tại song song vua và chúa. Đạo trung quân đã mai một, những vấn đề thiết yếu của đạo nho như tu, tề, trị, bình đã không còn giữ được những giá trị như lúc ban đầu. Việc tuyển chọn quan lại cũng không còn chỉ được thực hiện bởi khoa cử, mà còn bởi nhiều phương

cách khác. Quan tước có thể đạt được bằng quan hệ thân thích, tiền bạc… Hiện tượng này đã làm hoen ố những hình mẫu cao đẹp về thánh nhân, quân tử.

Ở giai đoạn trước, các trí thức chỉ thể hiện thái độ bất mãn trước thời cuộc bằng thấp thoáng sự chán nản, lo âu: “Bạch nhật thăng thiên dị/ Trí quân Nghiêu Thuấn nan” (Ban ngày bay lên trời còn dễ/ Giúp vua trở thành Nghiêu Thuấn mới khó) (Đề Huyền Thiên quán – Trần Nguyên Đán). Từ sau thế kỉ XV, bên cạnh những mỹ từ ca ngợi hoàng đế thì văn chương đã bắt đầu phô bày “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Các trí thức không còn bàn luận về những hoàng đế nhân nghĩa, thân dân mà thay vào đó là những nỗi thất vọng, chán chường về mô hình đức trị. Hoàng đế giai đoạn này vẫn là nhân vật trung tâm của nền chính trị dù không được trực tiếp đề cập đến văn học thường xuyên như trước. Hình ảnh người đứng đầu thể chế quân chủ được khắc họa gián tiếp qua việc miêu tả, phản ánh về sự suy đồi của xã hội trên nhiều bình diện. Niềm tin vào xã hội không tưởng đã rạn nứt, mô hình xã hội hoàng đế theo mẫu hình Nghiêu Thuấn đã bị hoài nghi. Những sáng tác phơi bày thực trạng đen tối, rối loạn của xã hội ngày càng gia tăng về số lượng và biến đổi trong chừng mực nhất định về hình thức thể hiện. Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh kí sự đã tố cáo sự thối nát của chế độ quân chủ. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc đã phơi bày thực trạng xã hội đương thời và bày tỏ những khát vọng giải phóng tình cảm cá nhân...

Khi kẻ sĩ chán ghét thực trạng, không tìm được hướng đi, họ chọn cuộc sống ẩn dật để lánh đời. Những ẩn sĩ này không còn niềm tin vào ngòi bút của họ có thể giúp đời tạo dựng được những vị hoàng đế chân chính như tư tưởng Nho giáo đã dày công tô vẽ. Từ đó họ tìm đến một xã hội không tưởng khác đời thực. Đó là một xã hội của trí tưởng tượng với những giá trị tốt đẹp hơn cõi nhân gian.

Nhân vật trung tâm của giai đoạn này không phải là những nhà chính trị hay những bậc nho sĩ xem thơ ca là phương tiện để di dưỡng tính tình mà là những con người có số phận bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, qua những tác phẩm tố cáo xã hội, vạch trần tệ nạn vơ vét, bóc lột của triều đình… các tác giả đã gián tiếp bàn về nhân vật hoàng đế.

Tiểu kết chương 2

Hoàng đế được xem là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học trung đại Việt Nam. Nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV được hình thành trên nhiều cơ sở. Nó xuất phát từ bối cảnh lịch sử xã hội và yêu cầu thời đại của một đất nước tự chủ sau ngàn năm Bắc thuộc. Đất nước bước sang trang sử mới, trước yêu cầu của thời đại tự chủ và của một dân tộc đang dâng cao lòng tự hào, việc tập trung hướng đến vương triều, hoàng đế là một thực tế tự nhiên. Văn chương đảm nhiệm vai trò chính trị, nhất là tập trung thể hiện đường lối trị nước của hoàng đế. Các thiền sư, nho sĩ dùng văn chương để lập thân, kiến quốc. Họ có niềm tin văn chương sẽ xây dựng được thế giới của các học thuyết chính trị đạo đức. Các sáng tác của họ chứa đựng những cái đẹp về lý tưởng đạo đức với mô hình đức trị của hoàng đế. Tư tưởng đức trị đã từng bước phát triển và đạt đến đỉnh cao với tư tưởng nhân nghĩa dưới vương triều Lê sơ. Sau vương triều Lê sơ, Đại Việt bước vào thời kì khủng hoảng và suy vong kéo dài nhiều thế kỉ. Chế độ quân chủ đã không còn duy trì đường lối đức trị, thân dân mà ngày càng bộc lộ rõ tính chuyên chế, tha hóa. Đất nước chia cắt, nội chiến liên tiếp giữa Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn, khởi nghĩa nông dân diễn ra liên tục đã phản ánh sự suy tàn của nền đức trị không lấy dân làm gốc… Chính vì thế giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV được xem là giai đoạn tiêu biểu cho chế đô quân chủ và mẫu hình nhân vật hoàng đế lí tưởng.

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT HOÀNG ĐẾ

TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM TỪ THẾ KỈX ĐẾN THẾ KỈ XV 3.1. Nhân vật hoàng đế với tư cách là cái tôi tự biểu hiện

3.1.1. Nhân vật hoàng đế - thiên t trong ý thc chính tr

3.1.1.1. Ý thức tu dưỡng đạo đức Nho giáo

Theo thế giới quan của Nho giáo, đạo làm người bộc lộ rõ nét nhất trong lĩnh vực đạo đức. Theo đó, đạo đức Nho giáo hướng đến giá trị thực tiễn, giúp con người có thể đạt đến mức hoàn thiện, hữu dụng trong đời sống xã hội. Người quân tử phải đạt đến phẩm chất kẻ sĩ với các phạm trù: nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng, trung, chính, trực, cung, khoan… Nếu như Phật tính là cảnh giới cao nhất mà người tu hành muốn đạt đến thì thánh nhân, quân tử là mục tiêu cao nhất của người “tu tập” theo quan điểm Nho gia. Nho gia hướng đến hình tượng hoàng đế là thánh nhân nhập thế, hành đạo, lo cho đời, cho dân, tham gia vào công cuộc kiến thiết xã hội theo mô hình Nghiêu, Thuấn. Các hoàng đế thường nhắc đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang để bày tỏ lí tưởng chính trị. Bởi vì đây là những đế vương mẫu mực về tài năng, đức độ: “Đạo đức vua Thang lớn lao chừ,/ Văn hiến vua Nghiêu tỏ rạng!” (Lam Sơn Lương thuỷ phú – Lê Thánh Tông) [127; 168].

Trần Ngọc Vương nhận định: “Mỗi triều đại lên ngôi về sau đều nhất thiết phải công bố “đại nghĩa, đại công, đại đức” của triều đại mình” [215; 53]. Các đế vương không ngừng đề cao chữ đức trong sáng tác một mặt tự nhắc nhở việc rèn luyện, đồng thời khẳng định đức của bản thân; mặt khác, các hoàng đế còn xem đây là công cụ giám quản bách thần, đề cao đạo đức để giáo hoá sự phục tùng của mọi đối tượng trong xã hội. Đế vương thực hành chính trị bằng đạo đức, đức của bản thân và đức của dân chúng. Luật pháp được sử dụng chủ yếu nhằm duy trì trật tự đạo đức xã hội. Trong đó, tư tưởng đức trị có mối quan hệ chặt chẽ với tư tưởng dân bản – lấy dân làm gốc. Tư tưởng đức trị tiếp tục được các hoàng đế Nho giáo thời Lê sơ vận dụng. Nó kế thừa tư tưởng đạo đức trong lịch sử dân tộc và đạo đức Phật giáo thời Lý – Trần. Nội dung của tư tưởng đức trị tiếp tục được các hoàng đế Lê sơ thi hành: tu thân, sửa đức, làm gương giáo hoá và quan tâm đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên nó có sự phát triển hơn so với thời Lý – Trần ở chỗ vị trí của nhân dân đã

được nâng lên tầm cao mới. Đó là sự phát triển từ tư tưởng thân dân đến tư tưởng trọng dân.

