- Điều kiện tự nhiên:
1.2. Nhân tố lịch sử văn hóa
Lịch sử nước ta có ghi chép rất rõ ràng rằng: Ngay từ thời Lý, Vân Đồn (Quảng Ninh) đã trở thành một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất. Được ghi nhận là “thương cảng đầu tiên của Việt Nam thời kỳ trung đại”. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, lại tiếp giáp với Trung Quốc cả trên bộ và trên biển, nơi vô cùng dồi dào các sản vật quý hiếm, thu hút sự chú ý của các đoàn thuyền buôn và các thương nhân, vì vậy việc buôn bán trao đổi Việt - Trung ở Quảng Ninh đã xuất hiện từ rất sớm và nổi tiếng với thương cảng Vân Đồn, Vạn Ninh. Cảng Vạn Ninh (nay thuộc Móng Cái, Quảng Ninh) cũng là nơi giao thương tấp nập, là một thương cảng sầm uất thời trung đại. Tuy rằng, bến Vạn Ninh thành lập sau (khoảng thế kỷ XII) và nhỏ hơn Vân Đồn nhưng đã nhanh chóng trở thành thương cảng huyết mạch. Trước đó, việc thông thương, buôn bán giữa nước ta với các nước khác chủ yếu bằng đường bộ, thế nên việc thành lập các thương cảng Vân Đồn, Vạn Ninh đã tạo nên một bước ngoặt vô cùng to
lớn. Cảng Vân Đồn và Vạn Ninh cùng với con sông Thác Mang (nay là sông Ka Long) đã tạo điều kiện để giao thương với Trung Quốc thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân hai nước đã cùng nhau chung sống và trao đổi buôn bán trên dòng sông sông Ka Long cho nên nơi này đã sớm trở thành nơi đông đúc, trên bến dưới thuyền. Đặc biệt, thương cảng Vạn Ninh vốn là nơi hội tụ của người Hoa và người Việt đến ở hoặc đi lại buôn bán. Ngoài số nông dân, ngư dân di cư sang sinh sống lâu dài ở khắp làng xóm, hải đảo thì còn rất nhiều thương nhân sang buôn bán và sinh sống ở các thành phố.
Chứng minh cho sự sớm giao thương giữa Đại Việt và Trung Quốc ở đây là những hiện vật khảo cổ tìm được ở Vân Đồn như: tiền đồng của Trung Quốc thời Tống với số lượng tương đối nhiều và đồ gốm hết sức phong phú của Trung Quốc. Theo thống kê có tới 125 đồng tiền Trung Quốc thời Đường, Tống và 421 đồng tiền Việt Nam thời Lê và Tây Sơn cùng nhiều tiền Minh Mệnh thời Nguyễn. Hiện vật đồ sứ tổng số có 36, bao gồm: vò, hũ, lon sành, bát, đĩa [64, tr.141]. Những bến ở Vân Đồn xưa tấp nập thuyền bè bao gồm: bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cái Cổng, Cống Yên, Cống Hẹp, Cống Đông.
Đến khoảng giữa thế kỉ XVII, với sự nổi lên của hai thương cảng mới là Kẻ Chợ - Thăng Long và Phố Hiến, Vân Đồn dần mất vị trí độc tôn. Mặc dù không còn nhiều thương nhân các nước đến buôn bán, nơi đây vẫn thu hút không ít khách thương Trung Quốc. Đặc biệt hơn là dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, vì sợ người Trung Quốc dưới chiêu bài buôn bán để do thám tình hình nên các vua của Đại Việt thường chỉ cho phép người nước ngoài được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước. Ngược lại Trung Quốc cũng vậy, chỉ cho phép thương nhân Đại Việt buôn bán ở một số địa điểm thuộc Ung Châu, Khâm Châu.
