Chính sách đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bồ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận nam từ liêm (Trang 102 - 107)

bồi thường giải phóng mặt bằng

3.4.2.1. Chính sách đào tạo

Công tác giải phóng mặt bằng diễn ra ở những địa bàn có đặc điểm kinh tế, văn hoá, chính trị càng phức tạp thì việc tiến hành thu hồi và đền bù càng khó khăn, phức tạp. Không những cần sự hợp tác của nhân dân mà đòi hỏi cán bộ thực hiện công tác thu hồi và đền bù phải có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này. Vì vậy nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý là việc hết sức cần thiết. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt cán bộ ở cấp xã chưa có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Cần kết hợp các sở, ban, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng để có biện pháp giải toả mặt bằng hợp lý, tránh được sự xô xát, giảm thiểu được biện pháp cưỡng chế trong công tác thu hồi đất. Kết hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tái định cư, lựa chọn hình thức đền bù.

Phẩm chất của cán bộ trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là một vấn đề khó khăn. Trong đội ngũ cán bộ có một bộ phận không nhỏ gây cản trở trong công tác đền bù dẫn đến việc khiếu nại tố cáo từ các hộ gia đình có đất bị thu hồi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có không ít cán bộ tham ô, tham nhũng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đối tượng bị thu hồi đất, cố tình không công bố công khai dự án cũng như chính sách đền bù để trục lợi cá nhân. Đặc biệt có sự thông đồng từ cấp xã phường trong việc xác nhận nguồn gốc đất, chuyển từ đất công sang đất giao theo Nghị định 64/CP để trục lợi. Vì vậy phải chọn được những cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng phẩm chất đạo đức tốt có năng lực, kiến thức pháp luật, có chuyên môn… để làm công tác chính sách đền bù, tái định cư. Họ phải là những người tham mưu trung thực, đáng tin cậy cho ban chỉ đạo và hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác đào tạo, giáo dục cán bộ cần được coi trọng. Thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, Sở Tài chính, sở Tài nguyên Môi trường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về đất đai và các chế độ chính sách có liên quan đến giải phóng mặt bằng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách từ huyện đến cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của người cán bộ, có hình thức thưởng phạt nghiêm minh, xử lý thích đáng đối với những cán bộ vì lợi ích riêng mà vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên phải tránh tình trạng đưa cán bộ đi đào tạo, nâng cao trình độ để lấy con số báo cáo thành tích. Tập trung rà soát lại thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ, công chức có trình độ đại học, sau đại học, kiểm tra xem đã có những công trình nghiên cứu, đề án, giải pháp thực hiện nào khả thi, có hiệu quả, được ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó có những biện pháp tích cực, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, phát huy kiến thức, năng lực của mình thông qua kết quả công việc và hiệu quả đạt được; tránh nhận thức đi học là để xoá nợ, để bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo. Thông qua công tác rà soát, đánh giá lại thực trạng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức đơn vị mình quản lý, lãnh đạo các đơn vị, các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, sát thực tế nhu cầu phát triển, thực hiện "đào tạo theo công việc, gắn việc đào tạo với sử dụng sau khi được đào tạo".

3.4.2.2. Chính sách tuyển dụng

Song song với việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức, cần thay đổi quan điểm trong công tác tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức nói chung và cán bộ giải phóng mặt bằng nói riêng. Một vấn đề nhức nhối trong công tác tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức là tình trạng "chạy chọt", "con ông cháu cha", những người không có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Khi thành lập Ban bồi thường GPMB quận, chủ yếu kết hợp những cán bộ tại các phòng, ban và một số con em cháu cha dẫn đến tình trạng cán bộ thiếu năng lực, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của công việc. Theo quy định của Sở Nội vụ thì những người có trình độ tiến sĩ nếu có nhu cầu sẽ được tuyển thẳng vào làm việc. Tuy nhiên nếu vào làm việc thì sẽ sắp xếp công việc ra sao khi mà một số "lãnh đạo" chỉ có trình độ đại học tại chức, chuyên tu, từ xa....? Hay trường hợp bằng giỏi hoặc có bằng thạc sĩ thì được cộng thêm 10 điểm cho thang điểm 100 trong chương trình thi tuyển không được công bố rộng rãi. Và việc đến gần ngày hết hạn mới công bố chỉ tiêu thi, lịch thi, chương trình thi. Dẫn đến tình trạng trong nhiều năm lại đây, lượng thí sinh có trình độ cao tham dự giảm hẳn, người có tài năng không ứng tuyển vào cơ quan nhà nước mà thường tìm đến các doanh nghiệp vì tại đó họ được hưởng mức lương cao, nhiều ưu đãi, được thể hiện năng lực của mình. Cần có chính sách thu hút những người có khả năng, trình độ về làm việc tại các phòng, ban hay đơn vị sự nghiệp của quận. Chính sách thu hút có thể bằng tiền một lần, bằng vị trí công việc hoặc ưu đãi về nhà ở, hoặc các điều kiện đảm bảo khác về y tế, giáo dục cho con em. Tạo cơ hội cho những người có năng lực thật sự nắm những vị trí chủ chốt trong các đơn vị.

