- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
2.4.1. Du lịch, thể dụ c thể thao
Về du lịch: Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lần về thăm Quảng Ninh đã nói rằng: “Tỉnh Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ, ở đây có rừng, có biển, đồng bằng, miền núi, hải đảo…”, cùng với các tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng. Được thiên nhiên ưu đãi, sức hút của Quảng Ninh không chỉ đến từ việc sở hữu một quần thể danh lam thắng cảnh kỳ vĩ bậc nhất thế giới, một miền khí hậu mát lành êm ái, mà nó còn đến từ tính nhân văn giản dị, gần gũi mà chân thành của con người Quảng Ninh. Chính vì vậy, hoạt động du lịch ở nơi đây đã phát triển từ rất sớm. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước,
ngành du lịch Quảng Ninh đã từng bước trưởng thành, là một trong năm trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam. Hoạt động di lịch Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, tốc độ tăng trưởng cao, lượng du khách đến với Quảng Ninh ngày càng đông, đặc biệt là khách quốc tế, trong đó lượng khách Trung Quốc mà gần nhất là Quảng Tây đã đến với Quảng Ninh không ngừng tăng. Đó là kết quả rất đáng khích lệ.
Nói về việc hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây ông Chu Liên Lý, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Thanh Lữ, Quảng Tây nói rằng: Hàng năm chúng tôi đưa rất nhiều đoàn khách của Trung Quốc sang thăm Vịnh Hạ Long và ngược lại. Do vậy, doanh thu về ngành du lịch của chúng tôi và các bạn hàng năm đều tăng rất cao. Kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ, hợp tác kinh tế, du lịch và cả ngoại giao, nâng tầm vị thế của Quảng Ninh - Quảng Tây trong thời kỳ hội nhập và phát triển” [120]. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam [126]. Ngược lại khách Việt Nam sang du lịch Trung Quốc lại có tỷ lệ thấp hơn. Du lịch Việt Nam luôn coi Trung Quốc là thị trường du lịch tiềm năng và trọng điểm. Tuyến du lịch từ Quảng Tây sang Quảng Ninh chủ yếu qua các cửa khẩu đường bộ Đông Hưng - Móng Cái và đường biển Bắc Hải - Hạ Long. Ngoài việc tăng cường trao đổi khách là công dân hai nước, hai bên còn chú trọng thu hút khách du lịch từ nước thứ ba. Bên cạnh các hoạt động giao lưu đó, Trung Quốc còn mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý và các hướng dẫn viên du lịch, đồng thời phối hợp tổ chức dạy tiếng Trung và tiếng Việt cho hướng dẫn viên hai nước.
Mặc dù khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Quảng Ninh vẫn không ngừng tăng qua các năm, song cũng giống như lĩnh vực hợp tác đầu tư, sự phát triển của hợp tác du lịch hai bên còn quá lệch. So với lượng khách du lịch Trung Quốc, hàng năm khách du lịch Quảng Ninh và Việt Nam quá cảnh qua Quảng Tây sang thăm Trung Quốc còn nhỏ. Ngoài các đoàn trao đổi của các ban ngành, các doanh nghiệp, có một bộ phận sang thăm người thân hoặc trao đổi buôn bán…
Tuy hoạt động hợp tác du lịch còn mất cân đối, song sự phát triển của hoạt động này giữa hai tỉnh trong những năm qua đã góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, gần gũi giữa không chỉ nhân dân hai tỉnh mà còn của toàn thể hai dân tộc Việt - Trung.
Về thể dục - thể thao: Đây cũng là một lĩnh vực mới hợp tác giữa hai tỉnh song đã có khá nhiều hoạt động phong phú. Tháng 4/2011, tổng cục trưởng Tổng cục thể thao quốc gia Trung Quốc Lưu Bằng thăm Việt Nam. Hai bên đã kí cam kết ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn của châu lục thời gian tới. Về đào tạo, Trung Quốc sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực thể thao; trong đó có việc đào tạo nghiên cứu sinh, thực tập sinh, vận động viên; cam kết đáp ứng nhu cầu về việc cử chuyên gia, huấn luyện viên giỏi cho một số môn thể thao mà Việt Nam có yêu cầu cụ thể nhằm nâng cao thành tích tại các kỳ đại hội thể thao thế giới, châu lục và khu vực; ưu tiên dành học bổng cho sinh viên thể thao Việt Nam…
Thường xuyên tham gia các giải đấu, giao lưu thể thao trong khu vực nói chung, giữa hai nước nói riêng, thi đấu giao hữu và trao đổi kinh nghiệm các môn thể thao (bóng bàn, cầu lông…), dành ưu đãi trong việc huấn luyện cho các vận động viên của các đoàn thể thao Việt Nam sang tập huấn tại Trung Quốc.
Những năm gần đây Quảng Ninh đều đưa các đoàn vận động viên sang huấn luyện tại Quảng Tây. Cạnh đó hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm
về công tác tuyển chọn, đào tạo các vận động viên, đặc biệt là vận động viên thành tích cao. Ngoài ra các sở, ban, ngành hai bên còn tổ chức thi đấu giao hữu thường niên các môn: bóng chuyền, bóng đá, golf… góp phần tăng cường mối liên hệ hợp tác giữa hai tỉnh - khu.