Văn chính luận

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 127 - 133)

6. Cấu trúc của luận án

4.1.3. Văn chính luận

Trong thời kì đầu của nền văn học viết, các sáng tác văn – sử – triết chưa có sư phân biệt rạch ròi. Chúng có nhiệm vụ chung là chống giặc ngoại xâm và xây dựng nhà nước quân chủ vững mạnh. Trần Đình Sử dùng khái niệm văn một cách ước định: “chỉ tất cả các thể văn không phải thơ, phú, truyện với hai đặc điểm chính: thực hiện chức năng ngoài văn học và nội dung không chứa đựng yếu tố hư cấu” [156; 237].

Trong các thể loại của văn thì văn chính luận có khả năng thể hiện nhiều nhất nhân vật hoàng đế. Trong suốt hành trình của nền văn học dân tộc, văn chính luận luôn hiện diện và thể hiện được vai trò, sức sống mãnh liệt. Từ khởi nguyên của nền văn học viết dân tộc, văn chính luận đã được tiếp thu từ Trung Quốc và từng bước tiếp biến, phát triển để khẳng định được vị thế của mình. Lịch sử dân tộc đã cho thấy nước ta luôn phải đối đầu với những thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Văn chính luận với chức năng tranh đấu đã trở thành công cụ hữu hiệu để tập hợp các tầng lớp đoàn kết đánh giặc. Đất nước lần lượt đánh tan các thế lực xâm lược hùng mạnh, nhiều anh hùng trở thành biểu tượng bất khuất trong lòng người, đất nước chuyển mình trong công cuộc kiến thiết... trở thành những đề tài phong phú cho văn chương nói chung và văn chính luận nói riêng. Văn học trung đại đã ghi nhận những áng văn chính luận bất hủ với thời gian: Chiếu dời đô - Lý Thái Tổ, các bài chiếu Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi…

Văn chính luận Việt Nam xuất hiện dưới nhiều thể loại. Trong văn học trung đại là các thể loại: Hịch, cáo, chiếu, biểu, tấu, bi, thư tịch... Trong văn học hiện đại là các loại hình: lời kêu gọi, các báo cáo chính trị, xã luận, bình luận báo chí, phát thanh, truyền hình, diễn thuyết... Thế kỉ X đến thế kỉ XV được xem là giai đoạn hoàng kim của văn chính luận trung đại bởi cảm hứng thế sự, bối cảnh xã hội chính

là nguồn đề tài phong phú cho thể loại này. Các chiến công vang dội trước quân xâm lược hùng mạnh là cơ sở quý giá để các tác phẩm văn chính luận được khai sinh, tồn tại, phát triển. Thời kì này ghi nhận số lượng lớn các tác giả, tác phẩm văn chính luận tiêu biểu được đánh giá cao. Các bài văn chính luận đã thể hiện được tư tưởng của các hoàng đế trong công cuộc trị quốc.

Giai đoạn Lý – Trần (1010 - 1400): Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ được xem là áng văn chính luận đầu tiên của Việt Nam, tiếp đó là Phạt Tống lộ bố văn, Phạt Tống của Lý Thường Kiệt, Dụ chư tỳtướng hịch văncủa Trần Quốc Tuấn,... Thế kỉ XV có nhiều sự kiện, tiêu biểu là khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Những tác phẩm tiêu biểu của thời kì này ít nhiều thường xoay quanh khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Thái Tổ. Trước hết phải kể đến Quân trung từ mệnh (gồm 68 văn kiện chính luận). Đây là những thư từ Nguyễn Trãi viết gửi các tướng lĩnh nhà Minh với nội dung luận chiến hùng hồn, đanh thép, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng ít đổ xương máu.

So với nhiều thể loại khác, văn chính luận là thể loại có sự gắn bó chặt chẽ với vương triều nói chung và hoàng đế nói riêng. Các tác phẩm thuộc thể loại này thường được viết bởi các nhân vật có tầm vóc chính trị. Nhân vật hoàng đế trong văn học giai đoạn này được xây dựng dưới nhiều góc nhìn khác nhau tùy theo từng thời điểm, từng thể loại. Dưới thời Lê sơ văn chính luận tiếp tục cho thấy tinh thần dĩ dân vi bản của hoàng đế mặc dù có một sự thay đổi lớn về phương thức sáng tác. Dưới thời Lý - Trần, văn chính luận được sáng tác bởi các hoàng đế, đại thần. Đến thời Lê sơ, văn chính luận xuất hiện hiện tượng chấp bút. Đặc biệt dưới triều đại Lê Thái Tổ, những áng văn chính luận phần lớn do Nguyễn Trãi viết thay hoàng đế. Tiêu biểu là Quân trung từ mệnh tập.

