Bối cảnh của doanh nghiệp (Mục 4)

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG (Trang 41 - 44)

Doanh nghiệp xác định các vấn đề có liên quan (nội bộ và bên ngoài), nhu cầu của các bên liên quan, thiết lập và xác định phạm vi của IMS để hiện thực hóa giá trị của doanh nghiệp.

Vấn đề bên ngoài

Doanh nghiệp phân tích bối cảnh bên ngoài, xem xét các vấn đề khác nhau (như: kinh tế, thị trường, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ, pháp lý, chính trị, địa chính trị, môi trường...); bối cảnh địa lý (quốc tế, quốc gia, khu vực, địa phương...); bối cảnh thời gian (như: kết quả trong quá khứ, tình hình hiện tại và các kịch bản tương lai).

Với bối cảnh bên ngoài, doanh nghiệp đánh giá khả năng chống lại sự thay đổi, tác động tiềm năng của các xu hướng bên ngoài, các cơ hội và thách thức tiềm ẩn có thể xảy ra đối với doanh nghiệp.

Vấn đề nội bộ

Doanh nghiệp phân tích bối cảnh nội bộ, xem xét nguồn lực của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan (như: tầm nhìn, tham vọng, định hướng chiến lược, năng lực cốt lõi...); bối cảnh quản lý (cơ cấu, tổ chức, các hệ thống quản lý, hiệu suất tổng thể, hiệu suất đổi mới sáng tạo...); bối cảnh hoạt động (quy trình lập ngân sách, quy trình kiểm soát, quy trình hợp tác...); bối cảnh nguồn lực (con người, kiến thức, kỹ năng, công nghệ, sở hữu trí tuệ, thương hiệu, cơ sở hạ tầng...).

Với bối cảnh nội bộ, doanh nghiệp đánh giá tiềm năng, sự trưởng thành của các mô hình giá trị hiện tại; khả năng thích ứng của các chiến lược, quy trình và cam kết của doanh nghiệp về hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nhu cầu của các bên liên quan

Doanh nghiệp xác định, xem xét nhu cầu của các bên liên quan (nội bộ hoặc bên ngoài) về việc áp dụng IMS.

Các bên liên quan nội bộ gồm nhân viên (ở tất cả các cấp) và những người làm việc khác (đại diện tại doanh nghiệp).

Các bên liên quan bên ngoài gồm khách hàng, công dân, cộng đồng, nhóm lợi ích, đối tác, nhà cung cấp, đơn vị tư vấn, đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp tài trợ, cơ quan chính quyền, hiệp hội thương mại... Nhu cầu của các bên liên quan gồm: mong muốn hiện tại, tương lai; mức độ mới lạ, nhu cầu thay đổi; thị trường hiện có (hoặc tạo ra thị trường mới); dịch vụ hiện có (hoặc tạo ra dịch vụ mới); sản phẩm mới, quá trình mới, mô hình mới, phương pháp mới...; chuỗi giá trị của doanh nghiệp; yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Xác định phạm vi của IMS

Doanh nghiệp xác định ý tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng áp dụng đổi mới sáng tạo để thiết lập phạm vi của IMS. Khi xác định phạm vi của IMS, doanh nghiệp xem xét các vấn đề bên ngoài và bên trong; nhu cầu của các bên liên quan; tương tác của IMS với các hệ thống quản lý khác của doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo có mục tiêu hiện thực hóa giá trị đối với các lĩnh vực có “sự không chắc chắn” và rủi ro cao. Do đó, phạm vi của IMS có liên quan đến các yếu tố: dịch vụ, quy trình, cấu trúc, chức năng, đối tác, hợp tác, địa lý, thời gian...

Thiết lập IMS

Doanh nghiệp thiết lập, duy trì và cải tiến IMS phù hợp với mục tiêu đổi mới sáng tạo thông qua các quy trình, các hoạt động hỗ trợ cần thiết và các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu của đổi mới sáng tạo là cơ sở để xác định chiến lược đổi mới sáng tạo, qua đó hình thành văn hóa hỗ trợ và hợp tác trong doanh nghiệp.

Văn hóa hỗ trợ trong doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, cho phép cùng tồn tại các tư duy và hành vi sáng tạo trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc mới: cởi mở, kích thích sự “tò mò” và hướng các hoạt động vào khách hàng; khuyến khích các ý tưởng đề xuất; khuyến khích các hoạt động sáng tạo, thử nghiệm, thay đổi hiện tại; thúc đẩy sự kết nối, hợp tác trong và ngoài nước; tôn trọng sự đa dạng của các quan điểm đổi mới sáng tạo khác nhau; chia sẻ giá trị, niềm tin và hành vi sáng tạo; cân bằng các phân tích dựa trên thực tế và điều kiện “giả định”; khuyến khích khả năng chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại...

Đối với doanh nghiệp có văn hóa hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, Ban lãnh đạo cao cấp thực hiện thúc đẩy và thể hiện cam kết đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và công nhận cá nhân có ý tưởng, hành vi và sáng kiến đổi mới sáng tạo; khuyến khích cho các thành tựu đổi mới sáng tạo dựa trên nội lực của doanh nghiệp; phát triển các năng lực hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo; đánh giá văn hóa thông qua các chỉ số liên quan...

Doanh nghiệp xây dựng phương pháp quản lý hợp tác đổi mới sáng tạo với các bên có liên quan (bên trong và bên ngoài). Hợp tác đổi mới sáng tạo tạo điều kiện chia sẻ, tiếp cận kiến thức, tài sản trí tuệ và các nguồn tài nguyên khác. Để thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần xem xét cụ thể một số nội dung liên quan đến: chiến lược, mục tiêu, khả năng, nguồn lực và năng lực hiện có để thực hiện đổi mới sáng tạo; cách tiếp cận, phương pháp, quy tắc và thỏa thuận về sự hợp tác với đối tác bên ngoài; yêu cầu về sở hữu trí tuệ; xây dựng chiến lược hợp tác phù hợp; xây dựng niềm tin, sự tôn trọng, cởi mở giữa các bên trong hợp tác đổi mới sáng tạo.

Hợp tác đổi mới sáng tạo hỗ trợ xác định nhu cầu của các bên liên quan; chia sẻ ý tưởng, kiến thức, năng lực và bí quyết trong hoạt động đổi mới sáng tạo; khai thác cơ sở hạ tầng, danh mục đầu tư, thị

trường; cùng sử dụng các nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo...

Sự hợp tác đổi mới sáng tạo được thực hiện ở các cấp nhóm, phòng ban, đơn vị có chức năng giống nhau hoặc khác nhau trong doanh nghiệp. Sự hợp tác đổi mới sáng tạo liên quan đến các tổ chức, cá nhân như: khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, hiệp hội và các bên khác có liên quan.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG (Trang 41 - 44)