Nhóm giải pháp về công tác tổ chức

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN lực đáp ỨNG yêu cầu đẩy MẠNH CÔNG NGHIỆP hóa, HIỆN đại hóa ở TỈNH TIỀN GIANG (Trang 99 - 103)

B. NỘI DUNG

3.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu

3.2.4. Nhóm giải pháp về công tác tổ chức

3.2.4.1.Đổi mới quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong đó tập trung đổi mới căn bản cơ chế quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng hoàn chỉnh các quy định quản lý nhà nước về điều kiện thành lập và chuẩn mực chung về hoạt động của các cơ sở giáo dục; về đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp, thực hiện quyền tự chủ, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhân lực trên cơ sở quản lý của Nhà nước và giám sát của xã hội. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nhằm chuyển mạnh hệ thống đào tạo theo chỉ tiêu áp đặt sang hoạt động theo cơ chế đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thí điểm đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo theo hướng thành lập bộ phận tham mưu, trung tâm dự báo về cung cầu lao động, quản lý thị trường lao động của Tiền Giang, có nhiệm vụ tập hợp thông tin về nhu cầu lao động từ các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, các thông tin từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh; gắn kết giữa cung và cầu lao động. Từ đó tham mưu, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề về nguồn nhân lực và xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm, đề xuất các biện pháp về phát triển nhân lực.

Thí điểm hợp nhất trung tâm hướng nghiệp, các cơ sở dạy nghề công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên thành một đơn vị do một sở, ngành quản lý, nhằm có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, học viên... để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh dàn trải, hiệu quả thấp. Thí điểm hợp nhất trường trung cấp nghề và trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật để có thể khai thác hiệu quả cơ sở vật chất dùng chung như thư viện, ký túc xá, cán bộ giảng dạy, có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy, nguồn đầu vào, chương trình học.

Xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các cơ sở dạy nghề tư nhân tham gia hệ thống đào tạo nhân lực của tỉnh. Thí điểm mô hình đặc cách đào tạo liên thông đối với các lao động đạt chuẩn cao tại các cơ sở dạy nghề tư nhân lên bậc cao đẳng, đại học. Kiến nghị cho phép liên thông đào tạo nghề từ trung cấp lên cao đẳng, đại học.

3.2.4.2. Kiện toàn bộ máy quản lý nâng cao chất lượng nguồn nguồn nhân lực

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực. Coi việc phát triển và quản lý nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của tất cả các ngành, các cấp. Do vậy, cần phân công trách nhiệm quản lý thật rõ ràng để tránh chồng chéo, bảo đảm hiệu quả tối ưu cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Nâng cao chất lượng dự báo về nguồn nhân lực chất lượng đối với các lĩnh vực trọng yếu. Cần khẩn trương xây dựng vị trí việc làm cho các chức danh công việc để làm cơ sở cho cả công tác quy hoạch, bố trí và đánh giá cán bộ

Tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cán bộ theo hướng "động" và "mở", hàng năm rà soát đánh giá quy hoạch để bổ sung, sửa đổi theo tình hình thực tế; chú ý nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong diện quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng phát triển lâu dài; chú trọng hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ (bao gồm cả luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong diện quy hoạch và điều chuyển cán bộ chuyên môn để đào tạo, bồi dưỡng); tuân thủ nguyên tắc chỉ bổ nhiệm cán bộ trong diện trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của quy hoạch cán bộ coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của công chức, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ.

Cần mở rộng dân chủ để phát hiện và giới thiệu nguồn cho quy hoạch trước khi cấp ủy bàn bạc và quyết định. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giới thiệu nguồn quy hoạch và chất lượng quy hoạch. Cần chú trọng xây dựng quy hoạch công chức chuyên môn, nghiệp vụ để có thể đào tạo, bồi dưỡng ra những công chức, chuyên gia giỏi.

Giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan trong công tác quy hoạch cán bộ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phải công tâm, khách quan, coi quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ.

Thực hiện công khai quy hoạch cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phát hiện, giới thiệu và giám sát cán bộ. Đồng thời, căn cứ vào tiêu chuẩn và quy trình quy hoạch cán bộ để mọi công chức phấn đấu, rèn luyện.

Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ. Phải gắn kết quy hoạch cán bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ; việc đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ phải căn cứ trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.

Cần thành lập hội đồng đánh giá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối kết nối và tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng mà Tiền Giang có thể thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển lực lượng lao động có trình độ chuyên môn chuyên sâu cho các lĩnh vực mũi nhọn để đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Tiền Giang.

Kết luận chương 3

Để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển cần có những phương hướng, giải pháp đúng đắn, hợp lý để phát triển gắn kết giữa nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của tỉnh.

Trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Tiền Giang phải thực hiện 4 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp về đảm bảo về số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp về duy trì nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp về công tác tổ chức. Mỗi nhóm giải pháp được chia thành nhiều giải pháp nhỏ có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Như vậy, từ thực tiễn phát triển của tỉnh Tiền Giang hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có cách nào khác là thực hiện những phương hướng và giải pháp trên nhằm phát triển nguồn lực cơ bản nhất trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN lực đáp ỨNG yêu cầu đẩy MẠNH CÔNG NGHIỆP hóa, HIỆN đại hóa ở TỈNH TIỀN GIANG (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w