3.4.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai,bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất

Công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, UBND quận cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả những nơi đang có dự án phải giải phóng mặt bằng cũng như những vùng đã có quy hoạch. Để làm được điều đó, cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

3.4.3.1. Đẩy mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước về giải phóng mặt bằng

Xã, phường, thị trấn là cơ quan phối hợp quan trọng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng có quyền xác nhận tờ kê khai của các tổ chức, cá nhân về diện tích, loại đất, vị trí đất, số lượng tài sản gửi hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện; tổng hợp báo cáo, tình hình sử dụng quỹ đất dùng để đền bù thiệt hại. Hơn nữa, các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, hội Cựu chiến binh… là các tổ chức gần gũi, thường xuyên tiếp xúc với quần chúng nhân dân, là đại diện của nhân dân trong việc phản ánh những tâm tư, nguyện vọng; giải quyết tranh chấp, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đây chính là lực lượng nòng cốt, lực lượng tiên phong và là lực lượng có hiệu quả nhất. Để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng cần đẩy mạnh vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là từ khâu chuẩn bị lên phương án giải phóng mặt bằng cho đến khi chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

- Phối hợp với đơn vị tư vấn lập dự án lên phương án điều tra, khảo sát, đo đạc, thiết kế, trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra, khảo sát cùng với các cơ quan chức năng:

- Tổ chức vận động, tuyên truyền hướng dẫn người dân trong diện di dời giải phóng mặt bằng chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương cơ sở của nhà nước; - Tham gia hoà giải, giáo dục, thuyết phục các tranh chấp, khiếu kiện của người dân ở cấp cơ sở;

- Cùng với cơ quan chức năng tham gia cưỡng chế đối với các hộ dân trong diện di dời có thái độ trây ỳ, không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về đền bù, thu hồi đất trên địa bàn của mình;

- Tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu những ảnh hưởng của cuộc sống người dân sau khi bị di dời, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án ảnh hưởng, đề xuất kiến nghị những khó khăn, vướng mắc lên chính quyền cấp trên.

- Đại diện cho quần chúng nhân dân ở địa phương nói lên tiếng nói của người dân về những khó khăn vướng mắc khi đền bù thiệt hại tài sản khi nhà nước tiến hành thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Đa số các thành viên trong các hội đều không được hưởng lương từ ngân sách, hoặc mức lương thấp, do đó cần sự phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí cho các tổ chức này khi giúp UBND các cấp, chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức về bồi thường, giải phóng mặt bằng và đưa thành viên các hội vào tổ công tác giải phóng mặt bằng để nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

3.4.3.2. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách giải phóng mặt bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng

Khi triển khai dự án thì phải phối hợp với chính quyền địa phương niêm yết công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ và các văn bản pháp luật có liên quan tại nơi giải phóng mặt bằng. Do các văn bản giải thích chưa rõ ràng nên người bị thu hồi đất chưa hiểu cặn kẽ dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục trong quá trình thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng. UBND các cấp cần chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tăng bài, tăng thời gian phát sóng các chương trình có nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, biểu dương những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt, phân tích và phê phán những biểu hiện tiêu cực lợi dụng, chây ỳ làm thất thoát hoặc gây chậm trễ cho công tác giải phóng mặt bằng. Khuyến khích và quy định cụ thể thời lượng phát sóng để đưa các chuyên mục về giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị vào chương trình truyền thanh, truyền hình của quận, chương trình cần đưa những nội dung cập nhật và tích cực về chủ trương, đường lối, quy hoạch của thành phố, huyện; giới thiệu các dự án có giải phóng mặt bằng, tái định cư, định hướng phát triển đô thị trong tương lai.

Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các đối tượng dân cư, cơ quan, tổ chức nằm

trong diện bị thu hồi đất thông qua các đài phát thanh xã, phường. Cần quán triệt tư tưởng ủng hộ các dự án giải phóng mặt bằng trên các phương tiện thông tin, báo chí tránh hiện tượng chỉ đăng tải những vụ khiếu kiện của người dân, những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất. Vì như vậy sẽ tạo nên tác động tiêu cực đối với việc thu hồi đất của Hà Nội, đất nước nói chung.

Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn, thành lập các tổ tuyên truyền vận động, thông tin hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn về tiến độ nhận tiền bồi thường, thực hiện di chuyển; biểu dương các hộ gương mẫu chấp hành; nhắc nhở các hộ chậm trễ, vi phạm, kể cả các đối tượng là cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Chủ đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cần phải trích một khoản kinh phí để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền. Hỗ trợ cho đài phát thanh quận/phường trong công tác tuyên truyền, phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các phương tiện truyền thông.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận nam từ liêm (Trang 102 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)