6. Cấu trúc của luận án
3.2. Nhân vật hoàng đế với tư cách khách thể phản ánh
3.2.1. Nhân vật hoàng đế“thập toàn” của đấng “chăn dân” trong cảm hứng ngợi ca
3.2.1.1. Tư tưởng đức trị, thân dân của các hoàng đế
Văn chương là điều kiện tiên quyết cho con đường khoa cử nên đã sản sinh ra lực lượng sáng tác hùng hậu. Các nhà nho, thiền sư đã tập trung ca ngợi, tán dương mẫu hình hoàng đế lí tưởng. Đức là phạm trù quan trọng hàng đầu đối với một bậc thánh nhân. Dù đất nước được vận hành bằng nền tư tưởng Phật giáo hay Nho giáo đều đòi hỏi hoàng đế trước tiên phải là người có đức. Các tác giả giai đoạn này hướng về ngợi ca đất nước tự chủ, vương triều hùng mạnh, trong đó, đức của hoàng đế trở thành cảm hứng mạnh mẽ trong văn học. Họ tập trung thể hiện tinh thần đức trị của các hoàng đế. Đức trị là dùng đức để cai trị. Nho gia vốn xem đạo đức là một hình thái ý thức có thể điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết hợp những giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc cùng với tinh thần bác ái, vị tha của đạo Phật và tư tưởng thân dân trong học thuyết Nho giáo, các triều đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đã phát triển tư tưởng thân dân từ “thương dân như con” của triều Lý đến “khoan thư sức dân” dưới triều Trần và đạt đến quan niệm nhân nghĩa, “dân như nước, vua là thuyền, nước có thể đẩy thuyền, lật thuyền” dưới triều Lê sơ.
Hoàng đế trước hết phải là người có đức. Các hoàng đế Lý – Trần tôn sùng đạo Phật, quan tâm đến xây chùa, tạc tượng, đúc chuông… Họ đã thi hành nhiều chính sách đức trị, thân dân. Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho dân: “Đại xá thuế khoá cho thiên hạ ba năm, những người mồ côi, goá chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu đều tha cho cả” [97; 161]. Lý Thánh Tông trước cảnh đại hạn, thương dân lầm than đã phát thóc và tiền lụa trong kho cho dân nghèo. Lý Thái Tổ hạ lệnh ai cướp bóc tiền của dân thì chém. Các hoàng đế Lý – Trần chủ trương trọng dân và lắng nghe dân: Lý Thái Tông cho đúc chuông lớn đặt ở Long Trì để “nhân dân ai có kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên” [97; 175]. Lý Anh Tông “cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân, để ai có nói việc gì thì bỏ thư vào trong ấy” [97; 243]. Ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư cho thấy các hoàng đế trong giai đoạn Lý – Trần đã chủ trương thực hiện tư tưởng đức trị, thân dân. Mặc dù còn mang đậm ý thức hệ phong kiến và xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị
nhưng qua nhiều hành động có thể thấy được tư tưởng tiến bộ và đậm tính nhân đạo, nhân văn của các vị hoàng đế.
Các hoàng đế rất quan tâm chăm lo đời sống nhân dân. Lý Thái Tông dạy cung nữ dệt gấm vóc, cho công chúa cùng cung nữ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa: “dạy cung nữ dệt được gấm vóc, tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ tứ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa” [97; 183]. Lý Anh Tông ra đồng để cày tịch điền cùng nhân dân. Trần Thái Tông chỉ đạo các Hà đê sứ: “rỗi việc làm ruộng thì đốc thúc quân lính đắp bờ đê đào mương lạch để phòng lụt hạn” [97; 282]. Chính sách “ngụ binh ư nông” vừa đảm bảo được lực lượng quân đội vừa thúc đẩy việc tăng gia sản xuất và còn là sợi dây gắn kết giữa chính quyền với nông dân, làng xã.
“Quốc vương đức trạch khoan như hải,/ Tuỳ phận ta ta thuỷ thảo xuân.” (Ơn đức quốc vương rộng như bể,/ Nhưng xin cứ tuỳ phận với chút ít cỏ nước mùa xuân.) (Phóng ngưu – Trần Tung) [143; 203]. Trần Tung ca ngợi ơn đức hoàng đế rộng khắp đến mọi người dân trong xã hội. Lê Quát ca ngợi hoàng đế đã dùng tình thương bao la của mình để đối đãi với lão thần: “Quân ân ưu lão lễvưu thù./ Khắc trượng vi cưu đại lực phù,” (Ơn vua ưu đãi người già, ban cho đồ vật rất đặc biệt./ Gậy khắc hình chim cưu,) (Cưu trượng – Lê Quát) [144; 309].
Một hoàng đế được xem là trị vì thành công khi dùng đức cảm hoá được mọi đối tượng trong xã hội, nhất là ở việc dùng đức để cai trị, cảm hoá quần thần góp sức bảo vệ ngai vàng. Phạm Nhân Khanh trong thời gian đi sứ vẫn luôn da diết nhớ về những công ơn của hoàng đế Trần Duệ Tông: “Long Khánh niên gian bị tuyển luân,/ Chiếu tòng nhật sứ xuyết bồi thần./ Quế cung nghiêm thúy chiêm y cận,/ Mai thiết thung dung cố vấn tần./ Tây thú mang mang mê đại giá,/ Bắc hành nhiễm nhiễm ngộ ai thần./ Lễ văn hữu tận tình vô tận,/ Trướng vọng Thương Ngô lệ mãn
cân.” (Vào năm Long Khánh được chọn làm sứ giả,/ Chiếu vua do mã phu đưa đến bổ khuyết làm bồi thần./ Trong cung quế thâm nghiêm được gần gũi nương tựa,/ Dưới thềm mai nhàn hạ luôn luôn hỏi han./ Đi tuần thú miền Tây mênh mông, xe vua mờ mịt,/ Đi lên phương Bắc xa xăm, gặp lúc đau thương./ Lễ văn có khi hết tình cảm không thể hết,/ Buồn trông núi Thương Ngô, nước mắt đầm khăn.) (Phụng
Bắc sứ cung ngộHy Lăng đại tường nhật hữu cảm - Phạm Nhân Khanh) [144; 408]. Tác giả mượn điển tích “Thương Ngô” để bày tỏ nỗi thương cảm đối với cái chết của hoàng đế Duệ Tông trong trận đánh quân Chiêm Thành.
“Thanh hạ mỗi tồn tông xã niệm,/ Liệu tri mộng mị đáo Thăng Long.”
(Trong nhàn nhã, Thượng hoàng vẫn nghĩ đến việc nước,/ Chắc trong giấc ngủ, vẫn mộng thấy mình đến Thăng long.) (Phụng canh Thái Thượng hoàng ngự chế đề Thiên Trường phú Trùng Quang Cung – Trần Nguyên Đán) [144; 138]. Hình ảnh hoàng đế trong lời thơ Trần Nguyên Đán là hình ảnh một thiên tử rất mẫu mực. Nắm trong tay mọi quyền lực, hoàng đế ngự trên bệ rồng có quyền hưởng thụ cuộc sống xa hoa, sung túc. Tuy nhiên thơ Trần Nguyên Đán đã cho thấy hình ảnh một hoàng đế ngày đêm lo lắng chuyện triều chính. Ngay cả trong lúc nhàn nhã hay trong giấc ngủ, hoàng đế vẫn suy tư, trằn trọc việc nước. Mặc dù thời vãn Trần xã hội tồn tại nhiều thực trạng xót xa nhưng qua văn chương, các tác giả vẫn thể hiện tinh thần hết mực tôn sùng hoàng đế.
Đến thời Lê sơ, khi Nho giáo đã thắng thế thì cảm hứng ngợi ca hoàng đế ở phương diện đức trị, thân dân càng trở nên mạnh mẽ. Các tác giả giai đoạn này là những nhà nho hành đạo, chịu sự chi phối mạnh mẽ của thuyết tam cương, ngũ thường. Văn chương của họ thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối dành cho hoàng đế. Họ hướng đến một xã hội Nghiêu Thuấn với vua sáng tôi hiền, ngợi ca đạo đức của hoàng đế. Qua đó, họ tự ý thức được trách nhiệm của kẻ sĩ trong việc tận tuỵ phò tá hoàng đế. Kinh thi khẳng định thơ là để phản ánh âm thanh của thời đại “âm thanh thịnh thì yên vui, vì chính sự thời ấy ôn hoà”. Văn học thời Lê sơ rộn rã âm thanh của sự hân hoan mừng chiến thắng quân Minh, giọng điệu hào hùng của những con người vượt qua muôn vàn khó khăn để giành lại được nền độc lập. Các nhà nho ý thức được rằng để có thành quả ấy ngoài sức dân còn nhờ vào sự dẫn dắt sáng suốt và đức lớn của hoàng đế.