Các địa điểm buôn bán ở biên giới hai nước được Chu Khứ Phi gọi là “Bác dịch trường”. Ở Ung Châu có hai bác dịch trường lớn: Một là trại Hoành Sơn, nơi mua ngựa và các lâm sản, dược phẩm của địa phương và muối; hai là Trại Vĩnh Bình ở sông Hữu Giang, Ung Châu, kề biên giới Giao Chỉ, chỉ cách một con sông con mà thôi. Phía Bắc có trạm Giao Chỉ, phía Nam có đình Tuyên Hoà, làm Bác dịch trường. Chủ trại Vĩnh Bình coi việc coi sóc việc trao đổi, người Giao Chỉ đem các thứ hương, ngà voi, sừng tê, vàng bạc, tiền đổi lấy các thứ vải vóc. Những người Giao Chỉ đến Vĩnh Bình đều đi đường bộ. Những hàng hoá họ đem bán đều quý, nhỏ nhẹ, chỉ có muối là nặng, nhưng muối có thể đổi lấy vải. Ở Khâm Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), Bác dịch trường ở đây thuộc loại lớn nhất. Cũng theo Chu Khứ Phi: “Bác dịch trường ở ngoại thành tại Giang Đông. Những người thuyền chài Giao Chỉ mang cá, sò đến đổi lấy đấu gạo, thước vải. Phú thương nước ấy đến buôn bán từ châu Vĩnh An phải thông điệp cho Khâm Châu, ấy là tiểu thương (buôn nhỏ), còn nước ấy sai sứ đến buôn bán gọi là đại thương (buôn to). Hàng đem bán có bạc, đồng, tiền, trầm hương, quang hương, thục hương, sinh hương, trân châu, ngà voi. Những tiểu thương nước ta (tức Trung Quốc), bán các thứ bút, giấy, gạo, vải, hàng ngày trao đổi một ít với người Giao Chỉ” [10]. Hàng hoá của Đại Việt xuất sang Trung Quốc thường là lâm thổ sản. Hàng nhập của Trung Quốc vào là giấy, bút, tơ, vải, gấm vóc. Tuy nhiên, ngoài những thứ đó ra ta còn thấy người Man ở biên giới Trung Quốc (nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thường mang ngựa sang Đại Việt buôn bán. Hải cảng Vân Đồn trở thành trung tâm buôn bán thịnh vượng. Tại đây đã phát hiện được những mảnh gốm vỡ các loại, phần lớn là đồ gốm men ngọc thời Lý, đồ gốm men nâu thời Trần và đồ gốm men lam thời Lê được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, một số đồ gốm có chất lượng cao của Việt Nam được lưu giữ tại Nhật Bản, Mỹ, Singapo, Anh, Malaixia. Nhiều thuyền buôn các nước đã đến hải cảng Vân Đồn buôn bán.
Ở Quảng Ninh chủ yếu là quan hệ trao đổi mua bán hàng hóa qua biên giới trên bộ và trên biển. Từ thời kì phong kiến với sự phồn thịnh của thương cảng Vân Đồn cho đến sự tấp nập của Móng Cái thời kì thuộc Pháp, và ngay cả trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động này vẫn diễn ra gần như thường xuyên, liên tục dưới các hình thức như trao đổi, mua bán hay viện trợ, mặc dù mức độ ở mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau. Như vậy, quá trình trao đổi mua bán qua biên giới giữa hai nước trên địa bàn tỉnh đã diễn ra qua nhiều thế kỉ và đã trở thành một mối quan hệ truyền thống ở khu vực biên giới Đông Bắc Việt Nam, trở thành nét đặc trưng, thành ưu thế và là điều kiện của Quảng Ninh trong giao lưu hợp tác toàn diện với các tỉnh bên kia biên giới thời kì đổi mới.
Nếu xét về tiềm năng và lịch sử quan hệ giao lưu buôn bán với người bạn lớn Trung Quốc thì tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế hơn hẳn những tỉnh khác trong cả nước. Trong lịch sử, những thương cảng Vân Đồn, Vạn Ninh, Vạn Gia,… không chỉ là những cái tên “vang bóng một thời” mà đó là những tiền đề vô cùng quan trọng để quan hệ Quảng Tây - Quảng Ninh nói riêng và Trung Quốc - Việt Nam nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt.