- Về phía tỉnh Quảng Ninh:
3.2.1. Sự tương đồng
Xét về sự tương đồng trong quan hệ của các tỉnh ở Việt Nam giáp biên với Trung Quốc ta có thể đưa ra một số yếu tố tiêu biểu như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc có đường biên giới chung trên đất liền với Việt Nam dài 1.350 km, giáp với các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (giáp với Vân Nam), Hà Giang (giáp Vân Nam và Quảng Tây), Cao Bằng, Lạng Sơn,
Quảng Ninh (giáp với Quảng Tây). Có thể thấy được, trong 7 tỉnh Việt Nam giáp với biên giới Trung Quốc thì chủ yếu là các tỉnh có địa hình cao, núi liền núi sông liền sông với Quảng Tây và Vân Nam cũng là những tỉnh có địa hình tương đối cao của Trung Quốc. Địa hình Việt Nam ¾ là đồi núi, nhất là ở khu vực biên giới phía bắc, rừng núi lại càng rậm rạp, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ tình riêng ở tỉnh Quảng Ninh, số dân tộc anh em chung sống trên địa bàn đã lên tới 22 dân tộc, chủ yếu là các dân tộc như: Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Nùng, Thái, Mường, Khơme, Hmông, Thổ, Giáy… Trên địa bàn tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) cũng chủ yếu là các dân tộc thiểu số. Nhân dân trên khu vực biên giới hai nước sống gần nhau, lâu dần không những đã có sự giao lưu trao đổi buôn bán mà xét về mặt điều kiện lịch sử, văn hoá xã hội, lối sống của các dân tộc anh em ở khu vực này cũng có khá nhiều nét tương đồng.
Thứ hai, Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phải khẳng định, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, trăn trở đến việc đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi và những địa phương biên giới hải đảo. Rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, tăng cường văn hoá giáo dục, ổn định an sinh xã hội được thực hiện. Đặc biệt nhà nước rất quan tâm đến việc khuyến khích các tỉnh vùng biên giới phía bắc Việt Nam và Trung Quốc giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hoá và hợp tác đầu tư cùng phát triển. Qua đánh giá sơ bộ, kết quả của công tác dân tộc, so với yêu cầu chưa đạt, song vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015, Nhà nước đã đầu tư định canh, định cư cho 30.000 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 12.000 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 7.000 hộ; 80 xã, 372 thôn, bản đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8% [71].
Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra, lãnh đạo các tỉnh biên giới phía bắc quán triệt nghị quyết của Đảng đến từng địa phương, nghiêm cấm các hoạt động công kích, mê hoặc, lừa đảo nhân dân nhằm mục đích phản động gây rối trật tự an ninh quốc gia. Đồng thời, các tỉnh biên giới cũng thường xuyên thăm hỏi, trao đổi, đề ra các kế hoạch hợp tác và thực hiện tốt các chiến lược phát triển kinh tế vùng biên giới mà hai nước Việt - Trung đề ra. Thành lập các khu kinh tế cửa khẩu ở các tỉnh: Quảng Ninh có khu kinh tế Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn; Lạng Sơn có khu kinh tế Đồng Đăng, Chi Ma; Cao Bằng có khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng; Hà Giang có khu kinh tế Thanh Thuỷ; Lào Cai có khu kinh tế Lào Cai; Lai Châu có khu kinh tế Ma Lù Thàng; Điện Biên có khu kinh tế Tây Trang. Việc thành lập các khu kinh tế cửa khẩu này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các tỉnh biên giới, không những tiên phong dẫn đầu nền kinh tế trong tỉnh mà nó còn là yếu tố thúc đẩy hợp tác với các địa phương biên giới hai nước Việt - Trung. Việc thành lập các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới là một chiến lược, định hướng nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới không chỉ góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, thuận lợi hoá thương mại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu vực biên giới, mà còn đóng góp vào sự phát triển các chuỗi cung ứng vùng và toàn cầu.
Thứ ba, Cũng giống như các địa phương giáp biên khác, quan hệ giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây cũng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình rừng núi rậm rạp, việc đi lại và quản lý khó khăn, dân cư thưa thớt lại chủ yếu là các đân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhất là đây lại là khu vực cực kỳ phức tạp với các băng đảng tội phạm hoạt động vô cùng tinh vi, manh động, thường xuyên xảy ra các vụ buôn lậu hàng hoá, buôn bán trái phép chất ma tuý,
mại dâm, trộm cắp, thậm chí buôn người, gây khó khăn không những tới công tác quản lý dân cư và trật tự trị an trong khu vực mà còn đến các lực lượng quản lý và bảo vệ an ninh biên giới của tỉnh. Chính vì vậy, các tỉnh biên giới mà trước hết là tỉnh Quảng Ninh rất cần đến sự quan tâm của các cấp, ban ngành và nhất là sự ủng hộ hợp tác của nhân dân.
Thứ tư, Hai nước Việt - Trung đã thống nhất và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài trong đó có sự tham gia của các địa phương giáp biên của hai nước, điều này càng đem lại sự gắn kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh vùng biên như: Hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng. Đây là một sáng kiến trong hợp tác có tính liên vùng và xuyên quốc gia, nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương mà “Hai hành lang một vành đai kinh tế” đi qua, đồng thời phát huy vai trò lan tỏa của nó đối với các địa phương khác thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi và cùng phát triển bền vững.
Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (Nhất đới, nhất lộ), là một khuôn khổ cho tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia của Trung Quốc thông qua hai kế hoạch thành phần, Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển. Ngày nay, thương mại qua biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực biên giới, mà đã trở thành hoạt động thương mại giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cửa khẩu biên giới đất liền đã trở thành những cửa ngõ - cây cầu trung chuyển hàng hóa giữa các nước có chung biên giới. Nhìn chung, hợp tác kinh tế qua biên giới thường hướng tới các mục tiêu: nâng cấp giao thông, thuận lợi hoá thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Nhằm khai thác lợi thế khu vực biên giới đất liền trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng nhau nghiên cứu xây dựng và phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Các địa phương có chung đường biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu (Việt Nam) và Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đã và đang chủ động tìm cách khai thác, phát huy lợi thế của mỗi bên, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế, cùng có lợi, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng giáp biên... Đây là những điều kiện tiền đề thuận lợi để đẩy nhanh việc triển khai các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung.
Trung Quốc và Việt Nam đang định hướng xây dựng 4 khu hợp tác kinh tế qua biên giới bao gồm: Đông Hưng - Móng Cái; Bằng Tường - Đồng Đăng; Long Bang - Trà Lĩnh và Hà Khẩu - Lào Cai nhằm tận dụng thị trường hàng hoá mà hai bên đều là nước sản xuất cũng như có thị trường lao động phong phú, triển khai thương mại chế biến xuất khẩu xuyên biên giới, thực thi chính sách tự do thương mại và đầu tư, mở rộng cửa khẩu biên giới.
Nhưng có một điểm chung lớn nhất đó là nhân dân hai nước Việt - Trung nói chung và nhân dân các tỉnh biên giới nói riêng đều chung một mơ ước hướng tới một cuộc sống hoà bình ổn định, không có chiến tranh, căng thẳng. Vì vậy, điểm chung lớn nhất giữa các tỉnh biên giới chính là xu hướng hoà bình, ổn định, cùng phát triển.