6. Cấu trúc của luận án
1.2.4. Lý thuyết diễn ngôn
Lý thuyết diễn ngôn có nguồn gốc từ Châu Âu, ra đời từ những năm 60 của thế kỉ XX. Ở Việt Nam, lý thuyết diễn ngôn trở thành trào lưu nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỉ XX. Trong nghiên cứu văn học, lý thuyết diễn ngôn được tiếp cận ở các góc độ: ngữ học, lí luận văn học và xã hội học lịch sử tư tưởng. Lý thuyết diễn ngôn đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước đưa ra những nhận định:
Widdowson định nghĩa: “Diễn ngôn là một quá trình giao tiếp. Kết quả về mặt tình huống của quá trình này là sự thay đổi trong sự thể: thông tin được truyền tải, các ý định được làm rõ, và sản phẩm của quá trình này là văn bản” [231; 100].
Trần Đình Sử trong bài viết Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay đã đưa ra ba khuynh hướng nghiên cứu về diễn ngôn: “Một là ngữ học do các nhà ngữ học đề xuất. Hai là lí luận văn học do M. Bakhtin nêu ra và ba là xã hội học lịch sử tư tưởng mà tiêu biểu là Foucault” [157]. Sau khi xét trên nhiều góc độ, tác giả đưa ra khái niệm về diễn ngôn trong nghiên cứu văn học: “Trong nghiên cứu văn học, diễn ngôn là chỉ chiến lược phát ngôn nghệ thuật, thể hiện trong các nguyên tắc cấu tứ, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ để vượt thoát khỏi các hạn chế nhằm phát ra được tiếng nói mới, thể hiện tư tưởng mới trong chỉnh thể sáng tác” [157].
Trần Văn Toàn trong bài viết Dẫn nhập lý thuyết diễn ngôn của M. Foucault và nghiên cứu văn học đã nhận định: “Phân tích diễn ngôn trên thực tế là phân tích những tương quan quyền lực/ tri thức trong hoạt động kiến tạo và truyền bá diễn ngôn” [188].
Trong luận án Tiểu thuyết Việt Nam đương đại – nhìn từ góc độ diễn ngôn,
Nguyễn Thị Hải Phương cho rằng: “Diễn ngôn văn học là hình thức sử dụng ngôn từ để khách quan hoá, tri thức hoá tư tưởng của thời đại. Diễn ngôn văn học gắn chặt với lịch sử tư tưởng, là một bộ phận của hệ hình tư tưởng. Tư tưởng của mỗi thời sẽ chi phối cách thức xây dựng diễn ngôn từ cách lựa chọn đề tài, cách xây dựng nhân vật đến cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, các phương thức tu từ…” [141].
Vận dụng lý thuyết diễn ngôn vào tìm hiểu đặc điểm nhân vật hoàng đế là việc làm rất cần thiết. Khi nói đến quản lí và điều hành xã hội thì không thể bỏ qua
việc đề cập đến vấn đề quyền lực. Diễn ngôn về chính trị là một trong những công cụ để các hoàng đế sử dụng nhằm nắm giữ và thực thi quyền lực. Vì thế, nghiên cứu về nhân vật đứng đầu thể chế quân chủ không thể bỏ qua việc tìm hiểu các diễn ngôn về chính trị.
Qua lời nói, các hoàng đế không chỉ cung cấp những thông tin mà còn thể hiện hình ảnh của một nhà chính trị. Mục đích phát ngôn của hoàng đế là làm cho đối tượng tiếp ngôn hiểu, có niềm tin và thực thi những ý đồ theo định hướng của người cầm quyền. Để đạt được mục đích đó, hoàng đế phải tạo dựng được hình ảnh về một đấng minh quân có đầy đủ những phẩm chất về đạo đức, tài năng và trí tuệ để đáp ứng được sự kì vọng của quần chúng. Việc xây dựng hình ảnh mẫu mực đòi hỏi hoàng đế phải có những chiến lược giao tiếp để đạt được hiệu quả diễn ngôn. Bên cạnh những sức mạnh nội tại, hoàng đế phải tận dụng sức mạnh thần quyền để diễn ngôn về vai trò của thiên tử - con trời, được trời lựa chọn ngồi vào ngôi báu.
Từ thời cổ đại, người ta đã nhận ra sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ trong việc chuyển tải tư tưởng và tác động đến người đọc. Trong bối cảnh văn – sử – triết bất phân, dường như mọi giao tiếp của hoàng đế đều qua các sáng tác được xem là văn chương. Thông qua ngôn ngữ, giọng điệu, các motip, các biểu tượng… của tác phẩm, quyền lực thống trị thiên hạ, vị thế thiên tử – con trời, đức độ của bậc đế vương được xác lập. Thông qua các diễn ngôn về văn hoá chính trị, sự chuyển giao về hệ tư tưởng từ Phật giáo sang Nho giáo có thể bộc lộ được những đặc điểm của nhân vật hoàng đế trong văn học giai đoạn này. Đặc biệt, thông qua hoạt động xướng hoạ giữa hoàng đế và các quần thần, các thiên tử đã bộc lộ được tri thức và quyền lực. Từ góc nhìn về diễn ngôn của các nhà nho, ta lại thấy ý thức sử dụng phương tiện văn chương để gián tiếp kín đáo yêu cầu chủ nghĩa thân dân nơi quân vương, cảnh báo cho họ về sức mạnh “chở thuyền” và “lật thuyền” của dân, ca ngợi những bậc quân vương có nhân nghĩa, đức hiếu sinh. Tiếp cận nhân vật hoàng đế từ lý thuyết diễn ngôn sẽ làm rõ hơn mối liên hệ giữa văn chương và bối cảnh chính trị, xã hội, văn hoá đương thời.
Tiểu kết chương 1
Từ kết quả khảo sát các tài liệu có liên quan đến đề tài, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu văn chương các hoàng đế từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đã được quan tâm, khai thác ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, các công trình mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về một hoàng đế cụ thể hoặc một triều đại, một giai đoạn nhất định. Trên cơ sở vận dụng những cơ sở lí thuyết phù hợp, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát những đặc điểm của nhân vật hoàng đế trong giai đoạn này qua các góc độ: cơ sở hình thành nên nhân vật hoàng đế trong văn học; đặc điểm nhân vật hoàng đế qua góc nhìn đối chiếu giữa văn học và văn hoá. Đồng thời, luận án sẽ đưa đến phác thảo đặc điểm nhân vật hoàng đế giai đoạn này dưới góc nhìn tự biểu hiện và với tư cách là khách thể được phản ánh.
Chương 2
CƠ SỞ HÌNH THÀNH NHÂN VẬT HOÀNG ĐẾ
TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ X ĐẾN THẾ KỈ XV 2.1. Giới thuyết về nhân vật hoàng đế
2.1.1. Khái niệm nhân vật hoàng đế
Hoàng đế là người đứng đầu nhà nước theo thể chế quân chủ chuyên chế. Theo thể chế này, hoàng đế có vai trò trung tâm và nắm trong tay mọi quyền lực vận hành xã hội. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long có viết: “Hoàng đế ngự vũ, kỳ ngôn dã thần” (Hoàng đế cai trị thiên hạ, lời nói ra rất thiêng) [64; 247]. Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Khổng giáo Trung Quốc, nền văn hoá chính trị Việt Nam trung đại quan niệm giai cấp thống trị tồn tại là để phục vụ dân. Hoàng đế do trời sinh ra không phải trị dân mà là để chăn dân, dưỡng dân.
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, hoàng đế được xem là một “nhân vật” đặc biệt trong xã hội Việt Nam. Đặc biệt là bởi hoàng đế có vai trò quan trọng và được xem là trung tâm của xã hội quân chủ chuyên chế kéo dài nhiều thế kỉ. Dưới sự biến động của lịch sử, bằng những cuộc lật đổ, thanh trừng, nổi dậy..., các triều đại lần lượt thay thế nhau. Tuy nhiên vị trí của hoàng đế vẫn bất biến và là “biểu tượng” của một hình thái kinh tế - xã hội quân chủ chuyên chế. Kể từ lúc Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) cho đến tới thời khắc Bảo Đại - vị vua cuối cùng của các triều đại quân chủ Việt Nam thoái vị, lịch sử ghi nhận nhiều vị hoàng đế lần lượt thay thế nhau điều hành đất nước. Hoàng đế có vai trò rất quan trọng. Mọi suy nghĩ, hành động của hoàng đế có vai trò quyết định đến thực tế vận hành xã hội.
Theo Hán - Việt từ điển, hoàng đế là “Ông vua một đế quốc. Ở Trung Hoa từ đời Tần trở về sau, dùng tiếng ấy để gọi vua” [1; 259].
Đỗ Văn Ninh trong Từ điển chức quan Việt Nam cho rằng “Hoàng đế trở thành chức vị cao nhất của quốc gia” [137; 321]. Tần Thuỷ Hoàng sau khi thống nhất sáu nước đã tự cho mình là “Đức Kiêm Tam Hoàng, công bao Ngũ Đế”. Và kể từ đó, danh hiệu hoàng đế đều được dùng để gọi cho những người đứng đầu nhà nước theo thể chế quân chủ.
