6. Cấu trúc của luận án
3.1.3. Nhân vật hoàng đế thi sĩ trong cảm quan thẩm mĩ
3.1.3.1. Tình yêu thiên nhiên
Các hoàng đế giai đoạn này có sự phân thân một bên là con người chức năng, một bên là dấu hiệu của cái tôi cá thể. Với tư cách con người chức năng, hoàng đế dùng văn chương vào công cuộc trị quốc và hoằng dương Phật pháp. Các thể loại hành chính, công vụ đều được đưa vào văn chương để phục vụ công việc triều đình: kệ, bài giảng, hành trạng, cáo, chiếu, biểu, tấu… Cái tôi cá thể của hoàng đế trong văn học giai đoạn này chưa được thể hiện nhiều. Tuy nhiên, những cảm xúc trước thiên nhiên, những tác động của cuộc sống đời thường đã giúp con người cá nhân trong hoàng đế có dịp được thể hiện.
Cảm hứng chính trong văn học giai đoạn này chính là cảm hứng yêu nước. Con người xuất hiện trong văn chương phần lớn mang tính cộng đồng. Đó là những con người hướng tâm, sống theo những chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Tuy nhiên, qua những sáng tác của các hoàng đế, trong văn học giai đoạn này có thể nhận thấy sự tăng dần của yếu tố tự sự, trữ tình. Các hoàng đế thời Lý dùng văn chương phần lớn để phục vụ tôn giáo và hành chính nên đậm nét mẫu hình hoàng đế - thiền sư. Từ
thời Trần, những sáng tác của các hoàng đế đã mở rộng đối tượng phản ánh và hướng đến yếu tố trữ tình. Văn chương của các hoàng đế bắt đầu gắn liền với đời sống và gia tăng tính nghệ thuật. Di sản quan trọng của văn học Lý – Trần là thơ thiền. Nhìn từ chức năng, thơ thiền có hai loại: loại thứ nhất vốn là những bài kệ, tụng để nêu lên những quan niệm về thiền và truyền đạo. Loại thứ hai nằm giữa kệ và thơ, vừa mang những triết lý thiền vừa chứa đựng những cảm xúc trước thiên nhiên, con người, cuộc sống trần thế.
Nguyễn Công Lý đánh giá về thơ các hoàng đế triều Trần: “Các vua chúa đời Trần khi về già hoặc bất mãn việc gì hay tìm đến thiên nhiên… đi tu đối với các vị là một cái thú được xa lánh phồn hoa đô hội để gần gũi với thiên nhiên và để sáng tác thơ ca. Vì vậy, họ thường là thi nhân hơn là thiền sư” [105; 110]. So với các hoàng đế triều Lý thì các hoàng đế triều Trần đã bộc lộ ngày càng rõ nét cái tôi trữ tình, những cảm xúc, suy tư trước cuộc đời qua thơ văn. Qua ngòi bút của thi sĩ, cái tôi trữ tình đã thể hiện được những nhân cách lí tưởng của hoàng đế – thiền sư.
Thiên nhiên trong thơ thiền có hai dạng. Một là hình ảnh thiên nhiên mang tính chất biểu tượng, bày tỏ trực tiếp, hoặc gián tiếp tư tưởng triết lý Phật giáo. Hai là hình ảnh thiên nhiên hiện thực đẹp đẽ, sinh động khiến tác giả rung cảm và đưa vào thơ ca thông qua cảm quan thiền học. Nếu như thiên nhiên mang tính biểu tượng được thể hiện dưới góc độ hoàng đế – thiền sư thì thiên nhiên hiện thực tạo nên hình ảnh hoàng đế – thi sĩ. Thơ viết về thiên nhiên hiện thực của hoàng đế Trần Nhân Tông hướng đến thuỷ nguyệt điền viên, giang sơn, lâm tuyền…Với cảm hứng thuỷ nguyệt điền viên, trong thơ Trần Nhân Tông hiện lên ánh trăng lung linh và dòng nước trong yên ả. Ánh trăng trong thơ Phật hoàng hiện lên trong trẻo và hoà nhập với cảnh sắc thiên nhiên: “Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,/ Lộ trích thu đình dạkhí hư./ Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.” (Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường,/ Sương thu rơi ngoài sân, hơi đêm nhẹ./ Thức giấc nghe tiếng chầy đập vải đâu đó./ Trăng vừa mọc đến ngọn hoa quế.) (Nguyệt – Trần Nhân Tông) [143; 347].
