Hệ thống ngôn từ thể hiện nhãn quan chính trị

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 135 - 178)

6. Cấu trúc của luận án

4.2.2. Hệ thống ngôn từ thể hiện nhãn quan chính trị

Văn học giai đoạn này tập trung miêu tả về nhân vật hoàng đế nên hệ thống ngôn ngữ thể hiện diễn ngôn về hoàng đế xuất hiện rất phổ biến. Do là nhân vật chính trị nên khi miêu tả hoàng đế, các tác giả thường vận dụng hệ thống ngôn ngữ gắn liền với các quan điểm về chính trị. Hệ thống ngôn từ thể hiện nhãn quan về chính trị của hoàng đế cũng được thể hiện qua hai hình thức: cái tôi tự biểu hiện và khách thể phản ánh.

Ở hình thức cái tôi tự biểu hiện, các hoàng đế để khẳng định vị thế, bảo vệ ngai vàng đã không ngừng diễn ngôn về mình qua các khái niệm: thiên tử, mệnh trời, thiên mệnh… Các khái niệm này xuất hiện xuyên suốt trong văn học giai đoạn này hầu hết trong các thể loại: “Lòng vì thiên hạ những sơ âu,/ Thay việc trời, dám trễ đâu.” (Tự thuật – Lê Thánh Tông) [127; 59]. Các hoàng đế mượn đức tin của

dân vào các lực lương thần, thiêng để diễn ngôn về chính trị. Diễn ngôn của họ khẳng định bản thân chính là đại diện tiêu biểu nhất được trời lựa chọn và xứng đáng với vị thế đứng đầu quốc gia. Bên cạnh diễn ngôn chính trị về nguồn gốc “thiên”, các hoàng đế phải tạo dựng hình ảnh đế vương đầy uy lực và có khả năng thuyết phục được thiên hạ. Đó là việc vận dụng nghệ thuật ngôn từ để xây dựng niềm tin, sự tôn sùng, ngưỡng vọng từ thần dân trăm họ. Để thu phục được lòng dân, các hoàng đế không ngừng diễn ngôn về tinh thần thương dân, trọng dân. Điều đó thể hiện qua các ngôn từ trong thơ văn. Hình ảnh nông dân hiện lên là: dân lành, thương sinh và trách nhiệm của hoàng đế là nuôi dân, điếu dân “Miếu đường có thuở vang lừng tiếng/ Giúp được dân làng kẻo nắng nôi.” (Con cóc – Lê Thánh Tông) [127; 612].

Ở hình thức khách thể được phản ánh, các nhà nho, thiền sư ra sức diễn ngôn về hoàng đế qua các khái niệm: minh quân, thánh quân, ơn chúa, thánh chúa… “Thuỷ chung mỗ vật đều nhờ chúa,/ Động tĩnh nào ai chẳng bởi thầy.” (Mạn thuật

– Bài 3 – Nguyễn Trãi) [126; 101]. Bảo vệ vương quyền cũng chính là bảo vệ lợi ích của cá nhân, giai cấp cộng với tư tưởng trung quân, ái quốc, các tác giả không ngừng nhấn mạnh về con đường đức trị của hoàng đế. Thơ văn xuất hiện rất nhiều những ngôn từ biểu đạt quan niệm về đức của hoàng đế: bố đức, hợp đức, sửa đức, nhân nghĩa… “Nhân phong ô biến quần phương tục,/ Hiếu trị quang thuỳ vạn cổ

danh.” (Lấy đức nhân biến hoá phong tục khắp nơi cho thuần phục,/ Có lòng hiếu cao quý để tiếng ở muôn đời.) (Thân Nhân Trung vâng hoạ) [127; 489]. Đặc biệt, nhân nghĩa được xem là từ khoá xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm. Nhất là các sáng tác trong văn học thời Lê sơ. Nhận thức được chiến thắng trước quân Minh là nhờ vào nhân nghĩa của bậc thánh chúa, các tác giả không ngừng nhắc đến nhân nghĩa trong các sáng tác.

Từ thời Lê sơ, khái niệm dân như nước, vua như thuyền được thường xuyên nhắc lại để nhắc nhở hoàng đế tinh thần trọng dân: “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ;/ Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.” (Lật thuyền mới rõ dân như nước;/ Cậy hiểm khôn xoay ở mệnh trời.) (Quan hải – Nguyễn Trãi) [205; 280].

Ngôn từ đã được các tác giả vận dụng khéo léo để tạo nên tính hệ thống trong việc thực hiện những diễn ngôn về các quan điểm trị nước của hoàng đế. Từ đó góp phần thể hiện những đặc điểm của hoàng đế trong văn học giai đoạn này.

4.2.3. Hệ thống ngôn từ thể hiện quan niệm thẩm mĩ

Dùng điển là một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của văn học trung đại. Nhất là đối với thơ ca, thể loại coi trọng tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại, dung lượng vừa phải, việc dụng điển càng trở nên quan trọng bởi khả năng kiêm nhiệm cả hai việc biểu ý và biểu cảm của chúng. Trong việc hướng đến xây dựng nhân vật hoàng đế, các đối tượng sáng tác có những phương thức dùng điển khác nhau để thể truyền tải những quan niệm thẩm mĩ.

Chịu sự chi phối của tư tưởng Phật giáo, trong sáng tác của các hoàng đế Lý – Trần xuất hiện nhiều điển cố trong kinh, luật nhà Phật. Điển tích Phật giáo là những từ ngữ được trình bày ngắn gọn, hàm súc trích dẫn về nhân vật lịch sử, địa danh, quan điểm thuộc phạm trù Phật giáo. Các điển cố Phật giáo đã phản ánh được tình thần giáo lý, bằng cảm quan Phật giáo sâu sắc của các hoàng đế. Các hoàng đế khi sáng tác các tác phẩm mang cảm quan Phật giáo thường nhắc đến điển tích về các danh hiệu của các tổ sư đắc đạo: “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng

Thích Ca;/ Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lc.” (Cư trần lạc

đạo phú – Trần Nhân Tông) [143; 376]. Các hoàng đế mượn điển tích về các tổ sư để nhắc nhở tấm gương sáng cho hậu thế dày công tu hành đắc đạo.

Khi nói nhấn mạnh quan niệm về sự vô thường của kiếp người, các hoàng đế đã sử dụng các điển cố về tứ sơn. Thân do tứ đại mà thành, không có gì là tồn tại vĩnh viễn: “Tứ sơn giả, sinh lão bệnh tử dã. Kim tự tứ sơn chi tự, dĩ di quyết hậu.” (Bốn núi là đó là sinh, già, bệnh chết. Nay xin trình bày tư tự bốn núi để lưu lại cho đời sau.” (Phổ thuyết tứsơn – Trần Thái Tông) [211; 42]. Trong quá trình sáng tác để truyền tải các triết lí nhà Phật, các hoàng đế luôn sử dụng các điển cố về những tấm gương những tổ sư đắc đạo: Phật tổ Như Lai, Di Lặc…, các địa danh gắn liền với thánh tích nhà Phật: Hoàng Mai, Tào Khê, Thiếu Thất… Việc sử dụng nhuần nhuyễn các điển tích liên quan đến nhà Phật giúp các hoàng đế dễ dàng truyền tải những thông điệp giáo huấn. Từ đó những tác phẩm này không chỉ có những giá trị về mặt nội dung mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật.

Khi Nho giáo phát triển, các hoàng đế tích cực dùng điển cố từ Trung Hoa để gửi gắm vào thơ văn những ngụ ý, khát vọng về đế vương: “Nhân gian kiệm tố Hán Văn Đế,/ Thiên hạ anh hùng Đường Thái Tông.” (Trong dân cần kiệm chất phát như Hán Văn Đế,/ Với thiên hạ là bậc anh hùng như Đường Thái Tông.) (Mai

– Trần Nhân Tông) [143; 344]. Hoàng đế triều Trần mượn hình ảnh các hoàng đế Trung Hoa để làm tấm gương trong sự nghiệp trị vì.

Điển được các hoàng đế vận dụng khéo léo trong nhiều tình huống để mang lại hiệu quả, đáp ứng tối ưu mục đích thẩm mỹ. Trong lịch sử, triều Trần không chỉ chống quân Nguyên Mông xâm lược mà còn không ngừng đối phó với các thế lực Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp luôn gây rối loạn nơi biên ải. Ý thức về trách nhiệm trước sự tồn vong của đất nước, các hoàng đế triều Trần tích cực nhập thế để bảo vệ giang sơn xã tắc. Đặc biệt tinh thần nhập thế được thể hiện rõ nét trong thơ văn Trần Nhân Tông. Một số bài thơ của ông mang tính chiến đấu ngập tràn lòng yêu nước, lồng lộng hào khí Đông A. Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông tiến hành cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ hai. Giặc đến như lũ tràn bờ, thế nước mong manh nghìn cân treo sợi tóc. Để kịp thời trấn an lòng quân, Trần Nhân Tông dùng tài năng thi sĩ viết lên thuyền hai câu thơ bất hủ:“Cối Kê cựu sự quân tu ký,/ Hoan, Ái do tồn thập vạn binh.” (Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ,/ Châu Hoan, Châu Ái đang còn hàng chục vạn quân.) (Quân tu kí – Trần Nhân Tông) [211; 482]. Trần Nhân Tông nhắc lại điển tích từ sử liệu Trung Hoa về quân của Việt Vương Câu Tiễn ngỡ đã bị tiêu diệt trước sức mạnh của quân Ngô nhưng cuối cùng đã hợp sức giành thắng lợi. Trong lúc lòng quân dao động, Trần Nhân Tông nhắc lại tích thời Chiến Quốc để cổ vũ tinh thần, ổn định lòng quân, nung nấu ý chí cùng chung tay giết giặc. Hào khí Đông A đã tạo nên sức mạnh dẹp tan những kẻ thù hung bạo. Để có được những chiến thắng vẻ vang đó, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng và sẵn sàng đánh đổi biết bao xương máu trên trận địa. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự lãnh đạo tài tình của các hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông. Họ đã viết nên những trang sử chói lọi, hào hùng cho dân tộc.

Ngoài ra, điển còn là phương tiện để các hoàng đế thể hiện tài năng trong đối đáp, tiễn tặng các sứ thần. Hoàng đế Trần Minh Tông tinh tế khi sử dụng các điển cố từ sử liệu Trung Hoa để làm thơ tặng cho sứ thần phương Bắc: “Cửu đỉnh điện

an nhược Thái san./ Thời dương thời vũ chướng yên hàn./ Phổ thiên ngọc bạch quy Nghiêu Thuấn,/ Tịốc huyền ca học Khổng Nhan./ Đồng trụ bất tu lao Mã Viện,/ Bồ

tiên nan phục tiễn Lưu Khoan./ Thánh ân hạo đãng từ vân khoát./ Hóa tác cam làm mãn thế gian.” (Chín cái vạc đặt vững như núi Thái sơn,/ Nắng mưa phải thì, lam chướng tan./ Cả thiên hạ mang ngọc lụa về chầu Nghiêu, Thuấn,/ Khắp mọi nhà đàn hát, học theo Khổng Tử, Nhan Hồi./ Không cần Mã Viện phải mất công dựng cột đồng,/ Khó mà còn khen ngợi Lưu Khoan có roi cỏi./ Ơn thánh thượng mênh mông, mây lành rộng rãi,/ Hóa làm mưa ngọt đầy khắp thế gian.) [211; 806]. Việc sử dụng khéo léo hàng loạt các điển cố một mặt thể hiện sự uyên thâm, am tường văn hoá của hoàng đế Trần Minh Tông mặt khác chứa đựng dụng ý nghệ thuật rất độc đáo, thâm thuý. Tác giả mượn điển cố để nhắn gửi sứ giả nếu hoàng đế phương Bắc cai trị bằng nhân đức thì trăm họ quy phục, hạn chế lạm sát, hình phạt để thiên triều được vững chắc như “cửu đỉnh”, “Thái san”. Lời thơ còn cho thấy một khát vọng hoà bình mãnh liệt của hoàng đế nhà Trần.

