Tiền đề văn học

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 44 - 49)

6. Cấu trúc của luận án

2.2.3. Tiền đề văn học

Tiếp thu sự ảnh hưởng từ nền văn học Trung Hoa, văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đề cập rất nhiều đến văn hoá chính trị. Văn chương không phải là phương tiện để bày tỏ tình cảm cá nhân mà là dùng để bày tỏ chí. Các hoàng đế trước hết là các nhà chính trị. Xác định được sức mạnh của thơ văn nên các hoàng đế tận dụng nó để phục vụ chính trị. Theo ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư thì năm 1035 hoàng đế Lý Thái Tông đã sai các quan làm thơ. Năm 1087 hoàng đế Lý Nhân Tông đến chùa Lãm Sơn và đích thân làm thơ. Năm 1495 nhân hai năm được mùa liên tiếp, Lê Thánh Tông cùng các quần thần xướng hoạ để ghi nhận điềm lành… Thơ văn trở thành phương tiện quan trọng để các hoàng đế điều hành chính sự. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long cho rằng: “Cố tri đạo duyên thánh dĩ thuỳ văn, thánh nhân văn nhi minh đạo” (Đạo nhờ thánh nhân mà truyền văn, thánh nhân

nhờ văn mà minh đạo) (Nguyên Đạo) [64; 50]. Đó chính là cơ sở để các hoàng đế dùng văn chương để khẳng định vị thế thiên tử và sức mạnh của triều đại.

Nhìn vào lịch sử văn học có thể thấy rất nhiều hoàng đế, lãnh tụ tham gia sáng tác văn học. Từ các hoàng đế thời Lý – Trần, Lê sơ, chúa Trịnh đến các hoàng đế triều Nguyễn và sau này là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đều tham gia sáng tác văn học. Từ triều Lý, các hoàng đế đã tham vấn cùng các thiền sư về đạo Phật. Đây là một trong những hoạt động xướng hoạ vua tôi về giảng cứu và viết thi kệ. Thông qua hoạt động này, văn chương đã bổ sung nhiều tác phẩm có giá trị về triết lý Phật giáo. Đồng thời, mẫu hình hoàng đế – thiền sư đã dần định hình trong đời sống văn học. Đến thời Trần, khi Nho giáo đã từng bước khẳng định được vị thế trong nhiệm vụ trị quốc thì các hoàng đế càng xem trọng vai trò của văn chương và tích cực tham gia sáng tác các thể loại thuần tuý văn học. Họ xem văn chương là công cụ trị quốc và thể hiện những lý tưởng chính trị. Thơ văn của các hoàng đế thường xuất hiện nhiều mệnh đề: đức, tài, trung, hiếu, khí tiết, cương thường… Điều này cho thấy các hoàng đế rất ý thức trong việc dùng văn chương làm phương tiện để giáo huấn, truyền tải đạo đức, trị nước, an dân và là công cụ để bảo vệ đế quyền. Chính vì thế mà các sáng tác thơ văn của hoàng đế thường chú trọng thể hiện nội dung hơn là trau chuốt nghệ thuật. Thơ của các hoàng đế hướng đến thi ngôn chí, tải đạo. Thơ vịnh cảnh, vịnh vật cũng không nằm ngoài nhiệm vụ truyền tải những thông điệp chính trị Nho giáo. Thông qua hoạt động sáng tác, các hoàng đế tự mình phác hoạ những bức chân dung chính mình bằng văn học.

Đặc biệt, các hoàng đế thích làm thơ văn để tự ca ngợi bản thân qua hình thức xướng hoạ ca. Việc làm thơ, xướng hoạ thơ với các quần thần là cách để hoàng đế thể hiện thiên tài. Trên tư tưởng triết học “đế đức cách thiên”, văn học cung đình xướng hoạ, đề vịnh nhằm mục đích diễn ngôn về tài năng, đức độ của hoàng đế. Đây là hình thức diễn ngôn kết hợp giữa vương quyền và thần quyền để khẳng định quyền lực tuyệt đối của hoàng đế. Các hoàng đế hay đề cập đến chữ đức trong sáng tác văn học bởi họ muốn chứng minh được mình xứng đáng ở vị trí thiên tử. Ảnh hưởng tư tưởng thiên – địa – nhân từ nền văn hoá Trung Hoa, các hoàng đế Đại Việt tin vào thuyết thiên nhân tương cảm, thiên nhân tương dữ. Tức

là những hành động của hoàng đế có đạo đức, nhân nghĩa sẽ động được lòng trời và duy trì đế vị. Nhờ công đức của hoàng đế mà “dĩ đức động thiên” – trời thấu hiểu, cảm động và giáng phúc lành. Ngược lại, hoàng đế thất đức sẽ bị trời trách phạt bằng dự báo những tai ương, dị thường: động đất, sao chổi, lũ lụt, hạn hán… nếu hoàng đế không tu thân, hành thiện thì sau đó sẽ diễn ra cuộc thay triều đổi vị. Từ văn chương thời Lê sơ đến sau này là các chúa Trịnh đều duy trì hình thức xướng hoạ để ca ngợi hoàng đế, ca ngợi chế độ.

