6. Cấu trúc của luận án
2.1.3. Mô hình hoàng đế lý tưởng trong tư duy chính trị Việt Nam trung đại
Có ba con đường đi đến ngôi vị hoàng đế. Thứ nhất, Nho giáo quan niệm không phải con vua thì lại làm vua mà phải truyền người hiền. Tiêu biểu cho trường hợp này là vua Nghiêu và vua Thuấn trong lịch sử Trung Hoa. Thứ hai, hoàng đế lên ngôi bằng hình thức cha truyền con nối. Hình thức này được xem là phổ biến. Mặc dù hình thức nối ngôi đi ngược với quan điểm nhân trị của Nho giáo nhưng trong văn hoá diễn ngôn của các triều đại người nối ngôi đã thuận lòng trời, hợp ý dân. Thứ ba, hoàng đế lên ngôi bằng con đường bạo lực lật đổ chính quyền cũ đã hết “mệnh trời” để xác lập nền cai trị mới. Trong trường hợp này, những
hoàng đế giành chính quyền bằng bạo lực lí giải hành động của mình là nhân danh mệnh trời để trừng phạt kẻ đã bị trời rút sự ủy nhiệm.
Hoàng đế được gắn liền với các khái niệm tam vị nhất thể: thiên mệnh – thiên hạ – thiên tử. Ba khái niệm này chi phối mạnh mẽ đến mô hình nhân cách hoàng đế. Theo diễn ngôn của chế độ quân chủ, hoàng đế là thiên tử (con trời), được trời trao cho thiên mệnh để cai quản thiên hạ.
Hoàng đế là con trời - thiên tử được trời uỷ nhiệm để cai quản hạ giới. Đây được xem là một phương thức diễn ngôn của chế độ quân chủ nhằm khẳng định quyền lực thống trị. Để củng cố địa vị, chế độ quân chủ đã nhờ sự hỗ trợ của thần quyền để củng cố đế quyền, hoàng quyền. Sống trong một nền văn minh nông nghiệp có đời sống tâm linh phong phú thì diễn ngôn về việc tôn xưng thiên tử có sức thuyết phục và tác động lớn trong xã hội. Niềm tin của con người vào thế giới tâm linh đã trở thành phương tiện củng cố hữu hiệu cho vương quyền. Chính vì diễn ngôn này mà từ sự ra đời cho đến con đường lên ngôi của các hoàng đế đều được thần thánh hoá qua những câu chuyện dân gian, ghi chép trong các bộ sử và các dữ liệu văn học đậm màu sắc thần kì: xuất thân thần kì, dung mạo và tư chất khác thường, thường gắn với biểu tượng con rồng – linh vật biểu tượng cho mệnh đế vương, được các lực lượng thần thiêng hỗ trợ.
Hoàng đế là con trời nên mặc nhiên có quyền lực đối với tất cả thần dân, đất đai sông núi dưới gầm trời. Mọi hình thức tồn tại dưới trời đều thuộc sở hữu của hoàng đế trong đó có cả những lực lượng siêu nhiên như thần thánh: “Thần thánh được thờ trong lãnh thổ được định biên chế rất ngặt nghèo, phân cấp quản lý chặt chẽ” [215; 54]. Hoàng đế có quyền giám quản bách thần. Từ đời Trần, nhà nước đã tiến hành sắc phong các thần trên lãnh thổ Đại Việt - điều đã được Lĩnh Nam chích quái và
Việt điện u linh phản ánh. Việc sắc phong thần đã cho thấy hoàng đế muốn tạo lập một lực lượng siêu nhiên mang tính thần quyền để hỗ trợ cho việc trị vì.
Điều quan trọng nhất của một hoàng đế đó là có được thiên mệnh. Hoàng đế là người duy nhất được trời ban chân mệnh đế vương. Triết học phương Đông cổ đại đề cao tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”. Hoàng đế là người thay trời trị vì thiên hạ, là người có khả năng liên thông với thiên địa. Nho giáo với thuyết Chính danh đã đem đến cho hoàng đế một “siêu quyền lực”: thế thiên hành đạo. Hoàng đế giữ vai trò là
gạch nối giữa thượng giới và hạ giới, giữa cõi trời và cõi người. Đây là sự uỷ thác của trời về quyền lực duy nhất dành cho một người để cai quản thiên hạ. Quan niệm thần quyền về hoàng đế bắt nguồn từ học thuyết “tôn quân quyền” của Nho giáo: “Theo tư tưởng Nho giáo thì quân quyền phải để một người giữ cho rõ cái mối thống nhất. Người giữ quân quyền gọi là đế hay vương, ta thường gọi là vua” [88; 155]. Cốt lõi của lý thuyết tôn quân quyền đó chính là thiên mệnh của hoàng đế. Khi con người tập hợp với nhau thành xã hội thì người lãnh đạo là hoàng đế phải có quyền lực tối cao để giữ vững kỷ cương. Hoàng đế được thần quyền bằng tư tưởng thiên mệnh mà theo Nho giáo thiên mệnh tức là nói đến cái chí của trời.
Hoàng đế chịu “thiên mệnh” trước hết phải là người có đức. Theo quan điểm Nho giáo, hoàng đế không đơn thuần là người đứng đầu nhà nước quân chủ, nắm trong tay mọi đất đai và thần dân phải chăm lo lợi ích… mà hoàng đế phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ dân, giáo hoá dân, chịu trách nhiệm về cuộc sống của dân. Theo Kinh Dịch: “Đức tượng thiên địa viết đế” (Người có đức giống đức của trời đất là đế). Trời chỉ chọn lựa người có đức để uỷ nhiệm cai trị thiên hạ. Hoàng đế là con trời và được trời giao thiên mệnh trị vì trăm họ, mọi ý đồ hay hành động nhằm tranh giành ngôi báu, quyền lực của hoàng đế đều được xếp vào trọng tội loạn thần tặc tử và làm trái mệnh trời. Trang Tử – Thiên địa cho rằng: “Đế vương chi đức phối thiên địa” (Đức của bậc đế vương sánh với đức của trời đất). Hoàng đế nhận được thiên mệnh để cai quản thiên hạ. Nhưng hoàng đế phải đáp ứng được những chuẩn mực đạo đức sánh với trời đất mới giữ được ngai vàng. Trong các chuẩn mực về đạo đức thì đức sinh là quan trọng nhất. Chu Dịch – Hệ Từ có viết: “Thiên địa chi đại đức viết sinh” (Đức lớn của trời đất là sinh). Trang Tử – Thiên
địa: “Vật đắc dĩ sinh vị chi đức” (Cho vật được sự sống gọi là đức). Đức lớn của trời đất là sinh ra vạn vật, hoàng đế là con trời, có đức sánh ngang trời thì phải biết yêu quý sự sống.
Nền văn hoá chính trị Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đều có quan niệm chung về mẫu hình hoàng đế có trách nhiệm đối với trời, không được quyền hành động theo ý mình mà phải thi hành những điều thuận lòng trời, hợp ý dân. Vấn đề đức trị, thân dân là những nội dung chính trong tư tưởng, đường lối trị nước của Nho giáo. Hoàng đế phải nhận thức được vai trò quan trọng của dân
trong con đường đế nghiệp. Kinh Thư có viết dân là gốc (dân vi bản), dân là gốc của nước (dân vi bang bản). Thực tế cho thấy dân có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Mạnh Tử).
Trời trao thiên mệnh cho hoàng đế dựa trên nguyên tắc chọn người có đức. Theo quan điểm Nho giáo, thiên mệnh không tồn tại vĩnh hằng. Nó chỉ được duy trì khi hoàng đế biết thi hành đức trị: “Duy mệnh bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi” (mệnh trời không nhất định, thiện thì được, bất thiện thì mất) [88; 156]. Điều này nhắc nhở các hoàng đế phải thi hành điều thiện, nhân đức, không lạm dụng uy quyền mà làm điều tàn bạo.
Đức của nhà lãnh đạo được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng phẩm chất quan trọng nhất là đức hiếu sinh. Đức hiếu sinh được thể hiện trước tiên là chọn đức trị hạn chế hình pháp. Khổng Tử cho rằng: “Thánh nhân chi trị, hoá dã, tất hình chính tương tham yên. Thái thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ, dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi, hình bất hình dã” [88; 161]. Theo quan niệm của Khổng Tử thì hoàng đế phải cai trị bằng con đường đạo đức, nhân nghĩa, hình chính chỉ là điều bất đắc dĩ. Khổng – Mạnh chủ trương hoàng đế theo đường lối đức trị, thân dân, xem hình phạt chỉ là thứ yếu, là giải pháp tình thế trong việc giáo hoá dân. Tuy nhiên, theo thực tế vận hành xã hội, các hoàng đế phải có sự kết hợp pháp trị để mang tính ràng buộc nhằm duy trì trật tự, kỷ cương cũng như bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị.
Sự tồn vong của một quốc gia, thịnh hay suy của một triều đại phụ thuộc vào ý dân, lòng dân. Vì thế, để duy trì ngai vàng, hoàng đế phải thực hiện chính sách thân dân. Để thực hiện được điều đó, hoàng đế phải thực hiện được chính sách “dưỡng dân”. Nghĩa là nhiệm vụ của hoàng đế là phải chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ dân. Khổng Tử quan niệm “Tiết dụng ái nhi nhân” nghĩa là vương triều phải biết tiết kiệm, tránh hoang phí là thương dân, làm sao để dân no đủ, đánh thuế nhẹ cho dân: “Bất kỳ chính thể nào, nhà cầm quyền nào cũng cho việc nuôi dưỡng dân là nhiệm vụ quan trọng nhất: nếu khéo nuôi dân thì nước trị mà nhà cầm quyền được dân quý, ngược lại thì nước loạn” [24; 176]. Mạnh Tử quan niệm: “Lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kỳ ưu. Lạc dĩ thiên hạ, nhiên nhi bất vương giả, vị chi hữu dã” [88; 233]. Theo quan niệm này thì
hoàng đế phải là người vui cùng cái vui của dân, lo cùng nỗi lo của dân. Bên cạnh dưỡng dân, các hoàng đế phải có nhiệm vụ giáo hoá dân. Theo Khổng – Mạnh, hoàng đế phải có trách nhiệm làm cho dân hiểu được đạo làm người với các chuẩn mực: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung. Điều này nhằm hướng đến bảo vệ vương quyền bằng việc hướng nhân dân đến các thứ tự, tôn ti và không xâm hại đến các lợi ích của giai cấp thống trị.
Nho giáo hướng đến hình mẫu hoàng đế là một thánh nhân vừa mang một nhân cách của con người phàm trần vừa có những đặc điểm của thượng giới. Giữa mô hình nhân cách hoàng đế trong lý thuyết và thực tế, qua lịch sử có thể thấy sự vênh lệch khá lớn. Rất hiếm vị hoàng đề có thể đáp ứng được đầy đủ các chuẩn mực nhân cách thánh nhân mang những đặc điểm huyền thoại.