Theo Hán ngữ đại từ điển (quyển 3): 帝 Đế (có các nghĩa sau): 1) Thượng đế - thiên thần tối cao, vị chúa tể của vũ trụ vạn vật do người xưa tưởng tượng ra; 2) Chỉ vị thiên thần làm chủ một phương; 3) Thời tam đại gọi bậc quân chủ đã chết; 4) quân chủ, hoàng đế: thời viễn cổ chỉ lãnh tụ của liên minh bộ tộc; 5) Thiên tử (con trời): kẻ thống trị tối cao thời cổ đại.
Theo Tìm về cội nguồn chữ Hán: Hoàng:皇Phần dưới chữ vốn là chân đèn; ba nét sổ phía trên là ánh đèn sáng. Đến Tiểu triện thì phần trên viết nhầm thành “tự”, đến Lệ thư lại biến thành “bạch”, vậy là không sao giải thích nữa. Kinh Thi: Đồ tế màu hồng thì “hoàng” (tỏa sáng). Mao truyện: “Hoàng” còn có nghĩa là huy hoàng. Nghĩa mở rộng thành “đại” (to lớn), “đế vương” [120; 280].
Đế: 帝 Là nghi thức cúng tế tổ tông hoặc trời đất một cách long trọng của người thượng cổ (…). Hình dạng chữ giống như là xếp mấy cây gỗ làm thành bàn thờ. Sau đó, dùng để chỉ chữ Đế trong “Đế vương” [120; 189].
Trần Ngọc Vương cho rằng: “Khái niệm hoàng đế qua một thời gian lịch sử dài biến động, nội hàm đã dần ổn định: là danh hiệu chỉ địa vị cực tôn quý của người có được quyền làm chủ” [214; 49].
Kinh Dịch có viết “Thể thiên địa chi đức viết đế” (đế là người thể hiện đức của trời đất); và “thiên địa chi đại đức viết sinh” (đức lớn của trời đất là sinh). Hai câu này hàm ý hoàng đế phải có đức hiếu sinh, tức yêu thương sự sống của muôn vật trong đó có con người. Một quan niệm như thế gián tiếp hạn chế bớt sự chuyên chế, tàn bạo, bất nhân của giai cấp thống trị. Trần Nho Thìn khái quát trên cơ sở nghiên cứu quan niệm chính trị cổ đại: “Hoàng đế, thiên tử là người có đầy đủ những phẩm chất cần thiết nên được trời ủy quyền trị vì thiên hạ” [180; 36]. Tác giả đã đặt ra câu hỏi đế là ai? Và đưa ra các biện luận “Đế là người có khả năng liên thông với trời đất, thần minh vì có đức tương đồng với trời đất” [180; 42]. Đức của trời đất là hiếu sinh, chăm lo cho muôn dân, vạn vật.
Khái niệm “nhân vật” dùng trong luận án có một nét nghĩa tương đối rộng. Nó được tác giả luận án khái quát từ nhiều nguồn tác phẩm khác nhau mà không phải là một nhân vật có sẵn trong một tác phẩm văn học xác định. Theo nghĩa thông thường, trong một tác phẩm văn học, nhân vật hư cấu hay nhân vật ký sự ghi
chép sự thực, tự nó có chân dung ngoại hình, có ngôn ngữ, có hành động, có tâm lý. Còn ở luận án này, người viết phải thông qua nhiều tác phẩm khác nhau dựng lại, phác họa nhân vật, mỗi tác phẩm cung cấp chất liệu về một phương diện nào đó. Như theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư,Lê Thánh Tông có “tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh đáng làm vua, bậc trí dũng đủ giữ nước” [97; 610]. Đây là cách miêu tả theo thi pháp “tả thần” chứ không “tả hình” (trọng thần khinh hình) nên ngày nay ta cũng chỉ có thể biết ngoại hình ngài “tuyệt đẹp”, có “thần sắc khác thường”, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang... Bản thân nhà vua có thơ tự thuật: “Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Đây là lời nói gián tiếp của nhà vua về “tác phong” làm việc cần cù, chăm chỉ hay là một tự sự về công việc thường ngày của một hoàng đế không quan liêu mà cần mẫn với công việc trị nước? Nhưng với hai ví dụ trên, ta có thể thấy, nhân vật hoàng đế như một đối tượng nghiên cứu sẽ hiện lên qua các ghi chép, sáng tác của người bên ngoài quan sát và những sáng tác có tính chất tự thuật, tự họa của chính hoàng đế đó.
