6. Bố cục của luận án
1.3.2. Nghiên cứu về hoạt tính sinh học
Bên cạnh những nghiên cứu về thành phần hóa học, trong nước và trên thế giới cũng có nhiều nghiên cứu có giá trị về hoạt tính sinh học của dịch chiết từ cây mật nhân, trong đó, dịch chiết từ rễ chiếm đa số.
Năm 1989, K L Chan và cộng sự đã thử nghiệm dịch chiết của rễ cây mật nhân cho thấy có họat tính chống ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong điều kiện in vitro. Các hợp chất phân lập trong cây mật nhân là: 10-hydroxycanthin-6-one, eurycomalactone, eurycomanone và eurycomanol cho tác dụng chống sốt rét [56].
Năm 1991, nhóm nghiên cứu của Kardono và cộng sự đã phân lập được năm thành phần có khả năng gây độc tế bào từ rễ mật nhân từ vùng Kalimantan, Indonesia, có một quassinoid là eurycomanone có tác dụng gây độc tế bào chống một số dòng tế bào ung thư như: Vú, đại tràng, phổi, da, các dòng tế bào kháng thuốc KB, KB-V1 và bệnh bạch cầu (P-388). Ngoài ra các hợp chất eurycomanone và 7-methoxy-P- carboline-1-propionic acid cho thấy chống lại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium
falciparum [59].
Năm 1991, nhóm nghiên cứu của H.Itokawa và cộng sự đã phát hiện một số hợp chất thuộc nhóm triterpen với khung tirucallan, niloticin, hydroniloticin, piscidinol A, bourjotinolon A, 3-episapelin A, melianon, hispidon, các hợp chất này được công bố có độc tính đối với một số loại tế bào ung thư [61].
Năm 2004, nhóm nghiên cứu của Kuo và cộng sự đã phân lập và xác định được gần 65 hợp chất từ rễ mật nhân Trong đó tám hợp chất đã chứng minh khả năng gây độc mạnh đối với dòng tế bào ung thư phổi (A-549), bảy hợp chất tác chống lại dòng tế bào ung thư vú MCF-7. Hai trong số các hợp chất có tác dụng mạnh với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum [68].
Năm 2009, nhóm nghiên cứu của Dương Thị Ly Hương và cộng sự đã nghiên cứu hoạt tính androgen trên chuột cống trắng ở dịch chiết nước rễ cây mật nhân nhận thấy rằng ở liều uống 10 mL/kg thể trọng, trọng lượng các cơ quan sinh dục cơ nâng hậu môn, tinh hoàn, túi tinh đều tăng hoặc có xu hướng tăng ở các lô chuột uống dịch chiết rễ mật nhân. Mức độ tăng ở lô dùng testosterol cao hơn rất nhiều so với lô dùng mật
nhân (p < 0,0001) [69].
Khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, nhóm nghiên cứu Tambi và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trực tiếp trên người, tiến hành cho 76 người trong 320 người bệnh nhân bị suy giảm testosterol uống mật nhân với liều 200 mg trong vòng một tháng. Kết quả là có sự tăng testosterol trong huyết thanh [70] [71].
Năm 2015, nhóm nghiên cứu của Khanam và cộng sự đã nghiên cứu và chỉ ra rằng:Các hợp chất phenolic, flavonoid, terpenoid, alkaloid, protein trong chiết xuất từ thân cây và từ rễ thể hiện hoạt động kháng khuẩn, tuy nhiên, hoạt tính kháng khuẩn cao nhất đã được quan sát chống lại vi khuẩn gram dương bằng cả chiết xuất từ thân và rễ. Tuy nhiên, chiết xuất từ thân cây mạnh hơn chiết xuất từ rễ chống lại Bacillus
cereus và Staphylococcus aureus [21].
Năm 2017, nhóm tác giả Trần Thu Trang và cộng sự đã khảo sát hoạt tính sinh học của cao chiết methanol từ rễ tơ và rễ tự nhiên cây bá bệnh tại vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Hoành Bồ, Quảng Ninh. Kết quả cho thấy cao chiết methanol từ rễ tơ và rễ tự nhiên ức chế sản xuất cytokine gây viêm IL-6 kích thích bởi lipopolysaccharide (LPS) ở dòng tế bào THP-1 với IC50 tương ứng là 3,6 và 6,6 (µg/mL). Cao chiết methanol từ rễ tơ và rễ tự nhiên có hoạt tính gây độc tế bào ung thư ở mức trung bình trên các dòng tế bào HepG2, LU-1, MCF-7 với IC50 tương ứng là 77,4; 61,1; 88,2 (µg/mL) và 63,8, 46,2, 54,8 (µg/mL). Tuy nhiên, cả hai loại cao chiết nghiên cứu đều không có khả năng ức chế quá trính peroxy hoá lipid (IC50 > 100) [72].
Năm 2018, nhóm tác giả Lê Thanh Liêm và cộng sự đã phân lập và chứng minh hoạt tính kháng viêm của hợp chất 9,10-dimethoxy-canthin-6-one có trong rễ cây mật nhân tại Kỳ Sơn – Nghệ An [16].
Năm 2020, nhóm nghiên cứu Ying Zhang và cộng sự đã nghiên cứu khả năng ức chế tế bào đại thực bào sinh NO của dịch chiết nước từ rễ cây mật nhân tại Thái Lan [73].
Với những kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy, cây mật nhân, đặc biệt là rễ rất có giá trị, chúng thể hiện hoạt tính sinh học phong phú và giá trị cao.