- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
2.1.1. Chính trị ngoại giao
Những năm qua, quan hệ Việt - Trung có nhiều biến động và cũng đã đạt được những thành tựu nhất định trên nhiều lĩnh vực, trên cơ sở đó, quan hệ giữa các tỉnh vùng biên giới hai nước đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Trước tiên là trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao - một nội dung rất được quan tâm, bởi đó là điều kiện, là cơ sở tiên quyết để các mặt quan hệ khác giữa hai tỉnh có thể diễn ra tốt đẹp và phù hợp với quan hệ giữa hai quốc gia cũng như lợi ích của cả hai địa phương.
Năm 2011 đánh dấu tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hoá quan hệ, và giai đoạn 2010 - 2016 là giai đoạn có nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước nói chung và 2 tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây nói riêng. Bằng chứng sinh động là các cấp Tỉnh ủy, Ủy ban, cơ quan ngoại vụ và các ban ngành địa phương của hai tỉnh liên tục có các cuộc thăm viếng lẫn nhau hàng năm. Trong các cuộc viếng thăm đó có các cuộc hội đàm, các bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực được kí kết giữa chính quyền nhân dân hai bên, tạo môi trường chính trị thuận lợi thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác. Thông qua các cuộc hội đàm giữa các lãnh đạo cấp cao, hai bên một lần nữa khẳng định lại truyền thống và tầm quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước; những nhận thức chung về quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được đồng thời tổng kết những kinh nghiệm đảm bảo cho quan hệ hai nước phát triển tương đối ổn định trong thời gian qua, đó là: tôn
trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau. Do đó có thể thấy trên tinh thần ngoại giao Việt - Trung, hai tỉnh thiết lập được mối quan hệ ngoại giao phù hợp và ổn định sẽ tạo cơ sở vững chắc cho các lĩnh vực hợp tác khác có điều kiện phát triển, đặc biệt là những lĩnh vực được coi là tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Trên cơ sở quan hệ cấp nhà nước có nhiều tiến triển, năm 2011 cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây như: Chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Tây ngày 23/03. Chuyến thăm và làm việc này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai tỉnh. Ngày 27/04, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh và Tập đoàn Truyền thông Nhật Báo Quảng Tây đã tổ chức toạ đàm hợp tác truyền thông đã kí kết thoả thuận hợp tác, mở ra một bước phát triển mới trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên. Ngày 28/6/2010, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Tây. Ông Bành Chi trưởng phòng hợp tác quan hệ Quốc tế cùng với các trưởng phòng đại diện cho lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Quảng Tây tiếp và làm việc với Đoàn. Cũng trong tháng 6, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động Quảng Ninh đã tới thăm và làm việc với Tổng Công hội Quảng Tây. Một sự kiện quan trọng không thể không kể đến đã góp phần rất lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai tỉnh là chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Mã Tiêu tại Việt Nam và dự Hội nghị lần thứ 3 Ủy ban công tác liên hợp giữa Quảng Tây và 4 tỉnh biên giới của Việt Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, vì quyền lợi chung của cả Việt Nam và Quảng Tây. Trong chuyến thăm này, ông Mã Tiêu, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã đề nghị về
một số định hướng kế hoạch phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Quảng Tây như thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông kết nối Quảng Tây với các tỉnh của Việt Nam; xây dựng các khu kinh tế giáp biên giới, đẩy mạnh hợp tác du lịch, giáo dục…
Trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia đang căng thẳng như vậy, nhưng với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, cùng với quan điểm xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị anh em với Quảng Tây, lãnh đạo các cấp và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều buổi hội đàm, nhiều chương trình giao lưu, hợp tác, tiếp xúc giữa hai bên. Điều đó không những góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai tỉnh mà còn phần nào giúp giảm đi “sức nóng” trong quan hệ hai nước. Hơn nữa, trong năm 2011, tỉnh Quảng Tây không ngừng phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ về cả chiều rộng và chiều sâu, tăng cường thúc đẩy phát triển thương mại với các nước ASEAN. Và trong tiến trình hợp tác đó, Quảng Ninh - một tỉnh được coi là “cầu nối” giữa Quảng Tây và các nước ASEAN đã đóng vai trò không hề nhỏ.