Phần lớn các sáng tác của hoàng đế đều là hình thức ghi chép lại các sự kiện quan trọng của đất nước. Thông qua các chiếu, chế phục vụ công tác hành chính, các hoàng đế đã có dịp được thể hiện mình trong những áng văn chương thấm đẫm khẩu khí đế vương, tinh thần trách nhiệm của một người đứng đầu đối với quốc gia, dân tộc. Trong công tác ngoại giao, các hoàng đế thường dùng thơ văn để giao tiếp cùng với các sứ thần. Đó chính là điều kiện để thể hiện được những phẩm chất, khí phách và tài năng của họ với triều đình phương Bắc. Các hoàng đế mượn thơ văn để thể hiện tài năng, trí tuệ của đế vương để khẳng định vị thế quốc gia, củng cố nền độc lập của dân tộc. Khi cần, trong đấu tranh bang giao, các hoàng đế sẵn sàng dùng thơ văn để chống lại tư tưởng Hoa – Di.

Bên cạnh một nhân vật chính trị, hoàng đế còn là một nhân vật văn học, nhân vật trữ tình. Các hoàng đế giai đoạn này dùng văn chương để khẳng định vị thế thiên tử, củng cố vương quyền. Tham gia sáng tác văn chương, các hoàng đế muốn thể hiện phẩm chất về tài năng, đức độ đủ tiêu chuẩn để được trời uỷ thác trọng nhiệm cai quản thiên hạ. Thông qua các tác phẩm họ đã diễn tả, giãi bày tư tưởng, tình cảm riêng tư, quan niệm về cuộc sống… từ đó đã hình thành nhân vật hoàng đế qua góc nhìn tự biểu hiện.

Văn chương là phương tiện thể hiện tài năng của thiền sư, nho sĩ. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long quan niệm văn là phương tiện để thể hiện thiên tài, như con rồng, phượng có vẩy, lông sặc sở, như con hổ, con báo có vằn, có đốm.

IX. Lixevich trong Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc nhận định: “Văn là hình vẽ, là sự bôi mầu, là hình trang trí, nhưng vận dụng vào con người, vào quân tử thì văn là cái mầu sắc mà người ấy dùng để tô điểm bản thân mình và là cái mầu sắc mà người khác nhìn vào đó để đánh giá bản chất người ấy” [99; 39]. Các

triều đại đã sớm xác định rõ vai trò của văn chương trong đời sống xã hội bằng việc xem nó là cơ sở lựa chọn hiền tài: “Muốn có người giỏi, trước hết là chọn người văn học. Chọn người văn học lấy khoa mục làm đầu” [97; 547].

Văn học cung đình là bộ phận quan trọng trong văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV. Các trí thức – tác giả văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV hầu hết tham gia hoạt động chính trị. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thể chế xã hội. Các thiền sư tham chính, các nhà nho đi học để tham gia chốn quan trường nên cuộc sống của họ gắn với sự tồn vong của chế độ quân chủ. Vì thế việc xây dựng và bảo vệ chế độ quân chủ cũng chính là cách họ bảo vệ quyền lợi của chính mình. Thông qua văn chương, họ đã chuyển tải những khát vọng về mẫu hình xã hội và hoàng đế lý tưởng. Là bộ phận đứng giữa hoàng đế và dân, các trí thức luôn đưa ra các diễn ngôn về mô hình xã hội lý tưởng với hình mẫu hoàng đế theo Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang và thần dân hoà thuận. Trong các sáng tác của mình, các thiền sư, nho sĩ đều hướng đến xã hội đức trị, văn trị và nhân vật trung tâm chính là hoàng đế.