Sau chiến thắng quân Minh, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để tái hiện những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Chiến thắng quân Minh là nhờ vào tài năng và công đức của Lê Lợi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,/ Lấy chí nhân để thay cường bạo.” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) [126; 69]. Đức lớn nhất của bậc đế vương là đức hiếu sinh. Nó được biểu hiện cụ thể qua tinh thần nhân nghĩa. Nhân
nghĩa thường được Nguyễn Trãi đề cập trong các sáng tác chính là phẩm chất đạo đức của người cầm quyền, là đường lối cai trị của hoàng đế đối với nhân dân. Vì sao giặc Minh thất bại? Đó chính là không có đạo chí thành và đức hiếu sinh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ,/ Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế,/ Gây binh kết oán, trải hai mươi năm…” [126; 66]. Giặc Minh đã tàn độc gây bao cảnh tang thương thì “Lẽ nào trời đất dung tha,/ Ai bảo thần dân chịu được,” [126; 66]. Lê Lợi là người hội tụ đủ yếu tố đức qua lòng nhân nghĩa, đức hiếu sinh nên được trời giao cho mệnh thiên tử: “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn./ Ta gắng chí khắc phục gian nan,” [126; 68]. Lê Lợi nhận thức được trời đã ban cho mệnh đế vương và thử thách, muốn bước đến ngôi cao phải vượt qua cơn biến loạn. Thời thế thử anh hùng, nó đã trở thành động lực to lớn thôi thúc ông “dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”.
Tư tưởng chính trị thiên – nhân hợp nhất chi phối mạnh mẽ Bình Ngô đại cáo
của Nguyễn Trãi. Khi hoàng đế là người đủ đức được trời lựa chọn, thì không khó khăn nào, cường địch nào ngăn được. Lê Lợi hiện lên với tư cách là một thánh chúa chinh phục bằng nghĩa, dẹp loạn bằng nhân. Cho dù hùng mạnh nhưng quân địch cuối cùng đã tan tác bởi tài năng quân sự của một hoàng đế khởi nghiệp oai phong lừng lẫy: “Thế trận xuất kì, lấy yếu chống mạnh,/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) [126; 68]. Bản chất thật sự của chiến thắng đó là sức mạnh quân sự, binh pháp phù hợp trong từng trận đánh, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của quân dân… Tuy nhiên, Nguyễn Trãi không đề cao quyền mưu mà đánh giá thắng lợi nằm ở tinh thần nhân nghĩa của Lê Lợi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,/ Lấy chí nhân để thay cường bạo.” [126; 69]. Phạm trù đức trị của hoàng đế còn được thể hiện qua việc trị nước bằng nhân nghĩa. Xuyên suốt các tác phẩm của mình, Nguyễn Trãi đều đề cập đến vấn đề này. Nhân nghĩa ở đây được xem là phẩm chất đạo đức của người đứng đầu đất nước. Cảm hứng yêu nước và tinh thần dân tộc luôn thường trực trong thơ Nguyễn Trãi. Thông qua việc ngợi ca nền thái bình, thịnh trị của đất nước, ông đã khéo léo đề cao vương triều và tinh thần anh minh, thần võ của hoàng đế. Trong Lam Sơn thực lục Nguyễn Trãi cũng đã lí giải, chiến thắng của Lê Lợi là bởi lòng nhân: “Người Ngô hình nặng chính ác, mất hết lòng người. Vua thì làm trái hẳn lại, lấy nhân thay bạo, lấy trị thay loạn, bởi
vậy nên thành công mau chóng” [205; 71]. Đánh thắng ngoại xâm, nghiễm nhiên Lê Lợi đường hoàng bước lên ngôi hoàng đế. Thế nhưng, Nguyễn Trãi vẫn viết Bình
Ngô đại cáo một mặt tổng kết lại cuộc chiến tranh gian khổ của nhân dân ta mặt khác biện luận về tính chính danh cho ngôi vị đế vương của Lê Lợi.
Xưa nay địa linh luôn gắn liền với nhân kiệt. Không thể phủ nhận rằng Đại Việt với địa hình hiểm trở đã góp phần cho việc chiến thắng nhiều thế lực quân sự xâm lược hùng mạnh. Tuy nhiên, văn học giai đoạn này đề cao yếu tố nhân kiệt hơn yếu tố địa linh. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, những địa danh: Chí Linh, Xương Giang, Lam Sơn đã ghi dấu thắng lợi hào hùng của dân tộc. Thông qua những chiến thắng giòn giã, hình ảnh của Lê Lợi – Lê Thái Tổ được hiện lên với một vị tướng lĩnh, hoàng đế anh minh thần võ: “Không cứ ở đất hiểm,/ Mà cốt ở đức lành.” (Phú núi Chí Linh – Lý Tử Tấn) [126; 281]; “Đức có cao, công mới lớn./ Người có hùng, đất mới linh./ Giữ nước không cốt ở thể hiểm,/ Giữ dân không cốt ở hùng binh… Đức nhà vua thịnh, non sông linh./ Áo nhung một mảnh, võ công thành,” (Phú trận Xương Giang – Lý Tử Tấn) [126; 286].
Lê Thái Tổ là thiên tử được trời thác mệnh cứu dân qua cơn biến loạn. Các bài phú nhắc đến vị hoàng đế này vừa vừa ca tụng võ công vừa đề cao tinh thần nhân nghĩa,: “Trời sinh bậc thánh,/ Đất dấy nghiệp vương.” (Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi) [126; 216]; “Thánh tổ chịu mệnh ngôi trời,/ Đổi khoan lấy ác, khắp nơi thuận hòa,” (Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn) [126; 289]. Hoàng đế được giải thích về nguồn gốc “thiên mệnh” và vai trò “thiên tử” thay trời trị vì thiên hạ. Để cảm hóa và phục chúng, hoàng đế cần phải khẳng định tài năng và đức độ. Trước hết là tài năng quân sự thể hiện ở chiến công dẹp nội thù, phá ngoại xâm.
Phạm trù đức được nhắc đến rất nhiều lần trong các bài phú giai đoạn này. Theo quan điểm Nho giáo, hoàng đế phải có nhân cách lí tưởng “nội thánh, ngoại vương”, tức là phải đạt đến phẩm chất của một thánh nhân. Phẩm chất ấy được thể hiện bằng đường lối chính trị nhân nghĩa. Nhân nghĩa của hoàng đế được thể hiện trước hết là tấm lòng yêu thương dân. Mạnh Tử nói: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Xét cho cùng, hoàng đế được phó thác trị nước là để lo cho dân: “Đức Thái Tổ/ Quân có một toán/ Đất có một thành./ Thấy dân cực khổ./ Động mối
thương tình/ Bèn theo lòng trời,/ Bèn họp nghĩa binh” (Phú trận Xương Giang – Lý Tử Tấn) [126; 284].
Mạnh Tử nói: “Vua có nhân đạo thì không ai dám không theo đạo nhân, vua có nghĩa thì không ai dám bất nghĩa; vua ngay thẳng (chính) thì không ai dám không ngay thẳng” [175; 46]. Hoàng đế triều Lê sơ đã xây dựng được xã hội thái bình và là tấm gương sáng cho thiên hạ: “Thánh thượng ta nay:/ Lấy nhân dựng nước,/ Lấy nhân trị dân/ Coi muôn người như một, nên muôn vật có nơi có chốn;/ Tự mình làm gương tốt, thì thiên hạ có nghĩa có nhân.” (Phú ởnơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) [126; 293]. Đức được xem là tấm vé thông hành cho sự thành công: “Thành công đó, vốn nhờ trời cho đức lớn/ Thần kì thay, tự cổ chưa thấy đâu hơn!” (Phú Lam Sơn – Nguyễn Trãi) [126; 247]. Duy đức phối thiên, dạy nhân nghĩa, trọng lễ nghi, lấy nhu hóa cương là những việc mà mỗi hoàng đế phải có trách nhiệm làm gương giáo huấn thiên hạ: “Lấy điều cốt yếu chống điều hỗn tạp,/ Lấy tính ôn nhu ngăn tính bạo cường.” (Phú Lam Sơn – Nguyễn Trãi) [126; 248]. Đức hiếu sinh của hoàng đế không chỉ dành cho nhân dân mà còn đối với kẻ thù: “Đức lớn hiếu sinh./ Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước,/ Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh./ Sửa hoà hiếu cho hai nước,/ Tắt muôn đời chiến tranh.” (Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi) [205; 87].
Đức trị của hoàng đế còn được thể hiện qua việc chú trọng giáo hóa đạo đức cho bách tính và biết trọng dụng hiền tài: “Dùng hiền tài để làm giạu chặn, phên cài./ Lo trị nước từ khi chưa loạn,/ Lo giữ nhà từ lúc chưa nguy./ Sáng tối kiên trì, sửa mình luyện chí;/ Cảnh giác sơ hở, đề phòng đơn sai./ Để cho cuộc nền thái bình muôn đời vững chắc,/ Để cho cuộc tịnh trị muôn thuở lâu dài.” (Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn) [126; 289]. Trong sự nghiệp trị quốc, các hoàng đế quan tâm đến giáo dục, khoa cử, tuyển chọn người tài. Các hoàng đế Lý – Trần rất quan tâm đến giáo dục và mở các khoa thi để tìm kiếm nhân tài phục vụ đất nước. Năm 1070 Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu. Năm 1076 Lý Nhân Tông lập ra Quốc Tử Giám. Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần tổ chức 14 khoa thi để chọn ra nhân tài phục vụ đất nước.
Bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng điểm chung là các tác giả giai