Những dự báo của năm 2011 về quan hệ hai nước Việt - Trung rất khả quan, nhưng sang năm 2012 quan hệ Việt - Trung lại không được cải thiện như mong đợi vì ảnh hưởng của vấn đề Biển Đông. Trong năm 2012 lãnh đạo cấp cao hai nước chỉ có cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị như Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20 tại Liên bang Nga, Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam, cuộc gặp gỡ cấp cao tại Hội chợ ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh thương mại, đầu tư ASEAN - Trung Quốc lần thứ 9 tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Trong những cuộc gặp đó, lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh về quan hệ giữa nhân dân hai nước cần tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ
trẻ; tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Mặc dù các hoạt động chính trị ngoại giao vẫn diễn ra như thường lệ nhưng bầu không khí của quan hệ Việt - Trung vẫn không được như mong muốn, vẫn không xoá được khoảng cách đang hiện hữu giữa hai nước do tác động của vấn đề Biển Đông. Cùng với ảnh hưởng tâm lý từ quá khứ lịch sử, vấn đề tồn tại trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc, những căng thẳng ở Biển Đông trong năm 2012 càng khiến không gian xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bị thu hẹp. Mặc dù trong bối cảnh quan hệ hai nước gần như “đóng băng” như vậy, tỉnh Quảng Ninh vẫn tiến hành thực hiện đúng theo chủ trương sáng suốt của Đảng, tích cực cải thiện tình hình quan hệ hai nước thông qua việc tăng cường hợp tác giao lưu với Quảng Tây thúc đẩy mổi quan hệ này phát triển toàn diện về cả chiều rộng và chiều sâu. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và khảo sát học tập kinh nghiệm tại Quảng Tây như: Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dẫn đầu thăm chính thức tỉnh Quảng Tây từ ngày 15 đến 20/04/2012; Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Quảng Ninh khảo sát học tập kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, mô hình một cửa tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Qua đó, hai bên đã tích cực trao đổi thông tin, tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại, hữu nghị. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Quảng Tây trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá, đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, thông tin và hợp tác quản lý vùng biên giới, thể hiện thông qua các hoạt động trao đổi thông tin cơ chế chính sách về kinh tế, thương mại giữa hai bên. Phối hợp tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến và hội chợ thương mại; từng bước thực hiện tiện lợi hoá thông quan tại cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan. Từ những hoạt động giao lưu, hợp tác này đã là điểm tựa để các doanh nghiệp hai bên mạnh dạn
hợp tác trong hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư vào các Khu công nghiệp. Ngoài ra còn một số các hoạt động khác như: Ngày 06/12 đoàn đại biểu do bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu tham gia Hội nghị Uỷ ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tạo điều kiện cho các ngành, đơn vị và nhân dân 2 bên qua lại giao lưu hữu nghị, đồng thời tăng cường hợp tác thúc đẩy đầu tư giữa các doanh nghiệp hai tỉnh.
Năm 2013 là năm chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể đánh giá là năm đầy sôi động của quan hệ Việt - Trung trên lĩnh vực chính trị ngoại giao với những chuyến thăm chính thức cấp cao của lãnh đạo hai nước cùng các hoạt động giao lưu sôi nổi ở các địa phương. Quan hệ Việt - Trung đã có những bước phát triển nồng ấm trở lại sau thời gian cục diện quan hệ hai nước bị chi phối bởi những căng thẳng liên quan đến chủ quyền biển đảo, tàu cá, ngư dân kéo dài từ 2011. Từ đó, quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác cũng có những bước biến chuyển mới.
Ngày 10/06/2013, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã có buổi gặp và hội đàm với đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc do ông Bành Thanh Hoa, Bí thư Khu uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ quốc hội Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội. Nhận lời mời của đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh, đoàn Đại biểu Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc do đồng chí Bành Thanh Hoa, uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu uỷ, Chủ nhiệm Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Khu tự trị dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Quảng Ninh từ ngày 11/10/2013.