Thời nhà Lý các hoàng đế để lại khá nhiều bài văn chiếu: Thiên đô chiếu (Lý Thái Tổ), Lâm chung di chiếu (Lý Nhân Tông), Lâm chung chúc thái tử (Lý Anh Tông), Truy hối tiền quá chiếu (Lý Cao Tông)… Bên cạnh chức năng truyền đạt các ý tưởng chính trị, các bài chiếu đã thể hiện được những quan điểm, tâm trạng cá nhân của hoàng đế thấm nhuần các triết lí nhà Phật. Nếu như các hoàng đế sau thế kỉ XV, nhất là các hoàng đế triều Nguyễn thường quan tâm chú trọng xây lăng tẩm thì các hoàng đế triều Lý rất dung dị, tiết chế lễ nghi: “Việc tang thì sau ba ngày

nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để trẫm được bên cạnh tiên đế” (Lâm chung di chiếu – Lý Nhân Tông) [209; 441]. Phần lớn các bài chiếu thời Lý đều thể hiện tinh thần cởi mở, trọng dân và luôn hướng về dân của các hoàng đế.

Lê Lợi qua văn hội thề đã thể hiện được khí phách của bậc anh hùng mang trong mình sứ mệnh hoàng đế. Theo Di cảo Đinh Liệt, tại hội thề Lũng Nhai năm 1416, Lê Lợi cùng Lê Lai, Đinh Liệt, Nguyễn Thận, Trương Chiến đã cùng nhau tuyên thề: “Chúng tôi nguyện cùng nhau suốt đời kết thành một khối như chim liền cánh, như cây liền cành, chúng tôi nguyện cùng nhau kết nghĩa, cùng chia bùi sẻ ngọt, cùng hoạn nạn không lìa, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, thề không đội trời chung với giặc nước, quyết dựng nghiệp lớn cho đến thắng lợi cuối cùng” (Văn

hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân 1416 – Đinh Liệt) [126; 42]. Lê Lợi còn có tài thu phục lòng người: “Trẫm mà được thiên hạ, chưng sau thiên hạ thái bình, thì trẫm nhớ đến công thần chư tướng ấy hết lòng sức, danh truyền đủ muôn đời, vĩnh thuỷ trúc bạch, cho chưng sau, con cháu trẫm cùng con cháu chư tướng hiển vinh, hưởng chung phúc lộc. Dù bể kia hay cạn, núi nọ hay bằng, thì công ấy trẫm chẳng khá quên chư tướng” (Lời thề của Thái Tổ cao hoàng đế Lê Lợi và lời dặn của vua

gia phả họ Lê Văn Linh) [126; 49].

Bên cạnh những chính sách đối nội thân dân, đẩy mạnh bang giao là một nhiệm vụ quan trọng của hoàng đế. Lịch sử chứng minh văn chương bang giao đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi quân sự hiển hách, bảo vệ sự an nguy, tồn vong của dân tộc. Trong hầu hết các thư gửi Phương Chính, Nguyễn Trãi luôn đề cao, nhấn mạnh nhân nghĩa. Tác giả đối lập chính nghĩa với gian tà để khẳng định, nhân nghĩa là yếu tố cốt lõi tạo nên một triều đại đức trị được trăm họ nghe theo: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to lớn phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Duy nhân nghĩa có làm đủ thì công việc mới thành được” [126; 53].

Năm 60 tuổi Nguyễn Trãi được hoàng đế Lê Thái Tông mời ra trao cho chức vụ. Ông làm Biểu tạ của gián nghịđại phu kiêm tri tam quán sự để tôn vinh hoàng đế: “Đế Nghiêu là thánh thần, biết người rất rõ; Đại Thuấn thích nghe thích xét, đãi chúng lấy khoan. Chọn người hiền không có loại nào; dùng người tài xem như

mình vậy. Kén người thì rau phỉ rau phong đều hái; đức tài thì đồ thô đồ méo không quên” [205; 205]. Nguyễn Trãi nhắc đến Nghiêu Thuấn để tôn vinh hoàng đế nhưng không quên gửi những thông điệp về yêu cầu phẩm chất về đạo đức của bậc đế vương.

Dưới thời Lê sơ, sự phát triển mạnh mẽ của chế độ khoa cử đã sản sinh ra nhiều trụ cột hỗ trợ hoàng đế trong công cuộc trị vì. Việc các trọng thần viết những áng văn chính luận thay vua là một bước tiến của thể loại này. Bởi lẽ, tính khách quan sẽ được phát huy cao độ hơn. Dưới thời vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi đã thay hoàng đế viết ra những áng văn chính luận thể hiện tinh thần thân dân của vương triều Lê sơ. Trong Chiếu dụ hào kiệt, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi “nhún mình” chiêu dụ nhân tài cứu lấy dân: “Vì thế ta nhún mình tỏ lòng thành thực, khuyên các bậc hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân” [126; 73]. Tài năng, đức độ của một hoàng đế được thể hiện qua khả năng dùng người, trọng dụng nhân tài để hỗ trợ đắc lực trong công cuộc trị vì. Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết Chiếu cầu hiền tài để bày tỏ nguyện vọng mong muốn kêu gọi người tài tham gia công cuộc kiến thiết và bảo vệ quốc gia: “Được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử. Bởi thế người làm vua thiên hạ phải lấy đó làm việc trước tiên” [205; 194].

Sau chiến thắng Lam Sơn lừng lẫy, trong công cuộc trị vì đất nước, Lê Thái Tổ đã răn dạy triều thần: “Ngày nay từ các đại thần tổng quản, cho đến đội trưởng cùng các quan ở viện, sảnh, cục, phàm người có chức vụ coi quân trị dân đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối dân thì hết hòa” (Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện sảnh cục tham lam lười biếng - Nguyễn Trãi) [205; 198 – 199]. Trong Chiếu về việc làm bài “Hậu tự

huấn” đểrăn bảo thái tử, Nguyễn Trãi đã thay Lê Thái Tổ nhắc nhở thái tử về vai trò của dân: “Vả lại mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân... Tuy Thuấn Võ Thang Văn là bậc thánh, mà còn nau náu nơm nớp, tiết kiệm siêng năng, run sợ lo âu, giữ gìn cung cẩn, những việc kính trời chăm dân, không dám khinh suất chút nào” [205; 203].

Khi giành được ngôi báu từ triều Trần, Hồ Quý Ly đã áp dụng tư tưởng pháp trị. Tuy có những chính sách đổi mới tiến bộ nhưng ông bất chấp mọi thủ đoạn tàn bạo để

loại trừ những thế lực có hành vi nghịch ý. Dưới triều đại nhà Hồ, những chính sách tàn bạo đã làm đời sống xã hội rối ren. Chính vì không thuận lòng dân, triều đại nhà Hồ đã nhanh chóng sụp đổ. Điều đó được Nguyễn Trãi đúc kết trong Bình Ngô đại cáo: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa/ Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh” [205; 66].

Có thể thấy Nguyễn Trãi đã chỉ ra rõ sự thất bại của nhà Hồ chính do không thuận lòng dân. Đến thời Lê sơ, các hoàng đế rất quan tâm đến nền đức trị. Nhất là việc làm sao để thuận được lòng dân. Trong Chiếu bàn về phép tiền tệ Nguyễn Trãi viết: “Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền, thế nào cho thuận lòng dân” [205; 195]. Hầu hết trong các việc trọng đại, hoàng đế đều thể hiện sự tôn trọng ý kiến của bề tôi. Bởi mục đích là cùng đem lại một đất nước trên thuận dưới hòa.

Nho gia đòi hỏi người cai trị đất nước phải có nhân cách lí tưởng. Cụm từ “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đã chỉ rõ: muốn bình thiên hạ thì thiên tử phải thực hiện việc tu thân. Hoàng đế phải tu thân để làm gương sáng giáo hóa bách tính, trở thành người truyền cảm hứng cho trăm họ noi theo. Trong Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử, Lê Thái Tổ đã căn dặn: “Nay con nhớ công lao của ta, nối cơ nghiệp của ta, phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương giữ mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui. Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái; thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân” [205; 202]. Đức trị yêu cầu hoàng đế phải “chính”. Bởi khi hoàng đế đã trở thành gương sáng thì trăm họ sẽ phục tùng mệnh lệnh mà không cần dùng đến quyền lực.

Hạn chế thực tế không thể chối cãi của chế độ quân chủ là việc bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của dòng tộc. Nhất là hoàng đế truyền ngôi theo phương thức truyền tự không truyền hiền. Tuy nhiên để giảm bớt được tính chuyên quyền, độc đoán, các hoàng đế khi truyền ngôi vẫn ca tụng đức độ của người kế vị. Trong Chiếu giáng tư tề

làm quận vương, đặt con thứ là Nguyên Long nối nghiệp, Lê Thánh Tông viết: “Hoàng thái tử tuy tuổi còn non mà có tiếng nhân hiếu, mọi người trông cậy, thần khí đáng giao, có thể trao cho ấn kiếm, để tạm coi việc nước nhà” [205; 200].

Văn chính luận trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đã phản ánh được hiện thực xã hội mà ở đó mô hình đức trị chiếm vị thế chủ đạo so với pháp trị. Hoàng đế muốn vững vàng trên ngôi vị phải quy phục được lòng dân. Con đường quy phục lòng dân không phải theo hình thức đàn áp, bạo lực mà là thực hiện những chính sách dân vi bản. Xét trên phương diện nghệ thuật, văn chính luận giai đoạn này thường sử dụng điển cố. Nếu như văn chính luận Lý – Trần thường trực tiếp nêu sự việc, bày tỏ tình cảm rõ ràng thì văn chính luận thời Lê sơ đã gia tăng nghệ thuật dùng điển cố. Việc mượn cổ nói kim giúp các hoàng đế lấy đó làm cơ sở để khẳng định cho vấn đề cần nêu ra. Khi viết văn chính luận phục vụ nội trị, các hoàng đế sử dụng giọng điệu gần gũi, tâm tình thể hiện được phẩm chất của một đấng minh quân thân dân, trọng dân. Khi dùng văn chính luận để phục vụ ngoại giao, đấu tranh bằng ngòi bút thì hoàng đế hiện lên rất khéo léo, mềm dẻo nhưng vẫn giữ được uy nghiêm, thần võ và chí khí của thiên tử.

Văn thư bang giao cũng là phương tiện thể hiện được chân dung nhân vật hoàng đế trong văn học. Trong các cuộc đấu tranh ngoại giao đầy cam go thử thách, các hoàng đế dùng văn thư bang giao để phục vụ sự nghiệp đấu tranh chính trị và quân sự. Đặc sắc nghệ thuật của thơ văn bang giao là lời văn vừa tao nhã vừa mềm dẻo nhưng không kém những lập luận chặt chẽ, đanh thép và sắc bén. Từ những lá thư hoàng đế Trần Nhân Tông viết cho nhà Nguyên đến những bức thư nhà Lê sơ gửi quân Minh đã thể hiện sự khéo léo, tài ba của các hoàng đế trong công cuộc đấu tranh bằng ngòi bút.

Nhìn từ diễn trình lịch sử, giai đoạn thế kỉ X đến thế kỉ XV là thời đại hào hùng và oanh liệt nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam. Bối cảnh lịch sử hào hùng là điều kiện sản sinh ra những áng văn chính luận bất hủ. Với đặc trưng thể loại là phản ánh những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự của quốc gia, dân tộc, văn chính luận đã thể hiện được những hình ảnh của hoàng đế Đại Việt. Cũng giống như thơ, phú, văn chính luận giai đoạn này cũng đã khắc họa được những đặc điểm về các hoàng đế Đại Việt có tư tưởng thân dân, cai trị đất nước bằng nhân nghĩa và phục chúng bằng nền đức trị. Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt của văn chính luận so với các thể loại khác là, thể hiện được khẩu khí của bậc đế

vương. Thông qua văn chính luận, các hoàng đế phương Nam đã khẳng định được vị thế quốc gia, dân tộc trong sự đối trọng với các vương triều phương Bắc.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 127 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)