- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
2.1.2. An ninh quốc phòng
Ý thức sâu sắc ý nghĩa của vấn đề an ninh quốc phòng, nhất là việc bảo vệ biên giới Việt - Trung đối với sự phát triển của mỗi tỉnh, lực lượng công an, biên phòng của cả Quảng Ninh và Quảng Tây đã phối hợp nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp nhằm bảo vệ trị an khu vực biên giới như: trao trả người vi phạm pháp luật, đấu tranh chống tội phạm, chống xuất nhập cảnh trái phép và xử lý những vi phạm trong quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập biên.
Hàng năm hai bên đều duy trì hoạt động gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và bàn biện pháp phối hợp thực hiện, chỉ đạo công an, biên phòng các địa phương biên giới, thị xã Đông Hưng và thị xã Móng Cái họp luân phiên hàng tháng, hợp
tác trong công tác phòng chống tội phạm. Ở các huyện biên giới khác của hai tỉnh cũng thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ, bàn bạc giải quyết các vấn đề trật tự an ninh biên giới; tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao giữa 2 bên để tăng cường hữu nghị. Đặc biệt năm 2016, đoàn đại biểu Tổng đội Công an biên phòng Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây sang Hội đàm lần thứ 4 và sơ kết hai năm “Chung tay kết nghĩa đồn trạm (Chi Đội) hữu nghị cùng nhau xây dựng biên giới bình yên” với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Chiều ngày 26/5/2016, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam), đoàn đại biểu Tổng Đội Công an biên phòng Trung Quốc do Thiếu tướng Trương Đại Ninh, tổng đội trưởng làm trưởng đoàn đã đến chào xã giao và tiếp kiến ông Lê Quang Tùng Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nhận lời mời của Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, sáng 1/11/2016 Thiếu tướng Mâu Ngọc Xương, Chính ủy Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc đã đến Việt Nam dự chương trình giao lưu văn hóa giữa Tổng đội Công an Biên phòng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh… Các hoạt động trên đều được tổ chức trên cơ sở thỏa thuận hợp tác Biên phòng 3 cấp và Chương trình ký kết “Tăng cường giao lưu công tác Chính trị giữa Bộ Tư lệnh Bộ đôi Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam với Cục quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc”.Trong các cuộc gặp trên, lãnh đạo hai tỉnh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây trong tình hình hiện nay.
Mặc dù còn những nhận thức khác nhau trong vấn đề bảo vệ an ninh biên giới, nhìn chung từ năm 2010 đến 2016, khi hai nước đã kí được Hiệp định biên giới trên đất liền, lực lượng chức năng cả hai bên đã phối hợp tương đối chặt
chẽ và hiệu quả trong quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc cũng như xử lý các vụ việc như: trộm cắp, buôn lậu, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán vận chuyển và tiêu thụ tiền giả… Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật và các quy định về xuất nhập cảnh qua lại biên giới. Duy trì và tăng cường quản lý tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Có thể nói việc hợp tác giữ gìn trật tự an ninh biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi bên, hợp tác tốt không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà còn có ý nghĩa nền tảng trong việc tạo môi trường hòa bình ổn định khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và quản lý, giảm những nguy cơ tranh chấp xung đột, đồng thời giảm đi những ngờ vực giữa hai bên, tăng cường lòng tin của hai Nhà nước và nhân dân hai nước, từ đó thúc đẩy quan hệ mọi mặt Việt - Trung trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh - Quảng Tây.
Các ban ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh theo sự chỉ đạo từ trung ương đã có sự quan tâm kịp thời đến các ban ngành tại các địa phương biên giới, tăng cường các hoạt động đối ngoại với chính quyền và các lực lượng quản lý bảo vệ nhằm kiên trì thông qua đàm phán để giải quyết những vấn đề, vụ việc phức tạp giữa hai bên, hạn chế tối đa các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Từ đó từng bước đẩy mạnh, củng cố, xây dựng các địa phương biên giới vững mạnh về mọi mặt. Về phía Quảng Tây, nói chung cũng phối hợp tương đối tốt, cùng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong triển khai công việc song phương.