Tư tưởng quân – thần, trung quân ái quốc là một trong những tư tưởng chủ đạo của các tác giả văn học giai đoạn này. Những ngôn từ quân thân, trung hiếu… xuất hiện khá dày đặc, nhất là trong các sáng tác của Nguyễn Trãi. Người xưa quan niệm văn chương là phương tiện thể hiện tài năng. Nếu như hoàng đế mượn hoạt động xướng hoạ thơ ca làm công cụ để khẳng định đức độ, ca ngợi chế độ tốt đẹp thì các trí thức xem đây là cơ hội thể hiện mình đối với nhà cầm quyền. Những sáng tác của các thiền sư, nho sĩ tập trung vào hoàng đế - nhân vật đặc biệt trong giai đoạn này. Thiền sư, nho sĩ phải gạt bỏ những cái cá nhân, riêng tư mà chỉ giữ lại lòng mình đạo quân – thần, trung quân ái quốc, gạt bỏ những cảm xúc thông tục thường tình mà đem vào văn chương những vấn đề về quốc kế sinh dân: “Nhân gian mọi sự đều nguôi hết/ Một sự quân thân chẳng khứng nguôi” (Tự thán

– bài 36 – Nguyễn Trãi).

Chính tình yêu nước và tư tưởng trung quân đã thôi thúc các tác giả dùng văn chương để phò tá hoàng đế xây dựng nhà nước quân chủ. Các trí thức mượn văn chương để định hướng tư tưởng cho mọi đối tượng trong xã hội: là dân thì phải biết thờ trời, kính hoàng đế: “Bốn dân nghiệp cao cùng thấp/ Đều hết làm tôi thánh

thượng hoàng” (Tức sự - bài 4 - Nguyễn Trãi). Văn chương hướng đến xây dựng nhân vật hoàng đế qua tư tưởng thiên mệnh. Hoàng đế là thiên tử, là người đáp ứng được những yêu cầu cao về tài năng, đức độ nên được trời giao phó nhiệm vụ cai quản bách tính, non sông. Tư tưởng này hướng người dân đến những chuẩn mực đạo đức, ứng xử mà hoàng đế là “bất khả xâm phạm”. Tư tưởng thiên mệnh hướng con người đến sự bằng lòng với số mệnh vì trời đã chi phối được tất cả số mệnh của mọi kiếp người trong thiên hạ: “Vắn dài được mất đều thiên mệnh/ Chạy quấy làm chi cho nhọc nhằn” (Tự giớibài 42 – Nguyễn Trãi) hay: “Mới biết danh hư đà có số/ Ai từng cãi được lòng trời” (Tự thánbài 15 – Nguyễn Trãi).

Thông qua văn chương, diễn ngôn về thiên mệnh đã hướng mọi đối tượng trong xã hội biết quy phục mệnh trời và tuân theo mệnh lệnh của hoàng đế, từ đó củng cố vững chắc địa vị của hoàng đế. Sau khi khẳng định được nguồn gốc thiên mệnh, vị trí bất khả xâm phạm của đế vương, văn chương tiếp tục nhiệm vụ giữ vững vị thế đó bằng việc tập trung ca ngợi hoàng đế. Hoàng đế và các triều thần đã dùng văn chương để xây dựng hình ảnh thiên tử có sức mạnh uy quyền, là người trực tiếp ban ơn đến muôn dân: “Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc/ Gian lều cỏ đội đất Đường Ngu” (Ngôn chíbài 15 – Nguyễn Trãi). Tư tưởng quân – thần, trung quân ái quốc đã trở thành nền tảng vững chắc để các trí thức cùng bày chí, tỏ lòng và sáng tạo nhiều tác phẩm ca ngợi vương triều. Từ đó nhân vật hoàng đế có điều kiện để hình thành trong đời sống văn học.

Các nhà nho, thiền sư nhận thức được, hưởng bổng lộc triều đình đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ vương triều. Sáng tác của họ đều gửi gắm khát vọng về một xã hội lý tưởng với vua sáng tôi hiền, khéo léo gửi gắm những thông điệp phúng gián. Trong Thi đại tự có viết: “Thượng dĩ phong hoá, hạ dĩ phong thích thượng, chủ văn nhi quyệt gián, ngôn chi giả vô tội, văn chi giả túc dĩ giới” (Kẻ thống trị lấy phong để giáo hoá kẻ bị trị; kẻ bị trị dùng phong để phê phán kẻ thống trị phải chú trọng ở văn mà phúng gián tinh vi, nên người nói không bị tội, người nghe cũng lấy đó làm răn) [181; 72]. Các sáng tác thơ văn dưới hình thức phúng gián đã đóng góp thêm một cái nhìn đa chiều, đa diện về nhân vật hoàng đế.

Văn học giai đoạn này đảm nhiệm một trách nhiệm quan trọng trong sự nghiệp chính trị của các triều đại. Các hoàng đế dùng văn chương để trị quốc. Các triều thần dùng văn chương để thể hiện những khát vọng, hoài bão về một đấng minh quân, một xã hội thịnh trị với vua sáng tôi hiền. Chính vì những lí do đó, hoàng đế đã đi vào văn chương và trở thành một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống văn học, văn hoá chính trị của Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XV.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)