Văn hó a giáo dục

Một phần của tài liệu QUAN hệ GIỮA TỈNH QUẢNG tây (TRUNG QUỐC) và TỈNH QUẢNG NINH (VIỆT NAM) GIAI đoạn 2010 2016 (Trang 78 - 83)

- Về phía tỉnh Quảng Ninh:

2.3. Văn hó a giáo dục

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây, hai bên đều nhấn mạnh rằng giao lưu hợp tác chính là nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh nói riêng và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói chung. Đoàn thanh niên hai nước cần tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng phát triển, để thanh niên xứng đáng trở thành những đại sứ văn hóa gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Vì vậy, hàng năm đều diễn ra rất nhiều các sự kiện giao lưu, học hỏi trao đổi lẫn nhau giữa nhân dân hai tỉnh mà đặc biệt là tầng lớp thanh niên như: Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung, Liên hoan tiếng hát Hữu nghị Việt Trung, Chương trình cầu truyền hình “Giao lưu Việt - Trung: Láng giềng gần”…

Lễ hội Du lịch Hạ Long trong mấy năm gần đây luôn trở nên sôi động hơn bởi các màn biểu diễn văn hoá, nghệ thuật của các đoàn nghệ sĩ đến từ Quảng Tây. Những tiết mục do các nghệ nhân Quảng Tây thể hiện luôn nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Hạ Long và du khách thập phương đến Hạ Long. Phó trưởng ty Văn hoá tỉnh Quảng Tây cũng cho rằng việc hai địa phương

phối hợp cùng nhau phát triển văn hoá sẽ tạo ra tiền đề tốt cho hoạt động phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá của hai địa phương. Điều đó có tác dụng vô cùng to lớn, làm cho người dân hai địa phương hiểu được những văn hoá trong sinh hoạt của những người bạn “láng giềng gần”, chính điều này sẽ tạo ra mối quan hệ mật thiết, gần gũi hơn. Trong các hội đàm gặp gỡ giao lưu, hai bên vẫn luôn nhất quán về quan điểm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá thường niên, có những việc làm cụ thể trên cơ sở tôn trọng pháp luật và quy định liên quan đến phát huy thế mạnh văn hoá của hai nước. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục triển khai các đoàn cán bộ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý văn hoá, bảo tồn và tận dụng giá trị của các di sản văn hoá của hai tỉnh và hai nước. Để nâng cao trình độ của các diễn viên biểu diễn văn hoá nghệ thuật, hai bên cũng đã tiến hành tập huấn về múa, thanh nhạc… cùng một số môn văn hoá mạng tính dân gian tại các trường nghệ thuật Quảng Tây và Quảng Ninh. Hai bên cũng rất chú trọng tới việc tăng cương hợp tác về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để cùng nhau đẩy mạng và hoàn thành dự án hợp tác về xây dựng khu biểu diễn thực cảnh trên Vịnh Hạ Long, cùng với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của hai tỉnh đầu tư vào phát triển lĩnh vực văn hoá. Những hoạt động tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển văn hoá giữa hai tỉnh đã và đang tạo đà cho hai vùng văn hoá mang tính đặc thù của mỗi quốc gia cùng phát triển.

Để xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển Việt Nam và Trung Quốc phát triển hơn nữa cũng cần chú trọng đến công tác truyền thông. Năm 2010, Báo Quảng Ninh và Tập đoàn Truyền thông Nhật Báo Quảng Tây đã ký kết thoả thuận hợp tác, mở ra một bước phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên. Qua hơn 6 năm, hợp tác tuyên truyền giữa hai bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo Quảng Ninh đã mở chuyên mục “Quảng Tây, Trung Quốc” trên trang Quốc tế của Báo, định kỳ 1 tháng có 2 chuyên mục.

Trong đó, tập trung đăng tải những bài viết do phóng viên Quảng Tây Nhật báo thực hiện về tình hình kinh tế - xã hội, du lịch, đầu tư... của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Quảng Tây Nhật báo cũng đăng tải nhiều bài viết của phóng viên Báo Quảng Ninh giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, du lịch, chính sách thu hút đầu tư... của tỉnh Quảng Ninh. Các nội dung hợp tác tuyên truyền đảm bảo đúng quy định hợp tác của hai nước, góp phần thúc đẩy, củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai tỉnh, khu nói riêng và hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung. Hàng năm, ngoài báo chí, Đài phát thanh Truyền hình Quảng Ninh cùng với Đài truyền hình, Đài phát thanh nhân dân Quảng Tây, Trung Quốc cũng có những chuyến thăm hỏi giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

Cùng với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các cơ quan truyền thông hai bên (Đài phát thanh truyền hình và Báo Quảng Ninh - Đài phát thanh nhân dân và Nhật báo Quảng Tây) đã hợp tác tích cực trong việc trao đổi nhân sự, chương trình thời sự, thực hiện quảng bá hình ảnh hai địa phương. Hai đơn vị đã cùng hợp tác để phát hành đặc san Hoa Sen. Đặc biệt đài phát thanh nhân dân Quảng Tây đã có sự hỗ trợ đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh về thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí sản xuất sản phẩm phát thanh mới, chuyển giao format chương trình phát thanh mới và cử chuyên gia sang đào tạo cán bộ cho đài Quảng Ninh. Hiện đài Phát thanh truyền hình của cả hai tỉnh - khu đều đã có bản tin thời sự phát bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Trung, giúp cho nhân dân hai địa phương không chỉ nắm rõ tình hình tỉnh mình mà còn nắm bắt được tình hình hợp tác giữa hai bên. Qua các hoạt động văn hóa phong phú, với những nét tương đồng và gần gũi, sự hiểu biết về đất nước và con người giữa hai quốc gia thêm sâu sắc, nhờ đó văn hóa trở thành nhân tố truyền thống bền vững và là điểm tựa cho quan hệ toàn diện giữa hai nước.

