- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
2.4.2. Giao thông vận tả
Muốn thúc đẩy giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai bên thuận lợi hơn thì nhất thiết phải cần đến cơ sở hạ tầng, cầu đường thuận lợi. Hiện nay, giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây đã có rất nhều công trình hợp tác xây dựng hai bên như: Khu hợp tác kinh tế Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam), Cầu Bắc Luân II, xây dựng tuyến đường cao tốc Đông Hưng - Móng Cái - Hạ Long nối liền với đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, xây dựng tuyến đường sắt Phòng Thành - Đông Hưng nối liền Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; nâng cấp các cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hoả và Hoành Mô - Động Trung. Đồng chí Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đã nói rằng: “Quảng Ninh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Quảng Tây Trung Quốc sớm triển khai đầu tư vào đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái” [120]. Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái nằm trong chương trình phát triển hệ thống đường cao tốc của Chính phủ Việt Nam, Móng Cái nối tiếp đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Lào Cai - Hà Nội và Hải Phòng - Hạ Long, nối thông từ của khẩu quốc tế Lào Cai (nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội và đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái (nối với tỉnh Quảng Tây Trung Quốc). Hình thành hai hành lang: Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong chiến lược “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế” của hai nước Việt - Trung. Đối với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái có vai trò hết sức quan trọng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá, hành khách cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong
tỉnh như: Khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; nhu cầu của các đô thị lớn như Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và nhu cầu của khách du lịch Quảng Ninh đến Vịnh Hạ Long.
Trong thời gian qua, Quảng Ninh và Quảng Tây đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu của hai bên như: Nhà kiểm soát liên ngành của khẩu Hoành Mô, Nhà kiểm hoá và chợ nối liền đường vận chuyển hàng hoá tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng, cầu Bắc Luân 2. Đối với các tuyến đường giao thông ra biên giới, hai bên hợp tác khẩn trương cải tạo quốc lộ 18 đoạn Mông Dương - Móng Cái, quốc lộ 18C ra cửa khẩu Hoành Mô, đường 340 ra cửa khẩu Bắc Phong Sinh, quốc lộ 4A - 4B nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn, cảng Cái Lân, cụ thể:
Đường bộ: tuyến Đông Hưng - Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, phía Trung Quốc đã hoàn thành là một thuận lợi rất lớn cho việc đi lại và trao đổi hàng hoá giữa hai bên.
Đường biển: Những năm vừa qua một số cảng quan trọng được đầu tư xây dựng và đang phát huy thế mạnh trong vai trò trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu như cảng Cái Lân, cảng Hòn Nét, Mũi Chùa. Cảng nước sâu Cái Lân mới được xây dựng nhưng có hiệu quả kinh tế cao. Ưu thế lơn nhất của cảng là nằm trong Khu công nghiệp Cái Lân, liền kề quốc lộ 18 và đầu đường xe lửa Kép - Bãi Cháy, rất thuận tiện cho việc trung chuyển hàng hoá. Cảng Cái Lân được xây dựng thành cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa cho hành lang Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Bên cạnh đó bằng nguồn thu ngân sách của hai tỉnh, có sự hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ, hai bên còn hợp tác phát triển đường thủy nội địa như mở rộng cảng sông và khôi phục các tuyến đường sông nối liền Hà Nội - Quảng Ninh…
Trên vịnh Bái Tử Long, cảng Hòn Nét cũng mới được xây dựng, cho phép tàu trên dưới 10 vạn tấn có thể neo đậu an toàn và bốc chuyển hàng hoá thuận tiện. Nằm kề khu vực khai thác và chế biến than, vì vậy cảng này đặc biệt ưu thế cho việc xuất khẩu than. Ở cửa sông Tiên Yên, cảng Mũi Chùa mới được xây dựng đã ngày càng tỏ rõ tác dụng, làm đầu cầu nối các tỉnh miền núi phía Bắc qua Quốc lộ 4. Đồng thời đây cũng là luồng vận chuyển thuận tiện sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hoành Mô.
Đường hàng không: Sân bay quốc tế Vân Đồn đang hoàn tất những khâu cuối cùng để đi vào hoạt động.
Cửa khẩu, chợ biên giới: Hệ thống chợ Móng Cái với 4 khu chợ khang trang hiện đại được hoàn thành, tiến hành nâng cấp cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh cùng các chợ ở các khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện về hạ tầng cơ sở hơn nữa cho việc thông thương với bên kia biên giới.
Đường sắt: Quảng Ninh và Quảng Tây phối hợp nâng cấp tuyến đường sắt Kép - Hạ Long dài 134,55 km, sau đó hiện đại hệ thống thông tin liên lạc; đồng thời xây dựng mới đoạn Yên Viên - Phả Lại - cảng Cái Lân dài 142 km để tăng cường năng lực vận tải hàng từ cảng này về Hà Nội. Đây cũng là dự án nằm trong chương trình kết nối hai hành lang, một vành đai giữa hai nước.
Tiểu kết chương 2
Qua việc nghiên cứu quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực của Quảng Tây và Quảng Ninh có thế thấy sự cố gắng nỗ lực của lãnh đạo hai tỉnh cũng như của các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong việc cải thiện và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Chỉ trong vòng 6 năm (2010 - 2016), kinh tế của không chỉ Quảng Ninh mà cả Quảng Tây đều đã có những thay đổi rõ rệt, giá trị bình quân GDP tăng, nền kinh tế phát triển cũng khiến cho cuộc sống của nhân dân hai tỉnh được cải thiện rõ rệt. Hiện tại nhiều dự án hợp tác đầu tư giữa hai bên còn đang trong giai đoạn triển khai, vì vậy giá trị thực tế chưa thực sự cao, nhưng xét về tiềm năng trong tương lai quan hệ giữa Quảng Tây - Quảng Ninh sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ kinh tế, quan hệ giữa Quảng Tây và Quảng Ninh trong giai đoạn 2010 - 2016 càng thêm gần gũi và mật thiết hơn bởi sự giao lưu, hợp tác trên tất cả các mặt từ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng đến đầu tư hợp tác thương mại và cả trên các lĩnh vực khác như văn hoá giáo dục, thể dục thế thao... Điều đó không chỉ góp phần to lớn trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai địa phương mà còn góp phần không nhỏ trog việc cải thiện không khí căng thẳng của quan hệ Việt - Trung những năm gần đây. Tuy nhiên, phải khẳng định sự trao đổi hợp tác giữa hai tỉnh là chưa cân bằng và chưa phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên. Giá trị xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hay ngay cả trong quá trình hợp tác đầu tư luôn có sự chênh lệch. Tỉnh Quảng Ninh mặc dù có rất nhiều tiềm năng, có rất nhiều thế mạnh nhưng thực trạng hợp tác đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế. Để trở thành tỉnh tiên phong về kinh tế cũng như để trở thành một “bạn hàng” thực sự tương xứng và hợp tác có hiệu quả với Quảng Tây, Quảng Ninh cần cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để có được một nền kinh tế xứng tầm, phát triển vững chắc, mạnh mẽ, đột phá và táo bạo.
CHƯƠNG 3
NHẬN XÉT VỀ QUAN HỆ QUẢNG TÂY - QUẢNG NINH (2010 - 2016)