Xét về góc độ nội thánh, Nho giáo đặt ra chuẩn mực của hoàng đế phải là người mẫu mực về đạo đức. Đặc biệt dưới triều Lê sơ, khi Nho giáo có địa vị như quốc giáo thì chữ đức càng được xem trọng. Các hoàng đế triều Lê sơ thường xuyên tự nhắc nhở mình rèn đức. Hoàng đế Lê Thái Tông tự trách mình trước đại hạn, mất mùa: “Từ mấy năm nay, đại hạn và sâu lúa tiếp nhau, tai dị xảy luôn, khoảng tháng 4, 5 năm nay mấy lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái Miếu ở Lam Kinh. Xét ra làm nên tai biến, tất có duyên do. Hoặc là trẫm không sửa đức mà mọi việc trễ biếng chăng?... Hoặc là thuế khoá nặng nề mà dân chúng túng thiếu chăng?” [97; 574]. Tháng 8 năm 1491 mưa không ngớt, tường điện Kính Thiên bị đổ, hoàng đế Lê Thánh Tông đã hối lỗi: “Vì chính trị thiếu sót, nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến trời mà đến thế chăng?” [97; 716]. Sau những phát ngôn hối lỗi, các hoàng đế sẽ tiến hành đại xá, giảm thu thuế, thải bớt cung nữ để sửa đức mà cảm động được lòng trời.

Theo quan điểm Nho giáo, tai ương, dị thường là sự cảnh báo, khiển trách của trời trước lỗi lầm của người cai trị. Trong Xuân thu phồn lộ, Đổng Trọng Thư bàn về tai hoạ: “Thiên tử bất năng phụng thiên chi mệnh, tắc phế nhi xưng công” (Thiên tử không thể phụng mệnh trời thì trời tất phế bỏ mà để cho mọi người chọn lựa). Nhận thức rõ được quan điểm trên, các hoàng đế luôn ứng xử khéo léo, thi hành nhân đức để xoa dịu lòng trời. Như vậy, việc thi hành những chính sách có lợi cho dân một mặt xuất phát từ tư tưởng đức trị của các hoàng đế, mặt khác nó không nằm ngoài việc xuất phát từ lợi ích bản thân các hoàng đế muốn củng cố địa vị của mình. Khi liên tiếp gặp tai ương bất thường, hoàng đế phải gõ cửa Thượng đế để mong xá tội: “Thần dám gõ cửa Thượng đế để giãi bày lòng thương dân, để tâu lên tình kính sợ. Cúi xin Thượng đế xá lỗi tha tội, đổi tai biến làm điềm lành, ban cho mưa to nước ngọt, thấu khắp mọi nơi” [97; 677]. Và sử gia cũng không quên ghi chép lại các motip ly kì khi hoàng đế lập đàn cầu mưa thì “tờ chiếu ban xuống đêm hôm ấy có mưa” [97; 595].

Tu thân, sửa đức là một trong những phẩm chất, nhiệm vụ quan trọng của một hoàng đế: “Trước hết phải làm sáng đức của mình, rồi sau mới thân yêu với người thân thích, sau nữa mới đến việc trị nước và làm cho thiên hạ bình yên” [45; 72]. Mặc dù quyền lực vô hạn nhưng Lê Thánh Tông vẫn muốn lắng nghe những góp ý thẳng thắn từ quan lại để sửa mình: “Hạ lệnh cho hữu ty cùng bọn quân nhân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể hồi được lòng trời, hết được tai biến, cứ việc nói thẳng chớ nên ẩn giấu, để giúp chỗ thiếu sót của trẫm” [97; 580]. Đoàn Thị Thu Vân đã nhận xét về con người nhân văn trong văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV: “Những đặc điểm nổi bật của giai đoạn sơ kì trung đại không chỉ ở đường lối chính trị thân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân và những thành tựu rực rỡ có được từ đó, mà còn ở tinh thần rộng mở đặt biệt khó gặp lại ở đời sau. Chưa có một sự phân chia đẳng cấp khắc nghiệt giữa vua quan, quý tộc và trăm họ” [197; 12- 13]. Tinh thần đức trị, thân dân của các hoàng đế thể hiện bằng rất nhiều phát ngôn và hành động. Khi thời tiết vào đông, vua Lý Thánh Tông xót thương cho người tù tội: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân… vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm” [97; 194]. Lý Thái Tông có tinh thần nhân đạo và tình yêu thương sâu sắc dành cho con dân: “Ta yêu con ta, cùng như lòng ta làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ năm về sau, không cứ tội gì nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” [97; 1196]. Khi lên ngôi, các hoàng đế hường tiến hành đại xá thiên hạ nhằm thể hiện đức, thuật trong việc trị quốc, phục nhân.

Chỉ trong bài thơ Quân đạo thi, Lê Thánh Tông đã khái quát được những đạo lí mà một hoàng đế theo quan điểm Nho gia phải thực hiện: “Đế vương đại đạo cực tinh nghiên,/ Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên/ Chế trị, bảo bang, tư kế

thuật,/ Thanh tâm, quả dục, tuyệt du điền./ Bằng cầu tuấn nghĩa phu văn đức,/ Khắc cật binh nhung trọng tướng quyền./ Ngọc chúc động tri hàn noãn tự./ Hoa, di, diệc lạc thái bình niên.” (Cố gắng nghiên cứu kỹ đạo lớn bậc đế vương,/ Dưới thì chăm lo cho muôn dân, trên thì kính trời./ Phép dựng nước và giữ nước phải theo chí người xưa./ Lòng thì trong sạch, dục thì phải giảm bớt, bỏ hẳn thú săn bắn/ Rộng

tìm kẻ hiền tài để truyền bá văn minh, đạo đức./ Lo việc võ bị, biết trọng quyền người làm tướng./ Đuốc ngọc phải soi sáng khắp nơi, thấu rõ nỗi ấm lạnh dân tình./ Khiến cho miền xuôi, miền ngược cả nước cùng chung hưởng thái bình.) (Quân đạo thi – Lê Thánh Tông) [127; 515].

Đạo người làm vua theo Lê Thánh Tông là phải có đức để giáo dân và có tài để trị quốc. Theo ông, phận sự của bậc thiên tử là phải thấm nhuần đại đạo của bậc đế vương. Trọng nhiệm đầu tiên của mỗi hoàng đế là phải thực thi nền đức trị “kính thiên, ái dân”. Hoàng đế chịu mệnh trời thống quản thiên hạ, phải biết trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân để “dĩ đức động thiên” được trời giáng phúc. Một hoàng đế mẫu mực trong con đường “kinh bang tế thế” phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biết tuyển chọn người tài giúp nước, thấu hiểu được dân chúng. Muốn đất nước từ miền ngược đến miền xuôi chung hưởng thái bình thì hoàng đế phải giữ lòng thanh tịnh, hạn chế dục vọng, thi hành nhân nghĩa. Lê Thánh Tông hiểu rõ lẽ chí tâm chí thành là đạo nhân mà người đứng đầu triều đình phải không ngừng tu dưỡng: “Lòng vì thiên hạ những sơ âu,/ Thay việc trời, dám trễ đâu./ Trống dời canh còn đọc sách,/ Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu./ Nhân khi cơ biến xem người biết,/ Chứ thuở kinh quyền xét lẽ mầu./ Mựa giễu áo vàng chăng có việc./ Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu.” (Tự

thuật – Lê Thánh Tông) [127; 59].

Là bậc thiên tử nắm quyền lực tối thượng nhưng qua bức chân dung tự hoạ bằng thơ, Lê Thánh Tông đã cho thấy những nhọc nhằn nơi điện các. Để giáo hoá dân, hoàng đế trước hết phải là tấm gương sáng về rèn đức, trau mình. Lê Thánh Tông ý thức được mình đang “thay trời” chăm dân nên phải “tiên ưu hậu lạc” – lo trước cái lo, vui sau niềm vui của thiên hạ. Qua các bài thơ Vịnh trống năm canh, có thể thấy vị hoàng đế thứ tư của triều Lê đã bộc lộ niềm vui, sự tự hào khi nhận thấy cuộc sống thanh bình, no ấm của nhân dân dưới sự trị vì của ông. Từ không gian canh một với những âm thanh của cuộc sống bình dị qua “khua mõ cá”, “nện chày kình” qua canh hai khi “người êm giấc”, “cửa chặt cài” đến canh năm khi “trời đã sáng” với những âm thanh cuộc sống qua “tiếng hàn châm” đã cho thấy Lê Thánh Tông đã thao thức năm canh bởi những việc “sự nhiệm” của triều đình. Trong không gian vắng lặng, mênh mông, ông lắng nghe những nhịp đập và âm thanh của

cuộc sống bình dị. Qua các sáng tác của mình, Lê Thánh Tông thể hiện tấm gương đạo đức sáng ngời của một vị minh quân.

Theo quan điểm Nho giáo, người quân tử làm tốt việc tề gia: có hiếu với cha

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 50)