Về công tác phân giới cắm mốc: Sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực, công tác quản lý biên giới trở thành một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cũng là một trong những công tác trọng yếu
của các tỉnh giáp biên với Trung Quốc. Hai bên thành lập Uỷ ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc để phối hợp, đôn đốc, giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới. Cùng với đó, lãnh đạo các tỉnh biên giới luôn quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng, các huyện biên giới thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và bảo vệ biên giới. Đồng thời nhấn mạnh, phải chú trọng triển khai hoạt động đối ngoại, phục vụ công tác quản lý biên giới.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành tốt công tác phối hợp quản lý biên giới, cũng như triển khai hiệu quả các chương trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới với tỉnh Quảng Tây; tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ với chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn. Lực lượng biên phòng hai tỉnh thường xuyên có những cuộc gặp gỡ định kỳ hoặc đột xuất để trao đổi thông tin về tình hình kiểm tra khu vực biên giới và nhiều vấn đề liên quan khác như: xây dựng công trình giao thông, công trình đường đầu nối…; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt 3 văn kiện biên giới Việt - Trung, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân. Các cơ quan quản lý biên giới, cửa khẩu hai bên duy trì trao đổi thông tin định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm, tiến hành tuần tra chung; lập đường dây nóng, tiếp tục thực hiện chủ trương thiết lập quan hệ hữu nghị thôn - bản, đồn - trạm biên phòng, cụm dân cư biên giới. Hai bên cũng phối hợp giải quyết kịp thời và dứt điểm các sự kiện nảy sinh trên biên giới với tinh thần hợp tác và xây dựng, như: trao đổi và tiếp nhận thông tin, trao trả công dân xuất nhập cảnh trái phép của hai nước, phòng chống các loại tội phạm qua biên giới. Ngoài ra hai tỉnh còn chủ động xây dựng các công trình kè bảo vệ cột mốc, phát quang tầm nhìn biên giới để thuận tiện cho cư dân biên giới hai bên qua lại. Về cơ bản, tình hình trên toàn tuyến biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc tại khu vực tỉnh Quảng
Ninh và tỉnh Quảng Tây trong giai đoạn 2010 - 2016 ổn định, an ninh trật tự khu vực biên giới được đảm bảo. Đời sống nhân dân khu vực biên giới ngày càng được cải thiện, quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ, đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, về biên giới trên biển, Quảng Ninh và các địa phương giáp biên của Quảng Tây tiếp tục thực hiên tuần tra chung Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, góp phần giữ vững ổn định trật tự, an ninh biên giới.
Tuy nhiên, ngay cả khi công tác phân giới cắm mốc vô cùng quan trọng đã hoàn thành giữa hai bên vẫn còn xảy ra các hoạt động vi phạm Hiệp định về quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Lực lượng biên phòng và Hải quan Móng Cái cho biết, những hoạt động lấn chiếm biên giới của cư dân Trung Quốc vẫn xuất hiện dù có hạn chế hơn. Cụ thể là việc họ đổ đất nắn dòng ở khu vực sông Bắc Luân, việc triển khai xây dựng các công trình kè sông suối, kè bảo vệ chân mốc gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, xâm hại mốc giới làm ảnh hưởng đến tính nguyên trạng đường biên giới, mốc biên giới quốc gia; rồi tàu hải giám cũng như tàu của ngư dân Trung Quốc thâm nhập trái phép vào vùng biển Quảng Ninh xuất nhập cảnh trái phép, vẫn có hiện tượng tàu thuyền cả hai nước vi phạm hiệp định: ngư dân Việt Nam dùng chất nổ, xung điện, công suất ánh sáng quá mức quy định để khai thác; tình trạng mua bán người vẫn còn xảy ra; mua bán vận chuyển ma tuý trái phép; tình trạng mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại qua biên giới,…[73, tr.121]. Những hành động đó đòi hỏi phía Việt Nam phải luôn phát huy tinh thần cảnh giác cao độ, kiên quyết ngăn chặn, làm thế nào để vừa giữ gìn an ninh và độc lập chủ quyền biển đảo đất nước mà vẫn có thể duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
2.2. Kinh tế