Với nhân vật hoàng đế trong tư cách khách thể phản ánh, các tác giả giai đoạn này vận dụng khéo léo điển để thể hiện sự tự hào, những ước mơ, khát vọng về hoàng đế. Họ mượn điển để ca ngợi hoàng đế Đại Việt: “Thần tâm Nhịđế Tam

vương cổ,/ Văn thể Tiên Tần Lưỡng Hán kì.” (Tấm lòng của vua như Nhị đế Tam vương khi xưa,/ Văn thể của Người kỳ diệu như Tiên Tần Lưỡng Hán.) (Xuân nhật ứng chế - Phạm Sư Mạnh) [144; 250]. Phạm Sư Mạnh nhắc đến Nhị đế, Tam vương để so sánh với hoàng đế Trần Minh Tông. Văn chương giai đoạn này tập trung hướng đến xây dựng mẫu hình hoàng đế lí tưởng Nghiêu Thuấn. Vì thế, trong quá trình sáng tác các tác giả thường đề cập đến các hoàng đế này: “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu thuấn./ Dường ấy ta đà phỉ thửa nguyền.” (Tự thán –

Bài 4 – Nguyễn Trãi) [205; 420]. Các tác giả dùng điển về Nghiêu, Thuấn để ngầm so sánh và ca ngợi các hoàng đế trời Nam sánh ngang với các minh quân phương Bắc. Đồng thời, việc dùng điển còn là biện pháp để các tác giả không ngừng nhắc nhở các đế vương phải biết tu dưỡng đạo đức để xứng đáng ngôi vị thiên tử. Các điển cố về Nghiêu Thuấn được sử dụng rất đa dạng: trời Nghiêu, ngày Thuấn, thuở Thuấn Nghiêu… Ngoài ra, các tác giả còn dùng điển cố về những con người trung quân ái quốc: Tô Vũ, Lý Tố, Y Doãn, Bá Di… để nhắn

nhủ đến các trung thần một lòng phụng sự cho vương triều, hoàng đế: “Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn,/ Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh.” (Bảo kính cảnh giới – bài 4 – Nguyễn Trãi) [126; 128].

Bên cạnh những yếu tố ngôn ngữ Hán học thì ngôn ngữ dân tộc – chữ Nôm cũng góp phần xây dựng nhân vật hoàng đế. Ngay từ thời Trần, hoàng đế Trần Nhân Tông đã sáng tác ra bài phú Nôm Cư trần lạc đạo phú. Việc sáng tác một thể loại ngoại nhập bằng ngôn ngữ dân tộc đã cho thấy ý thức sáng tạo của hoàng đế và tinh thần dân tộc cao độ. Ngoài một hoàng đế tài năng, Lê Thánh Tông còn thể hiện là một văn nhân xuất chúng bằng sự tiên phong, sáng tạo trong sáng tác văn chương. Tinh thần dân tộc thể hiện rất rõ nét trong thơ Lê Thánh Tông. Ông đã đặt nền móng cho truyện thơ Nôm Đường luật – một thể loại phổ biến từ thế kỉ XVIII. Điều đó đã thể hiện được phẩm chất cao quý và tài năng của thiên tử trong việc sáng tạo ra những con đường đi mới cho văn chương Đại Việt.

