2.2 Cơ sở thực tiễn
2.2.2 Kinh nghiệp phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa
phương trong nước
Với phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào DTTS ảnh hưởng khá lớn tới quá trình phát triển kinh tế hộ cho họ. Đảng và Nhà nước thông qua rất nhiều
bào DTTS như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua tuy gặp rất nhiều khó khăn song kinh tế hộ nông dân đồng bào DTTS vẫn có những bước tiến quan trọng. Sản xuất nông nghiệp của các hộ đồng bào DTTS đang từng bước được ổn định, đang có hướng chuyển dịch đến một nền sản xuất hàng hóa đa dạng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, có giá trị và hiệu quả, phát huy thế mạnh với các tiềm năng to lớn về lao động, đất đai và tài nguyên thành thế mạnh lâu dài.
Đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho hộ bằng việc tăng cường giao đất, giao rừng đến từng hộ dân cùng với đó là các chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm động viên, khuyến khích hộ nông dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng như: Quyết định 178/2001/QĐ-Ttg về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân, được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Việc giao đất giao rừng cho các hộ gia đình đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Và áp dụng các phương thức sản xuất theo cơ chế thị trường, việc gắn hoạt động sản xuất với chế biến nhỏ đã tạo điều kiện cho hộ dân có thêm thu nhập, cuộc sống từng bước được cải thiện.
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng cho nông thôn đặc biệt là thủy lợi. Thủy lợi đã góp phần to lớn trong xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc. Nhiều địa phương nhờ thủy lợi đã thúc đẩy sự hình thành nhiều vùng kinh tế mới, tạo điều kiện định canh định cư, hạn chế tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy của các hộ dân.
a. Bắc Giang
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, tại tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là khá đông. Theo số liệu thống kê năm 2019 dân số toàn tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, có 6 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%;
người Tày chiếm 2,6%; người Sán Chay chiếm 1,6%; người Sán Dìu chiếm 1,6%; người Hoa chiếm 1,2%; người Dao chiếm 0,5%. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở 105 xã, thị
trấn thuộc 6 huyện miền núi, vùng cao: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên (Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, 2020).
Vùng cư trú của đồng bào DTTS là những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Với đặc thù đó, Bắc Giang đã sớm xác định được các khâu đột phá nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, tập trung nguồn lực đầu tư và tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua nhiều huyện và xã của tỉnh được thụ hưởng khá nhiều chủ trương, chính sách của Đảng nhằm phát triển kinh tế.
Tỉnh Bắc Giang đã xác định muốn phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc phải tập trung vào giải quyết những vấn đề thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm.
Chính quyền tỉnh, huyện, xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và mạnh dạn đứng ra tín chấp để các hộ được vay vốn phát triển sản xuất.
Đồng thời tỉnh cũng thường xuyên mở các lớp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao nhiều phương thức canh tác, chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình huyện Lục Ngạn, nơi có gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Với những quyết sách giảm nghèo quyết liệt của tỉnh và của huyện, bình quân mỗi năm nông dân Lục Ngạn được vay hàng chục tỷ đồng đầu tư vào sản xuất; hơn 20 nghìn lượt người được tập huấn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và gần ba nghìn lao động, trong đó chủ yếu là nông dân tìm được việc làm mới, có thu nhập bình quân từ bốn đến năm triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng trên địa bàn 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, sau 5 năm triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã có 20 dự án, mô hình kinh tế triển khai có hiệu quả cao (Đặng Giang, 2020).
b. Hà Giang
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới và là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc anh em; trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số.
Trong những năm qua, công tác phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc luôn được các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tỉnh tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đồng thời chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
Để có thể phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm đến các nội dung sau:
- Đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho đồng bào DTTS. - Tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của bà con.
- Tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm và duy trì tốt công tác cho các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số vay vốn.
- Tận dụng lợi thế về tiềm năng du lịch của tỉnh để tạo cơ hội tốt cho các ngành nghề thủ công truyền thống và các hoạt động dịch vụ du lịch khác phát triển.
- Triển khai tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giáo dục - đào tạo.
- Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và dịch vụ việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã giành riêng một chương trình xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Dự án “Xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc tại xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang” là một trong những dự án thuộc chương trình trên.
Dự án này đã mang đến cho các hộ dân đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao tại xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nhiều mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất và phong tục tập quán sản xuất và các mô hình đó có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân ngay cả khi dự án đã kết thúc như: Mô hình thâm canh
cá chép vàng tại ruộng bậc thang; Mô hình trồng cỏ chăn nuôi, thú ý và hỗ trợ nuôi bò... (Nguyễn Viết Hiệp và cộng sự, 2019).
Nguyễn Viết Hiệp và cộng sự (2019) đã rút ra bài học từ dự án trong vấn đề lựa chọn, xây dựng, nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế phù hợp như sau:
- Cần quan tâm đến đặc điểm phân bố cư trú và hoạt động canh tác của hai dân tộc này.
- Cần cân nhắc việc đưa các giống mới vào hệ thống canh tác của người dân khi mới bắt đầu xây dựng mô hình, chỉ nên dừng lại ở vấn đề phổ biến kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho chính những cây trồng bản địa mà người dân địa phương đang trồng.
- Phải lồng ghép được các dự án, các chương trình phát triển của các tổ chức, cá nhân... với nhau như thế sẽ phát huy tối đa hiệu quả của các dự án. Bên cạnh đó, cần có sự phối kết hợp với các ban ngành của địa phương để hỗ trợ trong vấn đề bao tiêu sản phẩm.
- Mở các lớp đào tạo, tập huấn kĩ thuật ngắn hạn tại điểm thực hiện dự án cho lực lượng lao động chính trong gia đình tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng dân tộc.
- Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án có thể có các hình thức hỗ trợ toàn phần một số vật tư ban đầu như: giống, phân bón. Việc hỗ trợ bán phần (kéo dài khoảng 2 - 3 năm sau đó) sẽ được thực hiện ngay sau khi khẳng định được hiệu quả mô hình.
- Hỗ trợ thành lập các tổ – nhóm – câu lạc bộ làm kinh tế để các hộ dân trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm hay cách thức làm kinh tế có hiệu quả ở những địa phương khác.
c. Điện Biên
Điện Biên là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc của đất nước, Điện Biên có vị trí, vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền cùng bà con các dân tộc đã không ngừng nỗ lực vươn lên từng bước đưa Điện Biên trở thành một tỉnh phát triển bền vững về kinh tế-xã hội.
Được sư quan tâm của Đảng, Nhà Nước, đã có nhiều chính sách về dân tộc, các đề án, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được cải thiện đáng kể; nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại đây chính sách đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất cho sự phát triển kinh tế cũng như cải thiện đời sống của bà con. Đặc biệt, chính sách đầu tư mang lại hiệu quả cao cho huyện Mường Chà một huyện miền núi, biên giới nghèo nhất của tỉnh.
Minh Thịnh (2019) cho biết, “Trong những năm qua Mường Chà luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với nhiều chương trình, dự án đã thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện có bước tăng trưởng khá. Các mặt văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững”.
Để có thể giúp các hộ dân tộc thiểu số trong huyện Mường Chà cũng như trong tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế tốt hơn thì các cấp chính quyền của tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng: Chương trình 134, 135; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Đối với huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho huyện.
Minh Thịnh (2019) cho biết tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, điển hình như: Dự án đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, thôn, bản; công trình để đảm bảo chuẩn hóa trạm y tế xã; các dự án cải tạo, đầu tư xây dựng mới hệ thống thủy lợi... “ Ngoài ra tỉnh tiến hành thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển cho các hộ phải kể đến như: hỗ trợ giống lợn, giống bò sinh sản và nhiều hộ gia đình được hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất.
Ngoài những chương trình, dự án được đầu tư, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Chà cũng đã được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước để phát triển sản xuất. Minh Thịnh (2014) cho biết một số những chính sách tiêu biểu là: “Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ giống nông nghiệp cho nhân dân; hay như chính sách hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo đối với những hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ.