Cho đến nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh mẽ xét cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đó là việc thành lập và hoạt động của hàng loạt công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng từ trung ương tới địa phương. Có thể nói, với thời gian trên 20 năm thực hiện quá trình đổi mới kinh tế, hệ thống ngân hàng và định chế phi ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp những vai trò to lớn đối với những thành tựu về kinh tế - xã hội nước ta những năm qua. Bên cạnh các tổ chức tín dụng còn có sự hiện diện và ngày càng phát triển của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Nếu như từ 1992 trở về trước, cả nước chỉ có 2 công ty tài chính, 2 công ty bảo hiểm thì đến năm 2001 đã có 7 công ty tài chính; 8 công ty cho thuê tài chính; 18 công ty bảo hiểm; 8 công ty chứng khoán. Ngoài ra, còn có các công ty đầu tư, quĩ đầu tư, quĩ tiết kiệm bưu điện (Qũi này đã sáp nhập vào NHTMCP Liên Việt). Số lượng các định chế tài chính phi ngân hàng hoạt động trên thị trường Việt Nam thường xuyên thay đổi theo thời gian, và đã có sự tăng lên đáng kể so với đầu những năm 2000. Tính đến cuối năm 2017, theo thống kê Báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước thì hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam gồm 01 ngân hàng 100% vốn nhà nước (ngân hàng chính sách xã hội), 03 ngân hàng do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ; 03 NHTMCP mua lại bắt buộc (Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là NH Xây Dựng, NH Đại Dương và NH Dầu Khí toàn cầu); 28 ngân hàng thương mại cổ phần ; 02 ngân hàng thuộc khối ngân hàng chính sách; 01 Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam; 09 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 02 ngân hàng liên doanh; 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 47 văn phòng đại diện; 16 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính; 04 tổ chức tài chính vi mô và 1.178 Quỹ tín dụng nhân dân8. Các định chế tài chính này đã và đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt với các NHTM trong một số lĩnh vực dịch vụ ngân hàng truyền thống. Một thực tế là sự cạnh tranh giữa các định chế tài chính trong lĩnh vực huy động vốn và cho vay diễn ra rất quyết liệt, khiến môi trường tín dụng trong nhiều giai đoạn là rất bất ổn. Hơn nữa, cũng cần một lưu ý là sự cạnh tranh quá mức lại chủ yếu tập trung tại một số khu vực đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, trong khi đó tại hầu hết các khu vực nông thôn thì sự hoạt động của các tổ chức tín dụng lại rất mờ nhạt. Tăng trưởng vốn và tài sản
Tính đến cuối tháng 12/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 10.001,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cuối năm 2016; tổng vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 512,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2016; vốn tự có toàn hệ thống đạt 714,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2016. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng từng bước nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng để dần tiếp cận với thông lệ quốc tế; tích cực thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, rủi ro cao và cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng hiệu quả, an toàn; đồng thời tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Trong báo cáo về triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam tháng 10/2017, tổ chức xếp hạng Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” và theo công bố của Tạp chí The Asian Banker, có 15 ngân hàng thương mại Việt Nam nằm trong danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là kết quả tích cực của việc Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thanh tra, giám sát ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.