Theo kết quả khảo sát của người viết, có 438 tác phẩm trong văn học giai đoạn này được viết bằng chữ Nôm chiếm tỉ lệ 24.3%. Văn học chữ Nôm trở nên phát triển mạnh mẽ qua các tập thơ Quốc âm thi tậpHồng Đức quốc âm thi tập. Hoàng đế Lê Thánh Tông đã sáng tác số lượng lớn các tác phẩm chữ Nôm bằng thơ Đường luật. Ngoài ý thức dân tộc trong việc sử dụng chữ Nôm thì các phương tiện nghệ thuật được các hoàng đế vận dụng cũng rất độc đáo qua hệ thống từ láy và vận dụng thành ngữ, tục ngữ.

Từ láy xuất hiện rất phổ biến trong thơ quốc âm. Nó đã chứng tỏ sự sáng tạo và sử dụng nhuần nhuyễn, uyển chuyển ngôn ngữ dân tộc của các hoàng đế. Với tính điệp đối và hài hoà âm thanh, ngữ nghĩa, từ láy đã mang lại giá trị thẩm mĩ cho các tác phẩm nghệ thuật: “Lạnh lẽo vui chi áng cõi bờ,/ Miễn vì vực nước cứu dân xưa./… Dãi du lại trải mười thu vẹn,/ Một tấm niềm đan phẳng nữa tờ.” (Đóng quân phương xa – Lê Thánh Tông) [127; 64]. Từ láy đã góp phần khắc hoạ những phẩm chất cao đẹp của hoàng đế Lê Thánh Tông. Ông vì dân vì nước mà vượt muôn vàn hiểm nguy, gian khổ, thiên nhiên khắc nghiệt “lạnh lẽo” chỉ vì nhiệm vụ cứu dân. Đường hành quân gian nan “dãi dầu” mưa nắng nhưng lòng quyết tâm cứu dân của hoàng đế vẫn không nao núng.

Một số bài thơ Nôm giai đoạn này đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ dân tộc khi vận dụng hàng loạt từ láy vào tác phẩm: “Đến ba canh ban trống ba,/ Trên không lác đác tuyết bay hoa./ Cửa doanh hiệu kín khăng khăng đóng,/ Thuyền bãi lau kề dặng dặng ca.” (Canh ba) [127; 568].

Các hoàng đế từ sớm đã có tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Trên cơ sở tiếp thu thành tựu văn học Trung Hoa, các hoàng đế đã sáng tạo và đưa chữ Nôm vào sáng tác. Ngôn ngữ Nôm từng bước được trau chuốt, sáng tạo và góp phần làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng trở nên uyển chuyển, sinh động.

4.3. Sự vận dụng bút pháp 4.3.1. Bút pháp sử ký

Một trong những tác phẩm thể hiện nhiều nhất về nhận vật hoàng đế trong văn học giai đoạn này chính là Đại Việt sửkí toàn thư. Tác phẩm này chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi lối viết sử theo biên niên của người Trung Quốc và lối viết kỷ truyện theo

Sử ký của Tư Mã Thiên. Nét nổi bật của bút pháp sử ký trong Đại Việt sửkí toàn thư

khi khắc hoạ chân dung hoàng đế là lối viết tự sự. Tác phẩm không dừng lại ở việc liệt kê các sự kiện lịch sử mà khắc hoạ nhân vật qua những chi tiết về ngoại hình, nguồn gốc xuất thân, miêu tả hành động, ngôn ngữ...

Tính ước lệ tượng trưng của văn học trung đại chịu sự chi phối rất lớn từ quan niệm của Nho giáo và nền tảng văn học dân gian. Khi miêu tả nhân vật, các tác giả trung đại thường sử dụng những công thức có sẵn. Hoàng đế là nhân vật có cốt cách cao quý, tài năng xuất chúng nên bao giờ cũng được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng với công thức: thụ thai và sinh nở thần kì, diện mạo khác

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nhân vật hoàng đế trong văn học trung đại việt nam từ thế kỉ x đến thế kỉ XV (Trang 135 - 178)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)