Hệ thống thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách giải phóng mặt bằng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận nam từ liêm (Trang 74 - 75)

mặt bằng

Công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giải phóng mặt bằng có vai trò hết sức quan trọng. Quận Nam Từ Liêm là quận đang phát triển của thành phố Hà Nội có trình độ, mức độ nhận thức và hiểu biết của người dân không đồng đều, đặc biệt là khu vực nông thôn. Các thông tin, văn bản quy định về giải phóng mặt bằng đến với người dân chưa được phổ biến chính thống, thường qua truyền miệng dẫn đến nhận thức lệch lạc và không chính xác. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết để tuyên truyền sai sự thật, kích động bà con nhân dân chống đối không nhận tiền bồi thường. Các hộ dân thường xuyên đòi hỏi chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận giá cả bồi thường thì mới hợp tác kê khai, kiểm đếm. Một số thành phần trong quần chúng nhân dân kích động bà con gửi đơn kiện các cấp chính quyền làm cho tiến độ giải phóng mặt bằng bị chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển chung. Quận ủy - HĐND - UBND của quận thường xuyên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tại UBND các phường, của quận: Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ… là lực lượng nòng cốt, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước. Nhờ sự quản lý chặt chẽ cùng chỉ đạo sát sao, các tổ chức này luôn gần gũi, gắn bó nhất với nhân dân.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận khi thành lập Tổ công tác giải phóng mặt bằng thường gắn các lực lượng cán bộ cơ sở, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương cùng tham gia đồng thời chỉ đạo lực lượng trên thường xuyên phổ biến chính sách BTHT đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, các tổ chức trên chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc tuyên truyền chính sách bồi thường, hỗ trợ của nhà nước đến với người dân, chưa đáp ứng được yêu cầu của lực lượng trung gian, cầu nối giữa người dân và cơ quan thực hiện công

tác bồi thường. Chưa đại diện được cho người dân trong việc phản ánh những khó khăn, vướng mắc và chưa làm tròn vai trò trung gian hoà giải khi nảy sinh các tranh chấp. Chính bản thân những người đi tuyên truyền nhiều khi cũng không hiểu rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ của nhà nước và không vận động được gia đình cũng như những người thân, hàng xóm chấp hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ.

Ở quận Nam Từ Liêm, hệ thống đài phát thanh, loa phát thanh đã về đến tận các thôn xóm, tổ dân phố, tuy nhiên nội dung tuyên truyền đến các hộ dân trong quận chưa được đa dạng và phong phú. Đặc biệt là nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ và việc chấp hành các quy định của nhà nước về giải phóng mặt bằng hầu như không có. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ vấn đề kinh phí, khi mà đài phát thanh là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận, nguồn thu ít. Do đó, thời lượng phát sóng, nội dung biên tập phát sóng ít, không có kinh phí để đưa cán bộ đi tập huấn về giải phóng mặt bằng cũng như có thời gian tiếp xúc với bà con nông dân để tìm hiểu sâu hơn về mong muốn, nguyện vọng của họ để việc viết bài tuyên truyền được sát thực hơn.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận nam từ liêm (Trang 74 - 75)