Trên lĩnh vực giáo dục, những năm qua, hệ thống trường lớp phát triển nhanh, nếu năm 1962 toàn tỉnh mới chỉ có một số ít trường vỡ lòng, cấp 1 thì đến 2013 toàn ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Quảng Ninh đã có trên 600 trường học từ mầm non đến đại học với hơn 200.000 học sinh sinh viên. Hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và đa dạng, được hình thành với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo. Mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá tiếp cận với trình độ tiên tiến, thích ứng với nhu cầu nguồn nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tình và của từng địa phương được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai tích cực hiệu quả.

Việc đảm bảo chất lượng giáo dục luôn là yêu cầu hàng đầu và cấp bách nhất. Bằng nhiều biện pháp tích cực và khoa học, ngành Giáo dục & Đào tạo đã nâng cao từng bước chất lượng giáo dục của các vùng miền trong toàn tỉnh, đẩy mạnh giáo dục miền núi, đưa giáo dục vùng đô thị, đồng bằng tiến kịp với các tỉnh lớn trong toàn quốc. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng được nâng lên. Quảng Ninh luôn tự hào đứng trong top 15 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về bình quân điểm thi đại học cao đẳng, hàng năm trung bình có trên 7.000 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của cả nước. Đội ngũ giáo viên trong toàn ngành Giáo dục & Đào tạo được xây dựng đủ về số lượng, được chuẩn hoá cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý ngành ngoại ngữ, tin học. Từ một tỉnh còn thiếu giáo viên, đến nay, đội ngũ giáo viên đã có đủ cho mọi vùng miền. Biên chế cán bộ giáo viên tăng dần hàng năm. Tính đến năm 2013, Quảng Ninh đã có trên 21.000 cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên 40% giáo viên đạt trên chuẩn về đào tạo. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” luôn được duy trì, xuất hiện nhiều nhân tố mới. Chỉ tính trong vòng 5 năm (2008 - 2013), ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự đón nhận 38 Huân chương của Nhà nước; 32 Bằng khen và 06 Cờ thi đua của Chính phủ; 09

Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các đoàn thể. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, mà còn là nền tảng vững chắc thúc đẩy Ngành phát triển nhanh và vững mạnh trong thời gian sắp tới.

Thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng tới hoạt động hợp tác quốc tế ở nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, học sinh, sinh viên đã và đang ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường chuyên nghiệp đang chú trọng, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo. Trong đó, phải kể đến sự hợp tác giữa Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh với các trường đại học của Trung Quốc như: Đại học Điện lực Hoa Bắc, Đại học Công nghệ Liêu Ninh, Đại học Bách khoa Côn Minh… về việc tạo điều kiện cho sinh viên đi du học,Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc ký kết biên bản hợp tác với Học viện Kỹ thuật và Dạy nghề công trình sinh thái Quảng Tây. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo hiện rất có ý nghĩa đối với các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các đơn vị nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra.

Hàng năm, tỉnh Quảng Tây đều hỗ trợ những suất học bổng toàn phần hoặc bán toàn phần cho sinh viên các nước ASEAN, đây cũng là một cơ hội lớn để sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Quảng Ninh nói riêng được sang học tập và sinh sống tại Trung Quốc. Bên cạnh việc trao đổi, giao lưu du học sinh sang học tập nghiên cứu khoa học nói chung thì tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây còn có nhiều chương trình giao lưu du học sinh trên nhiều lĩnh vực khác như quân sự, thể thao, ngôn ngữ…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây đang có nhiều dự định trong việc xây dưng nên những trường học ở khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, có thể là những trường học nghề bồi dưỡng kĩ thuật như: bồi dưỡng việc học tiếng Trung và tiếng Việt, dịch vụ du lịch, mậu dịch quốc tế, kĩ thuật gia công chế biến, kĩ thuật nông nghiệp thực dụng… để đảm bảo cung cấp nhân lực cho khu hợp tác xuyên biên giới và các hợp tác khác của hai bên. Đồng thời triển khai hợp tác với các trường học trong nước có ngành học tiếng Việt, ngành du lịch, coi trường nghề là cơ sở thực tế, tăng cường lực lượng hậu bị và mở rộng không gian phát triển cho các trường này.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có những thành tựu to lớn trong sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước. Với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới xây dựng kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh ngày càng vững mạnh, tích cực đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Một phần của tài liệu QUAN hệ GIỮA TỈNH QUẢNG tây (TRUNG QUỐC) và TỈNH QUẢNG NINH (VIỆT NAM) GIAI đoạn 2010 2016 (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w