Như đã nói ở trên, các hoạt động chính trị ngoại giao có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là điều kiện, là cơ sở tiên quyết đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy các mặt quan hệ khác giữa hai tỉnh có thể diễn ra tốt đẹp và phù hợp với quan hệ giữa hai quốc gia cũng như lợi ích của cả hai địa phương. Vì vậy, mặc dù những chuyến thăm cấp cao giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây trong năm 2013 không nhiều nhưng đã đạt được hiệu quả to lớn, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai tỉnh láng giềng ngày càng sâu rộng.
Bước sang năm 2014, một sự kiện diễn ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, đó là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 918 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mọi hoạt động trên lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào việc giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương - 918 nhằm sớm có thể ổn định tình hình, tránh xảy ra xung đột. Năm 2014 được đánh giá là năm quan hệ Việt - Trung “rơi xuống đáy”, phá vỡ cục diện ổn định, phá vỡ mọi cố gắng và thành quả mà cả hai bên xây dựng trước đó.
Trong sức nóng của sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 918 khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, vì vậy mọi hoạt động chính trị ngoại giao giữa hai tỉnh trong năm này dường như chững lại. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo và đường lối sáng suốt của Đảng, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn tin tưởng tuyệt đối rằng Đảng ta sẽ sớm đưa ra đối sách giải quyết vụ việc này, sớm đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường. Chính vì vậy, những hoạt động kinh tế hợp tác đầu tư, việc thực hiện những dự án hợp tác giữa hai tỉnh được kí kết trước đó vẫn diễn ra bình thường như tiến hành khởi công Dự án cao tốc, đường dẫn cầu Bắc Luân II nối Móng Cái với Quảng Tây; Tham dự các hội nghị, diễn đàn hợp tác như Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 11, Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Ngày 17/12/2013 tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì Hội thảo “Tư
vấn xây dựng các khu kinh tế qua biên giới Việt - Trung” diễn ra tốt đẹp. Bên cạnh đó, nhằm giảm sức nóng trong nhân dân bởi chính trị hai nước, hai tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu thường niên như: tham dự Liên hoan Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung; Tham dự hội chợ Thương mại du lịch biên giới Trung - Việt tại thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, ông Lê Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc hội kiến với ông Lưu Chính Đông - Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ông Lưu Chính Đông - Phó Chủ tịch Chính hiệp Quảng Tây đã vui mừng chào đón ông Lê Quang Tùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đoàn lãnh đạo, cán bộ các Bộ ngành Việt Nam đến tham dự Hội chợ Thương mại - Du lịch biên giới Trung - Việt năm 2014. Ông Lưu Chính Đông đã đánh giá cao sự nỗ lực của hai địa phương: Đông Hưng và Móng Cái trong việc thực hiện ký kết Ý định thư “thiết lập quan hệ thành phố hữu nghị”. Sự kiện là điểm nhấn quan trong trong hợp tác, hữu nghị giữa hai địa phương và mang đến niềm vui cho nhân dân hai bên biên giới và là cơ sở tăng cường giao lưu và hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học kĩ thuật, giáo dục, giao thông, văn hóa để làm cho hai thành phố ngày càng phồn vinh và phát triển theo đúng chủ trương 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt của hai Đảng, hai Nhà nước.
Năm 2015, với sự nỗ lực của cả hai phía, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được làm nóng trở lại bằng các chuyến thăm cấp cao và nhiều hoạt động khác. Tháng 04/2015 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, đây được coi là chuyến thăm “hàn gắn quan hệ” hai nước Việt - Trung. Tháng 11/2015 Tổng Bí thư, Chủ tịch tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, đây được đánh giá là “khởi động lại quan hệ với Việt Nam”,
“vực dậy quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Singapore và ASEAN”. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nếu để cho quan hệ Việt - Trung xấu đi hơn nữa thì sẽ không thể cứu vãn nổi mối quan hệ song
phương [61], vì vậy hai bên cần có động thái để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực, sớm đưa quan hệ hai nước ổn định, phát triển trở lại.
Góp phần vào sự nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước Việt - Trung, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây cũng có nhiều bước tiến. Ngày 25/04/2015 các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang đã ký Biên bản ghi nhớ Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban công tác liên hợp