Để có thể giành thắng lợi trong một vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt là với một “đối thủ nặng ký” như EU thì chỉ một mình các doanh nghiệp lên tiếng
phản kháng thôi là chưa đủ, thậm chí ngay cả khi Hiệp hội ngành hàng và Chính phủ Việt Nam cùng lên tiếng thì cũng khó lòng xoay chuyển các quyết định của EC. Và đây chính là lúc cần đến tiếng nói ủng hộ Việt Nam từ nhiều phía. Càng nhiều người, càng nhiều tổ chức, càng nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam thì sức ép đối với UBCA sẽ càng lớn. Đến một lúc nào đó những tiếng nói ấy đủ mạnh để
chứng minh rằng biện pháp chống bán phá giá mà EC áp dụng là có hại cho lợi ích
chung của cộng đồng thì chắc chắn nó sẽ bị dỡ bỏ.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể có được tiếng nói đồng tình ấy hay không
một phần lớn là phụ thuộc vào công tác vận động hành lang và quan hệ công chúng của Chính phủ và Hiệp hội ngành hàng. Để đạt được hiệu quả tổng hợp giúp các
doanh nghiệp Việt Nam, khi bước vào một cuộc chiến chống bán phá giá, Chính phủ và Hiệp hội cần ngay lập tức xây dựng một chiến lược quan hệ công chúng hiệu
quả, kêu gọi sự ủng hộ từ tất cả các đối tượng có cùng lợi ích như: các nhà nhập
khẩu, các nhà phân phối và bán lẻ của EU, người tiêu dùng EU, hay các nhà sản
xuất EU dùng sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào. Tất cả
họ đều có thể trở thành đồng minh của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại phán
quyết của EC. Song song với quan hệ công chúng, công tác vận động hành lang với
các quốc gia thành viên EU và các quan chức có thẩm quyền trong EC cũng có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của vụ kiện. Nếu như Chính phủ và Hiệp hội
thực hiện tốt hai việc này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn thoát khỏi biện pháp chống bán phá giá của EC.