Tiền đề lịch sử, xã hội

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 38)

6. Cấu trúc của luận án

2.2.1. Tiền đề lịch sử, xã hội

Trong giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, Việt Nam đang từng bước thiết lập và ổn định xã hội theo chế độ quân chủ chuyên chế. Dựa vào bối cảnh lịch sử, văn hóa xã hội Việt Nam có thể chia giai đoạn này thành ba cột mốc quan trọng: Đất nước mới giành được độc lập, xây dựng quốc gia quân chủ và phục hưng nền văn hóa dưới hai triều đại Lý – Trần, đấu tranh chống quân Minh xâm lược và xây dựng Nhà nước quân chủ đạt cực thịnh ở triều đại Lê sơ. Thực tiễn xây dựng chế độ đòi hỏi phải cấp thiết xác lập nền văn hóa chính trị tương ứng. Theo đó, lựa chọn mẫu hình hoàng đế được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi trong xã hội chuyên chế, hoàng đế là người đứng đầu triều đại, mọi suy nghĩ, hành động của hoàng đế có vai trò quyết định đến thực tế vận hành xã hội.

Ở giai đoạn đầu mới giành được độc lập: Từ thế kỉ X, người Việt giành được độc lập sau một ngàn năm Bắc thuộc. Đất nước độc lập đã mở ra trang sử mới cho dân tộc. Vấn đề đặt ra lúc này là phải cấp thiết xây dựng chính quyền tự trị của người Việt Nam. Mô hình chế độ quân chủ chuyên chế được xem là lựa chọn tất yếu trong bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt đương thời. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu sau khi độc lập, bộ máy chính quyền nước ta chỉ mới được hình thành và dần từng bước đi vào ổn định qua các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê. Sau

chiến thắng của Ngô Quyền, chế độ quân chủ Việt Nam từng bước đẩy lùi thù trong, giặc ngoài. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 981 Lê Hoàn lãnh đạo quân dân đánh tan quân Tống xâm lược. Từ đó đất nước bước vào công cuộc ổn định và ngày càng lớn mạnh dưới các triều đại Lý – Trần. Từ một nhà nước cơ bản dựa vào bộ máy quân sự nước ta đã chuyển dần sang bộ máy nửa quân sự – nửa quan lại. Trong bối cảnh văn hoá chính trị mới được hình thành thì mẫu hình hoàng đế giai đoạn này chưa đưa đến những nét đặc trưng riêng. Phải đến thời Lý – Trần, mẫu hình nhân vật hoàng đế mới mang những đặc điểm riêng tương ứng với sự phát triển của nền văn hoá chính trị Đại Việt.

Giai đoạn xây dựng quốc gia quân chủ và phục hưng nền văn hóa dưới hai triều đại Lý – Trần: Từ thời Lý, công cuộc xây dựng nền văn hoá chính trị được chú trọng hơn. Đất nước về cơ bản không còn nặng nề tính quân sự mà hình thành một chế độ quân chủ đứng đầu là hoàng đế. Năm 1010 Lý Công Uẩn quyết định dời kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La. Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt. Hai sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Nó khẳng định những bước tiến vượt bậc của Đại Việt trong công cuộc xây dựng nền văn hóa chính trị, ý thức tự chủ và niềm tin vào tương lai đất nước.

Dưới các triều đại Lý – Trần, lịch sử dân tộc chứng kiến một giai đoạn huy hoàng sau Bắc thuộc. Đất nước bước vào công cuộc phục hưng nền văn hóa. Nho – Phật – Đạo cùng tồn tại trong đời sống xã hội. Tính đến thời Lý, Phật giáo chiếm vị thế chủ đạo và chi phối mạnh mẽ nền văn hóa, chính trị Đại Việt. Tăng lữ và hoàng tộc có mối quan hệ chặt chẽ, cùng với đó là mối quan hệ mật thiết giữa thần quyền và vương quyền. Tuy nhiên, Nho giáo ngày càng bộc lộ được khả năng là công cụ vững chắc để chế độ quân chủ bảo vệ vương quyền. Vì thế, từ cuối triều Lý nước ta đã quan tâm đến việc phát triển giáo dục và khoa cử tuyển chọn nhân tài phục vụ cho triều đình theo mô hình nhà nước Nho giáo. Năm 1070, Lý Thánh Tông lập Văn Miếu. Năm 1075 Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học đầu tiên. Đến thời Trần, Nho học tiếp tục phát triển và tạo ra lực lượng trí thức đông đảo, từng bước đẩy lùi sự chi phối vốn rất mạnh mẽ của Phật giáo. Từ cuối đời Trần, Nho giáo với tư tưởng đức trị đã đạt được một nền tảng vững chắc để có địa vị như quốc giáo.

Kinh tế và văn hóa có sự phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Việc lần lượt đánh tan các thế lực xâm lược hùng mạnh đã cổ vũ và phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên khí thế hào hùng của một dân tộc đang vươn lên một cách mạnh mẽ, mà trung tâm là “hào khí Đông A”. Trong bối cảnh xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, các hoàng đế Lý – Trần đã tích cực hoằng dương Phật pháp để giáo huấn và điều hành xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu quốc gia, chịu trách nhiệm chăn dân, giáo dân, nên tất yếu các hoàng đế không hoàn toàn xuất thế mà tích cực nhập thế. Nho giáo đã ngày càng thể hiện được là nền tảng tư tưởng trong đường lối trị nước của các hoàng đế. Trên cơ sở trọng dân của Nho giáo, các hoàng đế Lý – Trần đã nhận thức được tầm quan trọng của dân và thực hiện nhiều chính sách thương dân như con và khoan thư sức dân.

Giai đoạn đấu tranh chống quân Minh xâm lược và xây dựng Nhà nước quân chủđạt cực thịnh dưới vương triều Lê sơ: Sau hơn bốn thế kỉ sống trong nền chính trị tự chủ, nước ta một lần nữa rơi vào tay quân xâm lược ở đầu thế kỉ XV. Cuộc xâm lược và cai trị tàn bạo của nhà Minh gây biết bao cảnh tang thương cho Đại Việt. Để thực hiện chính sách đồng hóa, ngu dân, giặc Minh thi hành chính sách đốt sạch, phá sạch nhằm tận diệt nền văn hóa Đại Việt. Hai mươi năm ấy đã chứng kiến một dân tộc Đại Việt ngoan cường không ngừng đấu tranh để giữ gìn nền độc lập dân tộc.

Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn và giành thắng lợi, khôi phục đất nước vào năm 1428. Trang sử mới được lập, đất nước được hồi sinh. Sau khi lên ngôi Lê Lợi tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước theo mô hình có từ thời Trần. Nho giáo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc củng cố quyền lực thống trị. Cơ cấu xã hội có nhiều thay đổi, tầng lớp quý tộc không còn giữ địa vị như trước. Thành phần xã hội thời Lê sơ gồm quan và tứ dân: sĩ, nông, công, binh. Các vua Lê trong quá trình điều hành Nhà nước luôn thực hiện chính sách quốc dĩ dân vi bản, quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân. Nhờ đó, triều đình luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân, đất nước không phải đối mặt với các cuộc nội chiến, bạo loạn.

Nhà nước Đại Việt đạt được đến đỉnh cao của sự phát triển trong giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông. Nếu thời Lý – Trần quyền lực được phân tán cho các vương hầu thì đến các hoàng đế thời Lê sơ quyền lực đã được tập trung vào tay người đứng đầu nhà nước. Các triều đại thời Lê sơ đã từng bước tiến tới hoàn

chỉnh chế độ quân chủ tập quyền về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội... Đến thời Lê Thánh Tông, nước ta đang dần tiến đến hoàn thiện cơ chế quản lí Nhà nước qua các quy chế và luật pháp. Đời sống xã hội được nâng lên rõ rệt, cảm thụ và sáng tác văn học, nghệ thuật được quan tâm sâu sát với sự thành lập các ban Đồng văn, Nhã nhạc.

2.2.2. Tiền đề văn hoá, chính trị

Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, các triều đại quân chủ nước ta đã từng bước đi vào ổn định. Lịch sử giai đoạn này chứng kiến những cuộc đổi họ lớn. Để bảo vệ ngai vàng, các hoàng đế đã thẳng tay thanh trừng các thế lực có khả năng đe doạ ngôi vị thiên tử. Sau khi lật đổ nhà Lý, để củng cố ngai vàng cho nhà Trần, Trần Thủ Độ đã tìm mọi cách để tiêu diệt con cháu nhà Lý và buộc phải đổi thành họ Nguyễn. Lê Thánh Tông sau khi lên ngôi cũng đã ra lệnh cho dân chúng khắp cả nước đổi họ Trần thành họ Trình. Có thể thấy đây là đặc trưng của nền quân chủ chuyên chế do hoàng đế là người đứng đầu đại diện bảo vệ cho lợi ích cho dòng họ.

Xã hội Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XV tìm thấy sự tương đồng giữa truyền thống, phong tục, tư tưởng tình cảm của con người Việt Nam với tư tưởng thân dân trong Nho giáo. Mặc dù đều có tinh thần dân tộc cao, kiên quyết chống lại sự bành trướng của chính quyền phương Bắc, nhưng các triều đại nước ta vẫn tìm thấy được trong văn hoá chính trị Trung Hoa nhưng diễn ngôn phù hợp để bảo vệ vương triều. Tiếp thu nền văn hoá chính trị phương Bắc, các Hoàng đế Đại Việt không ngừng diễn ngôn về thiên tử – thiên hạ – thiên mệnh.

Phật giáo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hoá chính trị - xã hội Đại Việt, nhất là ở thời Lý. Mặc dù trước đó, nhân dân Đại Việt đã tôn sùng đạo Phật nhưng từ thời Lý địa vị của Phật giáo đã được đề cao bởi hoàng đế, quý tộc, tăng lữ đều hướng về con đường Phật giáo. Niềm tin vào Phật giáo đã thấm sâu vào nhận thức của triều đình nên các hoàng đế thời Lý có tình thần bao dung, độ lượng và quan tâm đến đời sống nhân dân lao động. Các hoàng đế là thiền sư, thi sĩ hướng thơ ca đến những nội dung của Phật giáo, niềm vui của người dân lao động trong cuộc sống làng quê… Ở thời Lý hiếm khi gặp những vần thơ bày tỏ niềm thương cảm với nỗi đau khổ của người dân. Điều này một phần có thể do phần lớn lực lượng sáng tác đều tham chính, nên khi tham gia sáng tác cần có sự cân nhắc tế nhị

để bảo toàn sinh mệnh với minh triết bảo thân. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thời Lý, dưới nền chính trị Phật giáo, xã hội Đại Việt được cai trị bởi những hoàng đế nhân đức, thiện lành, thương dân. Đến thời Trần, Phật giáo tiếp tục được tôn sùng và được dân tộc hoá bằng sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo là tư tưởng chủ đạo của giai đoạn Lý – Trần bởi tinh thần nhập thế tuỳ duyên. Phật giáo Đại Việt có sự dung hoà giữa Nho – Phật – Đạo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Nó không mang tinh thần yểm thế, xuất thế như Phật giáo Ấn Độ hoặc tinh thần bay bổng của Phật giáo Trung Quốc mà mang tinh thần nhập thế của thời đại. Tuy nhiên, Phật giáo không thể áp dụng trong việc điều hành chính trị mà chỉ hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội bằng con đường giác ngộ lối sống tích cực, từ bi, hỉ xả.

Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc nhưng gặp sự phản kháng quyết liệt của người Việt. Tuy nhiên, từ thế kỉ X, khi đất nước bước vào công cuộc kiến thiết, bộ máy cai trị được hình thành thì Nho giáo đã từng bước xâm nhập và chi phối đời sống chính trị Đại Việt. Dưới các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nho giáo chưa thực sự ảnh hưởng nhiều đến nước ta. Đến thời Lý – Trần, Nho – Phật – Đạo đã cùng tồn tại và thể hiện được vai trò riêng của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo và Đạo giáo không thể đảm đương vai trò tổ chức và duy trì bộ máy nhà nước theo thể chế quân chủ chuyên chế. Thêm nữa, cuối đời Trần, khi Phật giáo được đề cao quá mức, nhà chùa giữ nhiều ruộng đất đã khiến một bộ phận nhân dân hướng về Phật giáo, nhân danh nhà sư để hưởng thụ. Từ đó Phật giáo dần bị “ruồng rẫy”, mất dần vị thế trong đời sống xã hội và nhường chỗ cho Nho giáo. Nho giáo với tư tưởng thiên mệnh, thuyết tam cương – ngũ thường, đường lối đức trị… đã đáp ứng được thực tiễn yêu cầu quản lí xã hội của nhà nước quân chủ. Chính vì thế, từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, Nho giáo đã từng bước lớn mạnh và có địa vị như quốc giáo của Đại Việt.

Sự chuyển biến của hệ tư tưởng kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội Đại Việt. Trong bối cảnh xã hội Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chủ đạo, người đứng đầu chế độ quân chủ là hoàng đế cũng phải có nhiều thay đổi phù hợp với thời đại. Theo quan điểm Nho giáo, hoàng đế phải có nhân cách lí tưởng “nội thánh, ngoại vương”, tức là phải đạt đến phẩm chất của một thánh nhân. Tư

tưởng Nho giáo yêu cầu phẩm chất của một thánh nhân là phải “minh minh đức – tân dân – chỉ ư chí thiện” (làm sáng tỏ đức sáng – làm đời sống dân chúng không ngừng đổi mới – khiến cho người ta ở vào chí thiện). Trên cơ sở kế tục tinh thần xuất thế, nhập thế của hoàng đế triều Lý – Trần, các hoàng đế Nho giáo thời Lê sơ phấn đấu đạt đến cảnh giới của một thánh nhân dung hoà giữa xuất thế và nhập thế. “Nội thánh, ngoại vương” – tu kỷ, trị nhân tức bên trong là một thánh nhân, bên ngoài là một hoàng đế. Nội thánh là ám chỉ sự tu dưỡng đạo đức và nhân cách bên trong. Ngoại vương ám chỉ cho vai trò chính trị, điều hành xã hội. “Nội thánh” với “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân” được xem là gốc, là tiền đề tiên quyết cho “ngoại vương”. Đây là những quy chuẩn cụ thể cho khái niệm “vô vi nhi thiên hạ trị” của Nho giáo.

Dưới sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, mẫu hình hoàng đế đã đặt ra chuẩn mực “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” trong bát mục “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đây là những nội dung trong sách Đại học

nguyên là một chương trong Lễ ký được thành sách ước trong thời Chiến Quốc đến thời Tần Hán. Nó được xem là một trong những kinh sách cốt lõi của Nho gia.

Cách vật là luôn tìm hiểu, xem xét thấu đáo để đi đến nhận thức đúng đắn, thực chất sự việc. Cách vật hướng con người đặt mục đích cần đạt tới chính là tâm. Khi phát huy được cùng cực của tâm sẽ hoà hợp được với trời. Trí tri là luôn ngẫm nghĩ và thấu hiểu được những gì mình đã nhận thức. Thành ý hướng con người đến những suy nghĩ và hành động một cách chân thật, không lừa dối. Chính tâm là luôn suy nghĩ và hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ được chính bản thân mình.

Tu thân là không ngừng tôi luyện để hoàn thiện bản thân, đặt ra những lí tưởng sống cao đẹp hướng đến các chuẩn mực Nho giáo, biết sửa chữa những thiếu sót, sai lầm. Tề gia là xây dựng được gia đình có lối sống tốt đẹp, chỉnh tề, có nề nếp gia phong như những chuẩn mực của Nho giáo về đạo cha con, vợ chồng… Trị quốc là lo toan được việc nước, điều hành xã hội theo một trật tự kỷ cương. Bình thiên hạ là khả năng quy phục được lòng người, xây dựng cho thiên hạ nền thái bình thịnh trị.

Theo đó, muốn đảm đương nghiệp lớn thì đòi hỏi trước tiên phải là người quân tử đáp ứng được các chuẩn mực của Nho gia. Muốn bình được thiên hạ phải có tài trị

nước. Muốn trị nước cho tốt thì trước hết phải thực hiện được việc tề gia. Và giá trị cốt lõi vẫn là tự mình tu thân, trau đức, tâm tư ngay thẳng, nhận thức đúng đắn những vấn đề trong thực tiễn đời sống. Muốn người khác quân tử trước tiên mình phải sống ngay thẳng. Muốn người khác không làm điều ác thì mình phải thi hành điều thiện.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)