IP phải là một phần không thể thiếu trong chiến lược đổi mới sáng tạo và kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xem xét IP từ góc độ lợi ích mà IP có thể đạt được để hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Quản lý IP hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản IP để tối đa hóa lợi ích liên quan đến đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro, không chắc chắn và chi phí. Quản lý IP cho phép hợp tác với các đối tác, đối thủ cạnh tranh và khách hàng, nâng cao kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Quản lý IP có thể tạo ra giá trị thông qua các hợp tác và là động lực mới về doanh thu của doanh nghiệp.
Quản lý đổi mới sáng tạo hiệu quả bao gồm việc triển khai chiến lược IP phù hợp với chiến lược kinh doanh. Có một số hoạt động liên quan đến chiến lược IP (được minh họa trong vòng tròn bên ngoài của Hình 6.1) và các kết quả tích cực từ việc thực hiện các khía cạnh này (được minh họa trong vòng tròn bên trong của Hình 6.1).
Hình 6.1. Vai trò của IP trong quản lý đổi mới sáng tạo
Nguồn: Tác giả xây dựng trên cơ sở [ISO/DIS 56005:2019. Innovation management - Tools and methods for intellectual property management -
Guidance. ISO/TC 279]
Không có chiến lược IP chung cho tất cả doanh nghiệp, chiến lược IP phải được điều chỉnh theo mục tiêu chiến lược đổi mới sáng tạo và kinh doanh của một doanh nghiệp. Do đó, chiến lược IP phải có tính linh hoạt và tính thích ứng. Phạm vi của chiến lược IP phải phù hợp với nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp theo thời gian.
Xuất phát từ IMS (Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo), một số nguyên tắc dưới đây cung cấp nền tảng cho quản lý IP sau:
- Hiện thực hóa giá trị: Việc quản lý IP sẽ tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan, bao gồm: giá trị dài hạn và ngắn hạn; giá trị cụ thể và giá trị tiềm ẩn; giá trị tài chính và phi tài chính.
- Sự quan tâm của Ban lãnh đạo: Khi bắt đầu một sáng kiến đổi mới sáng tạo, Ban lãnh đạo của doanh nghiệp cần truyền cảm hứng, thu hút nhân viên và các bên liên quan để bảo vệ và tận dụng IP nhằm tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
- Định hướng chiến lược: Doanh nghiệp sắp xếp định hướng chiến lược tổng thể cho việc quản lý IP với các chiến lược kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
- Văn hóa: Doanh nghiệp thúc đẩy, duy trì các giá trị và hành vi được chia sẻ trong doanh nghiệp nhằm khai thác IP để tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
- Khai thác thông tin chuyên sâu: Doanh nghiệp sử dụng kiến thức IP (bên trong và bên ngoài) để xây dựng kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ các nhu cầu của doanh nghiệp.
- Quản lý “sự không chắc chắn” và rủi ro: Doanh nghiệp đánh giá và quản lý các yếu tố không chắc chắn và rủi ro đổi mới sáng tạo từ góc độ IP.
- Khả năng thích ứng: Doanh nghiệp áp dụng các quy trình quản lý IP có hệ thống để giải quyết các thay đổi trong bối cảnh doanh nghiệp.
- Phương pháp hệ thống: Doanh nghiệp quản lý IP dựa trên phương thức tiếp cận có hệ thống nhằm giảm rủi ro doanh nghiệp, tăng cường tiềm năng tạo giá trị cho doanh nghiệp.
Quản lý IP là cần thiết để quản lý đổi mới sáng tạo hiệu quả. Quản lý IP giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì khả năng đưa kết quả đổi mới sáng tạo thành tài sản IP có giá trị trong doanh nghiệp (Hình 6.2).
Hình 6.2. Cấu trúc quản lý IP
Nguồn: Tác giả xây dựng trên cơ sở [ISO/DIS 56005. Innovation management - Tools and methods for intellectual property management -
Guidance. ISO/TC 279]
Doanh nghiệp cần triển khai:
- Khung quản lý IP nhằm thực hiện các hoạt động quản lý IP. - Chiến lược IP là một cấu trúc quan trọng trong chiến lược đổi mới sáng tạo và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hoạt động quản lý IP phù hợp với quá trình đổi mới sáng tạo trong các giai đoạn đổi mới sáng tạo khác nhau.
- Các công cụ IP được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quản lý IP.