Màn đêm vắng vẻ, tĩnh lặng đến mức thi nhân có thể lắng nghe được cả tiếng sương thu rơi trên sân. Tiếng động từ sương rơi dù rất nhẹ nhàng nhưng đã phá vỡ cái yên ắng của của màn đêm và khoảng không bao la của vũ trụ. Sự đối lập động -
tĩnh cho thấy tâm hồn thi sĩ rất nhạy bén, rung cảm và giao hoà với thiên nhiên, tạo vật. Ở hai câu thơ cuối, cảnh bắt đầu chuyển động. Tiếng chày đập vải là âm thanh của cuộc sống trần thế. Dù khi thức dậy đã không còn nghe tiếng chày, nhưng ở đâu đó trong tiềm thức, dường như còn âm vang trong tâm tưởng thi sĩ. Phải có một tình yêu thiên nhiên, một sự tĩnh lặng cao độ, một tâm hồn cởi mở sẵn lòng giao hoà với vạn vật mới cảm nhận được hết những chuyển biến tinh tế của thiên nhiên trong khung cảnh bao la, huyền diệu.
Văn học thời Lê sơ vẫn không nằm ngoài nhiệm vụ truyền tải các yếu tố văn hoá chính trị. Tuy nhiên tính chất nghệ thuật đã dần gia tăng nếu đặt trong cái nhìn đối sánh với văn học chức năng. Thơ ca của hoàng đế cũng đã tăng dần yếu tố tự sự, trữ tình, tỏ bày xúc cảm phong phú trước tạo vật… Giai đoạn này văn học dân tộc ghi nhận một vị hoàng đế không chỉ tài năng trị quốc mà còn giỏi thơ văn. Đó là vị hoàng đế thứ tư triều Lê sơ - Lê Thánh Tông - một thi sĩ với khối lượng sáng tác đồ sộ chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đặc biệt, Lê Thánh Tông là chủ soái Tao đàn nhị thấp bát tú. Việc lập Tao đàn nhị thập bát tú thể hiện mong muốn tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cung đình nơi vua tôi xướng họa - điều được nhà vua đề cập trong bài tựa Quỳnh uyển cửu ca: “Ta nhân rảnh việc, nhàn khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn. Im lặng chung quanh, thơm phức một vùng. Lòng dục lắng xuống, tinh thần lên cao. Trong cảnh tĩnh mịch, nhân đà hứng thú. Ta chợt nghĩ đến phép nước lớn lao của các bậc vua sáng, cũng như ý thức cẩn trọng của bao kẻ tôi hiền, bèn cho gọi chàng Giấy họ Bút, vị khách quý Mực đen, người trọng thần Nghiên đá…” [127; 507]. Mặc dù như đã nói, việc xướng hoạ nhằm mục đích ca ngợi hoàng đế, răn dạy quần thần nhưng không thể phủ nhận rằng, nó xuất phát từ tâm hồn thi sĩ của hoàng đế.
Tập thơ Chinh Tây kỷ hành đã cho thấy nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết của hoàng đế Lê Thánh Tông. Cởi bỏ áo bào trở về với con người thế sự, ông cũng trăn trở với những niềm riêng, những tình cảm cá nhân của một con người bình thường trong thế tục. Tuy nhiên trước cảnh nhân dân lầm than, ông đã dẹp bỏ tình riêng tiếp tục lên đường cứu dân: “Trừng trừng bích hán thái vân thu,/ Thiên tế vô hà nguyệt sắc phù./ Bách niệm công nhân can phế nhiệt,/ Bất năng thành mộng đáo
hằn rõ./ Nghĩ đến dân trăm mối, gan ruột như bốc sôi,/ Còn có lòng nào mộng mị hướng về Kinh kỳ nữa.) (Cảm nguyệt – Lê Thánh Tông) [127; 118].
Qua thơ văn, độc giả còn gặp gỡ một hoàng đế Lê Thánh Tông có tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết. Ông ca ngợi giang sơn gấm vóc qua vịnh cảnh sông núi, đền miếu, trăng gió, lá hoa… Cảnh vật trong thơ Lê Thánh Tông không chỉ được cảm nhận bằng con mắt của một nhà thơ mà còn được chiêm ngưỡng qua cái tâm của một vị hoàng đế. Thơ Lê Thánh Tông có sự luân phiên hoá thân nhân vật trần thuật. Khởi đầu từ một điểm nhìn của một nhà thơ để ca ngợi thiên nhiên sau đó chuyển đến điểm nhìn của một hoàng đế ca ngợi sự giàu đẹp của đất nước. Ngoài ra, độc giả còn bắt gặp bức tranh tự họa bằng thơ của Lê Thánh Tông mang đậm màu sắc thi sĩ. Đó là những bài thơ có chủ đề trữ tình hướng nội. Ông mượn lời thơ để thể hiện những khát vọng cá nhân, những nỗi niềm sầu kín rất đời thường:
“Giang hàm lạc nhật dao cô ảnh,/ Tâm trục phi vân tức vạn duyên.” (Mặt trời chiếu đáy sông, rung rinh chiếc bóng,/ Lòng ruổi theo mây, lặng lẽ nỗi niềm.) (Đông tuần quá An Lão – Lê Thánh Tông) [127; 141]. Có thể thấy ở đây một thi sĩ Lê Thánh Tông mượn thiên nhiên bày tỏ khoảng lặng trong tâm hồn. Phía trong hình tượng mặt trời đơn lẽ in bóng dưới dòng sông, thả lòng theo dòng nước là bao niềm ưu tư, thầm kín của thi sĩ.
