Đặc điểm hoạt động lãnhđạo của giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một phần của tài liệu NOIDUNGLA (3) (Trang 45 - 46)

3. Nhận dạng cơ hội nghiên cứu của luận án từ phần tổng quan tài liệu

1.2.2Đặc điểm hoạt động lãnhđạo của giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hoạt động lãnh đạo là một hoạt động đặc biệt, lao động của giám đốc doanh nghiệp cũng là một lao động đặc biệt. Đặc điểm hoạt động lãnh đạo nói chung bao gồm những điểm như lao động của nhà lãnh đạo là lao động trí óc; hoạt động lãnh đạo là hoạt động mang tính tâm lý xã hội; hoạt động lãnh đạo mang tính sư phạm; hoạt động lãnh đạo của nhà lãnh đạo mang tính chuyên môn cao; sản phẩm của hoạt động lãnh đạo là các quyết định. Như vậy, trên cương vị giám đốc- nhà lãnh đạo và điều hành doanh nghiệp, giám đốc DNNVV cũng mang những đặc điểm của hoạt động lãnh đạo nói chung. Tuy nhiên, xuất phát từ các đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ như đã phân tích ở trên có thể nhận ra những đặc điểm nổi bật trong hoạt động lãnh đạo của giám đốc DNNVV như sau:

Thứ nhất, khi môi trường kinh doanh của các DNNVV ngày càng khó khăn, rủi ro ngày càng nhiều, cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt thì đòi hỏi giám đốc DNNVV phải đối mặt với thử thách, họ phải có năng lực, ý chí vững vàng hơn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thứ hai, trong DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì cơ chế giao tiếp thường là cơ chế thoáng, đơn giản, dựa trên quan hệ giữa cá nhân và cá nhân là chủ yếu. giám đốc thích được gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhân viên. Trong doanh nghiệp nhỏ, sự trao đổi thông tin thường dựa trên quan hệ cá nhân không chính thức và không theo một khuôn mẫu nhất định, ở đó người ta thích giao tiếp bằng lời nói hơn là bằng văn bản, do vậy luôn tạo ra không khí làm việc thân mật và gần gũi. Điều này sẽ giúp năng lực lãnh đạo cấp dưới của giám đốc DNNVV như: năng lực khuyến khích, động viên, phân quyền, ủy quyền, truyền thông…sẽ dễ dàng và mang lại hiệu quả cao.

Thứ ba, trong DNNVV, đặc biệt là khi giám đốc doanh nghiệp cũng chính là chủ sở hữu thì tính tập trung quyền lực vào giám đốc - chủ doanh nghiệp khá rõ nét bởi họ chính là người ra quyết định về mọi hoạt động đối nội cũng như đối ngoại của doanh nghiệp. Do vậy, để điều hành và quản lý doanh nghiệp, giám đốc đòi hỏi phải có tố chất, kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo khá tổng hợp và toàn diện.

Thứ tư, do cơ cấu tổ chức không cồng kềnh và phức tạp nên tính chuyên môn hoá trong hoạt động lãnh đạo và quản lý trong DNNVV tương đối thấp. Nếu như đối với doanh nghiệp lớn, những hoạt động khác nhau như: marketing, mua bán, dự trữ, tài chính, nhân sự, quan hệ khách hàng,…do các chuyên gia quản lý điều hành chuyên biệt nhưng đối với một số DNNVV thì tính chuyên môn hoá bị hạn chế rất nhiều. Thậm chí trong một số trường hợp giám đốc doanh nghiệp vừa là thủ quĩ, vừa là chuyên gia marketing, nhân sự…Điều này càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải nâng cao năng lực lãnh đạo đối với giám đốc các DNNVV trong xu thế hội nhập như hiện nay.

Nhìn chung với vai trò là người điều hành doanh nghiệp, giám đốc DNNVV phải tiến hành hoạt động lãnh đạo vừa mang tính bao quát vừa mang tính tác nghiệp, vừa trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện các hoạt động lãnh đạo con người trong doanh nghiệp. Để thức hiện tốt vai trò của mình, giám đốc DNNVV cần có năng lực lãnh đạo thực sự, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ và phẩm chất nghề nghiệp nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp trên thị trường, đem lại thu nhập chính đáng cho bản thân và các thành viên khác trong doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu NOIDUNGLA (3) (Trang 45 - 46)