Có thể đưa ra khái niệm hoàng đế là người đứng đầu của nhà nước theo thể chế quân chủ chuyên chế. Mỗi khu vực, quốc gia hoàng đế có vị thế khác nhau trong đời sống xã hội. Trong xã hội phương Đông, hoàng đế là người nắm trong tay mọi quyền lực, sở hữu đất đai và thần dân trong phạm vi “bốn bể”. Suy nghĩ và hành động của hoàng đế có sức ảnh hưởng lớn và quyết định sự vận hành của xã hội. Xã hội phương Đông quan niệm hoàng đế là thiên tử – con trời, mang trong mình thiên mệnh để thay trời trị vì thiên hạ. Chính vì có một vị thế đặc biệt trong xã hội quân chủ nên hoàng đế cũng đã trở thành một nhân vật đặc biệt trong sáng tác văn học. Nhân vật hoàng đế xuất hiện trong văn chương không đơn thuần là một kiểu nhân vật văn học mà nó còn gắn với nhiều yếu tố văn hoá chính trị, tư tưởng triết học. Trong suốt hành trình lịch sử văn học, không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm thời trung đại mà đến văn học hậu hiện đại nhân vật hoàng đế này vẫn còn là đề tài thú vị cho sự tìm tòi, sáng tạo.
2.1.2. Sự khác nhau giữa “Đế” và “Vương”
Kinh Thi có câu: “Phổ thiên chi hạ/ Mạc phi vương thổ/ Suất thổ chi tân/ Mạc phi vương thần” (Khắp cõi dưới trời/ Chẳng có chỗ nào là không phải lãnh
thổ của vua/ Noi theo những vùng đất ven bờ/ Dân chúng khắp nơi, chẳng ai là không phải bề tôi vua) [193; 404]. “Đế” hay “Vương” đều là khái niệm chỉ người đứng đầu nhà nước quân chủ, là người nắm quyền cai quản thiên hạ. Tuy nhiên Đế và Vương lại không hề đồng nhất về nội hàm khái niệm. Trần Ngọc Vương cho rằng: “Trong thực tế thì từ đế tới vương là một quá trình phát triển về danh hiệu, về quy mô lãnh cách hình dung thiết chế… về sau, trong tâm lý nhận thức và rồi đến thực tiễn chính trị, đế được coi là cao hơn, quan trọng hơn, toàn năng hơn” [214; 49].
Theo Từ điển Hán Việt, chữ “vương” có nghĩa là vua, “được thiên hạ quy phục” [1; 782]. Trong tiếng Anh, danh từ King chỉ “vua” hay “quốc vương”; với “hoàng đế”, người Anh dùng chữ Emperor. Tương tự, theo tiếng Pháp: Le Roy
dành cho vua; hoàng đế là L’ Empereur… Quốc vương chính là ông vua đứng đầu một vương quốc hay thuộc quốc (quốc gia phụ thuộc), còn hoàng đế mang “tầm cỡ” ông vua của một quốc gia hùng mạnh (đế quốc/ đế chế). Như vậy, mặc dù cùng đứng đầu một thể chế, nhưng “vương” không thể có một “tư thế” ngang hàng với “đế” khi xét về nấc thang quyền lực.
Từ điển chức quan Việt Nam đã có sự phân biệt rất cụ thể giữa “Đế” và “Vương”. Đế là khái niệm chỉ người lãnh đạo quốc gia. Nó có nguồn gốc rất lâu đời từ xưng hiệu của các thủ lĩnh liên minh hoặc các tù trưởng bộ lạc trong truyền thuyết cổ Trung Quốc: Ngũ Đế, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn… “Vua, sách Tả truyện, Hi Công nhị niên có câu: Kim chi vương, cổ chi đế dã. Vua ngày nay là đế ngày xưa vậy. Những người xưng bá chủ thời Chiến quốc gọi là đế” [137; 196]. Khởi đầu xưng hiệu dành cho các nhà lãnh đạo phương Nam không phải là đế mà là vương. Từ thời Văn Lang cho đến Âu lạc các nhà lãnh đạo quốc gia đều xưng vương: Hùng Vương, An Dương Vương. Đỗ Văn Ninh đã chỉ ra rõ sự khác biệt giữa đế và vương ở nấc thang quyền lực: “Khi người cai trị cao nhất quốc gia xưng đế thì Vương là một tước phong cho con” [137; 829]. Các hoàng đế không chỉ phong vương cho con mà cũng tước phong cho những người trong tôn thất có công lao lớn. Chung quy, Đỗ Văn Ninh cho rằng quốc gia có thể tồn tại nhiều vương, nhưng đế là duy nhất.
Từ thời nhà Tần, theo quan niệm của các hoàng đế Trung Hoa, chỉ có đất