Qua văn chương tự hoạ, các hoàng đế giai đoạn này có khi đóng vai trò là một thiền sư đắc đạo, có khi là một nhà chính trị kiệt xuất và cũng không ít lần nhập vai thi sĩ để bày tỏ những tâm tư đậm chất trữ tình. Điểm chung của họ đều yêu thiên nhiên, mượn thiên nhiên để bày tỏ những nỗi lòng thi sĩ.
3.1.3.2. Tình yêu thương dành cho con người
Yêu thiên nhiên, giao hoà với thiên nhiên nhưng hoàng đế – thi sĩ không quên gửi vào thơ ca tình yêu thương dành cho con người. Các hoàng đế từ thế kỉ X đến thế kỉ XV lựa chọn nền đức trị, thân dân nên những suy nghĩ của họ đều gần gũi và hướng về số phận những con người trong xã hội.
“Thuỵ khởi câu liêm khán truy hồng,/ Hoàng li bất ngữ oán đông phong./ Vô
đoan lạc nhật Tây lâu ngoại,/ Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông.” (Ngủ dậy cuốn rèm thấy hoa hồng rụng,/ Chim hoàng anh chẳng hót giận gió xuân./ Bỗng dưng mặt trời lặn ngoài lầu Tây,/ Bóng hoa đầu cành đều hướng về phía Đông.) (Khuê
oán – Trần Nhân Tông) [143; 342]. Với chủ thể sáng tạo phần lớn là các nhân vật chính trị, văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV mang “hơi thở chính trị” từ không gian đến nội dung thể hiện. Phần lớn những tác phẩm văn học của giai đoạn này ra đời nhằm mục đích duy trì và bảo vệ chế độ chuyên chế. Vì thế vấn đề nữ quyền trong văn học giai đoạn này rất hiếm hoi bởi văn học bị “trói buộc” theo quan niệm Nho giáo. Người phụ nữ hầu như không có tiếng nói cá nhân. Họ bị giam lỏng trong những quy chế: tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tuỳ… Ở vị thế một hoàng đế, nhưng Trần Nhân Tông đã mở lòng mình để bày tỏ niềm thương cảm cho người chinh phụ.
Bài thơ Khuê oán mượn cảnh buổi sớm mai để diễn tả tâm trạng người khuê nữ. Sau giấc ngủ êm đềm nơi màn che, trướng gấm, người phụ nữ cuốn bức rèm để ngắm thiên nhiên ngoài khung cửa. Hình ảnh hoa rụng tượng trưng cho tuổi xuân sắc đang dần trôi. Chim hoàng anh chẳng hót phải chăng vì đang oán giận gió xuân đang cướp đi những cánh hoa của tuổi xuân thì. Người khuê phụ trong bài thơ đã nhận thức được quy luật tuần hoàn của bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông. Đời người cũng vận hành qua bốn giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Khuê phụ bày tỏ tâm trạng buồn đau, oán hận vì phải sống đơn độc, mỏi mòn trong lầu son, gác tía. Hình ảnh bóng hoa đang hướng về phía Đông tượng trưng cho tuổi trẻ còn căng tràn nhựa sống. Dẫu biết mặt trời lặn về phía Tây là quy luật của tự nhiên nhưng nó vô tình, hờ hững trước những chồi non mơn mởn. Mặt trời ở đây là biểu trưng cho đấng quân vương với vẻ đẹp rực rỡ, ấm áp. Bóng hoa là biểu trưng cho số phận những người cung nữ chốn lầu son. Hoàng đế Trần Nhân Tông dùng hai hình ảnh biểu trưng để nói lên nỗi buồn thương của những người cung nữ chốn hậu cung đang khao khát, chờ đợi ân tình của đấng quân vương.
Bình thiên hạ là mục tiêu cao quý nhất của người quân tử; và trong con đường hướng đến giá trị lí tưởng đó, Nho giáo xem nữ giới, tình yêu đôi lứa là vật cản đối với con đường tu thân của người quân tử. Trong những sáng tác của mình, hoàng đế Lê Thánh Tông luôn thể hiện sự trân trọng, bao dung đối với nữ giới: Trưng Vương, Vũ Nương... Có thể nói Lê Thánh Tông là hoàng đế đầu tiên dành nhiều niềm thương cảm cho nữ giới qua văn chương. Ông ca ngợi những tấm gương liệt, trinh, thục nữ: “Sở quốc Phàn Cơ quang phụ đức,/ Trưởng tôn Hoàng hậu hữu
gia mô.” (Phàn Cơ nước Sở đã nêu gương tốt về đạo đức phụ nữ,/ Hà hoàng họ Trưởng Tôn đã noi theo một khuôn phép đẹp.) (Khiến thái tử nhập học – Lê Thánh Tông) [127; 144].
Lê Thánh Tông bày tỏ niềm thương cảm và giải oan cho Vũ nương. Ông viết về nỗi oan khuất của người phụ nữ chịu thác oan bởi cảnh xa chồng vì binh loạn. Vũ nương đã trở thành tấm gương giữ đạo vợ chồng chung thuỷ, trinh tiết: “Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,/ Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?/ Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,/ Cung nước chi cho luỵ tới nàng./ Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,/ Giải oan chi lọ mấy đàn tràng./ Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,/ Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.” (Điếu Vũ nương – Lê Thánh Tông) [127; 59].
Lòng yêu thương của hoàng đế dành cho con người còn thể hiện bằng sự trân trọng dành cho người lính già: “Bạch đầu quân sĩ tại,/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.” (Quân sĩ có người đầu bạc vẫn còn,/ Thường thường kể chuyện thời Nguyên Phong.) (Xuân nhật yết Chiêu Lăng – Trần Nhân Tông) [143; 335]. Trong gió xuân phơi phới, trước Chiêu Lăng sừng sững, oai nghiêm, người lính già vẫn một lòng trung thành ngày đêm canh gác giữ gìn lăng tẩm. Dù năm tháng đã trôi xa nhưng người lính già ấy vẫn say sưa kể lại những chiến công oai hùng của hoàng đế Trần Thái Tông. Ký ức và thực tại đan xen làm tái hiện lại một giai đoạn hào hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Bên cạnh lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tổ phụ, hoàng đế Trần Nhân Tông còn thể hiện tình thương, lòng nhân ái, trân trọng những con người nhỏ bé.
Với trái tim nhân hậu của thi nhân, Lê Thánh Tông đã vượt ra ngoài những giới hạn, những ràng buộc của Nho giáo để nâng niu những số phận bé nhỏ, bình dân. Lê Thánh Tông còn thể hiện lòng thương cảm sâu sắc dành cho binh sĩ. Họ là những người đã vào sinh ra tử, sát cánh bên ông trên chiến địa để bảo vệ nền hoà bình cho Đại Việt: “Lạnh lẽo vui chi áng cõi bờ/ Miễn vì vực nước, cứu dân xưa/ Năm canh gió thổi lay con mác/ Nghìn dặm mưa rây đượm lá cờ/ Sương đượm lá quyên nguyên nhuỵ ngọc/ Tuyết in cành trúc nảy hoa mơ/ Dãi dầu lại trải mười thu vẹn/ Một tấm niềm đan phẳng nữa tờ.” (Đóng quân phương xa – Lê Thánh Tông) [127; 63- 64]. Qua những câu từ trong bài thơ có thể thấy được nỗi nhọc nhằn của
những người lính xa nhà. Vì bảo vệ non sông, những người lính đã vượt nghìn dặm xa xôi. Cuộc hành quân ấy bất kể ngày đêm trong thời tiết khắc nghiệt gió, mưa, sương, tuyết. Tuổi trẻ những người lính gắn liền với trận địa, mười năm trường dầu dãi nắng mưa nhưng vẫn vững chí, bền gan: “Diểu diểu ba đào cùng vọng nhật,/ Thông thông thời tự tích lưu niên./ Khước lân nê lộcù lao sĩ,/ Phú thủ mang vô mộc quách tiền.” (Sóng nước mênh mang, mắt nhìn mất hút/ Thời gian vùn vụt, tiếc thay năm tháng/ Thương thay binh sĩ dãi dầu gian khổ/ Khi chết bịt đầu, không có tiền sắm đồ khâm liệm.) (Trú Hà Hoa hải khẩu, dạ toạ thính vũ, bi cảm câu sinh – Lê Thánh Tông) [127; 114]. Chiến tranh không thể tránh khỏi cảnh máu chảy đầu rơi. Những người lính đã trải qua những năm tháng gian khổ, và lúc trận vong, họ nằm lạnh lẽo giữa chiến trường. Lê Thánh Tông bày tỏ sự xót xa trước cảnh thiếu thốn không được an táng đủ đầy cho những người lính quả cảm.
Đọc thơ Lê Thái Tông có thể thấy được tình thương bao la của ông dành cho