Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM CHI NHÁNH NAM ĐỒNG NAI LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 27 - 28)

Chỉ tiêu phản ánh quy mô

Dư nợ tín dụng cho thấy quy mô hoạt động tín dụng của ngân hàng. Dư nợ tín dụng ngày càng tăng cho thấy quy mô hoạt động tín dụng ngày càng được mở rộng. Hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn RRTD, vì vậy, khi quy mô tín dụng tăng lên sẽ kéo theo RRTD của ngân hàng có khả năng tăng lên. Các nghiên cứu của Lê Thị Hạnh (2017), Trần Thị Việt Thạch (2016) đều sử dụng chỉ tiêu dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng để đánh giá kết quả của hoạt động quản lý RRTD.

Nợ quá hạn, nợ xấu

Để đánh giá mức độ RRTD của ngân hàng, các nghiên cứu thường sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến nợ quá hạn, nợ xấu. Trong đó, nghiên cứu của Phạm Thị Thu Hiền và Nguyễn Văn Ngọc (2015) phân tích cơ cấu dư nợ quá hạn theo các nhóm nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5. Đỗ Đoan Trang (2019) cũng đã sử dụng chỉ tiêu nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu để đánh giá quản lý RRTD tại các NHTM Việt Nam. Tỷ lệ nợ quá hạn được xác định bằng thương số giữa nợ quá hạn và tổng dư nợ của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu được xác định bằng dư nợ thuộc nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 trên tổng dư nợ ngân hàng. Hai tỷ lệ này phải nằm trong giới hạn về đảm bảo an toàn của ngân hàng trung ương mỗi quốc gia. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ quá hạn không được vượt quá 5% tổng dư nợ của ngân hàng; tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3% dư nợ của ngân hàng.

Cơ cấu dư nợ tín dụng của ngân hàng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến RRTD là rủi ro danh mục gắn liền với rủi ro nội tại và rủi ro tập trung. Do đó, cơ cấu danh mục tín dụng cần đa dạng hóa theo nhiều tiêu chí khác nhau như theo tài sản bảo đảm theo ngành nghề kinh doanh và theo nhóm nợ. Mỗi tiêu chí để phân loại danh mục tín dụng có ý nghĩa khác nhau nhưng đều cho thấy mức độ phân tán rủi ro của ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Để đánh giá cơ cấu dư nợ cần phải nắm được quy định của mỗi quốc gia trong hoạt động ngân hàng cũng như chính sách tín dụng từng năm, từng thời kỳ. Trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Hiện (2016), Lê Thị Hạnh (2017), các tiêu chí để phân loại bao gồm:

Phân loại dư nợ theo ngành nghề: Có nhiều tiêu chí để phân loại ngành nghề khác nhau như xây dựng, bất động sản, công nghiệp chế tạo... Mỗi ngành nghề đều có những đặc điểm riêng dẫn đến rủi ro gọi là rủi ro nội tại. Thông qua việc đa dạng hóa ngành nghề cấp tín dụng, ngân hàng có thể phân tán rủi ro theo ngành nghề.

Phân loại dư nợ theo thời gian: Căn cứ vào thời hạn cấp tín dụng có thể chia dư nợ tín dụng thành ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), trung hạn (trên 1 năm đến 5

năm), dài hạn (trên 5 năm). Thông thường, thời gian cấp tín dụng càng dài thì mức độ rủi ro càng cao khi các yếu tố khác không đổi.

Phân loại dư nợ theo tài sản bảo đảm: Cấp tín dụng có tài sản bảo đảm được xem như là có mức độ rủi ro thấp hơn so với các khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Nguyên nhân là do việc có tài sản bảo đảm sẽ làm ngăn ngừa rủi ro đạo đức từ phía người vay cũng như là nguồn thu nợ thứ hai cho ngân hàng khi RRTD xảy ra.

Trích lập dự phòng RRTD

Ngân hàng phải tuân thủ trích lập dự phòng RRTD theo quy định, trong đó bao gồm trích lập RRTD chung và trích lập dự phòng rủi ro cụ thể. Mức trích lập của ngân hàng cho thấy sự chủ động của ngân hàng trong việc đối phó với RRTD, cũng như khả năng bù đắp thiệt hại khi RRTD xảy ra (Tô Thiện Hiền và Nguyễn Nhựt Khang, 2020). Tuy nhiên, nếu mức trích lập dự phòng cao sẽ là chỉ tiêu gián tiếp cho thấy mức RRTD của ngân hàng cao và làm giảm thu nhập của ngân hàng.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM CHI NHÁNH NAM ĐỒNG NAI LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 27 - 28)