- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
1.4. Quan hệ QuảngTâ y Quảng Ninh trước năm
Từ năm 1991 đến năm 1995, mặc dù quan hệ hai nước đã chuyển từ căng thẳng sang bình thường hóa, song trong quan hệ hai nước vẫn tồn tại nhiều những vấn đề bất đồng, tranh chấp như: biên giới lãnh thổ (biên giới đất liền và chủ quyền các đảo, vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ) và hợp tác kinh tế thương mại. Đảng và Chính phủ hai nước đã có những cố gắng lớn trong giải quyết các vấn đề trên và cuối cùng đã đưa ra được Bản Thông cáo chung với tinh thần phát triển quan hệ Việt - Trung theo hướng hợp tác hữu nghị.
Từ sau năm 1995, qua các cuộc trao đổi, làm việc của các đoàn đại biểu cấp cao, bất đồng giữa hai bên ngày càng có xu hướng giảm. Chỉ tính trong năm 1996, đã có tới hơn 100 đoàn đại biểu chính thức của hai bên thăm viếng lẫn nhau [73, tr.62]. Cùng với đó, hai nước đã cùng thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, thân thiện, tích cực tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế nên quan hệ hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Tháng 2/1999, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Với tinh thần chung ấy, nhiều hiệp định quan trọng được ký kết giữa hai bên như “Hiệp định về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc” (30/12/1999) và “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và vùng đặc quyền kinh tế”, “Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ” (12/2000)… đồng thời hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đó là những kết quả quan trọng đến từ nỗ lực của cả hai phía, tạo ra những điều thuận lợi cơ bản cho hợp tác xuyên biên giới giữa các địa phương của hai nước.
Tính từ năm 1991 đến tháng 8 năm 2006, hai nước đã ký được 5 bản Thông cáo chung và ra được 3 Tuyên bố chung, có 51 hiệp định và gần 30 văn kiện cấp Nhà nước được kí kết xung quanh các mặt quan hệ giữa hai nước [72, tr.62]. Các văn kiện ấy không chỉ thể hiện quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cùng nhau củng cố quan hệ truyền thống lâu đời mà còn nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế.
Từ năm 2006 đến năm 2010 là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ mọi mặt giữa hai nước theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong 5 năm này, hai bên đã kí 11 văn kiện hợp tác Việt - Trung, trong đó đáng lưu ý là: Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác hai hành lang một vành đai, Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trong khu vực, Thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, Thỏa thuận khung về hợp tác đầu tư các dự án thuộc hai hành lang, một vành đai…); kí các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý cửa khẩu, Nghị định thư về phân giới cắm mốc (2009) [72, tr.63].
Một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong hợp tác biên giới hai nước là sự kiện năm 2007, tại Nam Ninh (Quảng Tây) đã diễn ra cuộc họp thống nhất thành lập Ủy ban công tác liên hiệp giữa ba tỉnh phía Bắc Việt Nam (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) và khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây). Đây là bước tiến lớn trong thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, từ đây mọi hoạt động hợp tác từ hai phía sẽ ngày càng chặt chẽ và thống nhất hơn. Qua ba hội nghị trong các năm 2008, 2009, 2010 của Ủy ban công tác liên hợp các tỉnh biên giới hai nước, hai bên đã kí được Bản ghi nhớ xây dựng Khu hợp tác xuyên biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây).
Như vậy trên tinh thần 4 tốt và phương châm 16 chữ vàng cùng với những văn bản, những Tuyên bố chung mà Chính phủ hai nước đã đưa ra, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây đã cùng nhau cụ thể hóa, thiết lập mối quan hệ phù hợp với bối cảnh chung của quan hệ hai nước, tình hình của hai địa phương và phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của địa phương mình bằng những giải pháp phù hợp. Từ năm 1991 đến năm 2010, trong các cuộc gặp gỡ hội đàm, hai tỉnh đã dần thiết lập được cơ chế hợp tác thống nhất thông qua nhiều văn kiện được thỏa thuận và kí kết, tạo cơ sở pháp lí cho các hoạt động giao lưu trao đổi, đưa mối quan hệ này ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Tuy vậy, trong bối cảnh chung của quan hệ Việt – Trung, quan hệ giữa tỉnh Quảng Tây và Quảng Ninh vẫn còn xuất hiện những bất đồng, tập trung chủ yếu xung quanh vấn đề biên giới biển đảo, nhất là từ vấn đề Biển Đông. Điều đó cho thấy những căng thẳng nổi lên xung quanh vấn đề này có tác động rất lớn đến quan hệ hai bên, đồng thời cũng cho thấy Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa trước những khẩu hiệu, những chiến lược của Trung Quốc trên bàn ngoại giao cũng như trong các lĩnh vực hợp tác khác.
Tiểu kết chương 1
Như vậy, xét trên tất cả các mặt, từ điều kiện địa lý tự nhiên, nhân tố lịch sử văn hoá, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Tây và tỉnh Quảng ninh, có thế nói, đây là hai tỉnh vùng biên có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh. Đồng thời, cùng với quá trình hợp tác lâu dài trong lịch sử, Quảng Tây và Quảng Ninh là một trong những cặp quan hệ địa phương biên giới tiêu biểu. Hai tỉnh này đều xác định là đối tác quan trọng của nhau không chỉ bởi do địa lí liền kề, yếu tố lịch sử, mà còn bởi các thế mạnh bổ sung và ảnh hưởng lẫn nhau, vì thế nó có tác động không nhỏ đến ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế của mỗi bên. Những năm gần đây, dưới sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá cùng với những nền kinh tế năng động trong khu vực, Quảng Tây và Quảng Ninh càng có nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng gần gũi cùng hợp tác cùng phát triển. Trong bối cảnh mới, hai địa phương vừa hội tụ nhiều cơ sở thuận lợi vừa có những yếu tố thách thức đặt ra cho hợp tác Quảng Tây - Quảng Ninh mà lớn hơn là hợp tác Việt - Trung.
CHƯƠNG 2
QUAN HỆ HỢP TÁC QUẢNG TÂY - QUẢNG NINH TRÊN CÁC LĨNH VỰC (2010 - 2016)