Sự khác nhau giữa “Đế” và “Vương”

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 32 - 34)

6. Cấu trúc của luận án

2.1.2. Sự khác nhau giữa “Đế” và “Vương”

Kinh Thi có câu: “Phổ thiên chi hạ/ Mạc phi vương thổ/ Suất thổ chi tân/ Mạc phi vương thần” (Khắp cõi dưới trời/ Chẳng có chỗ nào là không phải lãnh

thổ của vua/ Noi theo những vùng đất ven bờ/ Dân chúng khắp nơi, chẳng ai là không phải bề tôi vua) [193; 404]. “Đế” hay “Vương” đều là khái niệm chỉ người đứng đầu nhà nước quân chủ, là người nắm quyền cai quản thiên hạ. Tuy nhiên Đế và Vương lại không hề đồng nhất về nội hàm khái niệm. Trần Ngọc Vương cho rằng: “Trong thực tế thì từ đế tới vương là một quá trình phát triển về danh hiệu, về quy mô lãnh cách hình dung thiết chế… về sau, trong tâm lý nhận thức và rồi đến thực tiễn chính trị, đế được coi là cao hơn, quan trọng hơn, toàn năng hơn” [214; 49].

Theo Từ điển Hán Việt, chữ “vương” có nghĩa là vua, “được thiên hạ quy phục” [1; 782]. Trong tiếng Anh, danh từ King chỉ “vua” hay “quốc vương”; với “hoàng đế”, người Anh dùng chữ Emperor. Tương tự, theo tiếng Pháp: Le Roy

dành cho vua; hoàng đế là L’ Empereur… Quốc vương chính là ông vua đứng đầu một vương quốc hay thuộc quốc (quốc gia phụ thuộc), còn hoàng đế mang “tầm cỡ” ông vua của một quốc gia hùng mạnh (đế quốc/ đế chế). Như vậy, mặc dù cùng đứng đầu một thể chế, nhưng “vương” không thể có một “tư thế” ngang hàng với “đế” khi xét về nấc thang quyền lực.

Từ điển chức quan Việt Nam đã có sự phân biệt rất cụ thể giữa “Đế” và “Vương”. Đế là khái niệm chỉ người lãnh đạo quốc gia. Nó có nguồn gốc rất lâu đời từ xưng hiệu của các thủ lĩnh liên minh hoặc các tù trưởng bộ lạc trong truyền thuyết cổ Trung Quốc: Ngũ Đế, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn… “Vua, sách Tả truyện, Hi Công nhị niên có câu: Kim chi vương, cổ chi đế dã. Vua ngày nay là đế ngày xưa vậy. Những người xưng bá chủ thời Chiến quốc gọi là đế” [137; 196]. Khởi đầu xưng hiệu dành cho các nhà lãnh đạo phương Nam không phải là đế mà là vương. Từ thời Văn Lang cho đến Âu lạc các nhà lãnh đạo quốc gia đều xưng vương: Hùng Vương, An Dương Vương. Đỗ Văn Ninh đã chỉ ra rõ sự khác biệt giữa đế và vương ở nấc thang quyền lực: “Khi người cai trị cao nhất quốc gia xưng đế thì Vương là một tước phong cho con” [137; 829]. Các hoàng đế không chỉ phong vương cho con mà cũng tước phong cho những người trong tôn thất có công lao lớn. Chung quy, Đỗ Văn Ninh cho rằng quốc gia có thể tồn tại nhiều vương, nhưng đế là duy nhất.

Từ thời nhà Tần, theo quan niệm của các hoàng đế Trung Hoa, chỉ có đất nước Trung Hoa là mẫu quốc còn lại là mọi rợ. Chính vì quan niệm ấy, các hoàng đế Trung Hoa tự đặt mình ở vị trí là “thiên tử” mẫu quốc và xem người đứng đầu các nước khác là phiên vương. Họ sẵn sàng đem quân chinh phạt nếu các thuộc quốc không tuân phục thiên tử mẫu quốc. Bằng đường lối ngoại giao mềm dẻo, các hoàng đế Việt Nam xưng vương trước vương triều phương Bắc và thực hiện các chính sách sắc phong triều cống. Tuy nhiên ý thức dân tộc, tinh thần tự cường đã xuất hiện từ rất sớm ở nước ta. Thế kỉ thứ VI, Lý Bôn đã lập nhà nước Vạn Xuân và xưng Nam đế. Tổng tập văn học Việt Nam tập I có viết: “Từ Đinh Bộ Lĩnh trở đi, nhà vua xưng là hoàng đế, với hàm ý là sánh ngang hoàng đế Trung Quốc. Bắc đế và Nam đế, mỗi đằng làm đế một phương, chẳng có thiên triều, chẳng có thuộc quốc” [164; 18]. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã một lần nữa khẳng định độc lập dân tộc và niềm tự hào các hoàng đế Đại Việt sánh ngang cùng các hoàng đế Trung Hoa: “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương” (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây, dựng, kiến thiết nước ta / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên (mỗi bên) xưng đế một phương).

Mặc dù Trung Hoa chỉ xem người đứng đầu Đại Việt là phiên vương nhưng trong tâm thức người Việt luôn có tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn. Dân tộc ta luôn có ý thức khẳng định vị thế của mình sánh ngang cùng Trung Hoa hùng mạnh. Có thể thấy đế và vương mặc dù đều là khái niệm để gọi tên người đứng đầu nhà nước theo chế độ quân chủ. Tuy nhiên, nội hàm của hai khái niệm đã cho thấy thang độ quyền lực khác nhau của hai tên gọi.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)